Chữa bệnh bằng… lời khấn
Theo chân anh Đinh Văn Nam, Phó Trưởng công an xã chừng 20 phút đi xe máy và nửa giờ cuốc bộ, khách được dẫn đến ngôi nhà ở thôn 3. Trong nhà, người đàn ông trạc tuổi năm mươi đang mải xem vô tuyến. Thấy khách lạ, ông “xổ” ngay một hồi ngôn ngữ bản địa mà phải nhờ anh Nam phiên dịch mới hiểu ý hỏi: “Đứa nào gãy xương nhờ tao chữa hả?”.
Sau khi được giới thiệu có nhà báo dưới xuôi lên tìm hiểu cách chữa bệnh, ông Đinh Văn Nia mới tắt vô tuyến, trải chiếu cói mời khách. Không giấu nghề, vợ chồng ông sẵn sàng “thực nghiệm” cách chữa bệnh độc đáo “có một không hai” để khách “mở mang tầm nhìn”. Trước lúc bắt đầu, ông Nia cho biết đã chữa bệnh gãy xương hơn 30 năm và chưa từng bó tay trước đốt xương gãy nào. Sau khi thống nhất tình huống giả định anh Nam có một người bạn bị gãy chân, nay mang họ tên, địa chỉ đến cho thầy lang chữa bệnh, vợ chồng chủ nhà kéo khách ra ngoài rừng “trình diễn” cách chữa bệnh kì lạ.
Dụng cụ hành nghề của ông cực kỳ đơn giản: Chai rượu trắng, cây sáp ong, gạo trắng, nước suối, dây chỉ, tờ bạc giấy (tiền xu) và khúc gỗ tượng trưng cho chân hoặc tay bị gãy. Tất nhiên ông Nia nhắc đi nhắc lại đây chỉ là ví dụ, còn lễ khấn chữa chính thức phải diễn ra lúc sáng sớm dưới một gốc cây cổ thụ trong rừng. Vừa nói vừa làm, cụ lấy sợi chỉ xâu qua hai đồng tiền xu buộc lên cành cây. Bà vợ ngồi cạnh bên buộc thêm sợi chỉ nữa vào chiếc vòng tay tiếp tục treo lên cành. Bên dưới gốc cây, ông Nia đặt bình rượu cần, tay cầm nắm gạo rồi nhẩm đọc gì đó. Vừa đọc, ông vừa tung nắm gạo cho các hạt rơi vãi xung quanh.
Cuối cùng mới là nghi lễ quan trọng nhất: Dùng sợi chỉ quấn xung quanh khúc gỗ, đốt sáp cho nhựa sáp bám bên ngoài. “Nếu bị gãy nhẹ chỉ cần cúng ba bữa như thế sẽ khỏi bệnh, cúng vào lúc mặt trời vừa mọc mới thiêng”, ông Nia cho biết.
Bà Đinh Thị Nhát, vợ ông Nia cho biết thêm: “Lành bệnh hay không phần lớn nhờ vào câu thần chú. Bệnh nhẹ cúng ba bữa sẽ khỏi, nặng nhất thì cũng chỉ cúng một hai tháng”. Tất nhiên câu thần chú thế nào bà Nhát giữ bí mật là chuyện tất yếu.
Giải thích lễ khấn, bà Nhát bảo rằng sợi chỉ sẽ nối liền đoạn xương gãy với nhau, còn nhựa sáp giống như lớp keo có tác dụng “dán” liền các đoạn xương gãy.
Cách nhà ông Nia không xa, người con Đinh Văn Đá cũng nắm được bí quyết chữa gãy xương tương tự. Vừa tròn tuổi 37, anh khoe đã có 7 năm kinh nghiệm trong nghề nhờ được người cha truyền dạy “bí quyết” lời khấn chữa bệnh.
Hôm gặp chúng tôi, Đá vừa trở về từ suối với mớ cá câu được trên rổ. Thoáng nhìn chẳng ai ngờ được anh lại là “thần y” nổi tiếng trong vùng. Anh Đá tự tin khẳng định: “Dù không gặp mặt bệnh nhân nhưng qua tâm thức, mình có thể biết được bệnh tình của bệnh nhân đang thuyên giảm bao nhiêu phần trăm”. Hỏi làm thế nào để biết được anh lắc đầu không giải thích mà chỉ nói vắn tắt: “Mình thấy được chứ”.
Bệnh nhân “tâm phục, khẩu phục”
Trước cách chữa bệnh “thật như đùa” này, khách đến tìm hiểu không khỏi băn khoăn đòi kiểm chứng. Tìm gặp anh Đinh Văn Hút (33 tuổi, ngụ thôn 3) là người từng trực tiếp được ông Nia chữa lành xương, anh cho biết cách đây bảy năm trong lúc trèo dừa đã bị rơi từ trên cao, gãy hai tay.
Theo lẽ thường, Hút phải được đưa đến trạm y tế, bệnh viện để chữa trị nhưng gia đình không làm thế mà sang nhờ thầy Nia khấn nguyện “nối xương”.
“Gần hai tháng sau, xương mình liền lại và có thể cử động bình thường. Mình không uống bất kì loại thuốc gì, chỉ nhờ thầy Nia cúng thôi”, anh Hút kể lại. Có một điều trùng lặp như lời ông Nia khẳng định: Trong khi thầy làm lễ trên rừng, dù người bệnh cách xa đến mấy vẫn bị đau đớn do “xương đang được nối”. Đối chất với Hút, anh thừa nhận lúc sáng sớm, trong lúc thầy niệm chú bản thân anh có đau nhưng qua cơn đau thì lại cảm thấy chóng lành.
Thấy tôi vẫn chưa tin, anh Phó công an xã bảo “thần y” Đá đưa tôi xem quyển sổ được xem như “hồ sơ bệnh nhân”. Xin trích nguyên văn “hồ sơ” hai người bệnh đang được anh Đá chữa trị: “Phan Thị Nga, 47 tuổi, thôn Mới, xã Chư RCam, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai bị té gãy cần cổ, bị liệt hai tay hai chân. Mình không cử động được” và “Mai Thị Lộc, 79 tuổi, thôn Thanh Sơn, xã An Tân, huyện An Lão, đau lưng, bị lệch xương cột sống phải”.
Điều thú vị nữa, không chỉ chữa gãy xương, lệch xương cho người mà cách chữa này còn chữa khỏi cả… vật nuôi. Đồng bào H’Re hễ có con trâu, con bò bị gãy xương, trật khớp đều đến nhờ các “thần y” khấn chữa. Thủ tục chữa bệnh xương cốt cho vật nuôi được ông Nia giới thiệu: “Mình chỉ cần biết con bò, con trâu là đực hay cái; bao nhiêu tuổi, bị gãy chỗ nào và tên chủ nhà”.
Lưu ý duy nhất trong cách chữa bệnh này mà người chữa nhắc nhở người bệnh tuyệt đối tuân theo là không được ăn cay, đặc biệt nếu ăn lại trái cây rừng đã bị chim thú ăn trước thì “vô phương cứu chữa”. Ông Nia giải thích: Thức ăn thừa sẽ khiến câu thần chú mất hiệu nghiệm. Cả ông Nia lẫn anh Đá đều khẳng định mình không hề chữa bệnh theo lối mê tín, cuồng tin mà là cách chữa trị gia truyền do cha ông truyền lại.
Có trăm cây vàng cũng không bán nghề
Hỏi rằng muốn học nghề phải làm thế nào, mất bao lâu, vợ chồng ông Nia nhìn tôi cười. Hai người bảo rằng dù có mang cả trăm cây vàng cũng chưa chắc đã dạy cho bởi cách chữa bệnh này là “bảo bối” của gia tộc. “Ngoài những người trong dòng họ, phải những người nào nếu có ý chí vượt khổ, tấm lòng thương người mới được truyền dạy”, ông Nia nói.
Ông Nia nhớ lại trước đây có nhiều người từng đến nhà nhờ truyền nghề. “Người ta mang vàng bạc nhiều lắm nhưng mình không chịu. Chúng mất nhiều tiền để học nghề nên cũng sẽ lấy nhiều tiền của người bệnh”, ông nêu quan điểm. Theo ông, để học bí quyết này cần nhất là cái tâm, nếu ai muốn giúp người mà đến xin học thì dù không nhận đồng xu nào ông cũng sẵn sàng truyền dạy. Lễ vật không thể thiếu trong lễ dâng thầy ngày đầu nhập môn là chai rượu trắng và mấy đồng tiền xu.
Tò mò hỏi về chi phí chữa bệnh, ông cho biết giá mỗi ca chữa liền xương bằng cách cúng bái là từ 300 ngàn đến 1 triệu đồng tùy theo mức độ gãy xương nặng nhẹ. Để giữ uy tín và chứng minh mình không phải là “lang băm”, ông chỉ nhận trước 50% tiền công, khi nào người bệnh khỏi hẳn thì mới phải mang số tiền còn lại đến trả.
Vẫn mang trong lòng nỗi nghi hoặc về biệt tài chữa bệnh này, chúng tôi cũng đã tìm đến chính quyền địa phương để tìm hiểu sự việc. Tìm đến trụ sở UBND, Phó Chủ tịch xã, chị Thái Kim Dung khẳng định: “Đúng là ở địa phương, cha con ông Nia đã có bí quyết chữa gãy xương, lệch xương nổi tiếng xưa nay. Điều đặc biệt các thầy lang này chữa bệnh nhưng không cần biết mặt mũi người bệnh thế nào, thế mới lạ”.
Giải thích vì sao họ lại có những biệt tài đó, chị Phó Chủ tịch xã cho biết đó là những bí quyết của người bản địa từ ngàn đời nay mà khoa học chưa thể giải thích. “Nếu có thể thì các nhà khoa học nên vào cuộc để khám phá bí mật, biết đâu lại tìm ra phương thức áp dụng đại trà nhân rộng phương pháp cứu người”, chị Dung nói.
Nguồn tin: Pháp luật & Thời đại
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự