Từ thiện, với nhiều người chỉ đơn giản là 'có của cải thì mang cho, có tiền bạc thì quyên góp' cho người gặp hoàn cảnh khó khăn. Nhưng chuyện lại không hoàn toàn như vậy. Chị Phạm Minh Trang, 36 tuổi, đang sống và làm việc tại Hà Nội, là người đã theo đuổi công việc từ thiện rất nhiều năm và được rất nhiều người biết đến... lại quan niệm hoàn toàn khác về việc làm từ thiện.
Đến với từ thiện cũng là một cơ duyên
Vốn là một nhân viên văn phòng bình thường như bao người khác, chị Phạm Minh Trang chia sẻ, mình chưa từng nghĩ đến một ngày nào đó mình lại có thể làm việc từ thiện một cách nhiệt huyết như lúc này. Chị đến với từ thiện hoàn toàn là một cơ duyên. Ban đầu, chỉ là những chuyến đi tình nguyện, những chuyến công tác cùng anh em, bạn bè đồng nghiệp để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Lâu dần, bạn bè nhờ vả, mong muốn gửi gắm lòng tốt tới những người có hoàn cảnh éo le, và chị cũng làm theo.... Và, nó đã trở thành một công việc yêu thích của chị, một công việc hoàn toàn xuất phát từ tấm lòng, từ sự chân thành của bản thân...
Từ năm 2006, chị Minh Trang đã bắt đầu công việc này và chị không thể ngờ, mỗi ngày, chứng kiến bao cảnh đời khó khăn, được nhiều người giới thiệu những trường hợp cần giúp đỡ, chị lại càng thấy yêu công việc này, yêu cuộc sống này và muốn gắn bó, cống hiến công sức của mình giúp người nghèo biết bao nhiêu. Chia sẻ quan điểm, từ thiện có vì bản thân mình hay không, chị Trang cho rằng, "từ thiện hoàn toàn bắt nguồn từ bản thân mình. Giúp người khó khăn là một chuyện nhưng nếu bạn không thích thú, không yêu thích công việc này thì bạn sẽ không bao giờ bắt đầu.
Làm từ thiện cũng giống như bạn đang theo đuổi một công việc, chỉ khi bạn yêu thích nó, bạn mới có thể dùng tâm sức, nhiệt huyết và tấm lòng chân thành của mình, nỗ lực bằng hết mình, hết khả năng của mình. Đừng nói rằng, chỉ vì những người nghèo khó khăn, vì quá thương họ nên bạn mới chọn công việc ấy. Vì con đường làm từ thiện không đơn giản như bạn nghĩ, khó khăn vô cùng, vất vả vô cùng, gian nan vô cùng... Chỉ những người đã, đang làm từ thiện mới hiểu được điều đó...".
Chị Trang cho rằng có rất nhiều người chưa hiểu được ý nghĩa thực chất của công việc từ thiện. Khi thấy người ta kêu gọi khó khăn, bạn có tiền, bạn cho họ, vậy là bạn đã làm từ thiện? Không hẳn như vậy là tốt.
Chị kể về trường hợp của một người rất khó khăn muốn xin chị giúp để nuôi vợ con. Chị đã nghĩ, vậy thì phải làm việc và việc chị làm là tạo cho anh ta một công ăn việc làm như anh ta mong muốn, đó là một chiếc xe bán xúc xích, bánh mì, anh ta sẽ kiếm tiền bằng chính sức lao động của mình chứ không phải là được chị cho tiền hàng tháng hay ủng hộ một khoản lớn rồi thôi. Và, hiện tại, công việc bán hàng của anh này rất ổn, có thể nuôi được vợ con của mình.
Chị Trang khi sắp xếp sách vở, cặp sách để mang quà tới cho các em nhỏ
'Nếu bạn muốn mua một chiếc máy khâu để kiếm tiền, tôi sẽ giúp bạn kêu gọi số tiền đó, tạo một công việc mưu sinh, còn tôi sẽ không cho bạn tiền tiêu hàng tháng. Bạn sẽ tự nỗ lực bằng sức lao động của mình, vì bạn hoàn toàn làm được'. Đó là điều chị đã từng nói với một người phụ nữ gặp hoàn cảnh khó khăn, muốn xin một chiếc máy khâu để mưu sinh. Và chị đã làm đúng... vì công việc hiện tại của người ấy khá ổn, có thể kiếm sống qua ngày. Chị cho rằng, trách nhiệm với cuộc sống của họ chính là do họ, tự bản thân họ, người khác chỉ có thể giúp đỡ, tạo điều kiện mà thôi...
Quan điểm về từ thiện của chị Phạm Minh Trang khác với suy nghĩ của nhiều người. Chị luôn cho rằng 'chúng ta không thể cứu dỗi được ai, cũng không thể làm thay đổi cuộc sống của bất cứ ai cả'. Và việc làm từ thiện chính là một sự đóng góp rất nhỏ về vật chất nhưng mang giá trị tinh thần lớn lao, giúp những người khó khăn có được sự động viên, có thêm nghị lực và niềm tin vào cuộc sống. Để bằng chính nghị lực, chính đôi tay của họ, họ sẽ cố gắng vượt qua khó khăn. Đó cũng chính là mục đích trong suốt 10 năm làm từ thiện của chị. Với chị, một bữa ăn ngon, một bông hoa gửi tặng, một hộp sữa nhỏ động viên cũng chính là... làm từ thiện.
Khi bạn cho họ 100 triệu, tức là bạn có tấm lòng, nhưng rồi, liệu sau đó, họ có thực sự dùng số tiền đó vào mục đích cứu người, hay người ta sẽ lợi dụng lòng tốt của bạn để làm những việc khác, hoặc là sẽ xảy ra tranh chấp trong gia đình? Có những biến tướng của từ thiện, bạn không thể lường trước được. Nên đã giúp một người thì bạn phải tìm hiểu kĩ và có trách nhiệm theo dõi cuộc sống của họ. Giống như việc họ cần 100 triệu không có nghĩa là bạn cứ kêu gọi, càng được nhiều càng tốt... và số tiền ấy bạn giao hết cho người ta... Họ cần 100 triệu để vượt qua hoàn cảnh khó khăn, hãy chỉ cho đúng số tiền ấy. Đừng kêu gọi 1 tỷ và đưa hết cho họ. Đó là bạn đang thiếu trách nhiệm với việc làm của mình và đang vô tình khiến họ phụ thuộc vào bạn, phụ thuộc vào đồng tiền của bạn. Cũng đừng cho tiền xong rồi thôi, vì cuộc sống của họ rất cần ánh mắt của bạn dõi theo, nhìn những đứa trẻ trưởng thành...
Nhưng, từ thiện cũng không hẳn là gieo cho họ những hi vọng khi họ đang trong hoàn cảnh gần như tuyệt vọng. Giống như trường hợp của một em bé mới chỉ được vài tháng tuổi mà đã mổ tim đến tận 6 lần. Cảnh tượng ấy khiến ai chứng kiến cũng phải xót xa trong lòng. Sức ở đâu để một em nhỏ chịu đựng đau khổ như vậy? Em đã được một ngày nào sống vui vẻ, đã ai được nghe thấy tiếng cười, nhìn thấy đôi mắt long lanh của em, hay chỉ là những tháng ngày nằm trong viện, rồi người nhà đau khổ, xót xa, thương con trong tuyệt vọng?
Số tiền được quyên góp do chính tay chị mang tới trao cho người có hoàn cảnh khó khăn
Có những chuyện cảm động, cả đời không thể quên!
Trên hành trình làm từ thiện của mình, chị Trang và đoàn từ thiện của chị đã gặp rất nhiều khó khăn. Khó khăn lớn nhất chính là việc di chuyển tới những nơi có địa hình hiểm trở, xe cộ đi lại không phải là việc đơn giản, việc ăn ở ở những nơi xa xôi như thế cũng không phải là việc dễ dàng gì. Có những chuyến đi dài, xe bị chết máy hay rơi vào vũng lầy, thật vô cùng nguy hểm, bất trắc cả tới tính mạng của mọi người. Tuy nhiên, nhờ sự giúp sức của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, những người cùng tham gia các chương trình từ thiện với chị nên niềm vui lại ùa về sau những chuyến đi xa.
Việc từ thiện hiện tại của chị Trang không hẳn bận rộn như nhiều người vẫn nghĩ. Chị đã làm từ thiện suốt 10 năm và 10 năm đó, chị có rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp, nhưng được rất người có lòng hảo tâm biết đến. Họ tìm đến chị, liên hệ với chị, giới thiệu với chị những hoàn cảnh khó khăn. Sau khi xác minh được những trường hợp khó khăn thực sự, chị lại cùng với bạn bè, đồng nghiệp tới tận nơi hoặc kêu gọi những người có tấm lòng ủng hộ. Công việc diễn ra hàng ngày, hàng tuần và liên tục nếu như có người thực sự cần giúp đỡ...
Những chuyến xe đường dài trên đường đi làm từ thiện vốn không phải là chuyện dễ dàng gì
Chị luôn tâm niệm rằng, 'không ai có thể làm thay đổi cuộc sống của ai cả', từ thiện cũng không phải là làm thay đổi cuộc sống của một người hay là cứu dỗi thế giới (điều to tát như nhều người vẫn ca ngợi). 1 bữa ăn ngon không thể làm thay đổi cuộc sống của một đứa trẻ hay làm cho họ giàu có hơn, chỉ là, mang tới cho họ niềm tin yêu và động lực sống. Chị chỉ dám nhận, mình là người góp sức nhỏ, cả sức mạnh về vật chất và tinh thần. Còn cuộc sống sau này của họ, chính là do họ tạo ra, gây dựng, phụ thuộc hoàn toàn vào họ.
Những bữa cơm do đội tình nguyện cùng với các đầu bếp là bạn bè của chị chung tay góp sức cho các em nhỏ
Hỏi về những kỉ niệm đẹp của chị trong suốt thời gian 10 năm làm từ thiện, chi Trang xúc động chia sẻ. Chị đã từng chứng kiến một đứa trẻ rất nhỏ chạy theo đoàn xe của chị khi chị đã thực hiện xong chuyến công tác từ thiện ở Hà Giang. Em bé cứ chạy theo đoàn xe như thế, nhìn xa, người em nhỏ xíu, khuất dần khuất dần, rất tội nghiệp, như đứa trẻ chạy theo mẹ lúc mẹ đi xa, rất cảm động. Em bé như muốn cảm ơn đoàn từ thiện và không muốn các cô các chú rời đi. Hình ảnh đứa trẻ ấy cho đến tận bây giờ, chị vẫn còn nhớ mãi…
Rồi, một câu chuyện về cậu bé bị bỏng toàn thân, rất nghèo. Chị đến thăm và mang cơm đến cho em bé ăn. Em bé không ăn và đã khóc bảo: các em con ở nhà còn toàn phải ăn ngô, ăn sắn, con lại nằm ở đây ăn cơm, con không thể ăn được…
Cũng những hình ảnh xúc động đó là chuyện về ba đứa trẻ và một người cha trong bữa cơm. Các con vì không có thức ăn nên đã ăn ba bát cơm và có 3 bát nước trắng làm canh. Hình ảnh ấy khiến chị cảm thấy thương xót vô cùng. Vì cuộc sống của con người muôn vàn khó khăn…, chỉ có những người đã từng đi mới có thể hiểu được...
Chị Trang trong một chuyến từ thiện ở vùng cao cùng bạn bè
Với chị Phạm Minh Trang, hơn 10 năm gắn bó cùng việc làm từ thiện là 10 năm trải qua những cung bậc cảm xúc khó quên và chị vẫn luôn luôn muốn cống hiến hết mình cho từ thiện. Vì đó là niềm vui của chị, mang đến cho người khác niềm vui, hạnh phúc, một chút vật chất dù là rất nhỏ chính là điều mà chị mong muốn, mong dành cả đời này cho việc giúp đỡ người khó khăn đến khi còn có thể… Chị cũng hi vọng sẽ có nhiều tấm lòng hảo tâm giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn nữa, để chúng ta san sẻ với nhau niềm vui và sự tin yêu.
Chị cho rằng, mỗi người có một cuộc sống riêng. Dù là sung sướng hay khó khăn, khổ cực thì cũng chẳng ai dễ dàng gì. Càng đi nhiều, gặp nhiều, chị càng hiểu được, cuộc sống muôn hình vạn trạng, mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau và có biết bao số phận khổ cực, éo le. Nên, nếu như chúng ta được tạo hóa, ông trời ban cho cuộc sống bình thường, hãy cố gắng làm cho cuộc sống vui hơn, tươi đẹp hơn. Đừng bao giờ kêu ca phàn nàn vì mình khổ. Hãy nghĩ tới những số phận cơ cực hơn mình để ngày hôm nay luôn sống vui vẻ, yêu đời, hết mình với bản thân như chưa bao giờ được sống...
Nguồn tin: Khám phá
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự