Đây là một trường hợp rất hiếm hoi trong lịch sử Phật giáo Đồng Nai nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung vì là người phụ nữ phương Tây tu và thành đạo đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam.
Cơ duyên kỳ lạ đến cửa Phật
Ngày nay, du khách, phật tử đến viếng cảnh chùa Hiểm Lâm Sơn (hay còn gọi là chùa Hóc Ông Che) tại ấp Bình Hòa, xã Hóa An, TP.Biên Hòa (Đồng Nai), khi bước qua khỏi cổng chùa thì thấy tại khuôn viên chùa có một bức tượng bằng đá xanh cao 1m50, tạc một vị ni sư tư thế ngồi, một tay để trên gối, tay kia cầm vòng hạt tràng. Đó là tượng ni sư Thiện Niệm, trụ trì đời thứ hai của chùa Hiển Lâm Sơn. Nhiều người sẽ rất ngạc nhiên khi nhìn đôi mắt tượng ni sư mang nét đặc trưng của người phương Tây. Hỏi ra sẽ biết vì vị ni sư này có quốc tịch Pháp.
Hiện nay, tư liệu về lai lịch thân nhân của ni sư Thiện Niệm rất ít ỏi. Trong cuốn “Biên Hòa sử lược toàn biên”(tác giả Lương Văn Lựu, xuất bản năm 1972) có ghi vài dòng: “Chùa Long Thiền có nhiều bửu tháp, nhưng đáng chú ý nhất là ngôi tháp mộ của yết ma Thiện Niệm, nguyên là thiếu nữ người Pháp lai, trước trụ trì chùa Hiển Lâm Sơn (chùa Hóc Ông Che Hóa An), Trưởng ban Hoằng pháp và là Hội trưởng Lục Hòa phật tử miền Đông, liễu đạo ngày 27 tháng 12 năm 1961”.
Còn trong cuốn “23 chuyện niệm Phật vãng sanh” (tác giả cư sĩ Tịnh Hải, NXB Tôn Giáo) có ghi lại lời kể của Ni sư Thích Nữ Huệ Tâm, hiện là trụ trì chùa Hoàng Ân Cù Lao Phố Biên Hòa: “Năm 1959, lúc tôi 9 tuổi, cha tôi quy y với thầy Yết Ma Thiện Niệm – là một Ni sư người Pháp lai giả trai đi tu. Cha tôi chỉ nghe thầy Yết Ma và Ni Trưởng Huỳnh Liên, Ni sư Thanh Liên, Kim Liên, Tạng Liên dạy niệm A Di Đà Phật được vãng sanh về cõi Phật...”.
Bức tượng ni sư Thiện Niệm trong khuôn viên chùa Hiển Lâm Sơn
Bên dưới chân tượng sư bà Thiện Niệm, nhà chùa có dựng tấm bia đá ghi rõ thông tin: “Marguerite Benz, pháp danh : Thiện Niệm. Yết Ma Long Thiền tự. Nguyên trụ trì chùa Hiển Lâm. Trưởng ban Hoằng pháp và là Hội trưởng Lục Hòa phật tử miền Đông. Sanh ngày 13-11-1910 DL, viên tịch ngày 27-12-1961 DL” .
Khi được hỏi cơ duyên nào mà một thiếu nữ người Pháp đến chùa tu và đắc đạo thì thượng tọa Thích Huệ Ninh, trụ trì chùa Hiển Lâm Sơn hiện nay kể lại rằng chùa này xưa kia chỉ là một ngôi chùa tranh vách lá ở chốn rừng sâu do Thiền sư Huệ Lâm, tục danh Bùi Văn Tươi (1887- 1945), vốn từ nhỏ đã xuất gia làm đệ tử hoà thượng Khánh Lâm ở chùa núi Châu Thới (Bình Dương) khai sơn từ những năm 1920. Người dân vùng Hóa An xưa còn gọi Thiền sư Huệ Lâm là ông thầy Hai.
Chân dung ni sư Thiện Niệm khi đã thành đạo và làm trụ trì đời thứ 2 của chùa Hiển Lâm Sơn
Sau một thời gian dài tu học, Huệ Lâm được thầy cho xuống núi hóa đạo chúng sinh, đi về phía hóc rừng nọ lập chùa. Thoạt đầu, ông che một cái chòi nhỏ, có lẽ vì thế mà người ta gọi là “hóc có ông che chòi” nên gọi tên chùa Hóc Ông Che đến ngày nay. Sư Huệ Lâm lẳng lặng giữa rừng, ngày ngày bốc thuốc chữa bệnh cho dân nghèo. Tiếng lành đồn xa về vị sư ở chốn rừng thiêng, nước độc mà lại có tài chữa bánh bệnh.
Một ngày nọ, thầy Hai bất ngờ tiếp một vị khách là người Pháp tự xưng là hiệu trưởng một trường Tây nổi tiếng ở Sài Gòn. Người này đi cùng một người con gái ruột và cầu xin thầy Hai chữa chứng bệnh “kỳ lạ” đang mắc phải, đã trị hết bao bác sĩ ta rồi bác sĩ Tây cũng không hết được.
Thiền sư Huệ Lâm nhận nữ bệnh nhận “đặc biệt” này ở lại chùa và nhiệt tình chữa bệnh bằng cây lá rừng quanh chùa và những bài chú của Phật giáo. Thật lạ, người con gái này ở chùa thì hết bệnh nhưng về nhà lại tái phát bệnh như cũ. Thấy con gái mình có căn tu lại thông minh nên gia đình đồng ý cho quy y tại chùa Hiển Lâm Sơn với pháp danh là Thiện Niệm, chính thức thành đệ tử của sư Huệ Lâm.
Âm thầm giúp đỡ và hoạt động cách mạng
Sau khi sư Huệ Lâm mất, ni sư Thiện Niệm tiếp tục làm trụ trì chùa Hiển Lâm Sơn. Vào những năm 1945, chiến tranh bùng phát, quân Pháp liên tục bố ráp vùng đất chùa Hiển Lâm sơn để tìm Việt Minh. Do vậy, sư bà trụ trì Thiện Niệm tạm tản cư về tá túc chùa Long Thiền cổ tự ven sông Đồng Nai tại phường Bửu Hòa (Biên Hòa) và kết nghĩa huynh đệ với sư trụ trì Thích Huệ Thành.
Nhờ biết tiếng Pháp và mang quốc tịch Pháp nên sư bà Thiện Niệm che chở cho ngôi chùa Long Thiền và cá nhân thầy Thích Huệ Thành hoạt động cách mạng được thuận lợi. Cả hai ngôi chùa Hiển Lâm Sơn và chùa Long Thiền cũng không bị quân Pháp tàn phá. Ni sư Thiện Niệm liên tục tạo những chuyến xe tiếp vận lương thực vô chiến khu cho cách mạng mà không hề bị lính chặn khám xét.
Tấm bia đá ghi rõ thông tin tên họ, ngày sanh, ngày mất, chức sắc đầy đủ của Ni sư Thiện Niệm
Ngôi mộ tháp của sư bà Thiện Niệm hiện ở chùa Long Thiền (phường Bửu Hòa- TP Biên Hòa).
Cũng cần nói thêm rằng, sư thầy Thích Huệ Thành vừa tu hành hóa đạo chúng sinh vừa bí mật hoạt động cách mạng trong tổ chức “Hội Phật giáo yêu nước tỉnh Biên Hòa” của Việt Minh. Sau năm 1975, hòa thượng Thích Huệ Thành được suy tôn làm Phó pháp chủ giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Những năm 1960, vùng đất ở chùa Hiển Lâm Sơn là nơi giao tranh ác liệt giữa quân giải phóng miền Nam với lính Việt Nam cộng hòa, ni sư Thiện Niệm buộc phải lánh nạn lần nữa về tạm trú tại chùa Long Thiền. Ai ngờ, tại đây ni sư lâm bệnh nặng và qua đời. Do chiến tranh khốc liệt nên không thể đưa thi hài của bà về lại chùa Hiển Lâm Sơn mà phải chôn cất tại chùa Long Thiền.
“Cuộc đời đạo và đời song hành của của ni sư Thiện Niệm rất được người đời sau và cả thế hệ tăng, ni kính trọng và ngưỡng mộ....”, Ni trưởng Thích Nữ Huệ Hương, Trưởng ban Ni giới Phật giáo Đồng Nai nhận định.
Nguồn tin: VTC News
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự