Xưa, người Chiêm Thành từng đặt kinh đô trên đất Bình Định. Hiện nay, tại xã Nhơn Hậu (TX An Nhơn, Bình Định) vẫn còn dấu tích của thành Đồ Bàn (còn gọi là Vijaya). Đồ Bàn là tên kinh đô của Chămpa trong thời kỳ Chămpa có quốc hiệu là Chiêm Thành, tồn tại trong 5 thế kỷ, từ năm 999 đến năm 1471.
Qua các cuộc xung đột với Đại Việt, người Chiêm Thành bị đẩy lùi dần về phương Nam. Người Chăm rời kinh đô ra đi, nhưng trên đất Bình Định còn ẩn chứa nhiều kho báu bí ẩn được cho là của người Chăm chôn giấu trong thời gian sinh sống ở đây.
Núi An Mơ nằm trên địa bàn thôn Thọ Lộc 1, xã Nhơn Thọ (TX An Nhơn, Bình Định), nơi từng dậy sóng chuyện những thợ đá đang khai thác tại đây phát hiện kho báu được cho là của chủ đất người Chăm. Từ phát hiện này, những năm sau đó nạn lén lút “khai thác” các ngôi mộ người Chăm để tìm vàng rộ lên theo…
Vàng trong đá
Trong lúc rẽ chiếc xe máy vào con đường mòn đi lên núi An Mơ, tình cờ tôi gặp ông Trương Mười (66 tuổi) ở xóm Thọ Sơn Tây, thôn Thọ Lộc 1, xã Nhơn Thọ (TX An Nhơn, Bình Định), đang ngồi hóng mát trước hiên nhà. Tôi tạt xe vào, hỏi thăm những chuyện ly kỳ về kho báu bí ẩn của một chủ đất người Chăm từng sinh sống trên đất này. Ông Mười vỗ đùi đánh đét, nói: “Tui sinh ra và lớn lên dưới chân núi An Mơ, tui rành chuyện này lắm”.
Ông Trương Mười kể chuyện với PV
Theo ông Mười, các bậc lão niên ở thôn Thọ Lộc 1 không ai là không biết chuyện ông Trà Bô Loan, một người Chăm đến đây “khai sơn phá thạch”, tạo lập ruộng nương làm ăn sinh sống, giúp đỡ dân làng. Truyền thuyết về ông Trà Bô Loan được truyền miệng từ đời này sang đời khác.
Theo truyền thuyết, ông Trà Bô Loan đặt chân lên mảnh đất có ngọn núi An Mơ từ khi nào không ai biết. Năm 1471, khi vương quốc Chiêm Thành bại trận, bỏ thành Đồ Bàn dạt về phương Nam, thì ông Trà Bô Loan để con cháu ra đi, riêng ông vẫn bám trụ đất Thọ Lộc để tiếp tục sản xuất trên những cánh đồng bạt ngàn do ông khai phá. Ông sống cùng người vợ và một người hầu dưới chân núi An Mơ.
Trong thời điểm này, những người Việt đầu tiên Nam tiến đã dừng lại an cư trên mảnh đất Thọ Lộc. Người mới, đất mới, không có ruộng nương canh tác, người dân phải làm thuê cho ông Trà Bô Loan để kiếm kế sinh nhai. Là “chúa đất” trong vùng, ông Trà Bô Loan chia ruộng cho người dân làm ăn, thu tô. Sau khi “chúa đất” Trà Bô Loan qua đời, không có người kế nghiệp, người dân địa phương cứ giữ lấy đất đai ông Trà Bô Loan chia cho để làm ăn sinh sống.
“Sau này, để ghi nhớ công lao của người đã khai hoang vùng đất, người dân trong vùng đã dựng miếu thờ ông Trà Bô Loan ngay tại mảnh đất ông từng sinh sống. Hàng năm, đến ngày rằm tháng 3 âm lịch là người dân lại cung kính, hương khói cho ông. Truyền thống đó vẫn còn gìn giữ đến bây giờ”, ông Mười kể.
Một buổi chiều đầu thập niên 80 (TK 20), trong lúc công nhân của Xí nghiệp Đá số 1 Nghĩa Bình khai thác đá dưới chân núi An Mơ thì phát hiện được 1 cái thạp (chum) bằng đất nung, bên trong phủ 1 tấm vải đỏ có chất liệu và những nét thêu hoa văn rất lạ, trong đó có nhiều đồ trang sức màu vàng nhưng đã gỉ sét toàn bộ. Tổ công nhân đào được chum chia nhau mỗi người 1 ít để “làm kỷ niệm”, chứ lúc ấy không ai biết đó là vàng.
Ông Mười nhớ lại: “Có anh công nhân mang 1 sợi xích xuống quán chè bà Năm Bào ở phía dưới núi An Mơ đổi 1 ly chè, nhìn thấy sợi dây xích gỉ sét, bà Năm Bào chê, không đổi”.
Cũng theo lời kể của ông Mười, số trang sức trong chum được anh em công nhân mang về lán trại đóng tại Bưu điện Thọ Lộc bây giờ, tặng cho các công nhân nữ để đeo, nhưng ai cũng lắc đầu vì nghĩ rằng không có thì thôi, ai lại đi đeo sắt.
“Không chỉ bị từ chối, anh chàng tặng cô gái 1 chiếc nhẫn còn bị mỉa mai. Tức quá, anh ta vứt luôn chiếc nhẫn ngay trước cửa lán trại. Khi biết số trang sức kia là vàng thật, anh này liền chạy đến trước cửa lán trại để tìm lại chiếc nhẫn. Sau khi tìm được, anh liền chà rửa thì nó trở thành chiếc nhẫn vàng bóng loáng. Về sau, anh đã nộp lại cho cơ quan chức năng”, ông Mười kể thêm.
Số trang sức nói trên được phát hiện là vàng thật từ cái tính kỹ lưỡng của 1 trong những công nhân đào được thạp đồ trang sức. Anh công nhân này mang số trang sức được chia xuống hiệu vàng ông Bảy Đắc ở ngã tư chợ Đồn để thử, hóa ra là vàng thật.
Anh chàng công nhân này mang số trang sức được chia đi biến luôn. Sau khi lộ chuyện công nhân khai thác đá “trúng” vàng, ông Phan Đình Chạnh (89 tuổi) hiện ở thôn Thọ Sơn Đông, lúc đó là Giám đốc Xí nghiệp Đá số 1 Nghĩa Bình, báo cáo với ngành chức năng lên thu hồi lại. Không biết trong thạp có bao nhiêu vàng, nhưng những người khai thác được chỉ nộp lại số vàng tương đương hơn 6 lượng”.
Rộ nạn đào mộ tìm kho báu
Sau khi công nhân khai thác đá “trúng” vàng dưới chân núi An Mơ, vào cuối thập niên 80, một nhóm người Chăm sống tại tỉnh Ninh Thuận tìm đến miếu Trà Bô Loan để tìm vàng. Nhóm người lạ này thuê một số người dân địa phương đến khu vực cách miếu Trà Bô Loan về phía Tây khoảng 50m đào bới để tìm kho báu. Khi đào sâu xuống khoảng 2m, thấy một hòn đá nhỏ tròn xoe, màu xám, đường kính khoảng 40cm.
Miếu thờ ông Trà Bô Loan dưới chân núi An Mơ
Nhóm thợ lấy búa tạ đập hòn đá đó thì phát hiện bên dưới có nhiều mảnh sành, mảnh đá, có cả những chiếc chén còn nguyên. Cứ nghĩ đã sắp tìm được kho báu, nên nhóm người này tiếp tục đào mở rộng ra khu vực xung quanh. Tuy nhiên, đào cả tuần liền nhưng không tìm thấy gì ngoài những mảnh sành vụn, nên nhóm người này bỏ cuộc. Tiếng đồn người Chăm để lại nhiều kho báu lan xa, vậy là khắp nơi rộ lên nạn đi tìm các ngôi mộ Chăm đào để kiếm kho báu.
Anh N.V.L (54 tuổi) ở phường Nhơn Hòa (TX An Nhơn, Bình Định), một người thời trẻ từng được những người Chăm thuê đào mộ tổ tiên để tìm vàng, kể lại: Hôm ấy, nhóm 4 người dân địa phương được một trung niên người Chăm thuê, hướng dẫn đào 1 ngôi mộ. Người đàn ông người Chăm cứ nhìn vào 1 mảnh giấy và hướng dẫn đào. Điểm xuất phát đào cách đầu ngôi mộ khoảng 2m, khi đào xuống khoảng 1,5m thì gặp 1 luồng vôi trắng, cứ như đường kẽ trên bản đồ. Đào theo đường vôi trắng 1 đoạn lại gặp đường than đen, lại đào theo đường than đen.
Một ngôi mộ Chăm còn nằm trên gò Nhà thờ Kim Châu.
“Đào hết đường than đen, ông người Chăm bảo mọi người nghỉ tay uống nước, hút thuốc, cũng sắp xong rồi. Ai ngờ hút chưa xong điếu thuốc cả 4 người đào thuê ai cũng lăn quay ra ngủ mê mệt. Sáng hôm sau thức dậy mới biết ông người Chăm kia đã hoàn tất công đoạn cuối cùng, lấy hết kho báu đi biệt tăm.
Tuy nhiên, để trả công cho chúng tôi, ông người Chăm bỏ vào túi mỗi người 1 quả chuối nhỏ bằng vàng, có lẽ được bẻ ra từ nhánh chuối vàng trong kho báu. Năm ấy (1987) bán quả chuối ấy tôi mua được chiếc xe Honda 67 còn mới keng”, anh L. nhớ lại.
Cũng trong quãng thập niên 80 (TK 20) tại gò Nhà Thờ, nằm sát cạnh Nhà thờ Kim Châu thuộc địa bàn phường Bình Định (TX An Nhơn, Bình Định), chỉ trong vòng 1 đêm đến sáng, ngôi mộ Chăm nằm trên gò này đã bị đào tung, đến cả anh Bốn Truyền, có nhà nằm sát cạnh ngôi mộ không hề hay biết.
Ngôi mộ Chăm trên gò Nhà thờ Kim Châu đã bị đào để tìm kho báu.
Anh N.V.T, một người dân địa phương cho biết: “Trước hôm ngôi mộ bị đào có 4 người Chăm không biết đến từ đâu đi dò la tục danh của gò mả, tên của nhà thờ, hỏi thăm về cây đa gần nhà thờ, cứ như họ xác minh lại những điều đã ghi trong gia phả của dòng họ để tìm kho báu cho chính xác. Đặc biệt, trên gò mả này có 3 - 4 ngôi mộ Chăm nhưng họ chỉ đào đích 1 ngôi mộ”.
Chuyện thực hư về những kho báu của người Chăm như thế nào không ai có thể biết, nhưng chuyện những ngôi mộ người Chăm bị đào bới để tìm kho báu là có thật!.
“Hiện nay, miếu thờ ông Trà Bô Loan dưới chân núi An Mơ, nơi từng được mọi người biết đến từ câu chuyện “vàng trong đá”, được người dân địa phương hương khói thường xuyên, và được bà Ngô Thị Sương, một người dân Thọ Lộc hiện làm ăn ở Sài Gòn tài trợ tiền trùng tu khang trang và làm con đường mòn đi lên miếu để tưởng nhớ người khai thiên lập địa vùng đất này”, ông Trương Mười cho biết.
Nguồn tin: Nông Nghiệp VN
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự