Bí ẩn quả chuông đồng nạm ngọc 300 tấn - lớn nhất thế giới

Thứ hai - 23/05/2016 14:57
Quả chuông cổ được đúc từ thế kỷ 15 với hơn 300 tấn đồng cùng rất nhiều vàng, bạc, thiếc… bên ngoài còn được nạm bởi vô số ngọc lục bảo và ngọc bích.
Hình ảnh Đại Chung của Dhammazedi được mô tả trong một bức tranh cổ cho thấy kích thước vĩ đại của nó
Hình ảnh Đại Chung của Dhammazedi được mô tả trong một bức tranh cổ cho thấy kích thước vĩ đại của nó
Đại Chung (quả chuông lớn) của Dhammazedi từng được biết đến là quả chuông lớn nhất thế gian. Chuông được đúc vào thế kỷ 15 theo lệnh của người trị vì Vương quốc Hanthawaddy (ngày nay thuộc lãnh thổ Myanmar), đức vua Dhammazeddi.

Thế nhưng tạo tác vĩ đại này đã mất tích bí ẩn từ hơn 400 năm trước, sau khi bị một người châu Âu chiếm đoạt. Người ta cho rằng nó hiện vẫn đang bị chôn vùi dưới đáy của một dòng sông, theo truyền thuyết là tại giao điểm của sông Yangon và sông Bago ở Myanmar.

Rất nhiều nỗ lực đã được thực hiện với hy vọng có thể tìm lại một trong những cổ vật tuyệt diệu nhất trong nền văn hóa Myanmar truyền thống. Nhưng tất cả đều đã thất bại.

Câu chuyện về Đại Chung của Dhammazeddi bắt đầu vào khoảng năm 1480. Vào thời gian này, vua Dhammazeddi đã cho thực hiện một cuộc điều tra về dân số trong vương quốc Hanthawaddy của ông.

Những cận thận của nhà vua dường như đã quá hăng say trong công việc được giao. Thế nên không chỉ tiến hành ghi chép số lượng các hộ gia đình và nhân khẩu trong vương quốc, họ còn nhân dịp đó để đánh thuế tất cả mọi người.

Khi nhà vua biết chuyện, ngài đã rất tức giận. Và để xoa dịu cơn thịnh nộ của vua cũng như dân chúng, mấy viên cận thần đề xuất dùng số kim loại quý (chủ yếu là đồng và vàng bạc) mà họ đã thu của người dân để làm thành một quả chuông.

Nhà vua đã rất thích thú với ý tưởng đó, và việc chế tạo quả Đại Chung khổng lồ được tiến hành.

Những cận thần của Dhammazeddi đã thu được tổng cộng gần 300 tấn đồng, cùng với rất nhiều vàng, bạc, thiếc… tất cả đều được dùng vào việc đúc chuông. Ngoài ra, quả chuông sau khi đúc còn được nạm bởi một số lượng lớn ngọc lục bảo và ngọc bích.

Đại Chung sau khi hoàn thiện được nhà vua ban tặng cho chùa Shwedagon (một trong những ngôi chùa Phật Giáo linh thiêng nhất của Myanmar nằm ở thành phố Yangon và vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay). Theo truyền thuyết, chuông được đặt bên cạnh ngôi chùa vì nó quá lớn.
Filipe de Brito, kẻ đã đánh cắp quả chuông và khiến nó biến mất trên sông Yangon
Filipe de Brito, kẻ đã đánh cắp quả chuông và khiến nó biến mất trên sông Yangon
Người phương Tây lần đầu tiên biết đến quả chuông vĩ đại này là qua những ghi chép thương gia người Ý Gasparo Balbi, người đã đến thăm Miến Điện vào cuối thế kỷ 16. Balbi đã viết rằng, trong khi khám phá ngôi chùa Shwedagon, ông đã đi qua một quả chuông khổng lồ được đặt bên trong một hội trường.

Balbi viết: “Tôi tìm thấy một quả chuông cực lớn trong một hội trường, mà chúng tôi đo được tới bảy bước chân và ba gang tay, thân chuông được khắc đầy chữ, dày đặc từ trên xuống dưới, nhưng không ai hiểu được những chữ đó”.

Câu chuyện đã nhanh chóng thu hút sự chú ý và cả lòng tham của những “nhà thám hiểm” phương Tây. Một người Bồ Đào Nha tên là Filipe de Brito đã thiết lập một trạm buôn bán (thực chất là đồn trú) tại Syriam (nay là Thanlyin, Myanmar) vào khoảng cuối thế kỷ 16 đầu thế kỷ 17.

Sau đó, lợi dụng sự suy yếu của hoàng gia Miến Điện, họ mở rộng tầm kiểm soát của mình đến tận Dagon và khu vực nông thôn rộng lớn xung quanh, vào khoảng năm 1600.
Một nhà sư đang làm lễ trước khi các thợ lặn tiến hành tìm kiếm Đại Chung trên sông Yangon.
Một nhà sư đang làm lễ trước khi các thợ lặn tiến hành tìm kiếm Đại Chung trên sông Yangon.
Năm 1608, de Brito quyết định chiếm đoạt Đại Chung của Dhammazedi từ chùa Shwedagon, với ý định sẽ chuyển về Syriam để… nấu chảy ra lấy đồng đúc pháo. De Brito sử dụng một chiếc bè lớn để chở quả chuông dọc theo sông Yangon, và đích thân phụ trách chuyến đi.

Nhưng tham vọng của ông ta đã không bao giờ trở thành hiện thực. Tại nơi hợp lưu giữa sông Bago và sông Yangon, chiếc bè đột nhiên bị vỡ, Đại Chung của Dhammazedi biến mất giữa dòng sông sâu, còn số phận của de Brito sau đó thì không ai còn được biết.

Hơn 400 năm đã trôi qua kể từ khi quả chuông huyền thoại bị thất lạc, người dân Myanmar, đặc biệt là những nhà nghiên cứu văn hóa – lịch sử vẫn luôn đau đáu. Trong vòng 25 năm qua, ít nhất đã có bảy cuộc tìm kiếm quy mô được tiến hành.

Đối với người dân, quả chuông chính là một báu vật quốc gia của họ, ngoài ra nó còn mang ý nghĩa tâm linh to lớn trong Phật giáo. Do đó, những nỗ lực tìm kiếm Đại Chung chắc chắn sẽ còn tiếp diễn trong tương lai.

Hy vọng rằng, một trong những tạo tác tuyệt vời nhất của nhân loại rồi đây sẽ lại được thấy ánh dương quang, để Đại Chung của Dhammazedi huyền thoại, một lần nữa sẽ lại ngân vang, cảnh báo cho sự phàm tục của người đời.

Nguồn tin: VTC News

 Từ khóa: thế kỷ, vô số

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây