Chuyện rùng mình về cây thị nghìn năm ở Hải Phòng

Thứ ba - 31/12/2013 08:31
Không chỉ được biết đến là cây di sản cấp quốc gia, cây thị tại thôn Ngà, xã Việt Tiến, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng còn được nhiều người dân trong vùng nhắc đến với những câu chuyện vô cùng ly kỳ, đầy màu sắc huyễn hoặc.
Với niên đại gần một nghìn năm, cây thị ngày một trở nên linh thiêng hơn khi đã nhiều lần chết đi, sống lại. Thêm vào đó, xung quanh cây thị xảy ra không ít những điều kỳ lạ mà sự thật dần được hé mở.

Có quả to bằng… mũ bảo hiểm?

Đến xã Việt Tiến, Vĩnh Bảo, người dân vẫn bàn tán đến cây thị ngót nghìn năm tuổi ở chùa Ngà mới được công nhân và đưa vào danh sách các cây di sản của Việt Nam ngày 20.4.2013.

Cây thị già nằm khiêm tốn tại một góc vườn, ngay cạnh Tam Bảo của chùa Ngà. Ông Lê Minh Châu – Phó Bí thư Đảng ủy xã Việt Tiến - cho biết: “Theo lục thần phả di tích lịch sử văn hóa Miếu Ngà thì cây thị Chùa Ngà được ghi chép có từ thế kỷ 13. Nhà thờ tổ xây cạnh cây thị, trên đầu ông Hổ Phù (một vị thần trấn giữ làng), giếng chùa ở phía Đông, ao Gáo ở phía tây tựa dáng hai con mắt của ông Hổ Phù, vì thế địa phần của cây thị rất linh thiêng”.

Người dân nơi đây kể rằng, trước đây cây thị to và cao lắm. Trèo lên ngọn cây thị có thể nhìn cả một huyện Vĩnh Bảo, tán của nó rộng gấp mấy lần cái sân chùa bây giờ. Chính vì vậy, trong công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cây thị là nơi hoạt động bí mật của các chiến sĩ cách mạng, địa điểm tập kết của dân quân, du kích, là đài quan sát, điểm viễn tiêu báo động khi có địch càn quét, hoặc máy bay đánh phá.

Cây ra quả không nhiều, cả cây to và cao hàng mấy chục mét cũng chỉ có mấy chục quả, nhưng quả thị thì chưa quả nào nhỏ hơn bát tô. Bà Lê Thị Nhị, 70 tuổi, một người dân sống gần chùa Ngà, kể: “Ngày còn trẻ con, tôi hay trèo lên cây thị hái quả, chỉ cần ăn một quả là no. Quả nào quả nấy cứ bằng bát tô múc canh ấy, lắm quả bằng cả cái mũ bảo hiểm bây giờ”, vừa nói, bà vừa chỉ vào chiếc mũ bảo hiểm của tôi, “mà quả của  cây này nó ngọt như đường, làng cũng có nhiều cây thị đấy nhưng quả không thơm, không to và ngọt như quả ở đây”.

Nhưng do hết đất ăn, cây thị dần trở nên cằn cỗi, đã mấy lần tưởng như đã chết, cành lá mục nát, rụng xuống khiến ai cũng xót xa cho cây đại thụ đã gắn bó với làng từ bao đời. Người trong làng muốn cứu cây, chỉ biết lấy đất đổ vào gốc mong cây sống lại. Tưởng chừng cây sẽ chết bởi trên cây chẳng còn chiếc lá nào, cộng thêm một cơn bão lớn đã khiến hơn nửa thân cây từ trên ngọn gãy, đổ xuống. Phần đổ xuống người ta thấy mục khô từ bao giờ.

Ấy vậy mà sau cơn bão, người làng thấy thị nhú lên những chồi non, dần dần cây sống lại, nhưng từ đó đến nay, người làng không thấy thị ra quả nữa. Ba năm trước, có cơn bão lớn, cây thị có một ành chu vi hơn mét xòa dọc mái chùa bị gió đánh gãy, ai cũng sợ rằng cành to như vậy mà gãy chỉ có sập chùa, vậy mà lúc người ta ra xem, cành cây rụng ngay xuống dưới gốc, vắt ngang sân, không hề động đến chùa. Điều này càng làm cây thị trở nên linh thiêng hơn trong mắt người làng Ngà.

Lời đồn cây thị giữ người?

Cô Phạm Thị Lý – con gái bà Lê Thị Nhị - là người thường xuyên đến trông coi ngôi chùa cho hay: “Cây thị này từ bấy đến giờ thiêng lắm, hễ ai trèo lên định vặt trộm mà không xin phép nhà chùa thì chỉ có đứng sững trên đó, không bao giờ tụt xuống được”.

Cô Lý kể, mấy năm về trước, có một anh thanh niên trong làng, rất nghịch, lại thêm cái tính ăn trộm, ăn cắp nên ai cũng sợ. Không hiểu sao, anh ta nảy ý định trèo lên cây thị trong chùa bắt chim mà không thèm hỏi ý kiến ai. Giữa lúc trưa nắng, đang loay hoay trèo lên cây, được vài bước thì bỗng nhiên anh ta đứng sững lại, không nói được câu nào, cứ bám chặt vào cây mà không tài nào bước đi nổi.

Mãi đến chiều, có người đến thăm chùa mới phát hiện có người đang ở trên cây thị, gọi mãi anh này không trả lời, chỉ đứng bất động. Thấy sự lạ, người nà liền báo cho sư cụ trong chùa. Đến khi sư cụ phải lập một đàn nhỏ, cúng cả buổi chiều thì anh này mới xuống được. Từ đó, không mấy ai dám có hành vi xâm phạm đến cây thị nữa.

Cô Lý chỉ vào những khóm tre xung quanh cây thị, nói rằng: “Mấy cây măng tre ở đây trong như thế này thôi, nếu ai mà có ý bẻ trộm mang về thì không tài nào ra nổi chùa, cứ đến cổng chùa là đứng sững lại, không đi được, cũng không nói được, như kiểu có người giữ lại”.

Cô Lý kể thêm, có một ông ăn trộm măng đi đến cổng thì đau bụng, không nhấc chân lên đi nổi. Người ta vào kéo ra mà không tài nào di chuyển người đàn ông đi được. Rồi lại phải nhờ người đến tại tội với thần Phật trong chùa mới thoát được hiện tượng kì quái này.

Đồn đại rắn thần màu trắng có mào trong hốc cây

Một điều đặc biệt khác ở cây thị nghìn năm này là giữa thân có một cái hốc lớn chạy dọc từ gốc đến ngọn. Chính vì cái hốc này mà nhiều con vật  đã kéo về đây sinh sống, làm tổ: “cú, quạ, sáo đủ kiểu năm nào cũng có một đôi về làm tổ trong đó, cứ đến mùa là nó kêu vang cả nhà chùa”, bà Nhị cho hay.

Bà Nhị và con gái tên là Lý cho hay, cứ mỗi đêm trái giớ trở trời lại có một con rắn trắng, dài vài mét, to bằng bắp đùi trườn ra khỏi cái hốc lớn của cây thị. “Nó trắng như tờ giấy, không có hoa văn gì, nặng cả mấy chục cân, phải cỡ con trăn. Mào nó đỏ chót như mào gà trống, mà nó không bắt gà, vịt gì đâu”, cô Lý khẳng định.

Theo cô Lý, không phải một người nhìn thấy mà rất nhiều người nhìn thấy. Một bà lão sống lâu năm trong làng cho biết: “Đấy là con hổ mang, nó bành cổ ra thì có mà chết khiếp. Có rắn ở hốc cây đấy nhưng ai dám thò đầu vào mà nhìn đâu!”.

Dân làng Ngà không biết con rắn từ đâu đến, cũng không biết nó sống trong gốc cây từ bao giờ. Tưởng là chuyện chỉ có trong phim ảnh nhưng nhiều thợ bắt rắn đã về cây thị với mục đích bắt con rắn trắng có mào này. Tuy nhiên, chưa ai bắt được nó, kể cả thợ rắn cao tay nhất, cũng như người dân nơi đây không cho phép ai động vào con rắn linh thiêng này. Người ta vẫn gọi nó là rắn thần, vì không phải ai cũng nhìn thấy nó.

Cũng theo những câu chuyện thường được rỉ tai nhau ở đây, con rắn này bò rất chậm, thường trườn vào các bãi tha ma để săn mồi. Có một lần, khoảng 10 giờ đêm, trên con lộ lớn của làng Ánh Dương, một chiếc xe ô tô bỗng nhiên dừng lại, lái xe từ trong xe tháo chạy ra ngoài, miệng không ngừng kêu la, người dân làng chạy ra xem có chuyện gì thì thấy con rắn trắng trườn từ từ qua đường.

Mới đây, vào mấy hôm mưa gió, chị Lý kể lại con rắn đã trườn vào sân một nhà bê làng. Thấy động, ông chủ nhà cầm đèn ra soi thì thấy một con rắn trắng đang phì phì ở sân. Hoảng quá, ông định cầm que vụt thì con rắn cúi thấp người rồi trườn đi. Nhiều người khẳng định con rắn không bao giờ cắn người, cũng không bắt gà, bắt vịt của ai.

Rắn trắng chỉ là rắn bạch tạng

Nghe những lời miêu  tả sắc nét đến từng chi tiết, ai cũng nghĩ con rắn đã từng xuất hiện ngay trước mắt cô Lý. Tuy nhiên, khi được hỏi rằng đã từng mục sở thị con rắn đó chưa thì chúng tôi chỉ nhận được cái lắc đầu từ người phụ nữ này kèm lời giải thích: “Tôi cao bóng vía nên chưa bao giờ nhìn thấy nó, chỉ nghe người khác kể lại thôi”.

Tất cả những người coi chùa và thường xuyên vào thăm chùa cũng chưa bao giờ được nhìn thấy con rắn. Nhưng họ luôn tin rằng con rắn đã từng ở trong hốc cây thị. Theo họ, màu trắng của nó chính là điều lớn nhất làm nên sự kỳ bí của con rắn này. Mấy người dân sống bên cạnh chùa nói: “Chúng tôi chưa nhìn thấy con rắn bao giờ, nhưng nghe nhiều người kể thì cũng thành tin, với cả rắn màu trắng thì hiếm lắm, có lẽ là rắn thần thật”.

Đi tìm những người bắt rắn lâu năm và giàu kinh nghiệm tại làng Ngà, chúng tôi được chỉ đến nhà ông Trần Văn N. Ông N. cho biết từ khi nghe những lời đồn về con rắn, ông cũng cùng nhiều người đến có ý định bắt nhưng không thành. Vì những lần đến, con rắn đều không có ở trong hốc cây.

Với kinh nghiệm bắt rắn lâu năm, ông N cho biết: “Rắn trắng mặc dù hiếm  nhưng không phải không có. Tôi bắt rắn mấy chục năm nay, rắn trắng không có gì lạ với tôi. Tất cả các con rắn trắng mà tôi bắt đều là rắn bạch tạng, cho nên tôi nghĩ, con rắn mà người ta nhìn thấy có lẽ cũng là rắn bạch tạng”.

Ông N. nói thêm: “Theo những gì người ta kể thì tôi chắc chắn con rắn đó là rắn hổ mang bành, loài này thích nhất là chuột nên thường xuyên ra ngoài bãi tha ma bắt chuột, chui ra từ các hốc quanh mồ mả nên người ta cứ thấy nó thần bí, chứ nó chỉ là một rắn bình thường thôi”.

Nói đến thần giữ người tại cây thị, ông Phạm Văn Tật – chồng bà Nhị chỉ lắc đầu cười: “Làm gì có chuyện đó. Tôi coi chùa cùng sư cụ ở đây nhiều năm nay, chỉ biết là một lần, có người vào chùa ăn trộm măng trẻ ngoài bờ thì lên cơn đau bụng, rồi người ta tự nhiên đồn đại thành thần thánh trừng phạt ấy chứ!”.

Nhưng nhắc đến việc quả của cậy thị, ông Tật khẳng định, đúng là to hơn các quả ở cây thị khác, quả không ra sai trĩu trịt mà chỉ lác đác, có lẽ chính vì điều này khiến cho cây đủ chất nuôi quả khiến quả to hơn bình thườn. Những năm ra sai quả thì quả trung bình cứ bằng bát to vẫn đựng canh, còn những năm ra chỉ mấy chục quả thì đúng là phải quả to bằng quả dừa, chứ đến mức bằng chiếc mũ bảo hiểm như cô Lý tả thì hơi quá.

Tuy có nhiều điều đồn đại hơi quá về cây thị nhưng giá trị của cây thị với người làng Ngà thực sự rất lớn. Cây không chỉ gắn bó mấy trăm năm với người làng Ngà mà còn là nhân chứng lịch sử của cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Người dân nơi đây vẫn coi cây thị là một biểu tượng về đời sống văn hóa tinh thần của mình.

Nguồn tin: Hôn nhân & Pháp luật

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây