Hiện thân của Thượng Ngàn Thánh Mẫu
Nhiều năm trở lại đây, mỗi ngày có nhiều người dân các địa phương tìm về xã Hương Thọ để thắp hương cho hòn đá linh thiêng ở điện Mẹ Nằm được người dân địa phương gọi là “thạch thần”. Họ đến thắp hương để mong được phù hộ cho người thân thoát khỏi tai ương, bệnh tật. Ngược lên thượng nguồn sông Hương tìm về xã Hương Thọ, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện mang màu sắc kỳ bí xung quanh hòn đá này.
Ông Lê Văn Đơn (88 tuổi), ngụ thôn La Khê Bãi là một trong nhiều người dân địa phương nắm rất rõ gốc tích cũng như những câu chuyện kỳ bí về thạch thần. Bằng giọng kính cẩn, ông Đơn cho biết, từ nhỏ ông đã được bác ruột của mình là ông Lê Văn Kiệt, một nhà nho trong làng kể cho nghe những câu chuyện về sự linh thiêng của thạch thần.
Theo ông Đơn, điện Mẹ Nằm (thuở trước gọi là Sơn Chúa Điện) gần nhà ông được xây dựng cách nay hàng trăm năm. Điện nằm án ngự bên ruộng Bàu Tròn, lưng điện tựa núi, mặt điện hướng ra dòng sông Hương.
Ông Lê Văn Đơn là một trong nhiều người dân địa phương nắm rất rõ gốc tích cũng như những câu chuyện kỳ bí về thạch thần.
Thời vua Gia Long phục quốc, sau khi chiếm được kinh thành Phú Xuân, vua chiêu dân lập ấp, khai hoang vùng đất La Khê Bãi khi đó còn là vùng lam sơn chướng khí. Vua lệnh “tam đinh thủ nhất”, mỗi gia đình có ba người con trai thì một người phải đi khai khẩn ở vùng đất mới.
Nguồn gốc khởi thủy của làng hiện nay là ở Vị Khê (Hà Nội), theo lệnh của vua vào khai khẩn đất hoang, lập làng La Khê Bột ở phố cổ Bao Vinh ngày nay. Dần dần, do nhu cầu của cuộc sống, người dân di cư lên vùng đất ở thượng nguồn sông Hương, chặt cây làm nhà, cày ruộng để có lương thực, lập ra làng mới có tên là La Khê Bãi. Người dân đặt tên làng có chữ La Khê như muốn lưu giữ lại một chút gốc gác của làng La Khê Bột ở phố cổ Bao Vinh.
Vào mùa xuống lúa, tiết trời đẹp, có một trai đinh trong làng ra cày ở ruộng Bàu Tròn. Đây là khoảnh ruộng đầu tiên do dân làng khai phá. Đường cày của chàng lực điền đi “nhát” đầu tiên bỗng thấy hiện lên hòn đá lớn bằng mâm cơm án ngự trước mặt, hai bên có hai thanh đá dài như hai thanh kiếm để hộ vệ cho hòn đá lớn.
Thấy lạ, chàng lực điện cho dừng trâu, đến xem, lập tức 3 hòn đá lặn mất, phía trước chỉ là một khoảnh ruộng mênh mông, ngai ngái mùi bùn đất. Chàng lực điền nghĩ bụng chắc là do mình hoa mắt, ruộng đã khai hoang từ lâu, đã xuống mấy mùa lúa thì làm gì có viên đá to như thế. Nghĩ thế nên chàng vẫn tiếp tục công việc của mình.
Tuy nhiên, khi “đi” đường cày thứ hai, mặt chàng lực điền biến sắc khi thấy 3 viên đá cứ chạy và gõ nhịp đều theo đường cày của mình. Ngoảnh mặt nhìn lui thì 3 hòn đá lại biến mất.
Cứ như thế, việc những hòn đá cứ liên tục “quậy phá” quanh đường cày khiến chàng không tài nào cày ruộng được. Lần cuối cùng, nghĩ có kiêng có lành, chàng cho dừng trâu rồi chắp tay khấn trước đường cày: “Nếu ngài có thiêng thì xin hiện ra để tui mang ngài lên nơi khô ráo để thờ tự”.
Chàng lực điền vừa dứt câu thì 3 hòn đá hiện ra, nằm cao hơn mặt nước chân ruộng. Nghĩ lời khấn của mình đã ứng nghiệm, chàng liền mang hòn đá to lên đặt trước Sơn Chúa Điện. Đây là nơi cao ráo, đất đẹp được người dân trong làng hàng năm đến ngày là mang lễ vật tới cúng. Khi chàng lực điền quay lại để tìm hai thanh đá nhỏ thì thấy không còn nữa.
Khi mang hòn đá lớn lên tới điện thì xuất hiện một người đàn ông đến từ bên vùng đất Hói trước mặt làng. Người này đã bị hòn đá “nhập” vào. Người đàn ông nói: “Ta là Thượng Ngàn Thánh Mẫu, quản cai sơn Nhạc Cửu Châu”. Nói xong, người đàn ông liền ngất lịm.
Thấy đây là hòn đá thiêng, linh nghiệm từ lời khấn chân thành của mình, chàng liền cho lập một túp lều tranh nhỏ trước Sơn Chúa Điện để thờ, ngày ngày hương khói. Một hôm, trời mưa trút nước, sấm chớp rền vang, thấy hòn đá cựa mình, phát ra những hào quang kỳ lạ nên dân làng kéo tới rất đông. Thấy thiêng, họ liền xin phép các chức sắc trong làng cho lập miếu thờ, lâu dần, dân làng quên hẳn cái tên Sơn Chúa Điện mà chỉ gọi tên là Điện Mẹ Nằm.
Hòn đá ở điện từ lâu cũng được người dân gọi bằng cái tên kính cẩn là “thạch thần” hoặc gọi là “Mẹ”, hay “Thánh Mẫu”. “Thạch thần” ngày xưa chỉ bằng mâm cơm, nay đã lớn bằng cái bòn tròn.
Cứu làng thoát khỏi đại dịch
Để ghi nhớ công lao của chàng lực điền đã mang “thạch thần” lên điện thờ cúng, sau khi qua đời, chàng trai này được dân làng lập đền thờ bên cạnh điện Mẹ Nằm. Cứ đến ngày 16-17 tháng Giêng và ngày 16-17 tháng 7 Âm lịch hàng năm, người dân ở La Khê Bãi lại tổ chức lễ hội Kỳ An và Thu Tế để cúng Mẹ, mong Mẹ che chở cho dân làng.
Cứ mỗi lần cúng, tùy theo tấm lòng thành của con dân trong làng, lễ vật bao giờ cũng có là một con vịt quay, vài đĩa xôi. Đặc biệt, qua bao lần tổ chức lễ cúng, những chiếc áo đắp lên mình Thánh Mẫu cũng ngày một nhiều hơn, đến nay đã có hàng nghìn cái áo.
Đền thờ Mẹ Nằm được coi là nơi hết sức linh thiêng
Trải qua bao cuộc biến thiên của lịch sử từ chiến tranh thời phong kiến đến thời chống Pháp, chống Mỹ, ngôi điện vẫn không hề hấn gì, thôn dân trong làng tham gia đánh giặc cũng rất ít người hy sinh. Bà con La Khê Bãi luôn tin rằng Thánh Mẫu Đá Mẹ Nằm không chỉ che chở cho dân làng trong cuộc binh đao mà nay lại mang đến ấm no hạnh phúc trong thời bình.
Một ngày rong ruổi khắp thôn La Khê Bãi, chúng tôi được người dân kể cho nghe hàng loạt câu chuyện về việc “thạch thần” ra tay cứu giúp dân làng thoát khỏi tai ương. Một trong những câu chuyện được dân làng biết nhiều nhất là việc “thạch thần” cứu làng thoát khỏi tai họa trong một đợt dịch tả.
Số là, vào thời vua Tự Đức, trong thôn xảy ra trận dịch tả lớn. Nhiều người dân trong thôn lần lượt chết vì dịch, dân làng sống trong nỗi hoang mang tột độ. Trong sự tuyệt vọng, các bô lão trong làng bảo nhau chỉ còn cách duy nhất cứu làng là tổ chức lễ cúng “thạch thần” để được che chở thoát khỏi tai họa.
Các vị bô lão bàn nhau chọn ngày lành tháng tốt mang lễ vật đến cúng trước điện. Những người lớn tuổi, đại diện cho các họ tộc thể hiện lòng thành của mình băng cách 3 ngày liền phải ăn chay nằm đất. Kỳ lạ thay, ngay sau khi lễ cúng hoàn thành, trong làng người dân lần lượt khỏi bệnh mà không cần sử dụng bất cứ loạt thảo dược nào. Trong khi đó, các làng khác hàng ngày vẫn có rất nhiều người phải bị đại dịch quật ngã…
Vào cuối đời vua Tự Đức, trong làng bất ngờ xuất hiện xác chết của một người đàn ông lạ mặt. Sự việc này đến tai vua và nhà vua lập tức sai quan quân về làng điều tra cái chết để xử lý nghiêm khắc dân làng. Cả làng sống trong hoang mang tột độ vì nghĩ rằng chắc chắn làng sẽ gánh tội oan vì cái xác chết trên. Vậy nhưng, một lần nữa dân làng lại được “thạch thần” che chở.
Số là, khi quan quân triều đình đang rầm rập kéo về làng điều tra vụ việc thì bỗng dưng trong làng xuất hiện một con hổ rất lớn. Con hổ này chạy ra từ điện Mẹ Nằm rồi nhanh như cắt quắp xác chết trên chạy về phía điện rồi cả xác chết và hổ đều biến mất trước khi quan quân kéo đến. Người dân trong làng tin rằng, chính thạch thần đã ra tay cứu giúp bằng cách sai con hổ về mang xác chết trên đi giấu.