Bí ẩn cuộc đời vua Quang Trung

Thứ năm - 01/03/2018 14:49
Những cuộc nghiên cứu, tranh luận về các tình tiết xoay quanh cuộc đời vua Quang Trung như bí ẩn lăng mộ, uẩn khúc "giả vương nhập cận"… đến nay vẫn chưa có hồi kết

Sử sách chép lại năm Canh Tuất (1790), vua Quang Trung Nguyễn Huệ (1753-1792) đã cử người đóng giả mình sang nhà Thanh triều kiến vua Càn Long (1711-1799). Người đóng giả vua Quang Trung để "nhập cận" là Phạm Công Trị. Tuy nhiên, có một thông tin khác cho thấy một nhân vật khác đã thực hiện việc này, đó là Nguyễn Cửu Trị.

Nghi vấn "giả vương nhập cận"

"Đại Nam chính biên liệt truyện", quyển 30, trang 39, cho hay: Mùa Xuân năm Canh Tuất, Phúc Khang An giục Huệ (Nguyễn Huệ) chuẩn bị hành trang (Huệ trả lời lấy cớ mẹ chết xin được cho con là Quang Thùy thay mình nhập cận; Khang An không chịu, bí mật sai người đến cửa quan dặn dò hơn thiệt, bảo rằng nếu cực chẳng đã thì kiếm người bề ngoài giống mình thay mặt mà đi). Huệ mới sai Phạm Công Trị mạo tên mình, sai bầy tôi là Ngô Văn Sở, Đặng Văn Chân, Phan Huy Ích, Vũ Huy Tuấn, Vũ Danh Tiêu, Nguyễn Tiến Lộc, Đỗ Văn Công. Ngoài lệ thường còn cống thêm 2 voi đực, cung ứng trên đường khổ sở, đi đường rất là khó nhọc.


Trang gia phả chép nói về sự việc "giả vương nhập cận" của Nguyễn Phúc Hoảng (Trị)

Một người đứng đầu nhà nước (dù có thể là giả vương) Việt Nam phong kiến lần đầu đến Trung Hoa là sự kiện được ghi chép nhìn nhận và ghi chép có sự khác nhau, tùy vào thiên kiến của người, thế lực viết về nó. Lâu nay, vấn đề chỉ được nhắc đến bởi 3 nguồn tư liệu cơ bản là của nhà Thanh (Trung Hoa), nhà Nguyễn (Việt Nam), các giáo sĩ Thiên Chúa giáo và một vài người sĩ phu người Việt. Tuy nhiên, vẫn còn một nguồn tư liệu quan trọng ít khi được chú ý chính là những gia phả của các dòng họ.

Vừa qua, chúng tôi tìm thấy một gia phả có thông tin liên quan sự kiện "giả vương nhập cận". Đó là gia phả có tên "Vân Dương kinh phổ" của dòng họ Nguyễn Cửu ở làng Vân Dương, xã Thủy Vân, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Chúng tôi được tiếp cận gia phả qua sự giúp đỡ của hội đồng tộc trưởng Nguyễn Cửu. Ở mục phái 3, chi 5 của gia phả "Vân Dương kinh phổ" họ Nguyễn Cửu ghi bằng chữ Hán.

Dịch nghĩa: Nội Đội trưởng Trị An hầu Nguyễn Phúc Hoảng (còn có tên là Trị), con thứ 12 của Hoán Quận công [Nguyễn Phúc (Cửu) Pháp]. Ông có dung mạo cao lớn đẹp đẽ, tính rất khéo léo. Lúc giặc Tây Sơn Nguyễn Quang Bình [Nguyễn Huệ] chiếm cứ, [Nguyễn Quang Bình] sai ông cải trang làm "giả vương nhập cận" (vua giả [tức giả làm Quang Trung]) yết kiến vua Cao Tông (Càn Long) nhà Thanh. Về sau ông sống tại Hà Nội. Trong niên hiệu Gia Long (1802-1820), ông [làm quan] coi thuế khoáng sản ở Tuyên Quang, không biết chết như thế nào.

Với 4 chữ "假王入覲" (giả vương nhập cận), lại liên hệ đến việc Nguyễn Quang Bình (tức là Nguyễn Huệ) đã cho thấy nhân vật Nguyễn Phúc Hoảng (Trị) liên quan đến sự kiện ngoại giao năm 1790 giữa vua Quang Trung nhà Tây Sơn và vua Càn Long nhà Thanh.

Gia thế Nguyễn Cửu Trị

Gia phả của họ Nguyễn Cửu làng Vân Dương có ghi 3 người tên Nguyễn Cửu Trị. Ở đây, chúng tôi đề cập đến Trị An hầu Nguyễn Cửu Trị, con thứ 12 của Hoán quận công Nguyễn Cửu Pháp.

Trong số các anh em của Nguyễn Cửu Trị, anh đầu là Phò mã Thạc quận công Nguyễn Cửu Sách, anh thứ hai là Nguyễn Cửu Thuật, người thứ ba là Thận quận công Nguyễn Cửu Tự, anh thứ tư là Thăng Bình quận công Nguyễn Cửu Dật, anh thứ sáu là Bố Chính dinh Trấn thủ Phó tướng Nguyễn Cửu Khương (Khang)... đều là các bề tôi trung thành của chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Đáng chú ý, Thăng Bình quận công Nguyễn Cửu Dật được triều đình nhà Nguyễn ân sủng vinh danh, được tòng tự vào Thái Miếu.

Với gia thế như vậy, Trị An hầu Nguyễn Cửu Trị lại không rõ năm sinh, năm mất. Đó là điều khá kỳ lạ bởi lẽ các đời sau của họ Nguyễn Cửu đều có người làm quan dưới triều Nguyễn, họ không thể không biết về Trị An hầu Nguyễn Cửu Trị. Trong đó, người cô ruột của vua Gia Long, bà vãi Vân dương - Hoàng nữ Ngọc Tuyên, vợ của Tiết chế chưởng doanh Nguyễn Cửu Thống, một người bà con khác của Trị An hầu Nguyễn Cửu Trị. Theo sách "Tiên Nguyên loát yếu phổ" và "Đại Nam liệt truyện", hoàng nữ Ngọc Tuyên có vai trò như một người cung cấp thông tin tình hình Tây Sơn ở Phú Xuân cho Nguyễn Vương (Nguyễn Ánh). Đến năm Gia Long năm thứ ba (1809), bà mới mất, thọ 72 tuổi. Chẳng lẽ ngay cả hoàng nữ Ngọc Tuyên cũng không biết về Trị An hầu Nguyễn Cửu Trị?

Bên cạnh đó, từ khi ra làm quan coi thuế hầm mỏ ở Tuyên Quang cho đến khi về ở Hà Nội, Trị An hầu Nguyễn Cửu Trị và con cháu của ông gần như mất tung tích, không hề liên hệ với đại tộc Nguyễn Cửu ở làng Vân Dương. Chỉ đến gần đây, nhánh này mới liên hệ trở lại với gốc gác của mình. Gia phả "Vân Dương kinh phổ" chỉ còn ghi vài dòng thông tin về Trị An hầu Nguyễn Cửu Trị như đã dẫn và con cháu lại không thấy ghi chép.

Theo chúng tôi, có nhiều khả năng qua nhiều đời, giấy tờ của dòng tộc ở chi nhánh ngoài đó bị thất lạc. Hơn nữa, với sự biến chuyển của xã hội Việt Nam trong khoảng 1 thế kỷ nay, nhất là việc phế bỏ vai trò của chữ Hán Nôm, thì việc những người đời sau thiếu am tường đối với các thông tin do tổ tiên ghi chép trong thư tịch là chuyện dễ hiểu. Nhưng cũng có một khả năng khác, vì theo ghi chép của gia phả "Vân Dương kinh phổ", ông với tư cách là giả vương (vua giả) để thế thân vua Quang Trung nhà Tây Sơn qua chầu hầu Cao Tông vào cuối thế kỷ XVIII nên ít nhiều ông và chi nhánh của ông cũng có mối liên hệ với triều đại Tây Sơn. Bởi vậy, khi triều Nguyễn lên ngôi, có lẽ vì một số mặc cảm thời cuộc nên ông không còn muốn liên hệ gì với tổ tiên ở Huế, mà gần như biệt tích.

Xuất phát từ mối quan hệ họ tộc tận Gia Miêu (Thanh Hóa), quan hệ về mấy đời phò tá chúa Nguyễn, về sau là vua Nguyễn, bên cạnh đó là mối hận, là danh xưng triều Nguyễn dành cho Tây Sơn rằng "Ngụy Tây" thì việc những người đời trước họ Nguyễn Cửu ghi chép trong gia phả về ông Nguyễn Phúc/Cửu Trị rằng đã từng làm "giả vương nhập cận" để thay thế vua Quang Trung nhà Tây Sơn triều kiến vua Cao Tông (Càn Long) nhà Thanh không hề đơn giản. Đồng thời, viết như thế là sự khẳng định về mặt họ tộc sự liên quan, hợp tác làm việc giữa ông Nguyễn Cửu Trị và vua Quang Trung nhà Tây Sơn.

Nguồn tin: Người Lao Động

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây