“Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một biểu tượng của dân tộc. Người ra đi là một sự mất mát lớn lao”, Đại đức Thích Thanh Phương – trụ trì chùa Sủi nói.
Là người có mặt từ rất sớm tại nhà riêng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (số 30 Hoàng Diệu) để cầu an cho Đại tướng, Đại đức Thích Thanh Phương – trụ trì chùa Sủi (Phú Thị, Gia Lâm, Hà Nội) chia sẻ: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một biểu tượng của dân tộc. Người ra đi là một sự mất mát lớn lao và để lại niềm tiếc thương cho toàn thể nhân dân, trong đó có cả phía Phật giáo”.
Giải thích về nghi lễ cầu an cho Đại tướng trong những ngày gần đây, Đại đức Thích Thanh Phương tâm sự: “Nghi lễ cầu an cho Đại tướng trong những ngày vừa qua đều do phía chùa Sủi chúng tôi tự đứng ra làm. Với chùa Sủi và cá nhân tôi, Đại tướng còn có một ân huệ đặc biệt. Từ trước đến nay, vào các dịp lễ, tết, gia đình Đại tướng vẫn thường đến chùa Sủi để làm lễ, cầu an.
Có thể nói giữa chùa Sủi và gia đình Đại tướng là chỗ quen biết. Ngoài ra, sau khi Đại tướng ốm nặng, gia đình Đại tướng cũng đề nghị nhà chùa sau này sẽ làm lễ cầu an cho Đại tướng khi ông qua đời. Đây cũng là tâm nguyện của cả gia đình Đại tướng”.
Đại đức Thích Thanh Phương - Trụ trì chùa Sủi
“Lễ cầu an cho Đại tướng không phải là “tiền lệ” hay mới mẻ. Trước kia khi đồng chí Trường Chinh qua đời thì phía gia đình cũng đề nghị nhà chùa đến làm lễ cầu siêu, cầu an cho đồng chí. Khi đó là sư trụ trì chùa Lành ở Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội) trực tiếp thực hiện. Bởi thế, cầu an cho người đã khuất là tâm nguyện của gia đình”, Đại đức Thích Thanh Phương nói.
Về cảm xúc khi nghe tin Đại tướng từ trần, Đại đức Thích Thanh Phương cho biết “đã không nén được xúc động”. Ông nói: “Khi nghe tin Đại tướng ra đi, tôi đã không nén được xúc động. Tôi có may mắn được gặp Đại tướng nhiều lần, chủ yếu là khi còn khỏe, Đại tướng vẫn đến thăm chùa và vãn cảnh. Có thể nói, chùa Sủi là nơi Đại tướng thường hay lui đến nhất. Tôi không biết nói gì, đó là cảm xúc đan xen giữa cảm động, tiếc thương và cả tự hào nữa…”.
Đại đức Thích Thanh Phương cũng cho biết, cá nhân ông và chùa Sủi còn rất nhiều kỷ niệm với Đại tướng. “Ai cũng biết rằng, ngoài vai trò là một nhà quân sự, nhà chính trị, nhà ngoại giao, Đại tướng còn được biết đến là một nhà văn hóa. Lúc sinh thời, người rất quan tâm đến việc chăm lo phát triển các tôn giáo, hòa hợp dân tộc, hòa hợp tôn giáo thành một khối thống nhất cho sự nghiệp chung. Đại tướng cũng là người rất đam mê nghiên cứu về Phật giáo, các giáo lý nhà Phật”, Đại đức Thích Thanh Phương cho biết.
“Kỷ niệm mà nhà chùa chúng tôi không bao giờ quên đối với Đại tướng là vào năm 2005, khi tôi mới về làm trụ trì ở chùa thì cũng là lúc nhà chùa tiến hành tu bổ, tôn tạo lại một số hạng mục đã bị xuống cấp. Biết được điều này, đích thân Đại tướng trong một lần đến thăm chùa đã cung tiến, ủng hộ nhà chùa 2 triệu đồng. Đại tướng bảo: “Đây là số tiền được trích từ tiền lương của tôi, là tấm lòng của tôi, mong nhà chùa hãy nhận”. Lúc đó, bản thân tôi và các sư trong chùa đều rất xúc động. Chúng tôi cảm nhận được sự gần gũi, giản dị và khiêm tốn của một con người vĩ đại. Ngoài ra, những năm sau này khi đã yếu, không thể tự đi đến chùa được, vào những dịp lễ tết, Đại tướng vẫn thường gửi hoa, gửi thiệp chúc mừng có chữ ký của mình đến chùa. Điều này khiến chúng tôi rất xúc động”, Đại đức Thích Thanh Phương tâm sự.
Về kế hoạch sắp tới của Hội Phật giáo đối với lễ Quốc tang của Đại tướng, Đại đức Thích Thanh Phương cho biết: “Phía Giáo hội Phật giáo Việt Nam chẳng biết chia sẻ gì hơn đối với mất mát to lớn này nên chỉ có thể chia sẻ bằng tinh thần. Sắp tới, Giáo hội sẽ tổ chức lễ cầu an cho Đại tướng, cũng như năm 2004, phía Giáo hội cũng từng tổ chức lễ cầu siêu ở Điện Biên Phủ. Còn cá nhân tôi, theo tâm nguyện của gia đình Đại tướng, sẽ vào Quảng Bình để tổ chức lễ cầu an cho người”.