Bí ẩn tập tục chích máu tìm kẻ gian của đồng bào Ca Dong tỉnh Quảng Nam

Thứ tư - 05/07/2017 09:49
Đồng bào người dân tộc Ca Dong, Xê Đăng ở tỉnh Quảng Nam có rất nhiều phong tục bí ẩn và có phần kỳ dị mà đến tận bây giờ người ngoài vẫn chẳng thể nào hiểu hết.

Nằm khép mình dưới chân dãy núi Trường Sơn, những ngôi làng của đồng bào người dân tộc Ca Dong, Xê Đăng ở huyện miền núi Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam vẫn còn nhiều phong tục bí ẩn mà người ngoài chưa tìm được lời giải đáp. Một trong số đó là tục chích máu tìm kẻ gian của đồng bào nơi đây. Kiểu xử án này rất đơn giản: Hai người có tranh chấp dùng thanh nứa được vót nhọn cùng đâm vào tay nhau, ai bị chảy máu sẽ là người thua cuộc trong phiên xử.

Tập tục khó tin

Nhiều lần ngồi trò chuyện cùng các cán bộ TAND huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, chúng tôi được nghe kể về phong tục xử án đặc biệt của đồng bào dân tộc người Ca Dong, Xê Đăng. Đây là hai dân tộc ít người sống chủ yếu ở các xã thuộc huyện vùng cao Nam Trà My như Trà Dy, Trà Cang, Trà Tập... Họ sống ẩn dật, ít tiếp xúc với cuộc sống hiện đại bên ngoài nên còn lưu giữ nhiều nét sinh hoạt nguyên thủy.

Điều kỳ lạ là dù có nhiều nét phong tục tập quán khác nhau nhưng người Ca Dong, Xê Đăng lại luôn sống quây quần gần nhau, không tách biệt như những dân tộc ít người khác. Từ TP. Tam Kỳ, phải vượt hơn 300km chúng tôi mới đến được bản làng của người Ca Dong, Xê Đăng ở xã Trà Cang.

Nghe chúng tôi muốn tìm hiểu về tục chích máu tìm kẻ gian, ông Nguyễn Đỗ Tri, Chủ tịch UBND xã Trà Cang, cười nói: “Có thật đấy, chính xác 100% luôn nghe. Đồng bào ở đây sống tập trung theo từng xóm, bản. Dù tính tình hiền lành, thật thà nhưng nhiều khi họ cũng xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn vặt hay nam nữ quan hệ bất chính.

Họ ít khi tìm tới pháp luật nhờ giải quyết mà tự xử lý bằng cách chích máu xử án tìm kẻ gian. Chính quyền địa phương chúng tôi phải nắm tình hình địa bàn khi xảy ra việc để điều tra làm rõ, nhưng kết quả khi tìm ra sự thật thì đều giống với kết quả kẻ gian bị chích máu”. 

Nói rồi, ông hăng hái dẫn chúng tôi vào bản tìm gặp già làng để nghe kể chuyện. Già Hồ Văn Nghê ở thôn 7, xã Trà Cang nay đã ngoài 80 tuổi nhưng vẫn còn rất mạnh khỏe và minh mẫn. Già Nghê cho biết phiên xử án bằng cách chích máu chỉ diễn ra khi có 2 bên tham gia tranh chấp về bất cứ vấn đề gì.

dan toc ca dong 2
Già làng Nghê trong một buổi lễ của người Xê Đăng 

Họ đến tìm già làng, yêu cầu được phân xử rõ ràng. Ngay sáng sớm hôm sau khi mặt trời chưa lên tới ngọn cây, già làng đã tập hợp tất cả dân bản lại ở nơi xảy ra tranh chấp hoặc giữa sân làng để xử án. Hai người đứng ra tranh chấp phải nhịn đói từ tối hôm trước, không được ăn uống.

Ai bị người làng phát hiện đã lén lút ăn thức ăn hoặc uống nước, rượu thì ngay lập tức bị xử thua. Già làng đích thân ngồi vót hai thanh nứa có mũi nhọn để tiến hành chích máu, mỗi thanh dài chừng 5cm. Trên mỗi thanh nứa có đánh dấu 1 vị trí cách đầu nhọn chừng 1cm.

Khi mọi việc đã chuẩn bị xong, hai thanh nứa được phát cho hai người có tranh chấp dưới sự chứng kiến của cả dân làng. Mỗi người đưa thanh nứa trong tay mình lên cao rồi lầm rầm khấn vái: “Mời trời đất, thần linh, ông bà đã khuất chứng giám. Xin hãy giữ giùm máu trong người con, đừng cho chảy ra. Hãy để máu chảy ra từ đứa làm việc sai trái”.


Lễ cúng trời đất của người Xê Đăng 

Khấn xong, người này sẽ dùng thành nứa đâm vào bàn tay hoặc có nơi đâm vào đầu ngón tay người kia. Độ sâu vết đâm chừng 1cm, nơi có vị trí được đánh dấu sẵn trên thanh nứa. Khoảng chừng 5 phút, già làng sẽ ra lệnh rút thanh nứa ra khỏi tay. Máu chảy ở tay ai, người đó thua cuộc và chấp nhận có lỗi.

Ông Tri cho biết, mỗi năm có hàng chục vụ người dân tự phân xử với nhau bằng việc chích máu tìm

kẻ gian và điều lạ lùng là tất đều cho kết quả đúng. Người nào tham gia chích máu mà bị máu chảy ở tay đều chấp nhận thua cuộc và thừa nhận có lỗi hoặc đã làm sai chứ không hề có kiện tụng hay tranh chấp kéo dài. 

Dân tộc Ca Dong, Xê Đăng cũng áp dụng phương pháp này với số đông người. Đặc biệt khi có sự nghi ngờ giữa bản này với bản khác cũng xử lý tương tự.

“Thanh nứa đâm vào tay sâu đến 1cm thì tất nhiên là phải chảy máu. Vậy nhưng những người được chứng minh không phải kẻ gian thì tay chỉ bị thâm tím lại. Công tác ở đây đã 30 năm nhưng tôi vẫn không thể nào giải thích được, đồng bào cũng kín tiếng nên không kể cho chúng tôi biết việc này”, ông Tri nói.

Theo già Nghê, sau khi xử án người thua và người thắng không hề xảy ra xích mích hay mâu thuẫn thêm, sự việc kết thúc êm đẹp vì người dân tin vào luật tục, thần linh, ông bà đã chết. Người thua cuộc phải chịu bồi thường thiệt hại và trả lại vật tranh chấp. Người thua cũng phải đền heo, gà để cúng làng, làm tiệc rượu mời bà con đến ăn uống một bữa để trả công chứng giám. Không thể chối cãi

Trò chuyện cùng chúng tôi, ông Tri liên tục khẳng định không tin tưởng việc tìm kẻ gian bằng cách chích máu nhưng thừa nhận là phong tục này cho kết quả đúng hoàn toàn. Ông có thể kể hàng chục vụ đâm tay giải quyết tranh chấp trong mấy năm qua mà kết quả điều tra của công an xã và kết quả chích máu là trùng hợp với nhau.

Mới đây nhất là vụ việc con bò của bà Hồ Thị Tớn ở thôn 5 xã Trà Cang đang thả rông cho ăn cỏ trên đồi cách bản chừng 3km bị ai đó chém chết và cắt mất một chân. Chính quyền địa phương biết chuyện nên cử lực lượng công an xã tiến hành điều tra kẻ gian. Bà Tớn nghi ngờ Hồ Văn Lỳ là hung thủ nhưng không báo với công an mà đến nhờ già làng tổ chức chích máu. 

Khi tiến hành chích máu, tay Lỳ đổ máu, tay bà Tớn thì không nên người làng xác nhận Lỳ là kẻ gian. Kết quả điều tra của công an xã cũng xác định: Do có cãi nhau nên Lỳ ra rẫy chém chết bò của bà Tớn để trả thù. 

Sau khi chém bò, Lỳ cắt một chân mang sang xã Trà Tập làm mồi ngồi nhậu cùng bạn bè và nói dối là mới mua được. Lỳ sau đó phải đền tiền con bò cho bà Tớn, mua một con heo về đãi làng và bị phạt hành chính mất 500.000 đồng.


Trẻ em người Ca Dong lạ lẫm khi đứng nhìn từ khe cửa khi thấy người lạ

Một lần khác, ông Tri kể, ông chứng kiến già làng Nghê đích thân chủ trì một buổi chích tay vì một chiếc điện thoại. Câu chuyện cụ thể như sau: Hết vụ rẫy, Hồ Ấn được gia đình cho tiền về TP. Tam Kỳ chơi. Khi về quê, Ấn có mua được một chiếc điện thoại rất đẹp.

Ẩn chỉ mới kịp khoe với bản hôm trước thì hôm sau chiếc điện thoại đã như có chân biến mất khỏi nhà. Ấn mượn điện thoại của cán bộ xã gọi cũng không nghe tiếng đổ chuông. Buồn bã vì mất của, Ấn nghi bé Hồ Thị Tiên, mới 11 tuổi ở nhà hàng xóm là kẻ trộm. 

Vậy là Ấn liền đến xin già Nghê đứng ra xử án với bé Tiên để đòi lại điện thoại. Trong buổi chích máu, bé Tiên thua cuộc nhưng vẫn không chịu trả điện thoại. 

Đến khi công an xã vào nhà điều tra thì Tiên mới lôi chiếc điện thoại được giấu kín trong ang đựng lúa. Tiên thừa nhận thấy điện thoại anh Ấn đẹp nên mang về chơi nhưng bị hết pin. Sợ bị phát hiện nên Tiên giấu trong ang lúa không mang trả lại.

Phụ nữ chửa hoang, đàn ông chích máu

Già Nghê cho biết phong tục người Ca Dong cũng như người Xê Đăng rất nghiêm khắc trong việc xử lý phụ nữ chưa chồng mà mang thai. Theo già Nghê, người con gái nào nếu lỡ thì phải chỉ ra “tác giả” cái thai để cùng chịu vạ, nếu không thì làng sẽ tổ chức chích máu cho đàn ông trong làng. Nếu trong làng không tìm ra thì được bố của đứa bé thì người con gái đó phải bị trục xuất ra khỏi làng vì để đàn bà chửa hoang trong bản sẽ mang đến điềm xui xẻo. 

Già Nghê kể: “Cách đây hai năm, con Hồ Thị Lý mới 17 tuổi mà đã mang bầu. Già làng, cha mẹ hỏi ai làm nhưng nó nói không biết nên đành phải chích máu. Trai tráng cả bản, mấy ông già nữa cũng đều ra chích máu. Sau thì tay thằng Hồ Viết bị chảy máu, nên nó phải nhận cưới con Lý. Hai đứa nó bị phạt vạ đến cả con trâu”. 

Ông Tri cho biết nhiều trường hợp kẻ gian khi nghe đến việc phải chích máu đã tự khai và thừa nhận lỗi lầm của mình vì biết khó thoát. Đặc biệt, khi xử theo phương án này ông Tri chưa từng chứng kiến trường hợp nào có 2 người cùng chảy máu một lúc. 

“Đây là phong tục của bà con, dù chính xác nhưng chúng tôi cũng phải vận động người dân từ bỏ để làm theo pháp luật. Tuy vậy, luật tục này đã tồn tại hàng trăm năm nên đã ăn sâu vào máu người dân. Chúng tôi dù không tin nhưng luật tục này cũng có góp phần giúp ổn định trật tự tại địa phương nên không thể cấm bà con thực hiện” – ông Tri nói.

Nguồn tin: Gia đình & VN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây