Kỳ 2: Báu vật bí ẩn
Không biết ông Phàn Tà Phâu (xã Nậm Ty, Hoàng Su Phì, Hà Giang) cảnh giác với chúng tôi, hay muốn có người đỡ rượu, nên gọi thêm vợ chồng người cháu ở bên kia sườn núi đến nhà, rồi mới dùng bữa. Phàn Dùn Khuân mới 26 tuổi, nhỏ thó, song đã có vợ và 2 con. Dù tửu lượng chẳng được mấy, nhưng biết cái bụng người vùng cao, nên tôi cứ uống. Chỉ là rượu sắn, rượu ngô, nhưng trong khung cảnh tĩnh mịch rừng già thấy chẳng có thú nào bằng.
Đi vùng cao nhiều, hiểu về phong tục người Dao chút ít, nên tôi và ông Phâu nói chuyện nhiều lắm. Hiểu được bụng mình, với lại rượu đã ngà say, sự cảnh giác của ông Phâu dường như đã tan vào chén rượu. Câu chuyện về thanh kiếm cổ, “kho báu” và cuộc thiên di của người Dao cứ bảng lảng sương khói giữa rừng rậm Hoàng Su Phì.
Ông Phâu và hai thanh kiếm cổ của tổ tiên người Dao
Thủy tổ của người Dao vốn là Bàn Hồ (Bàn Vương) ở phương Bắc xa xôi. Bàn Hồ vốn là một long khuyển mình dài 3 thước, lông đen với các sọc vàng từ đầu đến đuôi. Ông này vốn từ trên trời giáng xuống trần gian.
Do lập nhiều công trạng đánh đông dẹp bắc, nên Bàn Hồ được Bình Hoàng gả cung nữ. Ông sinh được 6 người con trai và 6 người con gái. 12 con lấy 12 họ khác nhau, lập ấp sinh sống ở các vùng khác. Do đất chật, người đông, chiến tranh liên miên, nên các dòng họ Dao phân tán đi khắp ngả. Thế nhưng, truyền thuyết về thủy tổ Bàn Vương của mình thì bất cứ dòng họ nào cũng nhớ.
Có nguồn sử liệu ghi chép rằng, người Dao đã di cư từ phương Bắc về Việt Nam chừng 1.000 năm trước, song gia phả, truyền thuyết, sách vở của các họ người Dao thì đều cho rằng, họ mới đi cư vào Việt Nam khoảng 300-400 năm mà thôi. Điều này phù hợp với hầu hết nguồn sử liệu chính thống. Theo ông Phâu, sách cổ của người Dao mà ông giữ, thì họ Bàn mới di cư đến Việt Nam gần 400 năm trước, vào thời nhà Lê và cũng là dòng họ đầu tiên thiên di từ phương Bắc về phía Nam. Họ Bàn và họ Phàn là một, là do mỗi vùng có một cách gọi khác nhau mà thành.
Cuộc thiên di của họ vô cùng vất vả, gian khổ, phải vượt qua không biết bao nhiêu sông, núi, rừng hoang cách trở. Họ bị chết hàng loạt vì đói khát, vì bị kẻ thù truy sát, tộc người bản địa sát hại, bệnh tật…
Mỗi cuộc thiên di là cả họ người Dao cùng kéo đi, đông đến hàng ngàn, hàng vạn người. Thứ mà mỗi cuộc thiên di họ đều phải mang theo và bảo vệ nghiêm cẩn như báu vật là những vật thờ tổ tiên.
Chuôi kiếm có hình thù kỳ lạ
Theo ông Phâu, những vật dụng đó vô cùng quan trọng với người Dao. Trong cuộc thiên di, khi qua con sông, qua ngọn núi, người Dao đều bày lễ cúng rất linh đình tưởng nhớ tổ tiên, cầu mong tổ tiên phù hộ cho chuyến vượt sông, leo núi. Những đồ cổ của tổ tiên truyền lại được bày ra trong lễ cúng. Điều đặc biệt, trong lễ cúng đó, họ “mặc cả” với tổ tiên rằng, nếu phù hộ cho họ thành công khi vượt sông, vượt núi, họ sẽ rèn thêm dao, thêm kiếm, thêm vật dụng để tổ tiên… có đồ mà dùng.
Tổ tiên người Dao rèn, chế ra đủ các loại vật dụng như dao, kiếm, búa lớn, búa nhỏ, liềm, cuốc, bát, đĩa, bát hương, gậy… Trong số những món cổ vật, đặc biệt quý là tranh, gồm 18 bức khổ lớn. Những bức tranh thờ này vẽ đủ các vai vế, từ đế vương đến quan chức, dân thường, đàn ông, đàn bà, trẻ con, thầy cúng, binh mã, thế giới âm phủ... Những bức tranh mô tả toàn bộ đời sống, sinh hoạt, văn hóa của người Dao thời xa xưa, kể cả cõi dương lẫn cõi âm. Chính vì thế, những bức tranh này vô cùng quý giá, đặc biệt quan trọng, như tính mạng của họ.
“Kho báu” ông Phàn Tà Phâu hiện đang giữ là những vật tối cổ của người Dao. Bản thân ông Phâu cũng không biết những vật dụng này có từ khi nào, nhưng chắc chắn nó có trước khi dòng họ này thiên di về Việt Nam, tức là hơn 400 năm trước.
Cuộc thiên di vô cùng vất vả, khốc liệt và sự tồn tại của người Dao đến ngày hôm nay, theo suy nghĩ của họ, là nhờ sự phù hộ của tổ tiên. Chính vì lẽ đó, người Dao rất coi trọng việc thờ cúng thần linh và tổ tiên. Những vật dụng của tổ tiên được họ giữ gìn cẩn trọng như báu vật và trong những buổi lễ truyền thống, họ mang “kho báu” đó ra để dâng tổ tiên bằng lòng thành kính với những nghi lễ tối cổ.
Người Dao có rất nhiều nghi lễ phức tạp trong năm và mỗi khi thầy cúng hành nghề, đều dùng đến những đồ vật cổ. Tuy nhiên, những vật dụng đem ra cúng bái chỉ là phiên bản. Ngay cả lễ cấp sắc quan trọng nhất đời người, các thầy cúng trong dòng họ cũng chỉ được mượn một số vật dụng đơn giản trong “kho báu” của tổ tiên người Dao do ông Phâu giữ. Để mượn được đồ, thầy cúng phải đem lễ là miếng vải đỏ, túm gạo, xâu thịt dài và chút ít tiền. Thầy cúng phải mang bồ to đến đựng đồ vật. Tuy nhiên, không thầy cúng nào, không dòng họ nào được phép mượn đôi kiếm báu gồm kiếm đực và kiếm cái của tổ tiên người Dao.
Tôi hỏi, trong năm, khi nào thì kiếm báu mới xuất hiện để mọi người chiêm ngưỡng, thì Phàn Tà Phâu bảo rằng, chỉ duy nhất vào ngày tết Cúng nhảy. Tết Cúng nhảy có thể chọn bất kỳ ngày nào, từ ngày mùng 1 đến 15 tháng giêng. Tết Cúng nhảy chính là lễ cúng tổ tiên. Khi đó, tất cả các cổ vật sẽ được trưng ra, đôi kiếm báu sẽ xuất hiện trong cảnh cực kỳ liêu trai chí dị.
Rượu ngà say, ông Phàn Tà Phâu mới mở lời: “Sự thực thì tôi cũng không muốn giấu giếm gì, cũng muốn cho nhà báo thấy, để tuyên truyền, giữ gìn văn hóa người Dao, nhưng ngặt nỗi, đây là kiếm báu của tổ tiên người Dao cả nước này, với những mười mấy họ, nên tôi rất sợ. Cho nhà báo xem rồi, nhỡ dòng họ xảy ra chuyện gì, người ta lại trách mắng thì tôi gánh sao hết tội. Ngay cả người Dao ở bản này, cũng có mấy ai được nhìn kiếm báu đâu, chứ đừng nói chạm vào… Mà có phải chỉ có mỗi kiếm đâu, còn nhiều tranh cổ, đồ cổ quý lắm”.
Ông Phâu vừa uống rượu vừa kể về kiếm cổ với lòng thành kính sâu sắc như kính ngưỡng tổ tiên. Xưa kia, chính bố ông là người giữ “kho báu” này. Bố ông mất, thì chuyển cho chú ruột ông là ông Phàn Chòi Cuối. Ông Cuối mất năm 2007 thì con trai là Phàn Tà Loàng giữ. Đến đầu năm 2011, các báu vật chuyển cho ông Phâu. Câu chuyện chuyển kiếm cổ và kho báu sang nhà Phàn Tà Phâu quả là nhuốm màu liêu trai, kỳ bí.
Câu chuyện đang đến hồi hấp dẫn thì anh Triệu Dào Và, người Dao trong bản soi đèn pin đến nhà ông Phâu chơi. Nâng chén rượu, Và bảo, sống ở đất này từ bé, đã 40 năm, mà cũng chưa một lần được nhìn kiếm báu.
Rồi anh chàng Phàn Dùn Khuân, cháu ruột của ông Phâu cũng chêm vào, rằng mang tiếng là sống ở ngay cạnh nhà chú, uống rượu với chú bao nhiêu lần, mà cũng chưa biết hình thù kiếm báu ra sao. Bản thân Khuân cũng đã mấy lần nhảy lửa, vác búa xông vào trận tiền trong các buổi lên đồng trong lễ Cúng nhảy, nhưng cũng chưa được nhìn kỹ kiếm báu lần nào. Lúc kiếm báu “ra trận”, là lúc Khuân đang say máu với đống lửa, với những “trận chiến” kinh hồn bạt vía không thể giải thích nổi.
Rượu tàn canh, cả nhà báo và gia chủ say mèm, ông Khuân vững dạ tuyên bố: “Thế thì sáng mai ta sẽ cho nhà báo được xem kiếm báu của tổ tiên ta”. Nói xong, ông lên giường ngáy o o.
Còn tiếp…
Nguồn tin: VTC News
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự