Cơn sốt đá đỏ bắt đầu bùng nổ khi một số người dân tìm được những viên đá ở Châu Bình (Quỳ Châu, Nghệ An) mà sau này người ta vẫn thường gọi với cái tên ruby, một loại đá quý đứng đầu trong tất cả các loại đá quý, với độ cứng chỉ sau kim cương.
Thông tin lan truyền ra ngoài, cứ thế, hàng vạn người đổ về mảnh đất miền tây xứ Nghệ tìm vận may. Một đế chế mới hình thành, đế chế của những trận chiến tranh giành lãnh địa, của máu và nước mắt.
Thời đấy, nhắc đến cái tên Quỳ Châu, người ta thường nói đến một màu đỏ, màu của những viên ruby, và màu của máu. Cơn sốt đá đỏ và những tấn bi kịch đời người mà nhiều thế hệ sau vẫn còn khắc khoải như một nỗi đau.
Anh Nguyễn Đức Nguyên, một chủ hàng cafe ở trung tâm xã kể lại: “Đá đỏ ngày ấy đắt gấp trăm lần giá trị của vàng. Chỉ một mẩu nhỏ bằng hạt ngô, trong vắt không vẩn đục, vào lúc cao điểm có thể bán với giá tiền tỷ, trong khi chừng ấy vàng thì giá cũng chỉ triệu bạc, nên giang hồ khắp nơi đổ về nhiều vô số kể, gần như đủ các loại người, đào xới tan hoang khắp nơi”.
Một người dân khác ở Châu Bình, cũng cho biết, nhờ đá đỏ mà Quỳ Châu trở thành thị trấn lớn nhất lúc đó. Chen lẫn với dân bản xứ, dân lao động đào đá, bóng công an, bộ đội, thấp thoáng cả màu áo xanh của những bộ gabadin đặc thù của dân xã hội... tất cả tạo nên một khung cảnh náo loạn.
Những dụng cụ, máy móc phục vụ đào bới còn sót lại ở đồi Tỷ. Tại những bãi chính như đồi Tỷ, đồi Triệu, dù chỉ một diện tích khá nhỏ nhưng hàng vạn con người tập trung vào đó, đào đá, vận chuyển, đãi... Dòng người từ con đường chính vào các bãi đá gần như không bao giờ ngớt, bất kể ngày lẫn đêm, lúc nào cũng như cảnh học sinh tan trường.
Trong bãi, phu đào đá làm việc cần mẫn như những con kiến, cặm cụi đào bới, chỉ khác là thay bằng tha về tổ thì họ lại chuyển đất đá ra ngoài để đãi. Thỉnh thoảng, đây đó lại nghe có tiếng reo hò, rồi lại có tiếng quát tháo, tiếng súng nổ, rồi tiếng người la hét ầm ĩ.
Sau khi cày nát bề mặt các quả đồi, hàng vạn người lại tìm cách chui vào lòng đất tìm vận may. Liên tiếp những đường hầm sâu cả chục mét, vừa đủ để một người chui ra chui vào được giăng ra khắp nơi. Chỉ thời gian ngắn, đồi Tỷ, đồi Triệu, đồi Mồ bị khoét rỗng ruột, đường hầm chạy trong lòng đất chi chít như tổ mối.
Thời đó, Quỳ Châu không có điện, cũng không có máy phát, mọi người chỉ thắp đèn dầu, đèn măng xông để đào đêm, hoạt động 24/24 không ngừng nghỉ. Buổi đêm, trong bãi trông như hàng vạn con đom đóm lập lòe ở xa, thật nhộn nhịp và ngoài sức tưởng tượng của bất cứ ai nếu không được tận mắt chứng kiến.
Dấu vết đào bới tan hoang ở đồi Tỷ. Chuyện sập hầm chết người xảy ra như cơm bữa. Thời gian đầu, thỉnh thoảng trong bãi lại có tiếng hô vọng đến báo sập hầm. Một lúc sau, xác người xấu số được kéo ra ngoài với tư thế người ngợm co rúm, thân thể chẳng còn cái xương nào lành lặn. Dân đào đá đổ rượu lên xác, nắn bóp lại cái xác ấy cho mềm ra, rồi cuộn vào manh chiếu bê ra ngoài, cứ thế để bên lề đường nằm chơ vơ với bó hương của những người đến sau cắm cho người đi trước.
Lúc đầu, mọi người còn khiếp đảm với những vụ sập hầm, nhưng sức mạnh của đồng tiền đã khiến họ bất chấp cả sinh mạng và những lời cảnh báo. Họ coi đó sập hầm chết người là việc hết sức bình thường.
4h chiều ngày 8/3/1991, một sự kiện sập hầm bi thảm xảy ra ở đồi Tỷ đã cướp đi sinh mạng của 76 phu đào đá, gây kinh hoàng cho cả đế chế đá đỏ Quỳ Châu. Cho đến giờ, những người từng chứng kiến khó có thể quên được ký ức đau thương ấy.
Địa điểm xảy ra vụ sập hầm kinh hoàng hơn 20 năm trước. Theo anh Nguyễn Văn Khánh (SN 1973), lúc cơn sốt đá đỏ xảy ra, anh mới 18 tuổi nhưng cũng tích cực tham gia đi tìm đá. Anh cho biết, có bước chân vào đồi Triệu, đồi Tỷ mới thấy sự khủng khiếp của các hầm hào, địa đạo. Ngay cả địa đạo Củ Chi cũng chẳng là gì so với những địa đạo mà dân đào đá dựng lên ở những quả đồi này. Thời điểm đó, chỉ cần một cái xe chạy qua gây nên một rung động cũng có thể khiến cho mọi thứ sụp đổ hoàn toàn.
Anh Khánh may mắn thoát chết vì lúc vụ sập hầm xảy ra, anh đứng cách chỗ sập khoảng chục mét. Anh tận mắt chứng kiến quả đồi như cái vung sụp xuống hệ thống hầm ngầm phía dưới, phát ra tiếng nổ trầm đục, bụi bay mù mịt.
Địa điểm sập hầm là một vỉa đá lớn, được mệnh danh là rốn đá đỏ của đồi Tỷ. Mong gặp cơ may, nên người ta chen chúc nhau như kiến, đào lấn cả vào nhau, đưa xô chậu, bao bì bốc từng miếng đất chuyển ra ngoài đãi. Hầm đá cũng chi chít, chen chúc. Có hầm sâu 12, 13 mét, có chỗ sâu tới 16 mét, bởi vậy, khi sụp những người ở dưới không ai chạy thoát.
Tiếng người la hét, tiếng khóc lóc ầm ỹ, cảnh xô đẩy nhau chạy trốn thoát ra ngoài... tất cả cứ như ngày tận thế.
Mãi một lúc sau, khi mặt đất yên tĩnh, cảm thấy an toàn, những phu đá khác mới lao vào đào bới tìm kiếm xác người nhà, bạn bè. Những người xấu số đi làm theo tổ, nhóm thì còn được đồng đội tìm mọi cách đào lấy xác đưa ra ngoài, còn những người đi làm đơn lẻ, giấu gia đình trốn lên Châu Bình đào đá, không ai biết, thì được moi lên là may lắm.
Anh Khánh (bên phải) kể lại vụ sập hầm kinh hoàng năm 1991. Người dân xung quanh đồi Tỷ cho rằng, trong lòng đồi vẫn còn chôn vùi rất nhiều sinh mạng xấu số.
Những xác chết được đưa ra xếp nằm la liệt hai bên lề đường, dài hàng chục mét, lấm len bùn đất, hương khói nghi ngút, chẳng có quan tài hay một manh chiếu. Những tiếng gào thét, tiếng anh khóc em, vợ khóc chồng, bố mẹ khóc con vang lên não nuột.
Những trường hợp xấu số, ở xa, không có người thân lên nhận xác, thì dân đào đá chuyển đi chôn rải rác khắp nơi. Sau này, người nhà biết tin lên tìm, thì không còn biết mộ phần ở đâu nữa.
Người ta kể rằng, sau vụ tai nạn thương tâm đó, dòng suối ven đồi Tỷ đang trong xanh bỗng đổi màu đỏ quạch của máu.
Còn tiếp...