Cây thiêng 3 gốc một ngọn biết ’giải hạn’ cho người?

Thứ hai - 02/06/2014 01:01
Cây 3 thân còn biết “giải hạn” được cho cả con người như: Bệnh tật, vận hạnhellip;Thực hư câu chuyện đậm chất liêu trai này như thế nào, cây “thiêng” thực sự có khả năng kỳ lạ trên?
với hình thù không giống bất cứ loài cây nào. Những người ở đây cho biết, kể từ khi đặt chân lên núi đã thấy cây này có 3 gốc một ngọn. Điều đáng nói là 3 thân cây ấy qua năm tháng cứ đẩy ngọn lên chót vót, đứng sừng sững, tỏa lá xum xuê giữa đất trời. Người dân quan niệm, đây là cây thiêng của núi, nếu ai có hạn xui thì đến làm lễ cúng, bái nhờ cây giải hạn sẽ được như ý.

Diện kiến cây “thiêng”

Ở ngọn núi Chứa Chan (hay còn gọi là núi Gia Lào) mãi tận cuối huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) có những câu chuyện rất lạ. Rằng dưới núi từng có câu chuyện một đại ca giang hồ chọc trời khuấy nước, khi tìm về núi Chứa Chan vin vào cây lạ, làm lễ cúng bái gì đó, một thời gian sau về đoạn tuyệt kiếp giang hồ, tu nhân tích đức, làm việc thiện giúp đời?!

Cái cây đó có hình dạng rất kỳ dị, trên 1 ngọn, dưới 3 gốc. Trong những lần núi Chứa Chan bị lâm tặc tàn phá gần như trơ trụi thì cây này vẫn đứng hiên ngang như thách thức. Tự bao đời, dân chúng cho rằng đó là cây thiêng, 3 thân cây là hiện thân của thần núi, bảo vệ núi, người đi rừng, nên rất thiêng.

Cây này còn biết “giải hạn” được cho cả con người như: Bệnh tật, vận hạn…Thực hư câu chuyện đậm chất liêu trai này như thế nào, cây “thiêng” thực sự có khả năng kỳ lạ trên?

Chúng tôi đã tìm đến núi Chứa Chan, vượt ngàn bậc thang lên diện kiến cây thiêng để tìm rõ thực hư câu chuyện mà lâu nay dân chúng vẫn truyền tai đồn thổi.


Cây 3 gốc 1 ngọn ở núi Chứa Chan lâu nay được người dân cung phụng

Nằm điểm giao nhau của 4 xã, có độ cao khoảng 837 so với mặt biển. Phía Bắc giáp xã Xuân Thành; phía Nam giáp xã Suối Cát; phía Đông giáp thị trấn Gia Ray; phía Tây giáp xã Xuân Thọ, chiếm diện tích khoảng 1.400 ha của huyện Xuân Lộc.

Nhìn xa, núi Chứa Chan như hòn non bộ khổng lồ nằm giữa một vùng đồng bằng ở cuối đất Đồng Nai. Tuy nhiên, trời phú cho ngọn núi này cảnh quan tuyệt đẹp. Tên núi mang trong mình khá nhiều giai thoại.

Có người bảo Chứa Chan là tên nói ngược “chán chưa”, tức ý nói núi cao, cảnh đẹp người lên thưởng ngoạn mãi không muốn về, đọc ngược lại thành câu hỏi “chán chưa” như nhắc nhủ đừng quên đường về.

Cũng có người lý giải theo hướng khác, đó là từ một câu chuyện khá cảm động của tình yêu đôi trai gái. Núi Chứa Chan người xưa còn gọi là núi Gia Lào (dấu tích còn lại là trên đỉnh cao của núi còn có một ngôi chùa cổ tên là chùa Gia Lào).

Ở một làng nọ dưới chân núi, có một đôi yêu nhau, do khác địa vị nên bị cha mẹ ngăn cách, cả hai liền bỏ lên ngọn núi, sống một cuộc sống chỉ có tình yêu, núi rừng và trời đất. Mối tình viên mãn đó chiến thắng địa vị, thành kiến, chan chứa như dòng thác mây bất tận.

Từ đó núi Gia Lào được dân gian gọi với một cái tên khác là núi Chứa Chan. Dù là giai thoại gì, nhưng chung quy lại ngụ ý rằng chỉ cảnh đẹp. Cho đến nay núi vẫn mang trong mình cảnh đẹp chứa chan lòng người mà tạo hóa ban tặng. Núi như một điểm son tô lên bức tranh thủy mặc của đồng bằng vùng Xuân Lộc (Đồng Nai) ngày nay.

Đường lên đỉnh núi uốn lượn như thân rồng. Điều thú vị mà ít nơi nào có được, dọc đường đi cũng là những căn nhà ống làm vòm, người đi đường cứ việc chui rúc từ nhà này qua nhà khác như một đường hầm bất tận là lên đến đỉnh núi.

Lên núi, người ta có thể dừng chân bất cứ đâu, nắng không tới mặt, mưa không tới đầu. Dân ở đây kể, trước kia núi Chứa Chan là chốn lam sơn, chướng khí, chỉ có cây rừng và muông thú, cây cổ thụ ken nhau mọc kín.

Tuy nhiên, qua thời gian vô chủ, dân nghèo đói, họ đã lên núi đốn sạch, duy chỉ để lại 2 cây đặc biệt, có hình thù kỳ quái. Một là cây 1 gốc 3 ngọn, còn một cây khác ngược lại là 1 ngọn 3 gốc, đó là cặp đôi “cây ông, cây bà”.

Những câu chuyện đậm chất liêu trai về 2 cây được người ta kể lại như sau. Thấy cây có hình thù khác lạ, phần lớn không ai dám đốn hạ. Một bữa nọ có tên lâm tặc tìm đến, với thái độ khinh suất, ý định chuẩn bị “thịt” cây, không ngờ bổ lưỡi búa vào thân cây thì thì lưỡi búa dội ra, không ngờ ít lâu sau tai nạn mà chết?!

Từ đó dân chúng cho rằng, hai cây kì dị là nơi trú ngụ của thần núi, xâm phạm cây là đánh động đến giấc ngủ thần núi. Từ đó dân ùn ùn đến khấn vái, đốt nhang, thắp hương suốt này đêm, lửa nóng, khói ngày qua ngày như hun búi.

Cuối cùng cây 3 ngọn 1 gốc lăn ra chết khô, chỉ còn cây 3 gốc 1 ngọn trụ được đến tận ngày nay. Nếu người dân cho rằng núi Chứa Chan có chùa Gia Lào linh thiêng, thì cũng có cây “thiêng” 3 gốc 1 ngọn ở lưng chừng núi, sống như một sự oán thán ai đó dám xâm phạm.

“Mộc thần” cứu nhân?

Chúng tôi vượt hàng ngàn bậc thang, mới đến nơi “ngự” của cây “thiêng”. Gốc cây kì dị hiện ra trước mắt như thần trụ trời. Đúng như lời đồn, cây có “3 trụ nâng 1 ngọn” vững chãi, cao chót vót. Điều lạ là 3 “chi” thẳng tắp, lớn gần như đều nhau, phần ngọn trên cùng tỏa tán lá xum xuê.

Bên dưới gốc người ta xây hẳn 1 khuôn lan can, xi măng bao bọc cả 3 gốc cây, ngăn không cho ai đó bén mảng đến gốc. Trên khuôn bảo vệ đó là vô số dấu sáp nến, chân nhang, giấy bạc… người ta đến làm lễ, nến bị đốt chảy nhèm nhẹp, tạo thành tầng tầng lớp lớp như nhũ thạch trong hang động.

Dưới nền đất là vô số nhang, vàng, lược, gương soi, gạo, kẹo “âm” nhuộm phẩm xanh, đỏ, tím vàng trông khá diêm dúa. Vòng ngoài nữa là Miếu Sơn Thần, cùng mấy cái miếu nhỏ (do ai đó xây để cũng dường, hay lực lượng cúng thê tự dựng kịch bản thiêng?).

Cuối cùng là khu vực hóa (đốt) đồ cúng vẫn còn khói hương nghi ngút.

Đang lân la chiêm bái cây, thì một phụ nữ trạc tuổi 32, trên tay cầm chiếc giỏ đầy lễ vật (giấy, vàng mã, nhang, nến) đến dò hỏi, mồi chài làm lễ giải hạn, giải bệnh gì đó. Chị cho biết, cây này có khả năng đuổi vận hạn cho con người.

Nếu ai có bệnh tật, vận nghiệp gì xấu, cứ đến làm một lễ cúng “gửi” vào cây “sơn thần” này là tất cả sẽ đâu vào đó. Chị còn dẫn chứng rằng, người nào bệnh hiểm nghèo, đều tìm đến cây, mua lễ vật như chiếc lược “chải” bệnh, gương “soi” tà ma, đèn cầy “gọi hồn” và hương khói đầy đủ thì tất chóng khỏi bệnh.

Không biết cây có thể giải được bệnh tật hay không, thế nhưng đồ cúng người ta đến dâng hết lớp này đến lớp khác, gương lược đốt không biết bao nhiêu mà kể thì đoán được lòng tin vào điều thần bí kia như thế nào.

Chưa kể, vào những ngày lễ lạt người ta ken đặc gốc cây, chen nhau lụp xụp, khấn vái như đi biểu tình. Nhiều lần chính quyền sở tại tuyên truyền rất nhiều, thế nhưng lòng tin của những người mang “vận hạn” không hề thuyên giảm.

Ấy vậy mới có chuyện có một ông già lụ khụ quê mãi tận Rạch Giá (Kiên Giang) mắc bệnh ung thư. Chân ướt chân run lập khập tìm đến núi, leo ngàn bậc thang tìm lên cây để được giải bệnh. Không biết mâm cúng không đủ lễ vật hay sao, về nhà chưa đầy một tuần sau thì tắt thở.

Lại có một giám đốc công ty làm ăn không may mắn, đứng trên bờ vực phá sản, không còn cách nào khác tìm đến cây nhờ “vạch đường chỉ lối”. Lễ “xin chỉ giáo” dưới gốc cây thiêng đâu vào đó rất trang hoàng, xuống núi ít lâu sau công ty chính thức giải tán.

Nhiều người không tin nên cho rằng người ta dựng chuyện lừa bịp, quyết không đến lần thứ 2, người tin thì quay  lại hậu tạ như tìm thấy “bảo bối” tinh thần.

Cứ như thế, câu chuyện về cây truyền từ người này qua người khác, năm này qua năm khác, như câu chuyện “ngàn lẻ một đêm” không có hồi kết. Biến một cây rừng tự nhiên thành cây, có khả năng thần thánh, người người phải cung phụng.

Giang hồ dừng bước nhờ cây thiêng?

Người dân trên núi Chứa Chan vẫn kể câu chuyện “dưới bóng cây thiêng, giang hồ quy ẩn”, khó tin nhưng có thật như thế này. Chuyện kể rằng, ông là Tư Thuận (Nguyễn Văn Thuận, SN 1944, Sài Gòn) là đại ca của đại giang hồ trứ danh Điền Khắc Kim (1947-1986).

Trong khi đệ tử vào tù ra tội, gây những tội ác, thì Tư Thuận biết dừng bước, quay đầu đúng lúc. Năm 1982, Tư Thuận được thoát khỏi kiếp gông cùm sau tháng ngày tội lỗi, ông ta sực tỉnh tìm về viếng chùa Gia Lào trên núi Chứa Chan.

Trên đường đi gặp cây 3 gốc 1 ngọn, thấy hình thù kì lạ của cây, lại ngự nơi thế núi không thể đẹp hơn. Tư Thuận khấn vái nguyện cầu sám hối. Như duyên đặng, không hiểu sao một thời gian sau ông tự cảm hóa và quyết đoạn tuyệt quá khứ tội lỗi.

Tư Thuận xuống núi cải tên, ăn chay, niệm phận, mặc áo lam, làm việc thiện. Quyết định dựng nhà ở ngay đường lên chùa Gia Lào, ngày ngày lên núi hái lan rừng bán kiếm tiền mua gạo. Ngày đó dân cư thưa thớt, rừng núi hoang vu, chỉ có Tư Thuận là người dám lên xuống thường xuyên đến thăm cây.

Thấy vậy, người dân cắt cử ông trông coi cái cây lạ, để không được ai xâm phạm. Cây “Thiêng” cùng cuộc đời giang hồ hoàn lương Tư Thuận đã trở thành một câu chuyện duyên nợ đi vào huyền tích.

Chúng tôi tìm đến nhà Tư Thuận, ngay dưới chân núi, thật buồn, người nhà cho biết ông đã về cõi thiên thu được hơn 8 tháng. Nhưng họ kể, phần hoàn lương của đoạn cuối cuộc đời của Tư Thuận gắn liền với bao kỷ niệm bên núi Chứa Chan, cùng cây thiêng 3 gốc 1 ngọn.

Để lòng tin kiểm chứng

Những bậc cao niên trên núi cho rằng, cây “thiêng” dân chúng nơi đây gọi là cây da (thực chất là một loài cây họ nhà đa). Những người già kể rằng, trước kia cây này ký sinh trên một cây cổ thụ.

Khi cây cổ thụ chết và mục đi thì còn cây da ở lại. 3 chiếc rễ thõng xuống trở thành 3 chân trụ là lẽ đó. Giờ đây không còn dấu tích của cây chính nữa, nên dân chúng quen gọi là câu 3 gốc 1 ngọn.

Sự thực cây có thiêng hay không thì chưa ai khẳng định, vấn đề tâm linh thì chỉ có lòng tin kiểm chứng, còn sự thực nhiều câu chuyện bị thêu dệt, thổi phồng gắn liền với “cụ” cây hơn là thực tế.

Nguồn tin: VTC News

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây