Bí ẩn động lạ ở Hòa Bình: 'Người đàn ông kỳ lạ trong ngôi miếu thờ tiên nữ'

Chủ nhật - 11/06/2017 12:39
Con đường lên miếu thờ Ba Cô Tiên gian khó, nhưng câu chuyện kỳ bí về ba nàng tiên xinh đẹp của người đàn ông kỳ lạ vẫn đủ sức để kéo chân khách trèo lên đến đỉnh núi.
Miếu thờ ba nàng tiên tại động Thăng. (Ảnh: Kim Thược)
Miếu thờ ba nàng tiên tại động Thăng. (Ảnh: Kim Thược)
Nơi nước non hùng vỹ, ngôi miếu thờ ba nàng tiên nằm cheo leo trên đỉnh núi Thăng (xóm Thăng, xã Hòa Bình, TP. Hòa Bình). Đường lên miếu thờ gian khó nhưng truyền thuyết kỳ bí về ba nàng tiên xinh đẹp của người đàn ông dân tộc Mường vẫn đủ sức để kéo chân du khách thập phương trèo lên đến đỉnh núi. 

Người đàn ông trong ngôi miếu thờ tiên nữ

Bầu trời Hòa Bình mới 4 giờ chiều đã bắt đầu tối om. Chút ánh sáng mặt trời cuối ngày cũng bị mây đen chèn khuất sau dãy núi. Người đàn ông mặc chiếc áo nâu sồng đi trước dẫn đường đang sải những bước chân gấp gáp và luôn miệng nói: "Đi nhanh nào! Trời mưa to thì không lên tới hang được đâu".

Con dốc thoai thoải men sườn núi là con đường dẫn chúng tôi lên động Ba Cô Tiên (xóm Thăng, xã Hòa Bình, TP. Hòa Bình). Từ xa nhìn lại, dãy núi đá Thăng giống như một con rồng khổng lồ bao quanh xóm nghèo. Theo người dân địa phương, đây là một trong những hang động linh thiêng có miếu thờ tiên nữ của vùng núi Hòa Bình.

Người dẫn đường cho chúng tôi là ông Nguyễn Văn Xuân (52 tuổi), thủ từ của ngôi miếu Ba Cô Tiên. Đi được dăm ba bước ông Xuân lại quay về phía sau nhìn vì những vị khách còn đang khổ sở với những con vật tí hon ở chân. Trên nền đất ẩm ướt, những lỗ nhỏ li ti đùn lên trông rất kinh dị. Hàng ngàn con kiến đen sì vỡ tổ bu đen vào chân những người đang cố gắng leo lên miếu.

"Mọi người phải bước thật nhanh thì kiến mới không kịp bám vào chân. Càng di chậm chúng càng bu vào nhiều. Đây là những con kiến ma, chúng chỉ xuất hiện ở những nơi đất ẩm ướt. Chúng độc và cắn người rất đau", ông Xuân nói.

Giải thích cho cái tên kiến ma, ông Xuân cho biết, những con kiến này thoắt ẩn thoắt hiện, nếu không đạp lên tổ thì sẽ rất khó nhìn thấy chúng. Một khi động đến tổ kiến sẽ có hàng vạn con chẳng biết từ đâu bò ra.


Ông Nguyễn Văn Xuân (52 tuổi), thủ từ ngôi miếu Ba Cô Tiên. (Ảnh: Kim Thược)

Con đường lên miếu Tiên có vài ba trăm mét nhưng khó khăn hơn vì sự xuất hiện của chúng. Nhiều người sưng vù chân vì bị kiến đốt. Người dân ở đây có câu:  "Muốn lên ngắm 3 cô tiên phải bước qua xác hàng ngàn con kiến". Bởi vậy, chúng có tên kiến ma.

Dù con đường lên động tiên vất vả, khó khăn nhưng cứ đều đặn một tháng hai lần vào ngày Rằm và mùng Một ông Xuân đều đi bộ lên để hương hoa cho ngôi miếu. Trên con đường vào miếu tiên, thỉnh thoảng chúng tôi còn bắt gặp những cây cổ thụ hàng ngàn năm tuổi. Thân cây thẳng đứng, xanh tốt đứng im lặng bên vách núi.

Ông Xuân giới thiệu: "Đây là cây bát. Từ khi tôi còn nhỏ nó đã là những cây cổ thụ. Cây bát là loài cây độc, quả của nó có thể bẫy chết cá hoặc sâu bọ. Nếu nghiền hạt của quả bát ra, trộn với bùn và phân gà ủ khoảng 3 giờ đồng hồ, sau đó thả xuống suối, nước chảy tới đâu cá sẽ chết trắng nổi lên tới đó. Cá chết nhưng kỳ lạ là người ăn những con cá đó lại không việc gì. Dùng quả của cây bát tưới rau, sâu chết những người ăn rau cũng vẫn an toàn".

Vừa nói ông Xuân cúi xuống đất nhặt lên một chiếc hạt màu nâu vàng nhỏ xíu như chiếc cúc áo giơ trước mặt: "Đây, chỉ cần một hạt nhỏ như thế này có thể làm chết cá ở cả một khúc suối".

Mải mê với câu chuyện về kiến ma, cây độc... khi đi qua những hàng cây bát cổ thụ nhất của con đường mòn cuối cùng chúng tôi cũng leo lên được miếu. Dừng lại trước một chiếc hang lớn treo lơ lửng trên không, ông Xuân chỉ tay nói: "Trước kia cái hang này là nơi 3 cô tiên ở để dệt áo giúp người dân nghèo. Sau khi 3 cô tiên hóa thạch, hang cũng là nguồn cơn của những câu chuyện liêu trai, kì bí được người dân địa phương truyền tai nhau kể lại đến tận bây giờ".

Huyền thoại Ba Cô Tiên
Quả thật, không hổ danh là miếu tiên, đứng từ trên động nhìn xuống quang cảnh của núi rừng Hòa Bình như chốn bồng lai tiên cảnh. Theo lời của các cụ cao niên trong làng: "Trước đây, vùng này rất hoang sơ nhưng người dân quanh năm sống no ấm. Thế nhưng, bỗng một năm trời đổ mưa không ngớt khiến mùa màng thất bát, cây lúa không đơm bông".

Khi ấy, động Thăng là nơi nghỉ chân của ba nàng tiên mỗi khi bay từ núi Ba Vì về trời. Năm đó, khi về nghỉ chân ở động Thăng, thấy người dân cực nhọc vì mùa màng thất bát, thương dân nên ba nàng tiên đã dùng phép thuật của mình để cứu đói và may áo cho người dân nghèo.

Dần dần thành quen, mỗi khi người dân nghèo không có quần áo đẹp mặc đi lễ hội thì họ lại leo lên động cầu khấn mượn trang phục, xà tích, bạc của ba cô tiên. Khi tàn hội, họ giặt sạch và mang trả lại đồ vào vị trí cũ.

Tuy mượn được rất nhiều đồ đẹp ở động tiên nhưng chưa bao giờ người dân ở đây được tận mắt nhìn thấy ba nàng tiên này. Họ chỉ nghe thấy tiếng các nàng cười đùa trong vách đá. Hàng ngày, tiếng cười và tiếng hát trong veo của ba nàng tiên vang vọng núi rừng khiến nhiều chàng trai trong bản Mường đắm say.

Ngày nọ, một chàng trai Mường trong bản Thăng trót đắm say tiếng hát của ba nàng tiên, vì muốn tận mắt nhìn thấy dung nhan ba nàng tiên xinh đẹp nên đã lén lên động nấp sau vách đá để nhìn các cô may áo. Sau khi phát hiện có chàng trai Mường lén nhìn, ba cô tiên sợ hãi  biến vào trong vách đá và từ đó người dân không bao giờ thấy họ xuất hiện ở động Thăng nữa.


Đ
ộng Thăng, nơi ba nàng tiên dệt áo giúp dân nghèo. (Ảnh: Kim Thược)

Theo truyền thuyết, ba cô tiên là người trời nên nếu để người phàm trần nhìn thấy dung nhan sẽ phạm thiên quy. Sau khi hóa đá, nhân dân trong vùng đã lập đền thờ ngay trong động Thăng để tưởng nhớ công ơn cứu giúp dân nghèo của ba nàng tiên.

Không chỉ là truyền thuyết, theo ông Xuân - thủ từ của ngôi miếu thì động Ba Cô Tiên còn là nơi cầu duyên rất linh thiêng cho những chàng trai chưa vợ, cô gái chưa chồng. Hàng năm, cứ mỗi ngày rằm tháng Giêng, những nam thanh nữ tú muốn cầu duyên lại chuẩn bị con gà, đĩa xôi đặt lên ban thờ cầu khấn.

Ông Xuân kể lại: "Hầu như bất kỳ ai đến đây cầu duyên đều được như ý. Chính vì thế, khách thập phương họ kéo tới miếu ngày càng đông. Nếu cầu được ước thấy, cuối năm họ quay trở lại hang làm lễ tạ vào ngày rằm tháng Chạp Âm lịch. Lễ vật rất đơn giản bao gồm, một con gà trống thiến luộc và mâm xôi, một cút rượu cùng với hoa quả".

Đang mải mê câu chuyện về ba nàng tiên thì bất chợt trời Hòa Bình xám xịt. Cơn mưa chiều vội vã kéo đến xóa hết những vết chân vừa hằn trên lối mòn vào ngôi miếu nhỏ. Ngồi trú mưa trong hang đá, ông Xuân vẫn tiếp tục say mê những câu chuyệsn kỳ bí về ba nàng tiên xinh đẹp.

"Tại sao ông lại say mê với những câu chuyện về ba nàng tiên như vậy? Tại sao người trông coi ngôi miếu thờ tiên lại không phải là một người phụ nữ? Có phải ông chính là hậu duệ của người con trai Mường năm đó đã vô tình nhìn thấy bóng hình của ba nàng tiên?". Ngồi trong hang, chúng tôi đặt một loạt những nghi vấn với người dẫn đường. Không vội vàng trả lời, ông Xuân chỉ mỉm cười bí hiểm: "Chờ tan cơn mưa, vào hẳn trong động nhà báo sẽ rõ".

Còn nữa...

Bài 2 : "Bí ẩn động Ba Cô Tiên ở Hòa Bình: Đi tìm hậu duệ của chàng trai Mường phải lòng tiên nữ"

Nguồn tin: VTC News

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây