Bí ẩn 'dị nhân' ngậm khâu dao nung đỏ rực ở Bắc Kạn

Thứ ba - 19/01/2016 13:43
Khâu dao được nung đỏ rực, lão “dị nhân” lẩm bẩm câu bí truyền, hai bàn tay nắm chặt chỉ thẳng vào bếp củi đang cháy. Tiếp đến, lão lấy cái kẹp tre kẹp khâu dao đỏ rực gắp bỏ vào miệng...
Bí ẩn 'dị nhân' ngậm khâu dao nung đỏ rực ở Bắc Kạn

“Truyền nhân” đời thứ tư

Trong chuyến công tác lên một thôn vùng cao ở xã Quảng Chu, thị trấn Chợ Mới, Bắc Kạn, tôi tình cờ được người dân nơi đây kể về một vị thầy then có khả năng lạ kì ngậm được khâu dao đang nung đỏ rực, ngồi trên bó gai… Đó là thày then Hoàng Văn Liên (SN 1948).

Hỏi đường đến nhà thày then Liên mọi người ai cũng biết. Ngôi nhà đã cũ kĩ của thày then Liên nằm chon von giữa một mảnh đất rộng thênh thang. Đã bước sang tuổi 68 nhưng trông lão vẫn còn khỏe, thân hình vạm vỡ, khuôn mặt đen sạm đi vì mưa nắng...

Lão vận bộ quần áo màu tràm truyền thống của người Tày. Khi hỏi về biệt tài của mình, lão chối nguầy nguậy bảo rằng mấy cái thứ ấy cũng chỉ là làm cho người ta xem thôi chứ không có gì cả. Ngồi một lát thôi mà lão hút thuốc lào liên tục. Lão đắn đo...


Khâu dao nung đỏ rực trong bếp củi.

Việc ngậm khâu dao nung nóng thường được lão biểu diễn trong những lễ cúng cho người trong bản, khi các gia đình có đám ma, đám hỏi, hay những dịp đầu năm cúng cầu mát mẻ cho các gia đình... Cái khả năng khác người của lão được nhiều người thán phục, người ta truyền tai nhau ca ngợi lão, rồi gọi lão là "dị nhân".

Tần ngần, lão kể, cơ duyên để lão đến với "món nghề" này đến từ nhiều năm trước, khi lão hẵng còn trai trẻ. Trong kí ức của lão, đến giờ lão không nhớ rõ họ tên đầy đủ người thày đã dạy mình mà cũng chỉ biết ông tên Lĩnh quê ở Lạng Sơn. Khi ấy, nghe mọi người bảo ở Lạng Sơn có một ông lão biết nhiều chiêu lạ kì có thể giúp được người dân, nghe xong ông thấy thích thú liền dò hỏi mọi người cho bằng được và tìm đến xin theo học.

Thời đó, lão phải cuốc bộ một chặng đường dài mới đến nơi chứ không có nổi chiếc xe đạp để đi. Đi được đến quê hương sư phụ, cơ thể lão đã mệt mỏi rã rời, không thể nhấc nổi người. Tuy nhiên, được tận mắt chứng kiến cảnh sư phụ biểu diễn trước mặt các đồ môn các chiêu thức như biến ong thành kiến, biến cám ra thành bọ chó, ngồi trên bó gai, ngậm khâu dao… lão đã vô cùng thán phục.

Khi lão tìm đến, sư phụ cũng đã ngoài 70 tuổi. Các “món nghề” mà sư phụ dạy cho đều có xuất xứ từ Trung Quốc. Có tất cả 5 người đến học với sư phụ, mỗi người được học một "món nghề" khác nhau.

Tuy nhiên khi đã đến đây rồi thì phải học xong các "món" nghề thì thày mới cho về.

Lão nhớ lại, để có thể luyện được thành công thì mọi người phải ăn chay, kiêng các đồ ăn có mỡ có muối. Điều cấm kị là không bao giờ được ăn thịt chó bởi nếu ăn thì không thể luyện thành được.

Lão bảo, đây là “nghề” gia truyền, lão là truyền nhân đời thứ tư. Lão chính thức vào nghề từ năm 1982. Khi hành nghề được 3 năm thì các thày phải làm lễ nộp rượu. Trong buổi lễ hôm đó thân chủ chuẩn bị rượu nếp mang lên nộp cho sư huynh của mình, khi tiến hành cúng cần có 5 người cùng học nghề ở đó. Khi làm xong các thủ tục người đó được nhận giấy “thắc” như giấy chứng nhận thì mới được hành nghề.

Ngậm khâu dao nung đỏ, ngồi trên bó gai

Khi nói về việc khả năng không mấy người làm được, lão trầm ngầm: "Làm nghề này về khoa học thì vẫn chưa có cơ sở để xác minh".

"Món nghề" mà lão học được ở sư phụ thường được lão "trổ tài" trong những ngày đầu xuân đi giải mát cho mọi nhà.

Lão cho biết, để chuẩn bị cho lễ giải mát này, thân chủ phải chuẩn bị một cành bưởi, một đĩa gạo, đĩa muối, giấy bản… Sau đó để khâu dao vào đống củi cháy. Đến khi khâu dao đỏ rực lên thì thầy then lẩm bẩm mấy câu bí truyền, hai bàn tay chắp lấy “bảo bối” thúc mạnh về phía bếp củi.

Một hồi sau thầy then lấy kẹp làm bằng thanh tre khô gắp khâu dao cho lên miệng ngậm rồi đi từ dưới bếp lên nhà. Sau đó cho vào nồi nước đặt sẵn ở trên nhà thả vào đó, trên nồi có một cành bưởi. Khâu dao đang nóng thả vào nồi, hơi nước bốc lên. Thầy then tiếp tục lẩm bẩm đọc câu bí truyền và dùng cành bưởi nhúng vào nồi nước vẩy lên nhà.

Thầy then Liên ngậm khâu dao nóng rực trong lễ giải mát cho gia đình đầu năm mới


Thày then Hoàng Văn Liên.

Nhắc đến chuyện ngồi trên bó gai, lão bảo, không phải gai nào thày cũng ngồi được mà chỉ có gai của cây thòng lọng. Khi đem cây đó về chặt ra một đoạn dài khoảng 50cm, phải bó thật chặt, có đường kính khoảng 20cm. Đặc biệt bó gai phải to, nhọn chứ không phải gai bé.

Khi ngồi lên trên phải đặt giấy bản màu đỏ ở dưới. Một thày ngồi tối đa chỉ được 3 lần. Ngồi trên giấy đỏ tức là ngồi trên ngựa, khi ngồi lên trên tức là phi ngựa. Không phải lúc nào cũng ngồi được trên bó gai mà chỉ ngồi được vào ngày 14, 15 hàng tháng.

Trước khi ngồi phải chuẩn bị một mâm đồ để cúng gồm có một con gà trống luộc chín, nắm hương, giấy bản, gói kẹo, rượu, tiền thì tùy tâm lòng thành. Sau đó thày sẽ khấn bằng tiếng tày bảo các cụ xuống chứng kiến. Khi ngồi lên trên thày không còn cảm giác đau...

Những nghi lễ này cũng thường xuất hiện trong các lễ cúng mát đầu năm của bà con dân tộc Tày nơi đây. Lão chia sẻ, bà con ở đây rất coi trọng tín ngưỡng tâm linh, những lệ tục như cúng đám ma, đám hỏi, cúng mát đầu năm được bà con coi nó là tín ngưỡng của dân tộc mình...

Tác giả bài viết: Bảo Yên

Nguồn tin: www.nguoiduatin.vn

 Từ khóa: bàn tay, dị nhân, lẩm bẩm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây