Chùa Tam Bửu là 1 trong 4 di tích thuộc Cụm di tích kiến trúc, lịch sử cấp quốc gia được công nhận vào năm 1980. 4 di tích đó gồm: Chùa Tam Bửu, núi Tượng, chùa Phi Lai và Nhà mồ tập thể nạn nhân của bọn diệt chủng Polpot.
Chùa Tam Bửu nép mình sát chân núi Tượng, tại thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Đó là nơi khai đạo Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa - một hình thức tôn giáo kháng chiến chống Pháp của phong trào Cần Vương. Trong giai đoạn khai đạo, chùa Tam Bửu trải qua hàng trăm cuộc càn quét lớn nhỏ của quân Pháp xâm lược. Dù hàng chục lần bị quân Pháp đốt cháy, cướp phá, ngôi chùa vẫn tồn tại cho đến ngày nay.
Đặc biệt, trong ngôi chùa cổ này có một di vật được cho là linh thiêng, bất hoại. Đó là ngôi Long Đình.
Có thể nói Tứ Ân Hiếu Nghĩa là một tôn giáo tái sinh của tôn giáo Bửu Sơn Kỳ Hương. Vì đa thần, trong chùa Tam Bửu có hơn 30 bàn hương án thờ Hội đồng Thượng Phật, Quan Thánh Đế Quân, Cửu huyền bá tánh, Thập vương Hộ pháp, Chánh tăng, Phật vương, Phật thầy Tây An, Phật trùm… Ngoài những bàn hương án thờ chư vị Phật, thánh, thần, trong chùa còn có một di vật bằng gỗ được gọi là "ngôi Long Đình" đặt trang trọng ở gian chánh điện để thờ một đấng bề trên cao trọng nào đó được gọi là "đấng Phật vương".
Không ai biết cụ thể đấng Phật vương là ai, danh xưng là gì. Di vật có dáng vẻ giống chiếc kiệu gỗ dành cho vua, chúa nhưng không có đòn khiêng. Chiếc "kiệu" cao khoảng 3m, mỗi mặt có bề ngang khoảng 2m được chạm trổ long phụng uốn lượn; sơn son thếp vàng; bên trong để sẵn 1 cặp gối mặt thụt (kiểu gối xưa), 1 cặp lỗ ban xích và 1 cặp linh ấn (tạm hiểu là ấn để làm phép tâm linh). Những cao đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa cho biết, ngôi Long Đình này là bản chính gốc kể từ ngày chế tác cho đến nay.
Theo sử liệu, người khai sáng đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa là Đức Bổn sư Ngô Lợi - một lãnh tụ kháng Pháp tại Nam Kỳ Lục tỉnh vào cuối thế kỷ XIX. Ông tên thật là Ngô Viện, còn có tên khác là Ngô Tự Lợi hoặc Năm Thiếp, sinh năm 1831 ở Mỏ Cày, Bến Tre.
Năm 1867, ông cùng nghĩa quân Trần Văn Thành lập căn cứ kháng chiến Láng Linh - Bãi Thưa. Năm 1871, căn cứ Láng Linh - Bãi Thưa thất thủ, ông rút về Bến Tre làm ẩn sĩ tu hành chờ thời cơ. Những ngày này, ông thuyết pháp thu phục tín đồ, thật ra là để thu dụng nghĩa sĩ yêu nước, mưu đồ kháng chiến.
Năm 1876, ông đưa "tín đồ" trở về núi Tượng, Ba Chúc mượn cớ khai đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa để dựng cờ mở làng kháng chiến và cất chùa Tam Bửu bằng cây lá đơn sơ. Thuở đó, Ba Chúc là một vùng sơn địa hoang vu rừng, hiểm trở. Có thể nói, làng kháng chiến An Định (tức Ba Chúc) là 1 dấu son trong lịch sử kháng Pháp ở miền Nam và là một phương thức đấu tranh chống ngoại xâm rất sáng tạo của nghĩa sĩ giai đoạn đó.
Năm 1877, ông về Cai Lậy, Tiền Giang hợp nhất với phong trào Cần Vương của Lê Văn Ong và Võ Văn Khả. Năm 1879, Lê Văn Ong và Lê Văn Khả bị Pháp đàn áp gắt gao, để bảo toàn lực lượng, Ngô Lợi đưa hết nghĩa quân đào thoát về làng kháng chiến Ba Chúc.
Ông không nói cho các đồ đệ biết ý nghĩa của việc thờ ngôi Long Đình. Tuy nhiên, ai cũng đoán đó là biểu tượng của phong trào Cần Vương. Tuy trá hình tôn giáo nhưng ý đồ kháng Pháp của Bổn sư Ngô Lợi không qua được những cặp mắt cú vọ của bọn mật thám, Việt gian. Toàn quyền Pháp cử ngay đốc phủ Trần Bá Lộc đưa quân lính vào xóa toàn bộ làng kháng chiến. Vì nhận thấy quân kháng chiến chưa đủ thực lực, thời cơ khởi nghĩa chưa đến nên Bổn sư Ngô Lợi không cho tín đồ phản kháng, ẩn nhẫn chịu đựng trận càn quét vô nhân của Trần Bá Lộc như những người tu hành.
Theo lệnh của Trần Bá Lộc, quân Pháp bao vây chùa Tam Bửu rồi truy tìm những người lãnh đạo để giết. Trong lúc quân Pháp bao vây, những cao đồ không còn đường rút lui đành chui đại vào ngôi Long Đình ẩn trú. Điều lạ là ngôi Long Đình trống hoác, lại không màn che nhưng quân Pháp lại không phát hiện ra. Nhờ vậy, những người ẩn trú trong ngôi Long Đình hoàn toàn bình an vô sự. Khi quân Pháp rút đi, Bổn sư Ngô Lợi cùng các cao đồ mới rời chùa, sang Campuchia lánh nạn.
Tuy bị đàn áp dã man nhưng quân Pháp vừa rút đi, các tín đồ lại trở về với làng Ba Chúc.
Ngôi Long Đình được đặt nơi trang trọng nhất trong chùa Tam Bửu.
Hay tin tín đồ trở về vùng Ba Chúc, năm 1885, Trần Bá Lộc lại dẫn binh lính kéo đến đàn áp. Lần này, chúng đốt sạch, phá sạch mọi thứ. Vì nghe các tín đồ đồn đại rằng, ngôi Long Đình là nguyên khí của giáo phái. Long đình mất giáo phái mới mất. Lần càn quét này Trần Bá Lộc cho quân kéo ngôi Long Đình về để ở nhà riêng. Một lần nữa Bổn sư Ngô Lợi phải chạy sang Campuchia lánh nạn.
Do vắng giáo chủ, các tín đồ tự đi tìm gỗ quý đóng lại một bản sao ngôi Long Đình để thờ tự. Khi biết tin, đức Bổn sư trách: "Sau này, người ta tự mang Long Đình trả về chỗ cũ, mắc gì đóng cái mới. Người nào mang Long Đình đi sẽ chết nằm, chôn đứng, thiên hạ khinh khi". Không ai tin những điều này bởi Trần Bá Lộc đang ngất ngưởng trên đỉnh quyền lực.
Trần Bá Lộc sinh năm 1839, là con trai một tú tài nghèo ở Cù lao Giêng, An Giang. Năm Lộc 20 tuổi, quân Pháp bắt đầu tấn công Sài Gòn (năm 1859). Đang buôn cá bằng tàu chèo tay, Lộc xin vào làm lính tập của Pháp. Nhờ khát máu, chỉ sau 2 năm, Lộc được Pháp giao cho chức cai, sau đó leo lên đến chức tri huyện. Là người Việt nhưng Lộc rất "say mê" đàn áp những nghĩa sĩ kháng chiến đến nỗi các sĩ quan Pháp cũng khinh miệt.
Năm 1868, Lộc leo lên chức Đốc phủ sứ Cái Bè. Tuy đóng ở Cái Bè nhưng tầm hoạt động "lùng diệt quân kháng chiến" của Lộc phủ khắp miền Nam. Hầu hết các cuộc kháng chiến ở miền Nam giai đoạn này đều do Trần Bá Lộc dẫn quân đi đàn áp. Khi leo đến chức Tổng đốc Bình Thuận - Khánh Hòa thì con trai Lộc là Trần Bá Thọ được Pháp cho nối quyền cha nhận chức Đốc phủ sứ Cái Bè.
Những ngày già yếu cuối đời, Trần Bá Lộc sống đơn độc một mình vì người đời, kể cả những người Pháp đã từng làm việc chung lạnh nhạt, xa lánh. Vì nghĩ mình quá tàn ác, ông dặn con cháu bí mật chôn đứng mình trong huyệt mộ với hàm ý: Người dân căm thù ông sẽ quật mồ lên dựng đứng rồi chôn lại, khi ấy tử thi ông ta sẽ được nằm xuống. Không ngờ, người ta ghét ông đến mức độ không thèm quan tâm đến. Thế là ông ta vẫn còn bị chôn đứng cho đến tận ngày nay tại Cái Bè.
Trần Bá Thọ về sau tự tử bằng 1 phát súng vào đầu không rõ nguyên do. Dân gian truyền rằng, Trần Bá Thọ tự tử là do để ngôi Long Đình trong nhà. Hoảng sợ, một người con khác của Trần Bá Lộc là Trần Bá Tư chở ngôi Long Đình hiến tặng cho Viện Bảo tàng Sài Gòn vào năm 1935.
Người ta đồn đại nhiều chuyện ly kỳ về ngôi Long Đình này. Kể từ khi nhận ngôi long đình, các nhân viên viện Bảo tàng Sài Gòn bắt đầu chứng kiến nhiều chuyện lạ kỳ. Thỉnh thoảng lúc nửa đêm người ta nghe tiếng lịch kịch phát ra như có người khiêng ngôi Long Đình; những cổ vật trưng bày trong Viện Bảo tàng cứ bị di dời vị trí một cách bí ẩn… Ly kỳ nhất là chuyện ông Bernard Phillipe Groslier, quản thủ Viện Bảo tàng giai đoạn trước năm 1940 bị mất cổ vật?
Tưởng chỉ mỗi ông Bernard là nạn nhân của trò đùa, sau khi Pháp rút quân về nước theo hiệp định Giơneve đã trao quyền quản thủ Viện Bảo tàng cho một người Việt. Chuyện đó cũng xảy ra vài lần.
Chuyện truyền khẩu kể rằng, năm 1967, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu cứ nơm nớp sợ CIA đảo chính nên cho mời "chiêm tinh gia" Huỳnh Liên vào dinh Độc Lập xem phong thủy để trấn yểm "làm vương muôn đời". Sau khi xem suốt vài tháng trời, Huỳnh Liên yêu cầu Thiệu xây Hồ Con Rùa, sửa đài phun nước trong dinh Độc Lập để đầu rồng (dinh Độc Lập) luôn ngẩng cao đầu và đuôi rồng (Hồ Con Rùa) luôn ve vẩy, mừng rỡ. Sau khi xây xong các công trình dị đoan đó, năm 1970 Thiệu cho mời "chiêm tinh gia" Huỳnh Liên đến kiểm tra phong thủy lại.
Đứng trên sân thượng dinh Độc Lập, đang dùng kính chiếu yêu phóng ánh sáng bốn hướng, đột ngột "chiêm tinh gia" hét lớn: "Không ổn! Không ổn! Phải cho nó come back go home! Không thì bị đảo chính". Nghe đến từ đảo chính, Thiệu toát mồ hôi, hỏi dồn. "Chiêm tinh gia" chỉ về hướng Viện Bảo tàng nói: "Nơi đó có một di vật tôn giáo phải trả lại cho người ta, nếu không, ngài sẽ bị đảo chính".
Hoảng hốt, Thiệu cho người đến Viện Bảo tàng điều tra mới biết ngôi Long Đình của giáo phái Tứ Ân Hiếu Nghĩa đang bị trưng dụng. Thiệu chưa ban lệnh di dời ngôi Long Đình trở về nguyên quán thì nhận được "thỉnh nguyện thư" của "Hội đồng Liên phái Trung ương Bửu Sơn Kỳ Hương" xin Thiệu trả lại ngôi Long Đình. Thiệu nhận "Thỉnh nguyện thư" từ tay ông Trần Văn Ân, thời điểm đó là Phụ tá đặc biệt Nghiên cứu chính trị văn hóa Phủ tổng thống. Tất nhiên là Thiệu ký duyệt ngay.
Tuy vậy, cho đến ngày 6/4/1971, tức 6 tháng sau, văn phòng phủ thủ tướng của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu mới chịu ký văn thư chấp thuận trả lại ngôi Long Đình cho chùa Tam Bửu. Sau đó, suốt 3 ngày (từ ngày 12 đến 15/5/1971) chính quyền Sài Gòn tổ chức đoàn đưa ngôi Long Đình rình rang từ Sài Gòn đến chùa Tam Bửu. Ông Trần Văn Ân đại diện chính phủ VNCH trịnh trọng đọc văn tự bàn giao ngôi Long Đình cho chùa Tam Bửu.
Ăn ké sự kiện này, ông Trần Quốc Bửu - một CIA nằm vùng trong lực lượng lao động Sài Gòn với chức vụ Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao công VNCH thuê người chạm một bức hoành phi sơn son thiếp vàng ghi: "Bảo tàng viện. Giao lãnh Long Đình. Giám đốc Viện Bảo tàng: Ông Nghiêm Phẩm, giao. Viện trưởng Viện Chỉ đạo: Ông Nguyễn Đắc Cơ, lãnh. Phụ tá văn hóa chính trị: Ông Trần Văn Ân, chứng. Ông Trần Quốc Bửu, kính tặng (tặng bức hoành phi - PV).
Bây giờ, sau hơn 40 năm sự kiện "đưa rước Long Đình" một nhân vật cương quyết xin giấu tên thú nhận: "Tôi được ông Cơ giao nhiệm vụ gặp chiêm tinh gia Huỳnh Liên trao 10 lượng vàng để ông ta phán với Thiệu cái câu come back go home kẻo bị đảo chính".
Thế là trong tiểu sử của ngôi Long Đình linh thiêng được dài thêm bởi câu chuyện ly kỳ liên quan đến đầu óc mê tín dị đoan của Nguyễn Văn Thiệu. Hóa ra, ngôi Long Đình không chỉ là một biểu tượng bất khuất của lòng yêu nước trước họa ngoại xâm mà còn là một vật chứng cười chê thói dị đoan hợm người của một "nguyên thủ quốc gia", cứ nơm nớp sợ mất ghế tổng thống dù biết rằng cái ghế ấy là hư danh, ngụy tạo.
Khi ngôi Long Đình cũ được trở về với chùa Tam Bửu, ngôi "Long Đình" mới trở thành "long vị" của đức Bổn sư Ngô Lợi.
Nguồn tin: VTC News
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự