Trong câu cuộc trò chuyện với PV, vợ chồng ông Nguyễn Thế Kỷ và bà Nguyễn Thị Loan (xã Thanh Tâm, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) đã chia sẻ nhiều tâm tư trong hành trình tự chữa khỏi bệnh. Bà Loan tiết lộ: “Tôi đã khỏe, đã sống sót sau quá trình chống chọi với căn bệnh ung thư hiểm nghèo, đã di căn tới 6/10 hạch. Tôi phải tuân thủ nghiêm giới luật về nhiều khía cạnh.
Thứ nhất, với nhiều người, họ vấp phải chuyện ăn uống. Họ rất khó tuân thủ việc ăn chay trường. Nhiều người nghĩ đơn giản, trong thời buổi người ta ăn sơn hào hải vị, mình có điều kiện thì lại đi ăn chay rất kham khổ. Có người còn bảo chúng tôi: “Ông bà lắm tiền không ăn, để dành mà ăn kham khổ (ăn chay) thì lúc chết có đem của cải đi theo được đâu”.
Tôi chỉ cười thôi. Tôi bảo, bây giờ tùy theo sức khỏe mỗi người, ai ăn người ấy lo, ai sức khỏe thế nào ăn thế ấy, chứ không ai ăn hộ ai được. Ví như chồng tôi, ba năm nay rồi, mỗi ngày chỉ ăn một bữa lúc 12 giờ trưa thôi, ăn chay trường. Ăn chay là một cách chữa bệnh kết hợp tuyệt vời cho những người theo pháp tu của chúng tôi.
Ví dụ người bị ung thư không nên ăn nhiều thịt động vật vì có chất đạm thì tế bào ung thư dễ phát triển hoặc tái phát. Đó chỉ là một lý do. Còn với đạo Phật, chúng tôi phân tích thế này, khi ta sinh ra cũng là một nhân quả. Nếu gieo quả ớt thì chịu cay, gieo quả ngọt thì được ngọt, không lẫn lộn được.
Điều thứ hai mà chúng tôi luôn tu trì để hướng tới nữa là việc tác ý, tác lý, điều khiển cái tâm của mình. Sống tốt thì do trường nhân quả tốt, nó chi phối không ai biết, nó sai khiến cũng không biết, tức là cái tâm của mình bị nó chi phối. Tâm của mình như đứa trẻ thơ, nếu không điều khiển mà lại để nó tự do, nó sống bản năng, cứ gặp cái gì nó thích thì nó bỏ hết để đi.
Phật pháp luyện cho mình tâm tĩnh. Phật gọi là tác lý, tác động vào lý trí. Ví dụ mình đang đi trên đường, thấy phía trước đông xe, phải nghĩ xe đằng trước đi rồi sẽ đến mình đi. Hay ra đường phải quan sát hai bên an toàn mới đi. Chẳng hạn bây giờ tôi bị bệnh dạ dày, có nội lực rồi, hàng đêm tôi dậy “tác ý” để đẩy bệnh đi. Tôi dùng cánh tay, dùng hơi thở, dùng pháp Phật. Những điều này, thầy dạy cả nhưng nếu không chú ý thì không biết, nó khá khó.
Chúng tôi theo đạo Phật, đạo chân chính, đạo thiện, hướng thiện, mọi việc đều thiện: thân, khẩu, ý. Thân là chân tay mình không làm việc ác, không đánh đấm, không ăn cắp ăn trộm; miệng không nói lời ác với ý nghĩ ác. Khi thiện hiện ra thì ác mất. Trong tâm của mình không có ác, khi đi đường thấy người ta ngã mình cũng dừng để động viên người ta.
PV TTĐS trong buổi phỏng vấn một người đang độc cư tại chùa Chi Đông.
Luyện đến mức nào đó thì tự dưng cái thiện xuất hiện. Khi có cái thiện rồi, mình phải dạy cái tâm của mình, nếu nó không chịu thì mình phải nhắc đi nhắc lại như người ta huấn luyện từng chút một ấy. Nếu chưa vào đạo Phật, mình thường để cái tâm tùy tiện, vào rồi thì mình dùng ý chỉ đạo, ý chí là trung tâm của bộ não, là khu trung ương. Ý chỉ mình đi đâu thì đi đó. Nếu tu tập tốt, mình đẩy được lực ý thức, khi có lực rồi thì mình đẩy được bệnh”.
Ông Kỷ nhấn mạnh lời vợ: “Tôi bây giờ đang điều khiển ý thức, dạy cái Tâm của mình dồn sức “chiến đấu” để loại trừ nốt cái bệnh loét hang vị dạ dày. Cứ 2 giờ sáng, tôi lại dậy đuổi nó đi. Bà nhà tôi đuổi được bệnh ung thư đấy, chẳng phải thần thánh gì đâu, chỉ nhờ luyện tập, tác ý, giữ giới luật, ăn chay, kinh hành...”. Bà Loan nói tiếp: “Thứ ba là phương pháp khoa học, niềm tin, cùng sự kiên trì luyện tập mỗi ngày. Ngày nào cũng thế, chúng tôi cứ 3 giờ sáng dậy ngồi thiền. Tùy theo điều kiện để tu tập, phần nhiều vẫn là tranh thủ luyện tập.
Nhưng nếu tu tập đến nơi đến chốn thì kết quả sẽ tốt hơn nữa. Phương pháp này gọi là xả tâm. Buồn rầu đến với mình mình xả hết đi, không nghĩ tham quyền cố vị làm gì nữa, ngay bây giờ sống hiện tại, có thế nào thì sống như thế chứ không đòi hỏi. Làm thế nào cũng được, ăn thế nào cũng xong, có bữa chỉ có xì dầu và muối.
Cái này là tự nguyện. Không ai bắt, cũng không đi khuyến khích, người có tâm thì tự tìm đến. Phương pháp của chúng tôi là không chắp tay, không có nghi lễ để giải oan hay số nọ, số kia. Nó là cái tâm. Con người ta chết là hết, còn gì đâu, bây giờ họ cứ lừa nhau, mang tiếng đạo nọ kia nhưng đến lừa người ta để lấy tiền chứ có gì đâu. Chỗ tôi có người lễ mấy chục triệu, có khi cả tỉ đồng để theo đám đồng cốt.
Tôi ví dụ, trong những người tu tập thành tâm cùng tôi, có một chị giáo viên cấp 3 ở Quảng Ninh. Trước đây chị này đi tìm mộ cho một tổ chức, tìm hàng trăm mộ, như là nhà ngoại cảm. Chị cũng đã tham gia vào một đơn vị nghiên cứu về khả năng đó của con người.
Chị ấy bảo không thiếu gì vàng, không đòi hỏi gì người ta cũng cho. Vòng cổ, vàng tay, chị ấy đeo đầy. Nhưng khi đọc được tài liệu này của trưởng lão Thích Thông Lạc, chị ấy giác ngộ và bỏ hết những quàng xiên kể trên. Chị ăn chay trường và sống độc cư mẫu mực. Thi thoảng chúng tôi vẫn gặp nhau ở chùa Chi Đông (nơi có nhiều thất để cư sỹ vào độc cư, ở huyện Gia Lâm, Hà Nội).
Một cư sỹ người Hạ Long đang độc cư trị bệnh ở Gia Lâm, Hà Nội.
Tôi hỏi chị ấy sao trước đây đi lễ, chị làm thế nào để người ta tin chị? Chị ấy bảo không cần nhiều người tin, chỉ cần trong gia đình 1, 2 người tin là người ta sẽ lan truyền cho cả nhà, hàng xóm rồi nhiều người khác cùng tin. Đồn nhau thế, tự khắc là họ tôn mình lên. Chị ấy bỏ đồng cốt lừa đảo. Chị bảo cách làm đó không chính đáng, uẩn khuất, làm cho người ta sẽ tự thui chột mà tâm cảm thấy áy náy, không chân chính.
Chúng tôi quan niệm, ta làm được việc tốt là do cái tâm và cái đầu của ta đang tu tập đây này. Nó phải là lao động và rất thực tế, nó không xa vời nơi đâu cả, nó ngay trong thực tế cuộc sống. Không mơ hồ, không rơi vào... không tưởng. Muốn ruộng tốt thì phải làm hết sâu, phải chăm lúa, chứ không phải dùng cái không tưởng, cúng lễ để cho cây lúa khỏi bệnh được.
Đến ngay việc tôi tu tập, tôi ăn cơm thì bình thường có thể tôi nghĩ đến con cháu, mất tập trung, có khi ăn mà
không biết rằng mình đang ăn. Nhưng tu tập rồi thì tôi nhai tôi biết tôi đang nhai, mình bảo cái tâm là mình nhớ, nhắc là đang nhai cơm. Đạo Phật ở đây rõ ràng như thế, tu cần kiên trì và cái tâm thực chất, - chứ đừng tưởng chắp tay ngồi im là tất cả nó đến”.
Ông Kỷ chia sẻ: “Một bí quyết chữa bệnh của tôi nữa là đi “kinh hành” mỗi ngày. Tôi cứ đi bộ gần như bình thường. Có thể mọi người vẫn líu lô nói chuyện, chân bước thấp bước cao, vấp váp lung tung ở bên cạnh. Cái khác nằm ở chỗ, tôi đi, tâm tôi thấy rõ tôi đi.
Tôi biết để cái tâm thư giãn, không vướng bận gì cả. Thân tâm phải thanh thản, nhẹ nhàng, vô sự. Không được ức chế tâm, không được kìm tâm, không được tập trung tâm vào bất cứ cái gì mà phải vô sự như người nhàn cư, nhàn rỗi, đi rong chơi. Mình cứ nhắc mình như thế (tự kỉ ám thị), tự nhiên thành ra... thanh thản.
Bà xã tôi từ khi bị bệnh ung thư di căn, mới sợ quá phải lao vào tập luyện. Ban đầu bà ấy đi bộ xung quanh nhà, đơn giản thôi, chưa biết nghĩ là nó khó. Quan trọng, mình có pháp dẫn tâm và có tác ý, nghĩa là “nói” lên để tâm nghe thấy. Khi mình làm cái gì chưa thật tâm thì mình phải tập trung ý chí, quyết tâm làm, cứ nói trong thâm tâm như thế để nó trở thành nội lực. Nội lực giúp cho ý thức hành động, chữa bệnh chính là do ý thức biết “hành động”, biết “đẩy bệnh” đó”.
Một trong gần 30 thất độc cư tu tập bằng gỗ giữa rừng thông thanh bình ở Đông Triều, Quảng Ninh.
Chữa bệnh không cần thuốc, không mất đồng nào
Ông Kỷ bộc bạch: “Với tôi, đi theo phương pháp trị bệnh này còn có cái hay là khi bị bệnh tật thì mình đỡ tốn kém. Chứ đi viện nhiều khi hết tiền, tán gia bại sản rồi mà bệnh vẫn không khỏi. Tôi tự chữa bệnh cho mình bằng cách: Ngay trong thân của mình, tự thân mình đẩy bệnh tật nó ra chứ không cần phải thuốc thang. Nói những câu đó thì rất dễ, nhưng quá mình phải rèn luyện, đủ lực thì mới đẩy được nó. Nếu vào chùa phải có nén hương, hoa quả để “cúng”, nhưng đây thì không.
Ngay cả khi vào trong các am tu, thất độc cư ở tít phía Nam cũng thế, cư sỹ cứ đến tùy tâm. Đến 1 tháng ăn ở, một mình một “phòng” khép kín, cũng chỉ có 1 triệu đồng, không có thì 500 nghìn đồng, thậm chí có yến gạo thôi cũng được. Hôm trước tôi vào hơn một tháng, lúc về tôi đưa 2 triệu đồng để người ta đem cơm nước giúp tôi, thì thầy nói đưa nhiều thế. Thầy còn bảo: “Người càng nghèo thì ta càng phải thương quý người ta, đấy là chân lý của Phật”.
Tôi ở trong thất 49 ngày, học được cái pháp đó rồi về mình tu tập. Đạo Phật quyết chiến với bệnh tật như mình quyết chiến với kẻ thù ấy, phải ra lệnh, phải đuổi nó ra. Thực ra cũng không có bí quyết gì lớn lao cả, thầy dạy công khai, quan trọng là mình có tập trung được để làm không thôi. Đến khi nhà tôi bị bệnh tôi còn đi phục vụ nhà tôi gần một năm trời, con cháu lên tôi đuổi về hết. Đêm tôi ra hành lang chỗ vợ tôi nằm bệnh để tập. Năm 2012 tôi vào thất để tu, về nhà tập trộm kẻo người làng họ cười.
Thi thoảng mình đi khám bệnh để mình biết bệnh rồi về đuổi cho nó chính xác. Ngoài ra tôi còn bị đường ruột, giờ cũng khỏi nốt. Bệnh hen cũng hết rồi, nếu không thì tôi không thể ngồi nói chuyện với anh lâu như thế này được. Càng buông xả được bao nhiêu, tinh thần càng thoải mái bấy nhiêu, bệnh từ tâm mà ra. Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự thì hết bệnh.
Hằng ngày nếu mình nhắc mình tâm không được giận hờn, không phiền não. Tâm như đất. Đất thì ai muốn cày xới trên mặt nó cũng im. Ý muốn nói là tâm mình hiền lành. Một ngày nhắc mình khoảng 40-50 lần câu này thì một thời gian sau thấy dễ chịu, thảnh thơi. Đấy là Phật ở trong người.
“Tôi tin là tôi sẽ vượt qua được bệnh ung thư”
Bà nhà tôi khi đi viện về, dân làng đồn bà ấy không biết có qua khỏi, nhưng rồi bà ấy khỏe mạnh như phép mầu ấy. Họ hỏi phép màu đâu, chúng tôi bảo, chỉ ăn uống thì ăn rau lá thôi, có phải sơn hào hải vị gì đâu, thế mà sống sót.
Nhưng tôi phân tích với họ, tôi “đuổi” được hết bệnh tật, thứ nhất là do tôi có tuổi rồi, uống nhiều kháng sinh vào không có lợi nên tôi quyết tâm đi theo Phật pháp này vì không tốm kém gì, cũng không ảnh hưởng đến bộ phận khác của cơ thể.
Hệ thống am tu ở chùa Ngọc Thanh, Quảng Ninh.
Thuốc Tây thực tế chỉ chữa được phần ngọn, còn phần gốc thì chịu. Đạo Phật tìm được cái gốc của bệnh để trị, chính là tham, sân, si. Tôi nói tu tập cái này, trong gia đình có người sống lương thiện, một thời gian sẽ kéo được cả gia đình theo cái thiện. Những người trẻ bây giờ học hành cần thấy, cái quan trọng là đạo đức, sống thiện.
Có ba nơi rèn luyện: Thân, khẩu, ý. Sống không làm khổ mình, khổ người. Đó là gốc rễ của đạo Phật, ngăn ác, diệt ác, sinh thiện. Đạo phật cho mình hiểu biết khác ngoài sự hiểu biết trong giới hạn con người. Vợ tôi rất mừng đã tập được pháp định nghiệm hơi thở. Đấy cũng là cái duyên của bà ấy.
Tôi tập lâu hơn mà lại chưa thực hiện được pháp này. Bà ấy ít tập hơn, nhưng khi tập thì tiếp thụ nhanh và sâu pháp đó. Nấu cơm bà ấy cũng mở băng âm thanh nói về pháp nghiệm hơi thở này để nghe. Pháp định nghiệm hơi thở này vô cùng tốt, giúp đẩy bệnh tật đi.
Nếu thở không đúng thì cũng không tác dụng gì, quan trọng là ý của mình biết được hơi vào ra sao, nó dừng lại ở đâu và nó ra khỏi cơ thể mình khi nào và như thế nào”.
Bà Loan kể: “Năm 2013, hôm đi khám bệnh mà biết là mình bị ung thư, cô bé hàng xóm dẫn tôi đi. Tôi thấy bác sĩ thông báo với người nhà, tức là cô bé hàng xóm, bảo bác ấy có bảo hiểm không, chuyển bảo hiểm lên để mổ càng sớm càng tốt.
Đó cũng là tính cách của tôi, bệnh tật nặng đến đâu cũng bình tâm, vì mình nghĩ cái gì đến là nó đến. Lúc đấy tôi cũng chưa học Phật pháp, chỉ biết là ông nhà tôi tu tập thôi. Điều trị một thời gian ngắn, tôi quyết tâm “bỏ” đi tu tập. Ban đầu cũng chỉ tập “kinh hành” thôi, vì bác sĩ cũng bảo phải đi bộ ít nhất một tiếng mỗi ngày.
Sau đấy tôi nghe thêm đĩa của thầy Thích Thông Lạc, biết đến đâu tập đến đấy. Bây giờ, tôi tập trung vào hơi thở và tập được hơi thở rất tốt. Tập hơi thở xong rồi thì ngồi nghỉ chân xả. Tôi tập đơn giản chứ không tập sâu được. Rồi thấy chồng tập, tôi cứ theo tập dần dần, rồi vào chùa Chi Đông tập, ngồi thất cả chục ngày, hai mươi ngày để “độc cư”.
Việc khỏi bệnh, tôi nghĩ nó kết hợp cả hai cái, vừa thuốc thang, vừa tập luyện tu tập mà ra. Thứ nữa là mình tin tưởng mình tập thấy người thoải mái, khỏe khoắn thì mình cứ theo, cứ tập thôi. Mình tu tập pháp này cũng thấy khoan khoái, cứ đến giờ đó là mình tập, 3 giờ sáng lại tỉnh giấc đi tập đến 5 giờ sáng. Cứ mỗi ngày 2 cữ tập, duy trì như thế.
Khi tôi đi khám lại, mọi thứ đã bình thường. Tôi thấy tập thiền hiệu quả lắm đấy. Ông Kỷ nhà tôi thấy đỡ hẳn. Ngày trước ông ấy gầy lắm, nhất là bệnh hen suyễn, bệnh dạ dày giờ cũng mất hẳn. Bệnh ung thư vú của tôi thì tôi không lo lắng nhiều, tôi nghĩ là nó sẽ khỏi, mình có niềm tin như thế. Mình cứ sống thoải mái, đêm đêm lại ngồi thiền”.
Còn nữa...
Nguồn tin: VTC News
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự