Chùa Vô Vi trên ngọn núi chon von, xinh xắn. Chùa Trầm nằm trước cửa một hang núi rộng lớn từng chứa được cả một đài phát thanh trong ấy thời kháng chiến. Chùa Thày trên núi Sài Sơn, Thạch Thất như một quần thể giải trí thiên nhiên kỳ vĩ là sự kết hợp tài tình giữa địa thế và quy hoạch của người xưa.
Chùa chính tọa lạc dưới chân núi với bức tượng thiền sư Từ Đạo Hạnh nổi tiếng đặt giữa hai pho tượng hộ pháp vào loại lớn nhất Việt Nam được tạo tác từ đất sét, giấy bản. Những chiếc cầu ngói và thủy đình in bóng trên mặt hồ Long Chiểu vắng lặng cùng với hoa gạo đỏ chói ngày tháng 3.
Những con đường gập ghềnh, trắc trở dẫn vào Hang Luồn, Hang Gió, Hang Thần trên núi Sài Sơn là nơi dành cho những người ưa mạo hiểm.
Chùa Tây Phương - Ảnh: Trương Quý
Vùng Thạch Thất còn hai ngôi chùa hết sức đặc biệt về nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc là chùa Trăm Gian và chùa Tây Phương. Tất cả đều nằm trên những ngọn núi đất thấp, nhưng cũng đủ để thỏa tầm mắt nhìn ra cánh đồng xanh rì bên dưới.
Chỉ trong ngày với khoảng một giờ chạy xe còn có thể sang vùng Kinh Bắc thăm thú quần thể chùa chiền thời kỳ hưng thịnh nhất của Phật giáo Việt Nam đời Lý.
Đầu tiên là chùa Tiêu nằm lưng chừng ngọn Tiêu Sơn ở Từ Sơn, Bắc Ninh với cảnh trí u tịch, xanh rì bóng cây. Ở đấy còn có pho tượng táng nhục thân của thiền sư Như Trí.
Người đã có công khắc in Thiền Uyển Tập Anh, một áng văn xuôi ghi chép lại hệ thống các dòng thiền và thiền sư nổi tiếng cuối thời Bắc thuộc cho đến thời Đinh - Lê - Lý.
Tiếp đến là chùa Hàm Long nằm sau ngọn núi Thần Long như một bình phong che chắn ngôi chùa. Chùa có tháp đá Hàm Long cao hơn 10m và hai bức tượng đồng đúc nguyên khối khá đẹp về mặt tạo hình.
Một quần thể chùa có từ đời Lý chạy từ chùa Phật Tích sang chùa Dạm ở huyện Tiên Du đều nằm trên những ngọn núi thấp, có thể leo bộ mà lên không gặp trở ngại gì.
Chùa Thầy - Ảnh: Trương Quý
Ngoài cảnh quan vùng đồi núi nhấp nhô địa hình uyển chuyển, sinh động, chùa Phật Tích còn lưu giữ lại được tượng đá A Di Đà, hàng thú đá hai bên chính điện là những bức điêu khắc Phật giáo bằng đá vào loại lớn nhất cả nước.
Dấu tích hoa văn điêu khắc đời Lý còn biểu hiện rõ ở cột đá chùa Dạm gần đấy với những hình rồng chạm nổi trên sóng nước đầy uyển chuyển và khỏe khoắn.
Cũng có thể lên thăm chùa Bổ Đà nằm ở phía bắc sông Cầu thuộc huyện Việt Yên, Bắc Giang. Ngôi chùa cổ kính này nổi tiếng với những bức tường trình bằng đất đồi trải qua hàng mấy thế kỷ vẫn vững bền, mộc mạc một màu rêu xanh.
Những bức tường trong chùa chính được xây bằng những chiếc tiểu sành như các viên gạch khổng lồ và chiếc bể mui luyện trước nhà tăng dài hàng mấy chục mét.
Chùa Vĩnh Nghiêm - Bắc Ninh - Ảnh: Trương Quý
Đặc biệt nhất là chiếc giếng kèm theo nhà tắm cổ có đường dẫn nước bằng đá. Vị sư ở ngoài sẽ làm nhiệm vụ múc nước giếng đổ lên máng đá cho chảy vào trong buồng tắm để người ở trong có thể tự tẩy trần.
Không xa lắm là ngôi chùa Vĩnh Nghiêm ở huyện Yên Dũng, Bắc Giang cũng là nơi có cảnh trí bao la, khoáng hoạt với tầng tầng lớp lớp những mái cong và cột gỗ khổng lồ. Chùa có những tủ đựng bản khắc in kinh Phật cao đến tận mái nhà là những hiện vật lịch sử, mỹ thuật hiếm có.
Biết bao là chốn an lành đủ cho lòng ta thanh nhẹ vãn cảnh chùa! Nhưng không hiểu sao người ta vẫn cứ chen chân vào những nơi đông đảo cầu cúng eo sèo dịp tết đến thế. Hình như nỗi khát khao bổng lộc trời cho đã chiến thắng lòng ham muốn thưởng ngoạn mất rồi!
Có một chùa Hương vắng vẻ sau ba tháng hội
Chùa Hương nổi tiếng với điệp trùng núi non cảnh sắc thần tiên. Trừ ba tháng hội chùa Hương sau Tết âm lịch vô cùng đông đúc, nhộn nhịp, những tháng còn lại trong năm đìu hiu, vắng vẻ mới là lựa chọn của người Hà Nội.
Mùa hè lững thững chiếc thuyền gỗ chèo vào trong chùa Tuyết theo dòng Suối Yến giữa hai bên cảnh sắc rực rỡ cây cỏ núi non tưởng chẳng còn ở đâu bằng.
Mà giữa ngày xuân muốn đến những ngôi chùa vắng lặng, thư nhàn ngay trong thành phố Hà Nội cũng chẳng khó khăn gì. Một vòng quanh hồ Tây sẽ có đền Quán Thánh uy nghi khói hương dưới chân bức tượng Huyền Thiên Trấn Vũ.
Đây là Trấn Bắc của Thăng Long Tứ Trấn nổi tiếng đất kinh kỳ. Chùa Trấn Quốc nằm trên bán đảo nhô ra hồ Tây. Gác chuông bát giác hai tầng thong thả đưa tiếng chuông lan man trên mặt hồ trầm mặc, thành kính.
Chùa Kim Liên ở Nghi Tàm với sân vườn trăm hoa đua nở, với nền chùa lát gạch đỏ mát lạnh bàn chân. Và bộ cổng gỗ cổ khổng lồ nhưng mộc mạc, gần gũi. Bên bờ Tây là các chùa Tảo Sách, Võng Thị, Vạn Niên, Phổ Linh.
Tất cả đều là những công trình di tích lịch sử văn hóa quốc gia với phong cảnh kiến trúc đặc sắc và độ thâm nghiêm, tĩnh lặng tuyệt vời.
Tác giả bài viết: Đỗ Phấn
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự