Cách đây chưa lâu, tôi có đứng ở cổng chùa Quán Sứ (Hà Nội), chứng kiến toàn bộ câu chuyện những người mặc đồ nâu nhà chùa, tay cầm "bát nhựa" như những vị sư đang đi khất thực.
Hôm đó là ngày mùng Một nên người qua lại chùa rất đông, ai đi ngang qua bốn vị "ăn xin" này cũng chắp tay xá chào rồi "cúng dường" vài đồng tiền lẻ, thậm chí là cho cả 5000 - 10.000 đồng. Và cứ sau 15 - 20 phút, những vị sư giả lại "đổ " tiền vào túi vải.
Nhìn thấy việc người dân cho tiền như thế, tôi có hỏi mấy người rằng "vì sao lại cho tiền họ" thì nhận được những câu trả lời như sau:
- Người ta, đứng trước cổng chùa như thế chẳng là sư thì là ai?
- Nhìn họ thương thì cho thôi
- Thích thì tôi cho
Cho tới khi tôi hỏi trực tiếp hai bác phật tử cũng lớn tuổi: " Sao biết đó là Sư thật mà cho tiền ạ" - Một bác quay lại bảo "Cô đi mà chứng minh họ là Sư giả..." Bác ấy có vẻ rất giận tôi, nói xong là quay đi thẳng vào chùa. Tôi chỉ biết nhìn hai bác ấy rồi quay sang nhìn mấy gã ăn xin kia.
Gần như ai qua đó cũng tin là sư thật nhưng rồi cho đến lúc các anh công an phường đến và làm rõ câu chuyện thì mọi người lại quay sang bảo "Đúng là bọn lưu manh"...Lúc này lại chỉ biết đứng nhìn và mỉm cười thôi.
Công an phường Trần Hưng Đạo đến xử lý thì nhóm người kia vẫn còn...đôi co
Trước đây ở cổng chùa Quán Sứ - Trụ sở Trung Ương Giáo hội Phật giáo mà cũng có chuyện này. Vậy chuyện "giả sư" đi kiếm tiền thì đâu có xa lạ gì với nơi khác. Tuy gần đây không thấy bóng dáng "sư giả" mà đúng ra là giả sư thì đúng hơn.
Song nhiều lần trên đường đi làm tôi thấy có một số người "đầu tròn, áo vuông, tay cầm bát nhựa" hoặc cầm chuông gõ chốc chốc lại gõ "beeng! beeng!.." rồi một tay xá xuống. Họ bắt đầu len lõi vào những quán nước, ngõ nhỏ để xin người dân "bố thí". Có người nghĩ đó là sư thật thì bố thí cho vài đồng nhưng nhiều người biết sư giả thì lắc đầu...ngán ngẩm.
Sư giả đi khất thực trên đường Nguyễn Phong Sắc kéo dài
Tôi thiết nghĩ: "Không biết đến bao giờ người dân mới phân biệt được việc làm bố thí, cúng dường sao cho đúng? Cúng tiền đâu phải cứ thích là cúng đâu. Phải đúng người, đúng hoàn cảnh chứ.
Ngoài khả năng tự phân biệt được đâu là sư giả, đâu là sư thật thì có lẽ nhiều chùa cần phải có những bảng báo đặt ở chùa hoặc quý Thầy thuyết giảng cho người dân biết và hiểu vấn đề đi khất thực của một vị tu sĩ như thế nào.
Nếu được vậy, một khi người dân hiểu được thì việc bố thí cúng dường mới đúng cách và mang lại lợi lạc. Còn không họ sẽ biến lòng thương thành..."bi thương" mà thôi.