Bí ẩn giếng thiêng có tên ‘nhạy cảm’ đến nỗi không ai dám gọi ở Ba Vì

Thứ tư - 21/09/2016 21:25
Từ xa nhìn lại, chẳng cần phải tưởng tượng thì bất cứ ai cũng giật mình với câu hỏi tại sao giếng nước lại giống… cái ấy đến vậy!

Giếng nước đó nằm dưới chân núi Tản quanh năm mây mù bao phủ. Người làng Nghe bảo, con gái được tắm nguồn nước đó sẽ có làn da trắng hồng hồng, mịn màng và trở lên xinh đẹp hơn. Giếng thần không bao giờ cạn nước, kể cả trong những lần hạn hán. Mùa hè nước mát lạnh, mùa đông nước giếng bốc hơi nghi ngút.

Tên nhạy cảm

Đến làng Nghe (xã Vân Hòa, Ba Vì, Hà Nội), hỏi thăm về cái giếng nước của làng, ai cũng che miệng cười tủm tỉm. Chẳng là cái giếng đó có cái tên khá nhạy cảm nên ai cũng nghĩ về việc đó theo chiều hướng khác.

Giếng mang hình dáng bộ phận sinh dục của phụ nữ và người xưa bởi thấy sự tương đồng đó nên lấy luôn tên của bộ phận đó mà đặt cho giếng.

Thời gian trôi qua, cái tên đó đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân nơi đây nên dù có mấy lần dân làng định đổi tên cho… dễ gọi mà không được. Không đổi được thì đành chấp nhận “di sản” của người xưa, đành gọi như người xưa vẫn gọi, dù mỗi lần như thế đều thấy… đỏ mặt, nóng tai.

Cụ Nguyễn Thị Mẹo, người làng Nghe, năm nay đã gần 90 tuổi nhưng cụ còn minh mẫn. Khi nhắc tới cái giếng làng mình, bao kỉ niệm về một thời thơ ấu lại ùa về.


Bà Mẹo

Cụ Mẹo kể, giếng có từ bao giờ, người làng tôi chưa ai khẳng định được. Chỉ biết rằng, những người Mường định cư nơi đây từ ngàn năm trước bảo với con cháu rằng, họ sinh ra đã có cái giếng nước đó rồi.

Giếng nước nằm lọt thỏm trong rừng lim, rừng nghiến, là nơi sinh sống của nhiều loài động vật quý hiếm như voi, hổ báo. Vì thế, người dân không dám sống ở khu vực giếng này.

Giếng nước nằm dưới chân non Tản và mạch nước kì diệu cũng được chảy ra từ đó. Vào những ngày nóng lực, ra giếng múc nước uống nước mát lạnh, tỉnh cả người. Mùa đông nước bốc hơi nghi ngút, bà con chẳng cần phải đun nước, cứ ra đó múc nước giếng về tắm.

Cụ Mẹo còn kể rằng, ngày trước cụ cùng đám trẻ trâu hay chơi ở nơi đó. Phía trong giếng phát ra những âm thanh oàm oạp rất vui tai. Những ngày giở trời, miệng giếng có rất nhiều cá trê, mình dài bằng nửa đòn gánh, người đen sì, râu dài, miệng to như cái bát con. Các cụ bảo đó là cá thần, chẳng ai dám bắt về ăn.


Cạnh giếng nước là ngôi miếu

Đến tận ngày nay, đàn cá đó vẫn còn ở trong hang, đêm nghe tiếng chúng quẫy ùm ùm. Bà Đinh Thị Hiệp, nhà ở cạnh giếng thần thỉnh thoảng vẫn mang cơm sang thả xuống giếng cho đàn cá này ăn. Bà Hiệp tin rằng, đó là những con cá thần. Bà bảo, đã là người làng Nghe phải có trách nhiệm chăm sóc và thờ phụng.

“Đàn cá này lạ lắm anh à. Mang thức ăn sang mà không cung kính, thưa gửi nhẹ nhàng, đàn cá đó sẽ không bao giờ ra ăn. Mà cũng lạ suốt mấy chục năm trôi qua, đàn cá cũng chỉ có khoảng 20 con. Số lượng của chúng dường như không tăng lên mà cũng không giảm đi. Tôi không tin rằng đó là cá thần, nhưng sau nhiều năm sang cho đàn cá này ăn, tôi thấy chúng có rất nhiều biểu hiện khác thường và bí ẩn”, bà Hiệp khẳng định.

Giếng thiêng

Đến giờ người làng nơi đây vẫn chưa quên câu chuyện một gia đình đã dám ở trên mảnh đất linh thiêng này. Sau năm 1954, một gia đình Việt kiều người Pháp về Ba Vì thăm bố, họ muốn ở lại đây sinh sống. Nhưng gia đình này không được lòng của người dân và chính quyền nơi đây, vì thế, họ buộc phải lên núi để ở. Chính gia đình Việt kiều đó trong quá trình đi tìm nguồn nước để sinh sống họ đã tìm ra giếng nước kỳ lạ này.

Những người có tuổi ở làng kể lại, gia đình này sống ở đây không được thịnh vượng. Trong nhà thường xẩy ra chuyện xích mích, mâu thuẫn khó lý giải. Có một chuyện nữa khiến họ phát hoảng đó là về đôi rắn thần thường xuyên xuất hiện bên miệng giếng.


Giếng cho nước quanh năm, mát lành 

Đôi rắn này có mào đỏ chót ở trên đầu, mỗi con dài khoảng 3m. Đêm đêm chúng thường xuống giếng uống nước và quấn lấy nhau cho đến sáng mới lại vào hang. Gia đình kia từng nhiều lần chứng kiến cảnh đó, họ tin rằng đây là mảnh đất thiêng, mình đã sống trên đất của thần. Họ đã lập một ngôi miêu nhỏ bên cạnh giếng thần. Hằng ngày nhang khói, mong các vị thần linh lượng xá cho đám người trần mắt thịt dám ở trên đất thiêng. Gia đình này cũng chỉ ở đó được một thời gian rồi bán lại mảnh đất này cho người khác ở Hà Nội.

Mặc dù người chủ mới đã mua mảnh đất này được gần 20 năm nhưng cũng chỉ dám làm hàng rào xung quanh để bảo vệ giếng thần, chứ chưa dám xây dựng gì. Và người này vẫn giữ nguyên hiện trạng cái giếng và ngôi miếu do người chủ cũ để lại.

Đến giờ người làng còn kể lại câu chuyện đầy bi ai về chàng trai đã dám phạm đến giếng thần. Chàng trai này là người ở nơi khác lãng du qua đây. Một hôm anh ta đi đến bên miệng giếng thấy giếng nước trong và mát. Xung quanh cây rừng rậm rạp. Trời nóng như lửa đốt. Anh ta liền nghĩ tới chuyện được ngụp lặn trong làn nước mát. Mặc dù trước đó anh này đã được người làng cảnh báo, đây là giếng thần, không ai được làm ô uế cả. Vậy mà anh ta vẫn múc nước ở giếng dội ào ào.

Chỉ sau đó vài ngày tự nhiên anh ta mắc chứng bệnh ngoài da, không sao chữa khỏi. Tự nhiên anh ta cứ tha thẩn như người mất hồn. Sau đó ít lâu anh ta bị tâm thần nặng, ngày ngày ra đường nhặt lá, đá ống bơ, miệng lảm nhảm những câu vô nghĩa.

Của phụ nữ nên chỉ dành cho phụ nữ

Giờ đây làng Nghe không còn rừng già nhưng cây cối vẫn tươi tốt, um tùm. Địa thế làng Nghe rất đẹp. Từng có một thầy phong thủy đi qua đây phán rằng, ngôi làng dưới chân đỉnh thiêng non Tản này nơi hội tụ của 4 phương Đông, Tây, Nam, Bắc. Cạnh đỉnh non Tản lại sông Đà chảy qua, đó là thế đất sơn thủy, hữu tình. Cái giếng nước ở đầu làng này là mạch thiêng của dãy núi non Tản kia. Bởi thế, nếu ai lấp đi sẽ động đến long mạch của cả vùng.

Không biết lời phán của ông thầy phong thủy đó có đúng không, chứ bất kể một người dân nào đến định cư ở ngôi làng này đều coi nơi giếng nước đó là khu đất thiêng, không dám làm thay đổi hiện trạng và xâm phạm đến.

Nơi có giếng thần, hiện giờ thuộc quyền sở hữu của một phụ nữ ở Hà Nội. Xung quanh khu đất đã được người chủ này xây dựng tường rào. Muốn vào thăm giếng phải được sự đồng ý của chủ đất.

Bà Hiệp là người sống ở gần giếng thần nên được người chủ kia giao cho chìa khóa, nhờ trông nom. Theo chân bà Hiệp, bước qua chiếc cổng sắt, chúng tôi vào mảnh vườn nơi giếng thiêng tọa lạc. Đúng như những gì dân làng kể, giữa khu đất thoai thoải, bỗng nổi lên mu đá rộng chừng 30m2. Chính giữa mu đá đó là khe nước tuôn lên từ lòng núi.

Từ xa nhìn lại, chẳng cần phải tưởng tượng thì bất cứ ai cũng giật mình với câu hỏi tại sao giếng nước lại giống… cái ấy đến vậy!

Theo bà Hiệp thì từ bao đời nay, người dân nơi đây vẫn liên tưởng hình ảnh giếng nước này với bộ ngực của thiếu nữ trên núi Ba Vì có mối quan hệ khăng khít với nhau. Các cụ cao niên thì cho rằng, đó là hình tượng của công chúa Ngọc Hoa. Điều này trùng khớp với câu chuyện trong truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh xưa kia về nhân vật Ngọc Hoa công chúa là con gái vua Hùng Vương thứ XVIII.

Bà Hiệp bảo, bà sinh ra và lớn lên ở vùng đất này, ngay từ nhỏ đã thấy dãy núi có hình bộ ngực của thiếu nữ và giếng nước có cái tên nhạy cảm này. Theo bà Hiệp, trước đây, chỉ những phụ nữ mới được tắm tại giếng nước này, còn cánh đàn ông, con trai thì cấm tiệt.

Thuở trước, những đêm trăng sáng, các thiếu nữ ở làng vẫn ríu rít tắm mát ở giếng nước này. Nhiều chàng trai dù khát khao, dù mơ tưởng tới làn da ngà ngọc của thôn nữ nhưng cũng chẳng dám lại gần nhìn trộm. Họ sợ công chúa Ngọc Hoa nổi giận trừng phạt.

Sau này, vào một năm hạn hán, các giếng nước trong làng đều cạn khô, thiếu nước sinh hoạt, cánh đàn ông mới đánh liều… bước qua lời nguyền. Khi ấy, thấy sử dụng nước giếng mà vẫn bình an vô sự thì giếng nước mới là của chung, chứ không độc quyền của chị em nữa.

Nguồn tin: VTC News

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây