Bây giờ nơi đây không còn rậm rạp và nhiều cột đá nữa, song vẫn là nơi mang đầy bí ẩn hấp dẫn sự tò mò, kích thích sự tìm tòi của những người quan tâm.
Cũng có người đã biết đó là khu mộ cổ của nhà lang, nhưng tên tuổi của chủ nhân khu mộ, những bí mật bên trong những ngôi mộ ấy có gì hoặc lý do tại sao những cột đá xanh có nguồn gốc từ Thanh Hoá lại có mặt làm hòn mồ trong khu mộ cổ thì chắc còn ít người biết tới.
Đống Thếch chính là khu mộ cổ của dòng họ Đinh mường Động, Kim Bôi, Hoà Bình. “Đống” theo quan niệm của người Mường - dùng để chỉ những nơi có mồ mả. Còn “Thếch” là địa danh. Vì thế khu mộ mang tên là Đống Thếch.
Khu mộ nằm trong một thung lũng nhỏ, bằng phẳng, vây quanh ba mặt là những quả đồi thấp. Khu đất có địa thế hình miệng rồng - thế đất tốt theo quan niệm thuật phong thuỷ ngày xưa, cho nên từ lâu dòng họ quan lang Mường Động đã độc chiếm làm nghĩa địa.
Với diện tích rộng vài vạn mét vuông, trải qua nhiều đời, khu Đống Thếch đã ẩn chứa hàng trăm ngôi mộ của nhiều thế hệ. Trong đó có nhiều ngôi mộ, xung quanh được chôn nhiều hòn mồ cao lớn như cắm dấu ấn biểu hiện quyền lực của dòng họ lang mường Động. Đống Thếch trở thành “Thánh địa” riêng của nhà lang, bị cây rừng phủ lên rậm rạp, càng trở nên bí hiểm trước con mắt của người dân mường Động từ đời này sang đời khác.
Trước Cách mạng tháng Tám, Đống Thếch vẫn là “Thánh địa” bất khả xâm phạm của nhà lang mường Động. Đến trước năm 1975, khu mộ vẫn còn nguyên vẹn với hàng nghìn cột đá to, nhỏ được chôn dày đặc xung quanh mộ trông như một “rừng đá”. Trên các phiến đá lớn ở nhiều ngôi mộ có khắc chữ Hán ghi lại ngày, tháng, năm sinh, năm mất, tước hiệu của chủ nhân và năm, tháng dựng mồ.
Lịch sử của dòng họ Đinh mường Động:
Mường Động là một trong bốn mường lớn: Bi, Vang, Thàng, Động ở tỉnh Hoà Bình. Từ thế kỷ thứ XVI đến thế kỷ thứ XVIII dòng họ Đinh là dòng họ có thế lực mạnh nhất cai quản mường Động.
Hiện nay, dòng họ Đinh ở mường Động còn lưu giữ được quyển gia phả của dòng họ viết bằng chữ Hán. Do ông Đinh Công Bàng phụng soạn vào năm Cảnh Hưng thứ 25 (1724). Theo gia phả và truyền thuyết thì: Từ thời xa xưa, người khai lập ra dòng họ Đinh vốn là Đinh Như Lệnh, làm thổ tù xã Vĩnh Đồng, ông sinh được hai con trai: Trưởng nam là Đinh Quý Khiêm, thứ nam là Đinh Văn Hương. Đinh Quý Khiêm kế tục là thổ tù, gặp lúc triều Lê dựng nước, ông có công phò vua trợ nước được ban “Phụ quốc tướng quân Khiêm nghĩa hầu” vẫn được làm quan coi sóc xứ Sơn Tây, các dân miền núi đều hết lòng trung nghĩa. Đến khi thiên hạ thanh bình vẫn được phép ra đi thì cầm quân, quay về thị trị dân, lúc có loạn thì đánh giặc, lúc thái bình thì làm nông. Từ đó về sau cứ như vậy.
Đinh Quý Khiêm sinh được một con trai là Đinh Như Luật, kế nghiệp làm thổ tù cai quản dân địa phương, nhân dân được trông dựa, đều no đủ, bình an. Đinh Như Luật lấy vợ sinh được một con trai là Đinh Nhân Phúc.
Đinh Nhân Phúc sinh được một người con trai là Đinh Văn Thịnh và một con gái là Đinh Thị Đỏ. Đinh Văn Thịnh kế nghiệp làm thổ tù, khi chết không có con thừa tự. Người con gái là Đinh Thị Đỏ lấy chồng là phu đạo ở thôn Tý, xã Vĩnh Đồng sinh được Đinh Văn Thiệu.
Đinh Văn Thiệu vốn thông minh được nhân dân yêu mến, vẫn được kế nghiệp họ ngoại (Đinh Nhân Phúc) làm thổ tù cai quản dân địa phương, lấy vợ là Hoàng Thị Mỗ sinh được Đinh Văn Khương, Đinh Văn Khương không may chết sớm.
Người thiếp của Đinh Văn Thiệu là Bùi Thị Thời người thôn Dầm sinh được một người con trai là Đinh Văn Cương, con thì nhỏ, vợ thì đơn độc không thể giữ được nghiệp nhà, bị người phụ đạo thôn Đồi xã Vĩnh Đồng tên là An Phú Bá (tức Hoàng Văn An), là kẻ cường hào khinh kẻ cô quả, mưu đồ cướp đoạt và ức hiếp nhân dân, cưỡng ép lấy vợ của thổ tù và nuốt cả cơ nghiệp. Bùi Thị Thời sợ hãi mang con là Đinh Văn Cương trốn vào thôn Khang, xã Phù Liêm, huyện Lạc Thổ, xứ Thanh Hoá, ăn nhờ và nuôi con. Đến lúc thành thân, may gặp lúc trung hưng của triều vua Lê chúa Trịnh được ban chức “Trịnh nguyên soái”, dẫn quân theo đường nhỏ bí mật về Sơn Tây. Đinh Văn Cương chiêu mộ lương, binh tòng quân theo việc nghĩa được sắc phong “Phá lỗ tướng quân Triều Đồng hầu”, may nhờ hồng phúc của Thánh vương, trong khi đánh giặc, lại phụng mệnh lưu giữ chốn biên cương phía Bắc được hơn 7 năm thì xin lui về… được sắc ban cai quản dân binh của 7 xã: Hạ Bì, Nật Sơn, Mỗ Sơn, Trí Thuỷ, Nhuận Trạch.
Đinh Văn Cương sau đó được gia phong Phụ quốc Thượng tướng quân tước Uy lộc hầu, giữ chức Phiên thần. Từ đó mà xây dựng cơ nghiệp.
Đinh Văn Cương lấy 6 vợ vừa thê, vừa thiếp. Chính thất là Bạch Thị Thừa sinh được Đinh Công Kỷ và Đinh Công Kế, các người vợ và thiếp khác sinh được cả thảy 7 nam, 10 nữ.
Đinh Công Kỷ kế nghiệp làm thổ tù, cai quản dân địa phương được tập phong Đề đốc Uy lộc hầu, đời đời làm phiên thần…
Như vậy, sau khi phù nhà Lê tiến quân ra Bắc diệt nhà Mạc, trong cuộc nội chiến tranh giành quyền lực giữa các tập đoàn phong kiến trong nước cuối thế kỷ thứ XVI. Dòng họ Đinh được vua Lê Chúa Trịnh phong tước cho cai quản mường Động.
Cùng với việc xác lập vị trí vững vàng của dòng họ Đinh cha truyền con nối làm tù trưởng miền sơn cước, khu mộ Đống Thếch được tạo nên.
Khu mộ là nơi chôn cất thi thể của những người thuộc dòng họ Đinh. Đặc biệt trong khu mộ có mộ của Đề đốc Uy lộc hầu Đinh Công Kỷ.
Theo truyền thuyết:
Đinh Công Kỷ là người có công giúp vua Lê trung hưng, chống giặc và xây dựng triều chính, ông là một trong những tướng tài của Trịnh Kiểm. Vì có công với nước nên bố ông là Đinh Văn Cương được phong tước Quận Công (vì không trực tiếp có công nên ông vẫn chỉ được gọi là quận công Đinh Văn, chứ không được gọi là Đinh Công như con trai ông). Do vậy dòng họ Đinh Công xuất phát từ Đinh Công Kỷ.
Do có công với nước nên khi chết Đinh Công Kỷ đã được mai táng theo tước hầu. Quan tài bằng gỗ trám đen (loại gỗ quý của vùng này), ngoài sơn son thếp vàng và được chôn theo nhiều đồ đạc quý. Đặc biệt do có công với triều Lê nên khi dựng mộ ông nhà Lê đã cho chuyển nhiều phiến đá xanh từ Thanh Hoá ra làm cột mồ.
Theo diễn biến của lịch sử, sự chìm nổi của dòng họ Đinh, khu mộ Đống Thếch chỉ vang bóng một thời - trở thành Thánh địa của dòng họ Đinh khi quyền lực vững mạnh ở thế kỷ thứ XVII sang đến thế kỷ sau, chắc chắn ảnh hưởng của nó vẫn còn, khu mộ vẫn tiếp tục nhận thêm những chủ nhân mới về Mường ma, nhưng với vai trò của nó đã dần mờ nhạt đi vào huyền ức của đời sau cùng với nhiều truyền thuyết chưa khám phá ra hết được.
Bí mật dưới lòng đất:
Sau năm 1975, Đống Thếch dần bị khai phá. Nhân dân địa phương thấy đất trống thì vào khai phá trồng hoa mầu; những hòn mồ bị khiêng làm đường đi, làm mương bai, làm hàng rào....Nhưng nguy hiểm nhất là tệ nạn đào bới mộ cổ tìm cổ vật. Các ngôi mộ bị xới tung, san bằng, mất dấu vết. Cả khu rừng đá biến mất gần hết. ở khu trung tâm nghĩa địa chỉ còn lại 17 ngôi mộ to nhất và những hòn mồ cao lớn không thể đào phá và khiêng đi nổi. Ở những ngôi mộ này đã có sự đào bới sâu 1,5m để tìm di vật. Cả khu Thánh địa tan hoang, xơ xác do tệ nạn đào bới trộm mộ cổ tìm cổ vật.
Trước hiện trạng ấy, Viện Khảo cổ học nhận thấy cần phải tiến hành khai quật “chữa cháy” toàn bộ số mộ còn lại, nếu không trong quá trình canh tác các hòn mồ sẽ bị sứt, vỡ và đổ dần đi đến xoá hẳn khu di tích. Khai quật những ngôi mộ còn lại ở Đống Thếch là việc làm cấp thiết, tài liệu sẽ bổ sung và làm sáng tỏ những vấn đề nghiên cứu về người Mường trong mối quan hệ Việt - Mường….
Năm 1984 Viện Khảo cổ học phối hợp với Sở Văn hoá Thông tin Hà Sơn Bình tiến hành khai quật “chữa cháy”. Sau hơn 1 tháng khai quật với 13 ngôi mộ, khu mộ Đống Thếch đã cung cấp nhiều tư liệu có giá trị.
Bí mật trên những hòn mồ:
Trong toàn bộ khu mộ Đống Thếch, còn 100 hòn mồ to nhỏ khác nhau, tạo thành “hàng rào” dựng quanh từng mộ, với số lượng nhiều, ít, kích thước không đồng nhất. Trong số đó có 12 hòn mồ được khắc chữ Hán. Do thời gian và bị đập phá sứt mẻ, nhiều chữ bị mài mòn khó đọc.
Hòn mồ là những cột đá có dạng tròn, hoặc dẹt tạo dáng dày dựng thành hàng rào vây quanh mộ, các mộ có hình chữ nhật, hay hình vuông. Số lượng các hòn mồ dựng xung quanh các mộ không thống nhất, mộ nhiều, mộ ít. Mộ thì còn tới 17 hòn có mộ chỉ 5 đến 7 hòn.
Các hòn mồ có kích thước to nhỏ khác nhau, hòn mồ thanh mỏng dày 0,3m, thanh tròn dẹt chu vi trên 2m. Thông thường hòn mồ được chôn sâu khoảng 1/4 hay 2/5 và nhô lên khỏi mặt đất 0,5m, có hòn nhỏ nhô cao gần 3m.
Đặc biệt trên một số hòn mồ có khắc chữ Hán, cá biệt có hòn được trang trí đơn giản. Các hòn mồ khắc chữ thường được để tự nhiên, gọt đẽo sơ sài, thậm chí còn khắc trên những hòn đá có vết xước hay rỗ chữ khắc tuỳ tiện, cột dòng không chuẩn, chỗ nào phẳng là khắc, còn chỗ rỗ hoặc xước thì bỏ hoặc khắc chữ thật to. Tuy nhên số lượng hòn mồ được khắc chữ Hán không nhiều, chỉ còn lại 12 hòn.
Sau khi xem xét trên các ngôi mộ còn hòn mồ cho thấy hòn mồ ở các mộ thường tuân thủ theo một quy tắc chung:
- Đầu mộ: Thường chôn ba hòn đá cao, to nhất thành một hàng thẳng.
- Chân mộ: Được chôn ba hòn đối xứng với đầu mộ, các hòn đá nhỏ và thấp hơn.
- Hai bên sườn mộ: Được chôn các hòn mồ cao thấp, không đều, số lượng không giống nhau, bên nhiều, bên ít, mộ nhiều, mộ ít tuỳ thuộc theo quy mô của mộ.
Ảnh: tác giả cung cấp
Ngoài những mộ có những hòn mồ chôn theo quy tắc chung trên, còn một số mộ phần đầu chỉ chôn một cột đá to, cao thay thế cho hai cột mồ bên, phần chân vẫn chôn ba hòn như mộ khác. Trong số đó có hai mộ ở phần đầu và chân chỉ chôn một cột đá đối xứng qua trục dọc thân mộ. Dù được chôn số lượng hòn mồ khác nhau, nhưng các mộ đều tuân theo một quy tắc chung: Đầu và chân mộ bao giờ cũng có hai cột hòn mồ đối xứng qua trục giữa huyệt mộ.
Trải qua mưa nắng và qua bao thăng trầm của lịch sử những dòng chữ trên các hòn mồ đã bị mờ dần đi, chỉ còn lại một số hòn là có thể đọc được như:
Hòn số 1:
Phiên âm: Bia truyền
Phụng chuẩn cấp cai Nật Sơn xã Tịnh Hạ Bì xã, Ấm, Ná, Lãnh, Sào đẳng thôn.
Vĩnh Đồng xã thổ tù kiêm cai quản Uy lộc hầu Đinh Văn Kỷ: nguyên mệnh Nhâm Ngọ bát nguyệt nhị thập lục nhật, tỵ thời sinh. Trưởng nam quyền - phủ tập hợp hoà - chí Đinh Hợi niên, thập nguyệt thập tam nhật sửu thời chung. Cúng chữ tế triều...
Phụng tặng Chưởng vệ sự Đề đốc Uy quận công. Chí Canh Dần niên nhị nguyệt nhị thập nhị nhật quy sơn. Đụng hiếu xa thập ngũ toạ, tượng thất chích, mã ngũ sất, hình nhân nhị thập tuỳ.
Tổ phụ Đinh Văn Cương, thủ màu Nật Sơn xã, Vụ thôn. Ngoại tổ vô nam. Từ nữ Bạch thị Thiều sinh tứ tử, nhị nam, nhị nữ, lưu truyền phụng tự kế nghiệp cơ đồ thế trụ.
Khánh Đức nhị niên, nhị thập nhị nhật tống đáng mộ trạch mùi thời an huyệt. Chí tam thập nhật hoàn tất hậu.
Phúc Thái thất niên, mậu tý tam nguyệt thụ điển tặng gia phong thượng trật.
Dịch nghĩa:
Bia truyền: ông Đinh Công Kỷ, tước Uy lộc hầu thổ tù kiêm cai quản xã Vĩnh Đồng, được ban cai quản xã Nật Sơn và các thôn Ấm, Ná, Lãng, Sào, Hạ Bì sinh giờ tị, ngày 26 tháng 8 năm Nhâm Ngọ (1582), ông là trưởng nam, được hưởng quyền tập phong (có đức) vỗ về, phủ dụ tập hợp (được dân). Đến ngày 13 tháng 10 năm Đinh Hợi (1647) mất vào giờ sửu, được quản tại nhà cúng tế. (Ông) được ban tặng Chưởng vệ sự Đề đốc Uy quận công. Đến ngày 22 tháng 2 năm Canh Dần (1650) có 15 xe tang, 7 voi, 5 ngựa cùng 20 hình nhân theo về núi.
Bố là Đinh Văn Cương lấy mẹ là người thôn Vụ, xã Nật Sơn. Ông tổ bên ngoại không có con trai. Con gái là Bạch Thị Thiều sinh được bốn con, hai trai, hai gái, con cháu được nối tiếp nhau thờ cúng, kế nghiệp cơ đồ mãi mãi.
Đến năm Khánh Đức thứ hai (1650) ngày 22 tháng 2 được đưa ra mộ, an huyệt vào giờ mùi. Đến ngày 30 thì xong việc chôn cất.
Tháng 3 năm Mậu Tí, niên hiệu Phúc Thái thứ 7 được điền tặng gia phong thượng trật.
Hòn số 2 và hòn số 3:
Dịch nghĩa: Là hai hòn mồ của các cháu rể 2 xã: Thạch Bi và Vũ Lao mang đến phúng.
Hòn số 4:
Dịch nghĩa:
Linh cữu của Đinh Quý Công, sinh năm Nhâm Ngọ (1582) thọ 66 tuổi, … Linh cữu được đặt trên xe tang, cúng tế theo tục lệ, các anh, em đều nghiêm kính thuận hoà. Chức Dực vận tán trợ công thần, đặc tiến Phụ quốc thượng tướng quân, Cẩm y vệ Thụ sự lộc hầu, tặng Chưởng vệ sự, Điện tiền đô hiệu điểm, Ty đề đốc Uy quân công, tên thuỵ là Tính Thành, tự là Quý trúc phủ quân.
Ngày 22 tháng 2 năm Canh Dần (1650) thời vua Lê chúa Trịnh thanh bình đưa ông ra mộ.
Hòn số 5:
Dịch nghĩa:
Thời vua Lê chúa Trịnh thanh bình Cảnh Trị thứ 3 (1665)
Bà Bạch Thị Hài, sau khi thấy chồng về ở xã Vĩnh Đồng, sinh năm Ất Dậu (1582) thọ 76 tuổi, mất năm 1660. Đến ngày 5 tháng 2 được đưa ra huyệt mộ.
Hòn số 6:
Dịch nghĩa:
Lương xá bá Đinh Quý Lang, hiệu Giáo minh, mất và đưa ra mộ năm 25 tuổi.
Như vậy, qua những nội dung văn tự ghi trên hòn mồ, cho ta nhận biết một cách chính xác tên tuổi, ngày tháng năm sinh và năm mất của chủ nhân của các ngôi mộ.
Những hòn mồ ở đây là những tư liệu gốc quan trọng có giá trị góp phần nghiên cứu toàn diện về khu mộ cổ này. Những dòng chữ ghi khắc trên những hòn mồ cho biết về những phong tục tập quán của người Mường trong tang ma như: đặt hòn mồ quanh mộ, số lượng hòn mồ được quy định cụ thể theo từng dòng họ. Nguyên tắc đặt hòn mồ quy định theo giới tính, lứa tuổi, chức tước… Hòn mồ còn là vật phúng viếng của người thân đối với người quá cố. Các nghi thức tang ma, đồ tuỳ táng hay hôn nhân cũng phần nào được ghi lại góp thêm những tài liệu xác đáng để tìm hiểu xã hội người Mường.
Nguồn tin: Lyhocphuongdong.org.vn
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự