Phương Thu Thủy, 33 tuổi, là nhân viên thẩm định tín dụng đã trải qua chuyến độc hành 15 ngày trên đất Ấn Độ hồi tháng 7 vừa qua để tham dự pháp hội Kalachakra ở Ladakh - vùng đất của truyền thuyết và Phật tích. Chuyến đi đã để lại trong cô nhiều kỷ niệm, trên hết cô đã vượt qua nỗi sợ của chính mình để khám phá nét đẹp của vùng đất vốn mang nhiều "định kiến" của những người xung quanh cô.
Nhân duyên
Thu Thủy vốn là người theo trường phái vô thần, có lẽ bắt đầu từ 2 chữ "nhân duyên" đã đưa Thủy đến với Phật giáo. Không bắt đầu từ niềm tin hay nghi thức tôn giáo nào, chính những chuỗi sự kiện xảy ra xung quanh cuộc sống của Thủy, từ những điều tưởng chừng như rất ngẫu nhiên tình cờ cứ lặp đi lặp lại trong đời sống thật và trong cả những giấc mơ khiến Thủy không thể không tìm hiểu về Đức Phật, về Ngài Đạt Lai Lạt Ma... Và cứ thế, suốt một năm trời Thủy cứ bị thôi thúc phải đến Ấn Độ để tham gia pháp hội Kalachakra (tổ chức 2 năm 1 lần, Kalachakra là một cách luyện Thiền định của Phật giáo và được liệt vào hàng cao nhất trong cách luyện về Mật giáo Yoga). Vì không có tour nào thiết kế theo lịch trình như mong muốn nên Thủy “đành đi bụi”.
Thủy lên mạng tìm kiếm thông tin thì toàn thấy cưỡng hiếp, bạo động... Rủ người đi cùng thì ai cũng lắc đầu nguầy nguậy "sợ lắm" rồi ai cũng cản với nhiều lí do: "Ấn Độ toàn cưỡng hiếp mày đi một mình cho mất mạng hả!", "tiếng Anh mày cùi bắp thế kia mà đi qua cái nước lộn xộn có gì xảy ra ai cứu?", "đi Châu Âu không đi, cứ đòi đâm đầu vào các nước ăn bốc bẩn thỉu đó làm gì?", "mày bị bênh phổi, lên lên Ladakh vừa lạnh vừa cao, liệu mày có thở được không?"… Thế là Thủy đành hậm hực chôn giấu ý định đầy tính dấn thân ấy, không dám một mình đi đến "đất nước của cưỡng hiếp”?!
Bỗng nhiên đến ngày 30/4 kế hoạch khác của Thủy phải hủy bỏ do nhiều lí do, niềm nung nấu lại trỗi dậy, không cưỡng lại được, không biết là thứ nhân duyên gì, tò mò, háo hức, Thủy tìm vé bay và quyết định “liều mình”.
Việc đầu tiên cô nghĩ đến là liên lạc với Sachin, một người đàn ông Ấn Độ mà cô vô tình quen được khi anh ấy đến Việt Nam. Anh ấy hối thúc Thủy hoàn thành kế hoạch sớm nếu không thì vé sẽ đắt lên theo từng ngày vì mùa này là mùa cao điểm du lịch tại Ladakh. Phải mất đúng 1 tháng trời, Thủy mới thuyết phục được sếp cho nghỉ dài ngày và chuẩn bị cho chuyến độc hành đến đất Ấn.
Bản đồ hành trình
Bản đồ hành trình đường đi của Thủy.
Trong hai ngày 4 và 5/7, Thủy bay từ Sài gòn – Mumbai (quá cảnh tại Bankok) (1). Sau đó tiếp tục bay từ July Mumbai đến Pune (2) và từ Pune quá cảnh tại Dehli để đến Leh (nằm trong vùng Ladakh, thuộc bang Jammu và Kashmir, Ấn Độ) (3), (4).
Cô tham gia pháp hội Kalachakra từ ngày 6 đến ngày 14/7. Ngày 15, 16/7 Thủy đến hồ Pangong (hồ của Ngài Liên Hoa Sanh), Tu viện Hemis (tu viện cổ nơi Đức Chúa Jesu từng qua đây học đạo), Tu viện Thiksey, tiểu Potala... Ngày 17 Thủy bay từ Leh trở về Pune để khám phá Pune. Ngày 19/7 cô từ Mumbai bay trở về Sài Gòn.
Làm visa và đặt vé máy bay
Vì không thể nghỉ phép thêm ngoài chuyến đi, Thủy nhờ đại lý làm mất 70 USD. Nhưng vì làm visa trước cả tháng nên Lãnh sự quán Ấn Độ giữ lại hộ chiếu đợi trước ngày đi khoảng 2 tuần mới cấp Visa. Do cứ chờ đợi Visa, rồi sếp chưa duyệt ngày nghỉ phép nên lúc này đã là đầu tháng 6, cô đặt mua chặng nội địa thì đã hết vé. Lần mò thêm thông tin từ những phượt thủ đã đi trước thì mới biết là chặng nội địa Ấn thấy có vé là không nên chần chừ vì sẽ hết rất nhanh chóng trong những mùa du lịch như vậy. Thủy mua chặng quốc tế Thai Air 565USD, và đành mua chặng nội địa hạng 1 với giá 40.707 rupi (678USD).
Khách sạn ở Leh, Ladakh cũng đã được đặt chỗ, Tsokar Fort Road, Leh, Jammu and Kashmir với giá 1.500rupi/ngày không bao gồm các bữa ăn và phương tiện di chuyển. Ở "trạm dừng chân" Pune thì Thủy ở nhà anh chàng Sachin.
Vì muốn đăng ký homestay ở Ladakh để tìm hiểu phong tục và tiết kiệm tiền, cô vận hết công lực tiếng Anh "cùi bắp” để gửi mail đến accom.kalachakra@gmail.com cầu may. Nhưng cũng xác định là sẽ ở khách sạn vì ngày 3/7/2014 đã diễn ra Pháp hội, chỉ đúng 1 tuần thì cơ hội cho mình quá ít. Nhưng cuối cùng gia đình của ông Tashi ở làng Saboo (cách Pháp hội khoảng hơn 4km) đã đồng ý cho cô ở nhờ, mọi việc thuận lợi đến bất ngờ.
Do dự trước lúc lên đường
Mọi việc đã xong, chỉ đợi ngày khởi hành thì trước đó 3 ngày, bỗng nhiên một cảm giác sợ hãi xâm chiếm bao vây lấy Thủy. Tại sao mình lại quyết định đi Ấn một mình? Anh chàng Sachin liệu có đáng tin? Lỡ có chuyện không hay xảy ra thì mình sẽ làm gì? Tại sao mọi người lại ngăn cản mình đi chuyến đi này? Liệu đây có phải là một quyết định sai lầm? Muôn vàn câu hỏi tại sao... và cô khóc òa. Chia sẻ cho anh bạn Sachin, người đàn ông Ấn Độ hứa rằng không thể có bất kỳ chuyện gì không hay xảy ra cho mình trên đất Ấn: "Your safe is my responsibility". Chẳng hiểu sao, cô tin liền, an tâm không khóc nữa.
Nhưng tối về lại lo, tại sao mình lại có cảm giác an tâm nhỉ? Mình chỉ gặp anh ta có 2 ngày tại TP HCM, mình không hề biết gì về anh ta, và anh cũng không biết gì nhiều về mình. Thế là lại lo, lại trằn trọc... Hay là hủy vé, hủy chuyến đi? Quằn quại 3 ngày, rồi chạy qua bàn thờ Phật tỉ tê, năn nỉ ỉ ôi... nhìn Ngài Di Lặc cười như đứa trẻ, bỗng dưng cô cảm thấy nhẹ nhõm lạ.
Lúc ấy, cô gái trẻ nghĩ rằng hên xui may rủi đều phó thác cho nhân duyên quyết định. Người Ấn có câu “God decided for you”, người Mỹ có câu “Everything happens for a reason”, người Việt Nam mình có câu “Người tính không bằng trời tính”, nếu có chuyện không hay xảy ra, thì thôi âu cũng là nghiệp, trả trước cho nhẹ lãi nhẹ vốn. Hành trang mang theo để thoát khỏi nỗi sợ hãi đó chính là niềm tin vào con người, Thủy luôn tin rằng quanh ta có rất nhiều người tốt. Niềm tin vào anh chàng Sachin, tin vào lời hứa của anh là ví dụ.
Những ấn tượng hoàn toàn khác
Đầu tiên là Sachin, người bạn quen sơ sơ của cô. Trong chuyến đi, Thủy đem theo tiền mặt 1.000 USD và 200 USD của bạn bè gởi cúng dường (đặt lễ), 1 thẻ tín dụng và 1 thẻ ATM có thể rút được ở nước ngoài. Khi đến Pune, Thủy đưa hết tiền và thẻ cho Sachin cất dùm, chỉ giữ lại 500 USD bởi anh nhắc không nên đem theo tiền quá nhiều, và thẻ tín dụng cũng không xài được ở Ladakh. Đến ngày về Việt Nam, Sachin hoàn trả lại gần như toàn bộ số tiền Thủy đã gửi cùng 2 thẻ ngân hàng. Anh ấy đã mua sim điện thoại giúp cô, mua một số quà để cô đem về Việt Nam và thanh toán tiền xe hai chiều từ sân bay Mumbai đến Pune (151km) nhưng dù nói cách nào Sachin cũng không nhận thêm tiền của Thủy. Anh còn cẩn thận quan tâm đến sức khỏe của cô, yêu cầu cô ở lại khách sạn ngày đầu để quen với sự thay đổi nhiệt độ và độ cao, nhờ bạn anh là bác sĩ tới kiểm tra sức khỏe của cô xem liệu có phù hợp để cô ở homestay 10 ngày hay nên ở khách sạn...
Ở Pune, Thủy được các bạn Ấn Độ mới quen ở đây dẫn đi tham quan khoảng 10 điểm du lịch chính trong thành phố, họ đều chủ động mua vé cho cô, đến khi gần hết hành trình, cô chạy nhanh lên trước để mua vé mới biết rằng, vì là người nước ngoài nên thay bằng 10 rupi, cô phải nộp 200 rupi. Lúc này Thủy mới ngỡ ra, từ sáng đến giờ mọi người muốn tiết kiệm tiền cho mình nên mới mua vé dành cho người địa phương cho cô.
Về chủ nhà homestay cho cô ở suốt quá trình diễn ra lễ hội, ông Tashi, là một chủ nhà chu đáo và hiếu khách. Ông hứa với cô sẽ đối xử với cô như một chú bò con (người Ladakh rất quý bò, họ coi bò như thành viên trong gia đình). Ông gọi con gái đang bận việc ở làng khác về trò chuyện cùng cô cho cô đỡ ngại, lắp chốt cửa vào phòng cô để cô có cảm giác an tâm (vì căn nhà Tashi không hề có khóa cổng, các phòng bên trong nhà thì không có chốt cửa bên trong. Tashi nói rằng khu vực này mọi người sống gần gũi với thiên nhiên và ai cũng là người tốt). Ông sẵn sàng cho cô mượn ô tô để đi vì không có xe buýt từ Saboo đi Hemis, đi taxi thì rất đắt vì cô chỉ đi có một mình: "Mai mày lấy xe của tao mà đi, nhà tao có 2 chiếc lận mà, cứ đổ xăng rồi đi đâu tùy thích". Khi biết cô không biết lái xe, ông quyết định luôn: "Mai mày đổ xăng rồi tao sẽ đưa mày đi Hemis". Nhiều ngày sau đó, họ đều giúp cô việc đi lại khi không bận rộn. Và khi vô tình được biết một vài người cũng “ở nhờ” giống cô phải trả từ 400 đến 2.000 rupi/ngày, cô đã xin phép được trả tiền ăn, tiền đi lại cho chủ nhà, Thủy liền bị mắng té tát, đại khái “tại sao lại phải thu tiền của mày, mày nghĩ tao là người xấu đúng không?”.
Trong suốt chuyến đi, cô nhận được rất nhiều sự quan tâm và thiện ý giúp đỡ của mọi người, Sachin, Tashi, Deachen, 2 cô bạn Nepal, anh chủ khách sạn, chú lái taxi… chẳng hề có tệ nạn hay cưỡng hiếp này nọ như mọi người vẫn nói. Trái lại, giữa đất nước xa xôi, ở một vùng xa xôi hẻo lánh, cô nhận được sự quan tâm ấm áp vô cùng của những con người xa lạ.
Những khám phá thú vị
Ladakh với vẻ đẹp của vùng núi xa xôi, mang nét huyền bí hoang sơ và hẻo lánh. Phật giáo có ảnh hưởng sâu sắc đến con người nơi đây: Mỗi gia đình ở Ladakh đều cho một người con trai của mình xuất gia làm Lạt - ma và thọ giới. Người con trai năm, sáu tuổi được gửi tới các tu viện và được giáo dục, đào tạo như các vị sư. Cứ như vậy, thế hệ này nối tiếp thế hệ khác.
Hồ Pangong với mặt nước trong xanh một màu xanh kỳ lạ, bầu trời cũng mang nét vẻ yên bình, thấp thoáng đằng xa là những ngọn núi tuyết. Nơi đây có những căn nhà nằm yên bình dưới chân núi và những tòa lâu đài cổ kính bị bỏ hoang. Những món ăn tuyệt vời và mang nét văn hóa ẩm thực Ấn Độ như Pohe, Upama, Kulcha, Chowmin… luôn được lòng du khách.
Chowmin là món ăn hơi giống món mỳ Italy.
Những khó khăn
- Trước khi đi cô gặp phải sự ngăn cản của bạn bè, sự lo lắng của người thân và sếp thì không cho nghỉ đến 2 tuần.
- Ngoài việc bị Hội chứng khó chịu khi đi lên cao (AMS) thường xảy ra khi ở những nơi cao hơn mực nước biển khoảng 3.000 m trở lên với những triệu chứng như nhức đầu, chóng mặt, nôn, hơi thở ngắn, bất tỉnh thì trong chuyến đi, Thủy không gặp bất kỳ một khó khăn nào. Chuyến đi đẹp như một giấc mơ.
Kinh nghiệm sau chuyến đi
Đừng vì một vài thất vọng trong cuộc sống mà làm ta mất niềm tin về con người về thế giới. Đôi lúc chỉ vì ta đang đứng ở một vị trí mà không thể thấy toàn bộ tổng thể của bức tranh nên bỏ lỡ mất đi vẻ đẹp vốn có của nó. Chỉ cần đổi vị trí, chỉ cần thay đổi cách nhìn của ta thế giới trong ta sẽ thay đổi.
Có một buổi sáng trong thời gian diễn ra Pháp hội, Ngài Đạt Lai Lạt Ma dành khoảng 2 tiếng đồng hồ để chụp hình và bắt tay ban phước với những Phật tử Việt Nam. Nhưng Thủy cùng Tashi nấu sữa cúng dường để pha trà sữa cho tất cả mọi người nên không có được cơ may ấy. Cô không cảm thấy buồn vì Thủy biết mình đã gặp quá nhiều may mắn trong hành trình, có thể duyên của mình không đủ để gặp Ngài, cô vui mừng cho người có được may mắn ấy. Cô nhận ra rằng, điều quan trọng chính là nên thấy vui với những gì mình có, đừng vì nuối tiếc những điều đã mất mà đánh mất đi niềm vui hiện tại.
Trước đây lúc Thủy tìm hiểu về Ấn thì được phản hồi không mấy tốt đẹp (là một đất nước lạc hậu, dơ bẩn, và toàn cưỡng hiếp… nên chỉ dám ngồi đọc và... sợ). Nhưng sau chuyến đi một mình này thì cảm nhận của Thủy khác hoàn toàn so với trước đây. Cô nghĩ cũng có thể mình may mắn nên chỉ toàn gặp người tốt hoặc những nơi mình đến là thật sự an toàn. Nhưng Ấn Độ đã để lại trong mình một ấn tượng về vùng đất đẹp như tranh vẽ, con người hiền lành và tốt bụng, văn hóa đa sắc màu, ẩm thực phong phú, kiến trúc độc đáo... Một vùng đất đáng để khám phá.
Tác giả bài viết: Lê Thương
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự