Cho đến thời điểm hiện tại, câu hỏi xung quanh ba ngôi mộ được cho lớn nhất huyện vẫn còn bỏ ngỏ, thì đêm đến, không ít kẻ hóa thân thành “ninja”đột nhập mộ cổ tìm vàng.
Ngôi mộ trong dòng vua chúa?
Làng hoa Long Thới, huyện Chợ Lách (Bến Tre) xưa nay vốn nổi tiếng là “vương quốc hoa kiểng”. Nhưng vài năm trở lại đây, người ta còn biết đến ở Long Thới với những ngôi mộ rất cũ và lâu đời. Trong số đó có ba ngôi mộ cổ được cho lớn nhất huyện Chợ Lách, hiện nằm trong khuôn vườn nhà bà Trương Thị Thi (66 tuổi).
Ba ngôi mộ cổ nằm khuất sau những lùm cây dại ẩm ướt, án ngự hai bên tả-hữu ngay ngõ chính vào nhà bà Thi. Thoạt nhìn, chỉ thấy đó là những bức tường đá ong gồ ghề phủ đầy rong rêu. Tuy nhiên, trong ba ngôi mộ cổ hiện chỉ còn một ngôi nằm lùi sâu bên trong vườn là gần như nguyên vẹn.
Ngôi mộ cổ tương truyền có vàng. “Từ đời ông cố nội tôi khi về đây định cư đã xuất hiện ba ngôi mộ này rồi. Hồi đấy mộ còn nguyên vẹn, nhưng trải qua bấy nhiêu năm đã bị bào mòn đi rất nhiều. Khi tôi về đây làm dâu, hai ngôi mộ bên ngoài cổng chỉ còn lại mấy cái trụ tròn và tấm bia mộ”, bà Trương Thị Thi cho biết.
Sống chung với những khối mộ đá ong ngần ấy thời gian, vẫn không ngăn bà Thi ngừng thắc mắc về khối “lập phương” án ngự trong khu vườn nhà mình. Những gì bà biết chỉ là nghe kể lại từ đời cha ông, hay những bậc lão làng. Không ngần ngại, bà dẫn chúng tôi “tham quan” một trong ba ngôi mộ gần như còn nguyên vẹn trong khu vườn.
Vết tích cổ xưa trên ngôi mộ. Nhìn bề ngoài, xung quanh ngôi mộ có 4 cái trụ tròn. Mộ cổ cao hơn 1m, ở trên đỉnh có một khối chóp, trông ngôi mộ rất giống với ngôi nhà chữ đinh thu nhỏ.
“4 mặt của ngôi mộ này đều có hoa văn hình người, rất khác so với hoa văn hình cá chép hóa rồng của ngôi mộ nằm gần cổng nhất. Với cách bố trí và kiểu dáng mộ rất lạ nên nhiều người cho rằng, đây là những ngôi mộ để chôn các bậc vua chúa, hay những người có công lúc bây giờ”, bà Thi cho biết.
Toàn cảnh ngôi mộ cổ. Nghi có vàng, trộm “viếng” mộ cổ
Sở dĩ nhiều người cho rằng đây là những ngôi mộ vua chúa, hay dòng dõi quý tộc vì xung quanh mộ cổ đều có bốn trụ tròn, dùng để chôn theo bốn nô tỳ phục vụ cho ngôi mộ ở giữa. Đồng thời, tại vị trí ngôi mộ có rất nhiều cát mịn, nhuyễn không giống như cát bình thường.
Có nhiều tài liệu ghi chép, những người thuộc tầng lớp quý tộc trước đây khi chọn một mảnh đất làm nghĩa trang gia đình, họ thường chọn những gò đất cát được phù sa bồi lấp ngay tại vùng Chợ Lách.
Ngôi mộ đã trải qua bao năm tháng rêu phong phủ đầy. “Năm 2000, có một vị giáo sư chuyên nghiên cứu về khảo cổ học có dịp tới tìm hiểu về ngôi mộ nằm ở khu phố 2, thị trấn Chợ Lách. Ông đã ghé qua khảo sát ba ngôi mộ trong khu vườn nhà tôi. Ông nhận định, đây là ngôi ngôi mộ cổ lớn nhất Chợ Lách và có tuổi từ 200-250 năm dành riêng cho giới quý tộc thời nhà Nguyễn” - anh Vũ (con trai bà Thi) cho biết.
Cũng từ đó, nhiều người đồn đoán rằng, ba ngôi mộ cổ này dành cho quý tộc đương thời nên bên trong ắt hẳn chứa vàng. Một đồn mười, mười đồn trăm. Những vùng lân cận còn rộ lên thông tin, một trong ba ngôi mộ còn nguyên vẹn nằm trên khu vườn nhà bà Thi có nải chuối cau bằng vàng.
Còn về phía gia chủ luôn phải thấp thỏm khi liên tục có trộm viếng thăm. “Có hôm sáng ra, cả nhà tôi bàng hoàng khi thấy có một lỗ hổng rất to cỡ người lớn có thể lọt vào ngay bên hông ngôi mộ. Có lần chúng tôi còn bắt được tên trộm lẻn vô. Nhưng đó cũng là người gia đình biết mặt nên không làm lớn chuyện”, bà Thi cho hay.
Bà Trương Thị Thi chia sẻ về những ngôi mộ cổ. Theo lời bà Thi, sau mấy đợt có trộm viếng thăm nhưng không thu được gì. Cho đến thời điểm hiện tại, ngoài những “ninja” bất đắc dĩ đột nhập bên trong khu mộ thì chưa có cuộc khai quật nào.
Vào năm 2014, Bảo tàng Bến Tre tổ chức khai quật mộ cổ tại khu phố 2, thị trấn Chợ Lách. Ngôi mộ này được đánh giá có nhiều thông tin khoa học quý. Trong dịp này, đoàn công tác cũng đã ghé thăm ba ngôi mộ cổ ở Long Thới và có cùng nhận định, tuy khác nhau về quy mô nhưng đều được dành cho giới quý tộc thời Nhà Nguyễn toàn vùng này thời cận đại.