Chuyện cảm động đằng sau cuốn 'Nhật ký vớt xác người' trên sông Sài Gòn

Thứ hai - 27/03/2017 11:42
60 năm cuộc đời, vợ chồng ông Ba Chúc đã dành 40 năm làm công việc 'cướp cơm Hà Bá', cứu vớt hơn 300 người trên sông Sài Gòn.
Chiếc ghe nhỏ dưới chân cầu Bình Lợi, nơi vợ chồng ông Ba Chúc sống hơn 40 năm để làm công việc vớt xác, cứu người. (Ảnh: An Nhiên)
Chiếc ghe nhỏ dưới chân cầu Bình Lợi, nơi vợ chồng ông Ba Chúc sống hơn 40 năm để làm công việc vớt xác, cứu người. (Ảnh: An Nhiên)

Không kể ngày hay đêm, nắng hay mưa, bất cứ khi nào nghe tiếng động mạnh của một vật gì đó rơi xuống sông, vợ chồng ông Ba Chúc lại tức tốc xuống ghe, giật máy đi tìm nơi có sóng nước dao động mạnh. Rồi ông lại ngụp lặn dưới dòng sông sâu thẳm, để “giành giật mạng người” với tử thần.

Có những lần, đang chài lưới trên sông, bất ngờ phát hiện xác chết trôi, có những xác đã phình trướng biến dạng, vợ chồng ông vẫn không ngần ngại cho ghe chạy đến, rồi cùng nhau kéo lên. Mặc kệ cho người ta nói vớt xác lên ghe sẽ gặp xui xẻo, ghe của vợ chồng ông theo thời gian cũng đã cứu hơn 300 mạng người.

Từ đó, câu chuyện về vợ chồng ông ba Chúc vớt xác, cứu người tự tử trên sông Sài Gòn cũng được nhiều người truyền tai nhau. Mỗi khi nhắc đến ông Ba Chúc, người ta lại nghĩ ngay đến người đàn ông có dáng người nhỏ nhắn, làn da rám nắng, cùng vợ sống và cứu người trên chiếc ghe nhỏ, bập bềnh theo dòng nước dưới chân cầu Bình Lợi (phường 13, quận Bình Thạnh, TP.HCM) hơn nửa đời người.

Là nghiệp chứ không phải nghề

Ở Sài Gòn, mỗi khi nhắc đến xóm chài nhỏ nằm dưới chân cầu Bình Lợi, cạnh mé sông Sài Gòn (phường 13, quận Bình Thạnh), người ta lại nghĩ ngay tới vợ chồng ông Nguyễn Văn Chúc, SN 1957 (tên thường gọi Ba Chúc) và bà Nguyễn Thị Hinh, SN 1960, đôi vợ chồng 40 năm “giành giật” hơn 300 mạng người trên sông Sài Gòn.


Ông Nguyễn Văn Chúc (tên thường gọi là Ba Chúc), người đàn ông được mệnh danh là "khắc tinh" Hà Bá sông Sài Gòn. (Ảnh: An Nhiên)

Để giải đáp sự tò mò, chúng tôi đã tìm đến nhà của đôi vợ chồng đặc biệt này.

Sau một hồi quanh co trên con đường nhỏ lỗ chỗ sỏi đá, vì chưa được trải nhựa dưới chân cầu Bình Lợi, chúng tôi tìm được nhà của vợ chồng ông Ba Chúc. Gọi là nhà, nhưng thực chất là một chiếc ghe rộng chưa đầy 6m2, nơi ông cùng vợ nuôi 5 cô con gái trưởng thành.

Năm lên 8, ông Chúc đã theo cha kiếm sống bằng nghề thả lưới đánh cá trên sông. Và cũng từ đó, ông quen dần với việc “giành giật” mạng người. Đến năm 19 tuổi, ông Chúc lập gia đình với bà Hinh.

Ông Chúc chia sẻ: “Chắc cũng là ý trời định, chứ hồi đó cũng không hiểu điều gì đã xui khiến vợ chồng tôi chọn chân cầu Bình Lợi này neo đậu, làm nơi sinh sống từ lúc ra ở riêng cho đến tận bây giờ.

Nơi này rất nhiều người bi quan, chán nản với cuộc sống, họ thường tập trung đến đây gieo mình xuống dòng sông để tự vẫn. Mặc dù không tin vào chuyện mê tín dị đoan, nhưng tôi nghĩ đây là ý nguyện của ông trời, đã khiến gia đình tôi dừng chân tại chốn này để cứu người”.


Bà Nguyễn Thị Hinh, vợ ông Ba Chúc. (Ảnh: An Nhiên)

Bà Hinh kể, hai ông bà quen nhau lúc đó bà mới 18 tuổi, còn khờ lắm. Nói chuyện vài lần thì cha mẹ bàn chuyện làm đám cưới, rồi hai vợ chồng được cho ra ở riêng với một chiếc ghe. Lúc đó, bà cũng không biết ông theo cha làm công việc vớt xác.

“Hồi đó, mới ra ở riêng được vài ngày, thì đã thấy có người nhảy cầu. Lúc đó tôi luống cuống lắm, nhưng thấy ông tức tốc nổ máy chuẩn bị chạy ra thì tôi cũng đi theo. Cứu được người sống vậy thì tôi không sợ, mà còn vui nữa.

Tuy nhiên, sau đó vài ngày thì tôi thực sự sợ và phát khiếp, khi thấy xác người trôi sông. Ông biết tôi sợ, nên luôn động viên tôi, bảo mình làm việc tốt thì không phải sợ điều gì. Sau này vớt nhiều xác hơn, tôi cũng quen, con cái sinh ra cũng dần quen với việc làm của cha, và không sợ nữa”, bà Hinh kể.

Nhìn lại đời mình, ông Chúc trầm ngâm, thời con cái còn nhỏ đi đâu cả nhà cũng cùng nhau trên ghe. Tối ngủ phải cột chân tụi nhỏ vào chân mình, lỡ đứa nào ngủ say lăn lộn lọt sông còn biết đường vớt lên. Thời gian trôi đi, các con của ông bà lớn và đều có gia đình riêng. Riêng ông bà vẫn gắn bó với sông nước, sống cùng sông, ngủ cùng sông.


8 tuổi, ông Ba Chúc đã theo cha đi thả lưới và vớt xác thuê. (Ảnh: An Nhiên)

“Nói nghề thì không phải, là nghiệp chứ không phải là nghề. Từ nhỏ, khi thấy cha tôi làm nghề đánh cá và kiêm luôn vớt xác, nhận thấy điều đó là tốt đẹp nên tôi trân trọng và cố gắng nối nghiệp của cha. Lúc trước, cha tôi vớt xác có lấy tiền thì có thể gọi là nghề, nay tôi cùng vợ vớt và cứu người miễn phí thì sao gọi là nghề được. Là nghiệp thôi”, ông Chúc nhìn xa xăm.

40 năm cứu hơn 300 mạng người

Lúc tâm sự, ông Chúc có đưa chúng tôi xem một cuốn sổ đã úa vàng, được ông gọi tên là nhật ký vớt xác, cứu người. Hơn 40 năm nay, vợ chồng ông không thể nhớ hết những việc mình đã làm, đã vớt bao nhiêu xác, đã cứu bao nhiêu người. Cuốn sổ này, có chăng cũng chỉ ghi lại những trường hợp quá đặc biệt, khiến vợ chồng ông không thể nào quên.

Gặng hỏi ông, số người mà vợ chồng ông đã cứu và vớt là bao nhiêu, ông chỉ lắc đầu bảo “Không thể nhớ nổi vì quá nhiều”. Chúng tôi cố đưa ra một con số cụ thể “Có phải 300 không?”, ông nhoẻn miệng cười “300 à, nếu tính từ hồi mới bắt đầu thì có khi hơn 300 ấy chứ.”


Đối với ông Ba Chúc, việc vớt xác cứu người là theo nghiệp của cha, chứ không phải nghề. (Ảnh: An Nhiên)

Đối với vợ chồng ông Ba Chúc và nhiều người dân sống xung quanh cầu Bình Lợi, bao nhiêu năm nay họ nhớ nhất là trường hợp vớt xác hai mẹ con buộc mình với nhau. Người mẹ tầm tuổi 30, còn đứa con gái tầm 6 tuổi.

“Trường hợp đau lòng đó cách đây 9 năm. Khi nghe người ta nói có xác chết trôi, tôi theo ông ấy chạy ghe ra, ban đầu thấy xác người phụ nữ nằm úp, nhưng khi cột dây kéo vào thì thấy lòi đứa con đang được buộc chặt dưới bụng. Tôi bật khóc vì thương đứa nhỏ quá, mẹ cháu muốn chết, vì chuyện gì đó không biết nhưng tôi đau lòng cho đứa nhỏ bị người lớn buộc chết theo.

Và đó cũng là lần đầu tiên tôi thấy ông ấy khóc. Hồi cha ông chết, ông đau lòng, buồn thương nhưng vẫn không rớt một giọt nước mắt. Rồi cũng vớt và cứu hàng trăm người, có bao giờ ông đổ lệ đâu. Nhưng trường hợp đó, tôi thấy ông khóc thật nhiều”, kể đến đây, bà Hinh rơm rớm nước mắt.

Có thời gian, ông Chúc mải chạy đi vớt xác người mấy ngày liền, bỏ cả việc chài lưới mưu sinh. Không ít người đã khuyên can ông, đừng mải mê làm việc “vác tù và hàng tổng” nữa, hãy dành thời gian tập trung cho công việc của mình để chăm sóc vợ con cho tốt. Thế nhưng, bà Hinh vẫn luôn ủng hộ và động viên việc làm của ông. Vợ chồng ông quan niệm, việc làm của mình là thuận theo đạo đức, lương tâm của bản thân, làm vậy cũng là để tích đức cho con cháu sau này.


Không kể ngày hay đêm, nắng hay mưa, bất cứ khi nào phát hiện xác người trôi sông hoặc người tự tử, vợ chồng ông đều tức tốc tới cứu.  (Ảnh: An Nhiên)

“Tôi theo Công giáo, nên cũng không mê tín gì. Tuy nhiên, mỗi khi tôi bận đi vớt xác, không chài lưới được thì những ngày sau đó, gia đình tôi lại chài lưới bắt được rất nhiều cá, gấp đôi, gấp ba so với mọi ngày. Vợ chồng tôi không mong giàu sang phú quý gì, mỗi ngày qua đi còn sống khỏe mạnh được là may mắn hơn nhiều người rồi”, ông Chúc tâm sự.

Có  trường hợp, sau khi cứu người tự tử, vợ chồng ông còn bị chính nạn nhân chửi rủa “Các người bị điên à, cứu tôi làm gì, sao không để tôi chết quách đi”. Đó là trường hợp của một cô gái trẻ, được vợ chồng ông vớt lên sau khi thả mình dưới dòng nước xiết.

Đối với hai vợ chồng, đây là một trường hợp khá đặc biệt. Sau khi cứu được, vợ chồng ông dùng lời lẽ khuyên giải, con kiến khi bị giẫm đạp nó còn muốn sống huống chi con người. Bản thân được cha mẹ sinh ra, nuôi từ nhỏ đến lớn biết bao công ơn mà nỡ nào nhảy cầu. Chết đi rồi con cái, cha mẹ ở nhà phải làm sao?

Sau khi nghe lời khuyên giải, cô gái mới bình tâm và kể hết sự tình. Cô gái đó làm công nhân, quê ở Bình Dương. Ông nội cô mất, vì hoàn cảnh nên phải sống chung một mái nhà với bà nội và người chồng sau của bà. Tháng nào người ông này cũng bắt cô phải nộp toàn bộ số tiền lương, nếu không sẽ bị đánh đập và đuổi đi. Uất hận dồn nén, cô tìm đến cầu Bình Lợi và gieo mình xuống sông.


Đến thời điểm hiện tại, vợ chồng ông đã cứu sống hơn 300 mạng người. (Ảnh: An Nhiên)

Đồng cảm với hoàn cảnh đáng thương của cô gái, vợ chồng ông quyết định sắm quần áo và cho cô tá túc dưới chiếc ghe nhỏ của gia đình mình. Thế nhưng, được một thời gian cô gái xin phép ra đi. Từ dạo đó đến nay, cô chưa một lần ghé lại thăm.

Vợ chồng tôi làm chỉ vì lương tâm

Ngồi trò chuyện trên chiếc ghe nhỏ, cũng là tổ ấm đã gắn bó với vợ chồng ông hơn 40 năm cuộc đời. Ông kể, khúc sông này dường như là định mệnh đã gắn chặt cuộc đời của vợ chồng ông với bao số phận nghiệt ngã. Ông sinh ra trên con thuyền, lớn lên trên dòng nước, con sông Sài Gòn này với ông có rất nhiều kỷ niệm và có lẽ không thể nào xa.

Trên khóe miệng ông Chúc lúc nào cũng nở một nụ cười, để quên hết đi những toan tính của cuộc đời. Ông tâm sự: “Trời đất ban cho mình mạng sống, mình phải tôn trọng mạng sống quý giá được ban cho, đừng dễ gì vứt bỏ. Lúc túng quẫn hãy nghĩ đến gia đình và sống vì họ”.

Đối với bà Hinh, được theo “nghề” của chồng là một cái phúc, cái nghề nghèo khó nhưng giàu lắm tình người: “Vợ chồng tôi chỉ xem đây là công việc tự nguyện thôi, không phải là nghề, vì không ai bắt làm và cũng chẳng ai mướn làm".


Đối với ông Ba Chúc, công việc vớt xác, cứu người dường như là định mệnh gắn chặt với cuộc đời vợ chồng ông. (Ảnh: An Nhiên)

Nhiều người sau cơn hoạn nạn trở lại tìm ông để trả ơn, nhưng ông lịch sự chối từ: “Người ta cũng giống mình, khổ như nhau. Tôi làm việc này không vì ơn nghĩa nên không thể nào lấy của người ta”.

Đến nay, dân xóm chài cũng không thể đếm được vợ chồng ông Ba Chúc đã cứu vớt bao nhiêu mạng người trên sông Sài Gòn. Người ta chỉ biết, cứ mỗi đêm khi chồng đã vùi say vào giấc ngủ sau một ngày vất vả trên sông, thì bà Hinh lại nằm cạnh ông Chúc và không quên để mắt quan sát trên cầu.

Nguồn tin: VTC News

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây