Cả trại giam bật khóc vì hai bao tải của mẹ

Thứ ba - 09/09/2014 07:32
Lưu Cương gào lên một tiếng như xé lòng xé ruột: “Bố, con sẽ thay đổi…” Nói rồi, anh quỳ sụp xuống, va mạnh đầu xuống đất. Bên ngoài phòng thăm phạm nhân, phạm nhân lần lượt quỳ rạp xuống đất, tiếng khóc thảm thiết vang đến tận đến trời xanh…
Lưu Cương phạm tội cướp giật, bị ngồi tù đã một năm. Từ ngày bị vào tù, Lưu Cương chưa có ai đến thăm.

Nhìn những phạm nhân khác thỉnh thoảng lại có người tới thăm nom, còn được người nhà mang đến bao nhiêu đồ ăn ngon,  Lưu Cương nhìn thấy mà thèm, liền viết thư cho mẹ để mẹ đến thăm, nhưng không phải vì thèm những đồ ăn ấy mà vì Lưu Cương rất nhớ bố mẹ.

Sau khi gửi biết bao nhiêu cánh thư nhưng không có bất cứ hồi âm nào, Lưu Cương hiểu, bố mẹ đã bỏ rơi mình. Đau khổ và tuyệt vọng, Lưu Cương lại viết thêm một bức thư nữa, nói là “ nếu bố mẹ không đến thăm con, bố mẹ sẽ mãi mãi mất thằng con này.”. Đây hoàn toàn  không chỉ là lời nói suông, những phạm nhân bị vào tù do tái phạm đã không ít lần lôi kéo anh vượt ngục. Nhưng Lưu Cương vẫn chưa hạ được quyết tâm, nay bố mẹ không còn thương xót, đoái hoài đến mình, thì còn gì để lo lắng, vấn vương nữa.

Hôm ấy trời lạnh đến buốt da buốt thịt. Lưu Cương đang bàn bạc với mấy “đại ca đầu trọc” về chuyện vượt ngục thì có người gọi giật lại: “Lưu Cương, có người đến thăm!” Là ai được nhỉ? Bước vào phòng thăm tù nhân, Lưu Cương đứng sựng lại, là mẹ! Một năm không gặp, trông mẹ thay đổi nhiều đến mức con trai mẹ không nhận ra. Mẹ mới hơn 50 tuổi mà tóc đã bạc trắng đầu, lưng mẹ còng như con tép nhỏ, người mẹ gầy gò quá, bộ quần áo mẹ mặc đã sờn rách. Mẹ đi chân trần hằn cáu bẩn và loang lổ vết máu. Bên cạnh mẹ là hai chiếc bao tải cũ.

Hai mẹ con cứ thế đứng nhìn nhau. Chưa kịp đợi Lưu Cương mở lời, nước mắt mẹ đã trực trào từ đôi mắt mờ đục. Mẹ vừa giơ tay lên quệt nước mắt, vừa nói: “Tiểu Cương à, mẹ nhận được thư con, con đừng trách bố mẹ nhẫn tâm. Thực sự là không có thời gian đi được con ạ. Bố con…lại ngã bệnh, mẹ phải chăm sóc bố con, đường lại xa xôi….

Đúng lúc ấy, có anh quản giáo bưng đến cho mẹ Lưu Cương  một bát mỳ trứng còn nóng hổi, nhiệt tình nói: “Bác ăn đi cho nóng rồi lại nói chuyện tiếp ạ.” Mẹ Lưu Cương vội đứng dậy, xoa xoa tay lên người, nói: “Thế này sao được”. Quản giáo đặt bát canh vào tay mẹ Lưu Cương, cười, nói: “Mẹ cháu cũng tầm tuổi bác, mẹ ăn một bát mỳ trứng của con trai không được sao?” Mẹ Lưu Cương không nói gì nữa, cúi đầu ăn “sụp soạp”. Bà ăn một cách ngon lành như mấy ngày chưa được miếng cơm nào vào bụng.

Đợi mẹ ăn xong, Lưu Cương nhìn xuống đôi chân sưng đỏ, nứt bao vết máu của mẹ, xót xa hỏi: “Mẹ, chân mẹ sao thế? Giầy của mẹ đâu rồi ạ?” Chưa kịp đợi mẹ trả lời, quản giáo liền tiếp lời: “Vì bác đi bộ nên mới thế, giầy của bác đã bị rách từ trước rồi.”Đi bộ sao? Từ nhà đến đây phải mất ba bốn trăm dặm, hơn nữa đoạn đường núi rất dài! Lưu Cương từ từ cúi người xuống, khẽ xoa lên đôi chân của mẹ: “Mẹ ơi, sao mẹ không bắt xe tới? Sao mẹ không mua giầy mới?

Mẹ vội thu chân vào, nói: “Sao phải bắt xe chứ, đi bộ cũng tốt mà”, mẹ thở dài, “Năm nay lợn bị dịch, mấy con lợn ở nhà đều chết hết,  vụ mùa năm nay thu hoặch cũng kém, còn bố con…..đi khám bệnh…..cũng tốn bao nhiêu tiền…….Bố con mà khỏe thì bố mẹ đã đến thăm con lâu rồi, đừng trách bố mẹ con nhé.

Anh quản giáo lau nước mắt, lặng lẽ rời đi. Lưu Cương cúi đầu hỏi: “Thế bố con đỡ hơn chưa mẹ?

Lưu Cương đợi mãi không thấy mẹ trả lời, vừa ngẩng đầu lên đã thấy mẹ đang lau nước mắt, mẹ nói: “Cát bụi hết cả vào mắt i, con hỏi bố con à? Bố con sắp khỏi rồi…..Bố con bảo với mẹ là nói với con là đừng lo gì cho ông ấy, cố gắng mà cải tạo con ạ.

Thời gian thăm phạm nhân đã hết. Quản giáo đi đến, trong tay cầm một ít tiền, nói: “Bác à, đây là chút tấm lòng của quản giáo chúng con, bác không thể đi chân trần về được bác à, nếu không, Lưu Cương sẽ đau lòng lắm ạ!

Mẹ Tiểu Cương xua tay, nói: “Sao thế được, con bác vẫn còn ở đây, các cháu cũng đủ vất vả lắm rồi, bác còn cầm tiền của các cháu thì tổn thọ cho bác lắm!

Anh quản giáo run run giọng nói: “Phận làm con đã không những không cho bố mẹ được hưởng phúc, lại bắt bố mẹ già cả phải lo lắng suy nghĩ, để bác đi chân đất  mấy trăm dặm đến đây, nếu lại để bác đi chân trần về, thì thử hỏi người con này có còn là người nữa không bác?

Lưu Cương không thể nói lại được gì, hét như xé giọng: “Mẹ!” Sau đó không nói thêm gì nữa, bên ngoài cửa sổ là tiếng khóc thút thít, anh quản giáo phải lùa đám phạm nhân đang lao động cải tạo ra chỗ khác.

Lúc này, có một người giám ngục bước vào phòng, cố tình lảng sang chủ đề khác: “Thôi đừng khóc nữa, mẹ đến thăm con trai là chuyện vui, đáng ra phải cười mới đúng, để tôi xem bác mang đồ gì ngon đến nào.” Vừa nói, người giám ngục vừa cầm ngược bao tải xuống. Mẹ Lưu Cương không kịp chặn lại. Mọi thứ ở trong bao rơi ra ngoài. Ngay lúc ấy, tất cả mọi người có mặt đều lặng người đi.

Bao tải thứ nhất bị rơi ra, toàn là bánh bao, bánh nướng bị nứt toác thành bốn, năm mảnh, cứng như đá, không cái nào giống cái nào. Không cần nói cũng biết đây là đồ mẹ Lưu Cương đi ăn xin trên đường. Mẹ Lưu Cương lúng túng, hai tay túm lấy góc áo, nói: “Con ạ, đừng trách mẹ đã làm như vậy, quả thật là ở nhà không còn thứ gì có thể mang đi được nữa….”

Lưu Cương hình như không nghe thấy gì, chỉ chăm chăm nhìn vào chiếc bao tải thứ hai, đó là một hộp tro cốt! Lưu Cương đứng ngẩn người, hỏi: “Mẹ, đây là cái gì thế mẹ?” Mẹ Lưu Cương thất thần, hốt hoảng, giơ tay ra ôm chặt lấy chiếc hộp: “Không….không có gì đâu con…..” Lưu Cương giành lấy như phát điên, toàn thân run lên bần bật: “Mẹ, đây là cái gì?!

Mẹ Lưu Cương ngồi phệt xuống như người mất hết sức lực, mái tóc bạc khẽ lay động. Một lúc sau, bà mới gắng gượng, nói: “Đấy là…bố con! Vì gom góp tiền đến thăm con, bố con đi làm quần quật không kể ngày đêm, bố con bị ngã gục vì suy nhược. Trước khi chết, ông ấy nói khi còn sống không đến thăm con được, ông ấy rất buồn, sau khi chết nhất định phải đưa ông ấy đến thăm con, ông ấy muốn nhìn con lần cuối…”

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây