Chuyện lạ về hai người đàn ông săn ong giữa biển Đông

Thứ ba - 29/12/2015 12:23
Những kiến thức mà Hoàng Văn Thanh và Vương Ngọc Thủy - hai nhà “ong học” trên đảo Cô Tô (Quảng Ninh) khai thông cho tôi phá vỡ mọi kiến thức về loài ong có trong các sách vở.
Chuyện lạ về hai người đàn ông săn ong giữa biển Đông
Nhìn vệt ong đái đoán hướng bay
Nai nịt gọn gàng, hông giắt theo một con dao đi rừng, chúng tôi trực chỉ khu Hồng Hải xã Đồng Tiến thẳng tiến. Phải có “thiên lý nhãn” để có thể nhìn thấy ong giữa biển trời bao la, giữa muôn vàn côn trùng có cánh.

Lúc chui rúc như những con cuốc trong các bụi rậm đầy gai, khi bò như những con thạch sùng theo những bờ đá lởm chởm để nhích lên từng tí một. Sợ hãi khôn cùng nhưng kích thích cũng tột độ. Đợi chờ chúng tôi bên dưới là vực sâu, là sóng trào, là biển khơi xanh thẳm.

Tổ ong được tìm thấy
Tổ ong được tìm thấy
Qua một bãi đá, anh Thanh chỉ cho tôi hai cái chấm màu vàng nhỏ chỉ bằng đầu tăm. Đó là vệt nước đái ong. Thợ săn kỳ cựu có thể nhìn nước đái biết hướng ong đi lấy mật, nhìn ong bay qua biết con nào về tổ, con nào đi. Cứ 1-3 giờ chiều chúng thường bay ngược chiều gió, tìm nơi vắng vẻ để...đái. Con trước đái đánh dấu, con sau cứ thế mà theo hình thành nên một bãi vệ sinh gọn gàng, nề nếp trên lá cây hoặc nơi ghềnh đá.

Leo lên một cây dứa khổng lồ cao dễ đến 5-7 m, anh Thanh phóng tầm mắt ra xa. Ong về tổ bao giờ cũng theo một đường thẳng, thân mình mang nặng phấn hoa hoặc nước nên bay chậm và không thể… ngoáy mông, lắc mình như ong đang đi kiếm ăn. Hai râu con này chạm vào hai râu con kia, chúng phát và nhận tín hiệu nơi này có hoa, nơi kia có nước.

 Trèo lên một cây dứa khổng lồ
Trèo lên một cây dứa khổng lồ
Ong hút nước, kể cả từ… bãi trâu đái, ong lấy phấn hoa kể cả từ hoa ngón (thứ cây độc có hạng) nhưng khi nhào luyện đều ra mật ngọt, mật lành. Sau khi lấy được phấn hoa thân ong nặng tựa như máy bay siêu trường, siêu trọng chứa đầy bom trong bụng, lấy đà bay vọt lên cao một hai vòng rồi mới định hướng về tổ.

Thợ săn ong phải leo lên ngọn cây hoặc mỏm đá nhìn hướng bay xa hàng trăm mét, thấy gần cột mốc nào đó thì “đánh dấu” vào đầu, tụt xuống tìm đến. Lúc này con ong nọ đã khuất dạng, phải chờ 2-3 con ong khác bay đúng hướng ấy để cho chắc vì có nhiều hướng ong đi về các tổ khác nhau. Chúng đan chéo nhau như những mạng nhện vô hình trên không trung, theo con đàn này rồi lại bám con đàn kia dễ bị mất phương hướng.

Tìm được điểm mốc sắp tới, Thanh tụt từ trên cây xuống, mặc cho gai cào, đá cứa, mải miết lần theo. Mốc một, mốc hai, mốc ba, thậm chí cả chục mốc sẽ ra một đường chỉ vô hình kẻ thẳng đến tổ. Dấu hiệu gần tổ là ong bay nhiều hướng chụm về như giao lộ. Nếu gần tổ mà có nhiều cây hoa thợ săn rất dễ dính quả lừa bởi thấy ong lao xuống lại tưởng ong đi lấy mật chứ không phải về nhà, bỏ qua mất.

Ong trên cao mà lao xuống thấp nghĩa là đang hạ cánh để về tổ. Tiến thêm tí nữa nếu thấy ong bảo vệ lao ra ngăn cản quyết liệt đó là lúc có chúa mới ra đời hoặc đang trữ nhiều mật cần phải giữ. Lắm bận anh Thủy bị ong đốt vài chục phát vào đầu, vào mặt. Mỗi cú đốt là một cái kim cắm lại da thịt. Mất kim, ong cũng chết.

Vách đá nhọn phải leo qua
Vách đá nhọn phải leo qua
Nọc của ong mật có thể khiến cho con người phát sốt, phát rét nhưng hệ miễn dịch trong anh Thủy đã quá quen với nó. Kim ong ghim vào rồi tự khô đi. Có bận thằng con anh ngồi rảnh rỗi bới chơi cũng gỡ được 30 cái kim ong trên đầu bố.

Để tránh ong đốt, anh dùng hương xông khói hoặc dùng lá dé xát vào tay. Ngửi thấy mùi khó chịu đàn ong giãn ra khỏi sáp thì thợ săn cắt sáp mang về. Chờ dăm mười phút sau cho quân tụ lại ở một cành cây, hốc đá gần đó thì nhón tay bắt chúa, tước cánh đi, bốc một ít quân vào mũ cối hoặc bọc áo mang về.

Quân mất chúa cứ thế tự động bay theo. Thợ săn hay cho ong vào thùng gỗ khi buổi chiều hoặc tối để dễ quen chuồng. Trong vòng ba ngày đầu, ong chúa luôn luôn tìm cách thoát ra ngoài. Vì vậy, phải liên tục bắt chúa vào cho đến khi nó chấp nhận hốc cây mới kia là tổ ấm.

Sau cả một buổi chiều gió lộng, biển động, chúng tôi cũng tìm được một tổ ong “mọc” cheo leo trên vách đá. Thói quen sau khi lấy mật của anh Thủy là thường chèn lại mấy hòn đá nơi nhà ong để chúng lại tiếp tục yên tâm ở tiếp.

Xem quạt cánh biết ong ủ mật
Mật đông chí là ngon nhất hạng vì tích lũy cả năm, đặc quánh, sóng sánh nâu. Mật ong rừng Cô Tô đắt vào loại nhất nhì đất Việt, 1 lít không bao giờ có giá dưới 1 triệu đồng, muốn mua phải cọc trước tiền. Nhưng “đắt xắt ra miếng” bởi vì quá trình hình thành mật ong trên đảo rất kỳ công.

Ong thợ được phiên chế ra thành nhiều loại. Loại lấy phấn hoa, loại hút mật, hút nước, loại xây tổ. Ong lấy phấn hoa rất dễ nhận ra bởi khi về tổ chân sau chúng đeo lủng lẳng hai túi phấn màu vàng tròn như hai quả bóng nhỏ. Trên đảo ong thường lấy phấn hoa sim, hoa mua, hoa chân chim về luyện mật.

Để khai thác phấn hoa, người ta căng một sợi cước ở dưới lỗ tổ, ong bò vào trong phấn sẽ bị gạt rơi xuống một cái khay hứng sẵn. Với một tổ có khoảng vạn quân nửa tháng sẽ gom được 1kg nhị, theo thời giá là 1,5 triệu đồng.

Ong thợ về gạt phấn hoa, đổ nước vào trộn với dịch men của mình rồi cho vào ống ủ. Chúng dùng những đôi cánh nhỏ xíu thay nhau quạt hơi nóng vào để lên men như người ta ủ rượu vậy. Ra thành phẩm, ong sẽ hút mật vào bỏ vào các lỗ tổ, bít nắp lại dùng để dự trữ nuôi con hoặc thức ăn qua những ngày đông, tháng giá.

Nổi tiếng như ong nhưng cũng có con chăm, con lười. Khi một ong thợ lười nhác về đến tổ không nước, không phấn hoa giắt ở sau chân liền bị ong gác cổng cắn, đuổi đánh, ra đi trong tủi hổ. Đàn ong là một tổ chức xã hội đặc biệt. Mỗi tổ chỉ có một con chúa làm nhiệm vụ sinh sản, hàng chục thậm chí hàng trăm ong đực làm nhiệm vụ giao phối và hàng vạn ong thợ (thực ra là ong cái bị vô sinh) đảm đương chuyện kiếm phấn hoa, bảo vệ tổ.

Ong mang hai túi phấn ở sau chân
Ong mang hai túi phấn ở sau chân

Thành quả sau một chuyến đi
Thành quả sau một chuyến đi
Từ tháng 3-8 ong chúa sẽ sinh sản chúa mới và bổ sung thêm quân. Khi chúa non trưởng thành sẽ cử quân trinh sát đi trước tìm nơi định cư mới. Cũng như con người ong thích làm tổ hướng nam hoặc đông nam vì mùa hè mát còn mùa đông ấm. Nếu buộc phải làm nhà hướng Bắc, hướng Tây ong sẽ chọn nơi có vật che chắn phía trước.

Quân bay trước, chúa bay sau. Bao giờ tốp ong thợ cũng tụ lại thành một bọng đen xì treo trên cành cây hay hốc đá cả buổi trước khi đến địa điểm mới. Đó cũng là thời khắc chúa điểm danh. Nó bệ vệ bò trên nền bề mặt đại đoàn quân vài vòng rồi hạ lệnh từng tốp, từng tốp bắt tay vào xây tổ. Lương thực dự trữ lúc này chính là những bọng mật mang theo.

Cũng sản sinh ra mật nhưng ong ruồi thường làm tổ trong vách đá, hốc cây, ong khoái hay xây tổ trên cành cây còn ong mật ưa dựng tổ ở hang đá. Hiểu ong, tôn trọng ong, yêu ong nên có những vụ anh Thủy, anh Thanh cũng nhau khai thác được 200-300 chai mật chưa kể thuần dưỡng được 10-15 đõ ong rừng thành ong nhà, đút túi nhẹ nhàng vài chục triệu.

Mật thật được phân biệt như sau: Nhúng sợi tóc vào bát mật từng giọt bám vào tròn vo. Nhúng que diêm vào bát mật quẹt lên lửa vẫn bùng cháy mà không có tiếng xèo xèo của nước. Nhỏ giọt mật vào vải nó lăn tròn như giọt nước trên lá khoai. Mùa lạnh mật đông cứng trong chai như mỡ lợn. Lớp “mỡ lợn” càng dày chứng tỏ mật càng tốt. Thường thì mật ong nuôi loại tốt chỉ đông được 1/3 chai nhưng mật ong rừng có khi đông tới tận cổ.

Nguồn tin: VTC News

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây