Con đường từ huyện Lạc Sơn (Hòa Bình) lên xã Ngọc Lâu chênh vênh trên sườn những ngọn núi đá. Ngọc Lâu là xã sâu, xa và cao nhất của huyện Lạc Sơn, nằm sát khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn.
Bản Khộp của người Mường nằm ở cuối xã Ngọc Lâu, quanh mỏm ngọn đồi được bao bọc bởi rừng rú hoang rậm.
Giữa bản, trên sườn mỏm đồi ấy, có một giếng nước được xây cất đẹp đẽ, nước trong vắt, nhìn được tận đáy giếng. Các cô gái giặt giũ bên giếng, các chàng trai hồn nhiên tắm rửa như tắm bên giếng nhà mình. Không hiểu cái giếng nước này có gì đặc biệt mà anh Hồng kể cho tôi nghe bằng giọng huyền bí đến vậy…
Bí ẩn “giếng thần”
Người nắm rõ bí ẩn về cái giếng mà đồng bào tôn trọng gọi là “giếng thần” này là ông Bùi Văn Beo, hiện đã 90 tuổi, sống trong ngôi nhà sàn cách giếng khoảng 200m.
Khi hỏi về “giếng thần”, mắt cụ Beo chợt sáng rực, cụ hào hứng kể về cái giếng lạ này với vẻ thành kính kỳ lạ.
“Cái giếng này nằm trên mỏm đồi, ở vị trí cao nhất mà quanh năm suốt tháng, lúc nào cũng có nước dồi dào, trong khi nơi khác ruộng khô nứt nẻ. Chuyện ấy đã lạ lắm rồi, nhưng lạ hơn nữa là cái khúc gỗ ở dưới đáy giếng, nó như cái khóa của máy bơm nước ấy, không thể hiểu nổi, nên chúng tôi gọi nó là giếng thần…”, cụ Bùi Văn Beo kể với giọng đầy bí ẩn.
Cụ Beo nhớ rõ, năm 1955, khắp vùng Lạc Sơn gặp hạn lớn, đói kém diễn ra khắp nơi. Bản Khộp tuy vẫn có nước từ giếng, nhưng nước không đủ dồi dào phục vụ trồng cấy, mà chỉ đủ ăn.
Thanh niên bản Khộp đã hè nhau khơi rộng giếng, vét bùn đất dưới đáy, khiêng khúc gỗ chìm dưới lòng giếng lên với hy vọng nước sẽ chảy lên từ lòng đất mạnh hơn. Do khúc gỗ nặng hàng tấn, nên phải mấy chục người vừa bẩy, vừa kéo mới lôi được khúc gỗ nặng như cục chì khổng lồ ấy lên.
Một hiện tượng kỳ lạ đã xảy ra: Sáng hôm sau, mọi người ra giếng múc nước thì giật mình khi thấy giếng cạn đến đáy, không có tia nước nào chảy lên.
Dân bản sợ quá, liền mổ lợn, gà làm lễ lớn, đem ra cúng khấn… khúc gỗ, rồi trịnh trọng khiêng khúc gỗ này thả xuống giếng. Kỳ lạ thay, khi khúc gỗ được thả xuống, nước lại phụt lên trong vắt.
Cả bản dùng nước của "giếng thần". Một lần nữa, ông Beo nhớ như in, vào năm 1966, thanh niên trong bản lại khơi bùn đất, và vần khúc gỗ ra khỏi đáy giếng cho nước chảy mạnh, nhằm mở rộng diện tích cấy lúa. Theo họ, vì khúc gỗ nằm trên tia nước, nên nó làm nước chảy lên chậm hơn. Và lại một lần nữa, nước không chảy lên giọt nào. Ông thầy cúng năm xưa lại phải khấn vái… “thánh gỗ”, rồi hạ khúc gỗ xuống giếng. Tất nhiên, nước lại chảy lên tràn trề.
Lần “xúc phạm thánh gỗ” gần đây nhất, được ông Bùi Trọng Tây, Chủ tịch xã Ngọc Lâu kể với tôi: Năm 2002, với sự hỗ trợ của UNICEF, thực hiện chương trình nước sạch phục vụ nhân dân các xã vùng sâu, vùng xa, bản Khộp được xây một giếng nước hoành tráng. Địa điểm xây giếng chỉ có thể thực hiện ở giếng cũ, bởi không còn nguồn nước nào khác.
Những cán bộ, công nhân xây giếng không tin vào chuyện nhảm nhí “giếng thần” với lại “gỗ thánh”, nên họ tiến hành nạo vét, kéo khúc gỗ quẳng lăn lốc ra bên cạnh, bất chấp lời can gián từ phía dân bản.
Ông Bụi Trọng Tây khẳng định chuyện nhấc khúc gỗ khỏi giếng là mất nước. Sớm hôm sau, những người xây giếng đã kinh hãi khi thấy nước cạn sạch. Họ liền bơm nước vào giếng để thử, nhưng nước cứ dần ngấm xuống lòng đất. Không tìm được lý do, họ bỏ đi mất hút, mặc kệ cái giếng không nước cho đồng bào bản Khộp.
Lại một lần nữa, dân bản Khộp làm lễ tế “thánh gỗ”, có cả sự chứng kiến của các cán bộ xã, trong đó, gồm ông Chủ tịch xã Bùi Trọng Tây. Kỳ lạ thay, hàng trăm tia nước li ti lại phụt lên quanh khúc gỗ, dân bản tha hồ nước dùng.
Huyền thoại khúc gỗ
Cụ Bùi Văn Beo dẫn tôi ra giếng nước nhà cụ ngay dưới chân nhà sàn. Tôi nhìn xuống, thấy giếng sâu hoắm, tịnh không có giọt nước nào. Xem giếng nước những nhà bên cạnh cũng tuyệt nhiên không có nước, mặc dù chỗ đào giếng ở dưới sườn đồi, còn “giếng thần” của cả bản thì nằm ở sát mỏm đồi, tức là cao hơn rất nhiều.
Đứng trên thành giếng, tôi nhìn rõ khúc gỗ đen sì chìa một phần lên khỏi đáy bùn. Khúc gỗ không có gì đặc biệt cả, tuy nhiên, theo cụ Beo, nó cứng như thép, dao bổ vào quằn lưỡi.
Dưới làn nước trong vắt, tôi nhìn rõ hàng chục con cá, có con rất to, nặng dễ đến 2kg. Không biết do ai thả cá, nhưng có một điều chắc chắn là không ai cho chúng ăn cả, vậy mà chúng vẫn lớn.
Khúc gỗ nằm dưới lòng giếng. Tôi hỏi những người đang múc nước ở giếng rằng, sao không bắt cá về ăn, ai cũng lắc đầu bảo: “Cá thần” đấy, không ai dám ăn đâu!”. Với người dân bản Khộp, mọi thứ trong cái giếng này đều là của thần núi, thần nước, thần rừng…
Về khúc gỗ, theo cụ Beo, không ai biết nó có trong giếng từ khi nào, có trước hay sau giếng, nhưng tổ tiên mấy đời nhà cụ khẳng định nó có từ lâu lắm rồi, phải từ 300 đến 500 năm. Xưa kia, giếng được đắp đơn giản bằng một bờ đá, vết tích vẫn còn đó.
Theo truyền thuyết, thuở xưa, ở trên đỉnh núi thuộc bản Điện của xã Ngọc Sơn, cách xã Ngọc Lâu 5km, có một cây Nhội khổng lồ. Tán lá của nó rộng quá, che khuất cả mấy bản Mường.
Trai tráng các bản liền mang dao cuốc lên đỉnh núi chặt ròng rã 3 tháng trời cây Nhội mới chịu đổ. Gốc nó ở bản Điện, nhưng ngọn đổ xuống tận bản Trôi. Một cành cây gãy xuống, rơi vào bản Khộp, tạo thành mó nước, chảy hết đời này sang đời khác, không bao giờ cạn. Khúc gỗ dưới giếng bây giờ chính là cành cây đó.
Hầu hết giếng của người dân đều bỏ không vì không có nước. Theo những cụ già trong bản, gỗ lim, gỗ nghiến, cứng, tốt như vậy, song ngâm dưới nước hàng trăm năm cũng phải mục, mủn, trong khi, khúc gỗ Nhội này, là loại gỗ không tốt lắm, mọc nhiều ở xã Ngọc Lâu và Ngọc Sơn lại bền như sắt, đá, nằm dưới bùn nước bao đời nay vẫn không thay hình đổi dạng.
Theo ông Bùi Trọng Tây, vì có “giếng thần” mà bản Khộp trồng được lúa nước quanh năm, trong khi các bản khác chỉ trồng ngô, sắn, hoa màu và trông vào nước trời, vì xã Ngọc Lâu không có con suối nào cả. Nguồn nước thừa từ giếng chảy ra cánh đồng đủ tưới tiêu cho 16ha lúa nước.
Giữ rừng để giữ nước
Ngồi trong nhà sàn, mây ùa vào bậu cửa, nghe những cụ già bản Mường râu tóc bạc phơ kể chuyện “giếng thần”, thấy như trở về thuở hồng hoang.
Câu chuyện kỳ lạ về “giếng thần”, như vì sao ở chỗ cao ráo, lại có nước quanh năm, có thể dễ dàng giải thích bằng khoa học. Nhưng chuyện về khúc “gỗ thánh” thì còn phủ kín màn sương huyền bí.
Nhưng, dù khúc gỗ đó có huyền bí hay không, với 80 hộ dân bản Khộp, nó không quan trọng. Người bản Khộp không cần một lời giải cặn kẽ, khoa học, mà họ chỉ cần đời này qua đời khác, nước cứ ngập giếng, cứ trong leo lẻo. Ở nơi khác, giếng này hết nước, còn có giếng khác, chứ ở bản Khộp mà mất nước, thì chỉ có chết khát.
Già trẻ, gái trai, luôn nhắc nhở nhau phải biết giữ nguồn nước trong sạch, không một ai dám xâm phạm đến khúc gỗ, đến “giếng thần”. Và thế là, đồng bào bản Khộp không một ai còn lên rừng chặt cây nữa. Ai cũng hiểu, chặt cây sẽ làm mất nguồn nước của “giếng thần”.
Đặc biệt là cây Nhội, loài cây có trong truyền thuyết “giếng thần” cứ mọc miên man khắp các cánh rừng, khắp các ngả đồi. Chủ tịch xã Bùi Trọng Tây bảo: “Nhội mọc nhiều lắm, đường kính của nó cứ 2-3m một cây, cây nào cây nấy đều vài trăm năm tuổi…”.