Người phụ nữ ở Hải Dương khẳng định món đồ bà sở hữu là đồng đen. Ảnh Đào Thanh Tuy Kỳ 2: Ngôi làng có nhiều cao thủ buôn… đồng đen
Thái Sơn (Thái Thụy, Thái Bình) là vùng đất nổi tiếng với những vụ buôn đồng đen đầy sự huyền bí.
Đứng ngoài cánh đồng, qua những lũy tre bát ngát, vẫn nhìn thấy ngôi nhà khang trang của Nguyễn H. Cánh cửa sắt của ngôi nhà khóa im ỉm. Ông hàng xóm bảo: "Vợ H. đi làm đồng, còn H. biệt tăm có khi vài năm trời không thấy mặt, một là ngồi tù, hai là anh ta lại đi buôn đồng đen rồi".
Thực tế, H. đang phải ngồi tù vì đóng vai chủ trò trong vụ vụ lừa đảo cục thiên thạch "trị giá" nhiều tỉ đồng ở Ninh Bình.
Ngôi nhà của Nguyễn H., ông trùm buôn đồng đen một thời ở xã Thái Sơn Ngồi quán ăn sáng, quán nước, chỗ mấy chị hóng mát rỗi việc, hỏi chuyện đồng đen, người ta kể rất hồn nhiên, rành mạch. Dường như người dân ở cái làng này coi việc các đối tượng đi buôn đồng đen như là một nghề kiếm sống, chẳng có gì xấu xa cả.
Theo lời kể của những bô lão sống lâu năm ở làng Thanh Phần, ngôi làng tập trung rất nhiều các đối tượng chuyên sống bằng "nghề" lừa đảo đồng đen thì "nghề" này có lịch sử từ một câu chuyện truyền miệng.
Chuyện rằng, xưa kia, trong làng có một người đàn bà từng làm vú nuôi cho vua (vua nào thì không ai biết). Khi già, cáo lão về quê sinh sống, đức vua yêu mến nên tặng cho chiếc cối giã trầu. Gia đình, dòng họ coi món quà đó là niềm tự hào của dòng họ nên giữ gìn rất cẩn thận, truyền lại cho nhiều đời sau như báu vật.
Để cả họ, cả làng được chiêm ngưỡng báu vật, gia đình đã sắm chiếc tủ kính để trưng bày chiếc cối giã trầu đó. Tuy nhiên, một hiện tượng lạ diễn ra, khi vừa đặt chiếc cối giã trầu đó vào tủ, đột nhiên gương rạn rồi vỡ nát. Đặt bao nhiêu gương kính vào cạnh chiếc cối đó cũng đều rạn vỡ ngay.
Nhiều người hiểu biết về đồ cổ đã tìm đến xem và đều khẳng định chiếc cối giã trầu đó là đồng đen (?!).
Từ câu chuyện hư hư thực thực đó mà cái từ đồng đen đã gắn với ngôi làng này và người lắm tiền nhiều của lại ham chơi đồ lạ ở khắp nơi đổ về làng Thanh Phần cũng như những làng xung quanh để tìm mua đồng đen.
Làng Thanh Phần Những năm cuối thập kỷ 70, suốt thập kỷ 80, và đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, ngày nào cũng vậy, xe lớn xe bé (rất nhiều xe mang biển Lào), người Tây, người Tàu, người Lào, người Thái rầm rập kéo về làng đông như trẩy hội.
Ông Phạm Sĩ Khoa kể, hồi còn học phổ thông, năm 1978, có một ông Tây người cao lớn, râu rậm, da đỏ như gà chọi thuê nhà ở xã Thái Hà rồi ngày nào cũng lái ôtô đến làng Thanh Phần xem đồng đen, thử hàng. Cần mẫn xem xét, thử hàng tỉ mỉ suốt một tháng trời lão Tây mới quyết định mua.
Vụ mua bán diễn ra tại miếu Tây nằm cuối làng Thanh Phần. Tuy nhiên, vụ mua bán chưa kịp diễn ra thì cả làng trở nên nhốn nháo, công an còi hụ khắp nơi, các đối tượng lừa đảo cũng mạnh ai nấy chạy. Vụ ấy, cả làng đồn ầm lên rằng, người ta thu được một bao tải tiền, mà toàn là đô la.
Đấy là vụ lừa đảo đồng đen đầu tiên ở làng Thanh Phần và có lẽ cũng là đầu tiên ở nước ta mà người dân nơi đây biết đến, kể lại rất rành mạch.
Người chủ trò cầm trịch nhóm lừa đảo này là ông Nguyễn Văn K. Sau này, người ta phong cho ông K. là ông tổ của "nghề" buôn đồng đen không những của làng Thanh Phần mà của giới lừa đảo đồng đen cả nước, mặc dù sau vụ lừa đảo tai tiếng ấy không thấy ông "tái xuất giang hồ nữa".
Tuy nhiên, vụ lừa đảo đồng đen nổi tiếng và ầm ĩ cả nước lại là vụ diễn ra năm 1981, khi nạn nhân là Bùi Xuân Hải, hay còn gọi là Hải "đồ cổ", một nhân vật giàu có khét tiếng của Hải Phòng thời bấy giờ. Ngày đó, ông Hải có biệt danh Hải "đồ cổ" vì ông ta là chuyên gia sưu tầm, buôn bán đồ cổ nổi tiếng cả nước.
Nghe nói một số đối tượng ở Thái Sơn có tượng đồng đen, Bùi Xuân Hải đã vác 1,7 kg vàng nguyên chất tìm đến mua. Tuy nhiên, vụ mua bán trên địa bàn xã Thụy Chính chưa kịp diễn ra thì nhóm lừa đảo đã tổ chức cướp sạch sẽ số vàng của Hải "đồ cổ".
Vua đồ cổ Bùi Xuân Hải, người mất cả gia sản vì dính vào vụ án mua 'đồng đen' Công an Hải Phòng và Thái Bình vào cuộc ráo riết suốt một thời gian dài mới khám phá được đường dây siêu lừa này. Bùi Xuân Hải là đối tượng thứ 29 bị mất sạch tiền bạc vì ham của nợ đồng đen.
Nói về sự thăng trầm của "nghề" lừa đảo đồng đen ở ngôi làng này, có thể chia làm ba giai đoạn: Giai đoạn lừa đảo tại làng và trong địa bàn tỉnh diễn ra từ năm 1978 đến khoảng 1985; giai đoạn lừa đảo ở các vùng biên giới và bên Lào, Campuchia diễn ra từ khoảng 1985 đến cuối thập kỷ 90 thế kỷ trước; Từ đầu năm 2000 đến nay tình trạng lừa đảo đồng đen có vẻ chững lại, song vẫn âm thâm diễn ra ở khắp đất nước.
Thủ đoạn của những nhóm lừa đảo ngày càng tinh vi hơn. Ngoài mặt hàng đồng đen thì chục năm nay đã xuất hiện những thứ giả nữa là thiên thạch và ngọc minh châu, cùng một số loại đồ cổ có giá trị mà dân chơi ham mê sưu tầm.
Còn tiếp…