Chuyện hộ tướng của cá ông
Bên cạnh những câu chuyện dân gian lưu truyền về loài cá Ông cứu người, còn xuất hiện chuyện về 2 loài thủy sản khổng lồ khác của đại dương là cá Mực và cá Đao. Cá Mực và cá Đao thường xuyên đi bên cạnh cá Ông trong những lần bão to gió lớn để giúp đỡ con người và thường được ngư dân coi là hai hộ tướng của cá Ông. Chính vì thế, trong những lăng thờ cá Ông ở ven biển mà chúng tôi từng đi qua như Gò Công, Vũng Tàu, La Gi, Phan Thiết, Nha Trang… đều có tượng của cá Mực và cá Đao. Cá Mực chính là loài mực khổng lồ mà nhiều người đã biết đến nhưng còn hộ tướng cá Đao thì sao? Tương truyền đó là một loài chỉ thường gặp trong những câu chuyện chứ ít ai biết rõ sự thật về loài cá này. Ông Ngô Văn Dị, 81 tuổi, người trông coi Lăng Ông Thủy Tướng cho biết, từ xưa tới nay, ngư dân ai cũng biết chuyện về cá Đao nhưng hầu như không ai gặp cá Đao bao giờ. Chỉ biết, đó là một loài cá to lớn, mình đen và có lớp da cứng như sắt.
Mỗi lần cá Ông đi cứu người, cá Đao thường bơi bên cạnh để xua đuổi những loài cá ác khác. Ông Dị giải thích rằng việc cứu người cũng đồng nghĩa với việc cá Ông đã lấy đi một phần sự sống của những loài cá khác trong đại dương. Chính vì thế, nhiều loài cá không muốn cá Ông đi cứu người nên đã tìm cách hãm hại. Để bảo vệ cá Ông và những ngư dân cá Ông đã cứu, cá Đao đã tình nguyện đi làm hộ tướng cho cá Ông. Tuy nhiên, khi đến gần bờ an toàn, cá Đao bao giờ cũng quay trở lại biển cả chứ không quanh quẩn ở bờ như cá Ông. Vì vậy, dù biết cá đao có công ơn cứu mình nhưng ngư dân hầu như không ai biết cá đao là loài cá nào.
Ông Ngô Văn Dị cho chúng tôi biết, theo như các cụ cao niên ở trong vùng kể lại thì một ngày cách đây chừng hơn 200 năm, trời đất bỗng nổi một trận mưa bão cuồng phong kinh hoàng, biển cả gào thét suốt đêm ngày khiến hàng trăm ngư dân đang mưu sinh trên biển lâm vào cảnh khốn cùng. Lần ấy, cá Ông cùng hai thủy tướng của mình lại xuất hiện để cứu người. Nhờ cá Ông và các hộ tướng, rất nhiều ngư dân đã thoát chết và vào được bờ an toàn. Tuy nhiên, do bị các loài cá khác truy đuổi, cộng thêm sức cùng lực kiệt, cá Đao đã không qua khỏi cơn thịnh nộ của đất trời. Biết chuyện, ngư dân vô cùng đau xót đã chôn cất cá Đao ở ven biển, ngay sát bên làng để tưởng nhớ công lao. Thời gian qua đi, những vòng quay bất tận của trời đất đã biến xương cốt cá đao đã hóa thành tro bụi, trở về nơi biển cả mênh mông. Tuy nhiên, không hiểu tại sao mà một khúc xương dài chừng 3 mét vẫn còn nguyên vẹn. Lúc đầu, mọi người quan sát và nghĩ rằng đó là khúc xương đuôi của cá Đao. Tuy nhiên, sau này có một số người từng trải và hiểu biết đã giải thích, dù nhìn qua khúc xương có đốt, thon dài nhưng đó không phải là xương đuôi mà chính là xương đầu của cá đao.
Một loài cá khá đặc biệt ở đại dương bao la. Do thấy khúc xương có hình cong cong giống như chiếc đao, ngư dân đã chia làm 2 thanh khác nhau, Chiếc lớn hơn được đem thờ trong hậu điện còn chiếc nhỏ với hình dáng dài và sắc nhọn hơn thì thờ ở ngay chính điện. Cả 2 chiếc đao này đều được ngư dân trong vùng coi như báu vật linh thiêng, tồn tại qua hàng trăm năm. Vì vậy, khác với nhiều khu lăng thờ cá Ông khác ở vùng biển Cần Giờ, khu lăng này được ghi là Lăng Ông Thủy Tướng, tức là vừa thờ cá Ông, vừa thờ Thủy Tướng đã bảo vệ cá ông.
Vừa trò chuyện ông Dị vừa dẫn chúng tôi đi xem chiếc đao làm bằng xương loài cá khổng lồ kia. Theo quan sát của chúng tôi, linh vật này dài chừng 1 mét, có hình dạng như một thanh đao và cũng không khó để nhận ra nó được làm bằng xương động vật bởi độ thuôn dài của nó. Do đã trải qua cả trăm năm tồn tại, để tránh sự bào mòn của thời gian, chiếc đao này đã được ngâm qua một hợp chất keo, như một thứ sơn vĩnh cửu để tránh hư hỏng. Trên thân chiếc đao bằng xương cá còn có cả trăm chiếc đinh nhọn hoắt tương truyền là vũ khí của cá đao để chống lại cái ác giữa biển khơi. Do được đặt ở chính giữa khu lăng với một bát nhang to tỏa khói nghi ngút kèm theo rất nhiều những hình dáng mô phỏng ghe thuyền khác nên trông nó rất uy nghi và nhuốm màu huyền bí. Ông Dị cho biết, chiếc đao nhỏ này thờ ở chính điện nên ai cũng có thể quan sát được còn chiếc đao lớn, dài gấp đôi, nặng và to hơn nhiều lần thì lại được cất giữ trong hậu điện, mỗi năm chỉ rước một lần vào ngày lễ Nghinh Ông đầu năm mà thôi.
Ông Dị bên chiếc đao xương cá
Linh thiêng mà có thật
Mặc dù cũng xuất phát từ việc lập lăng thờ cúng cá Ông cứu người nhưng khu Lăng Ông Thủy Tướng ở Cần Giờ này độc đáo và đặc biệt hơn các khu lăng ven biển khác bởi 2 chiếc đao làm từ xương cá. Theo ông Phạm Văn Năm, 64 tuổi, người đã có ngót nghét nửa thế kỷ gắn bó với những chuyến đi biển lênh đênh thì, mỗi khi mùa mưa bão đến, hầu hết tất cả ngư dân đi biển trong vùng đều đến làm lễ và chạm vào chiếc đao xương cá ở lăng để mong ước một chuyến biển an toàn. Cũng theo kinh nghiệm của ông Năm thì thực chất, cá Ông và 2 Thủy Tướng của mình không chỉ cứu người đưa vào bờ như lâu nay vẫn biết mà ngay giữa biển khơi mênh mông, chúng cũng giúp người. Cụ thể, nếu có những đợt bão sóng to gió lớn, mỗi khi thuyền sắp bị sóng đánh chao sang hướng này thì cá ông lại cùng Thủy Tướng của mình chao sang hướng ngược lại để giúp ghe thuyền không bị lật nghiêng.
Ngoài chuyện thờ cúng suốt nhiều đời qua, chiếc đao bằng xương cá ở khu Lăng Ông Thủy Tướng này còn được coi là một nét văn hóa đặc sắc của người dân ven biển Cần Giờ. Hơn nữa, chuyện lạ về loài cá Đao và thanh đao xương cá này còn được nhà văn Sơn Nam chép thành một câu chuyện trong tập bút ký nổi tiếng “Chuyện xưa tích cũ”. Trong đó, Sơn Nam cho rằng, rất nhiều ngư dân ở vùng ven biển nước ta đã được cứu mạng nhờ cá Ông. Cụ thể, khi cá Ông cứu người, cá Mực sẽ đi mở đường giương cờ còn cá Đao đi sau bảo vệ. Chuyện về 2 loài cá Ông và cá Mực thì nhiều người đã biết, đã gặp nhưng còn cá Đao, hầu như chưa ai biết cụ thể. Thế nên, chuyện ngư dân ven biển Cần Giờ gặp cá Đao và may mắn gìn giữ được một khúc xương của cá Đao là một sự may mắn và trùng hợp kỳ lạ. Cũng chính vì vậy, sẽ không có gì bất ngờ khi ngư dân đều coi đây là báu vật của làng mình. Đặc biệt, vào những ngày lễ hội Nghinh Ông, lễ rước thanh đao xương cá được ngư dân cử hành rất long trọng, linh thiêng, thu hút hàng ngàn người từ khắp nơi đổ về chiêm ngưỡng. Đó có thể coi là một phong tục, một nét văn hóa độc đáo của vùng biển bán ngập mặn này.