Đứng ở cửa một ngôi nhà đất chỉ cao quá đầu người, cụ bà tóc bạc đang lụ khụ chống gậy bước ra. Không quan tâm đến người lạ đang loay hoay ghi hình ngôi nhà "độc đáo" của mình, bà cụ tiếp tục chống gậy bước về phía cây cầu Đất.
Gọi là cầu Đất nhưng thực chất cây cầu này được làm bằng bê tông. Theo người dân địa phương, trước kia làng còn nghèo, người dân chưa có tiền xây cầu bê tông nên bắc tạm mấy cây luồng, nhào rơm và đất đắp thành một cây cầu. Bởi vậy, người dân xung quanh quen gọi nó là cầu Đất.
Bên cạnh cầu Đất, cửa hàng tạp hóa của cụ Vịnh bé đến mức chỉ kê vừa một chiếc giường nhỏ xíu đủ cho 2 người ngồi. Những người cao trên mét sáu không khom lưng, cúi đầu thì sẽ chạm phải nóc nhà.
Cửa hàng tạp hóa của cụ Trịnh Thị Vịnh.
Thấy vị khách lạ tò mò về ngôi nhà đất của mình, cụ Vịnh mời vào nhà kể chuyện: "Nhà này là con trai với con rể xây cho tôi. Xây hàng chục năm rồi. Xây xong là bán hàng tạp hóa luôn. Tôi chỉ bán có mấy gói bim bim, ít thính, ít vừng. Ngày xưa còn ít hàng thì bán được, bây giờ các cháu nó không ăn quà này nữa. Giờ tôi chỉ bán cho vui".
Nhà cụ Vịnh cách đây chừng 500 mét, cụ sống cùng một người con trai trong căn nhà khang trang. Cụ bảo: "Từ sáng đến giờ tôi chưa bán được gì. Tôi ở đây nằm nghỉ và đến tối mới về. Ăn uống, nấu nướng cả ngoài này".
Nhìn cụ già lủi thủi trong ngôi nhà đất, tôi hỏi: "Con cháu có đồng ý cho cụ ra đây bán hàng không?". "Không đứa nào giữ được tôi đâu. Tôi ra đây bán cho vui, cho đầu gối nó đỡ đau. Đằng nào cũng có sẵn cái quán đây rồi. Hàng ngày ra, tối về nhà nghỉ ngơi cho đầu óc, chân tay thoải mái", cụ Vịnh nhanh miệng trả lời.
Dù có nhà cửa khang trang nhưng cụ Vịnh lại chọn ra căn nhà đất để bán hàng tạp hóa.
Được biết, cụ Vinh có tất thảy 4 người con, 2 trai, 2 gái. Con cháu cụ cũng có rất nhiều người thành đạt. Hàng năm, mỗi dịp Tết đến xuân về, dù có công tác xa nhưng các con, cháu, chắt vẫn về quê ăn Tết và thăm hỏi sức khỏe cụ.
Theo cụ Vịnh, cụ đã bán hàng tạp hóa trong ngôi nhà đất này hơn 50 năm nay. "Nhìn vậy thôi, bão gió mà chưa đổ bao giờ đâu. Chắc chắn lắm! Tôi còn mắc được cái võng lên xà nhà để nằm đung đưa", cụ Vịnh nói.
Sinh ra ở một vùng quê nghèo thuần nông nhưng cụ Vịnh lại thích công việc buôn bán. Khi còn trẻ, con cái còn nhỏ cụ làm nghề dệt vải để nuôi con. Sau khi các con khôn lớn cụ chuyển từ dệt vải chuyển sang kinh doanh, buôn bán.
Với cụ Vịnh, ngày xưa buôn bán là công việc mưu sinh nhưng bây giờ chỉ là thú vui của người già. "Tôi ra đây nhìn người đi qua đi lại, thỉnh thoảng đón vài người bạn già nói chuyện cho vui vậy chứ ngồi cả ngày có bán được gói bim bim nào đâu".
Nói rồi cụ Vịnh cầm túi bim bim trong quầy hàng ra giải thích: "Tôi bán hết 20 gói này mới được có 2 nghìn, tức là lãi hai trăm đồng một gói. Thế nhưng, ngày may thì bán được vài 3 gói. Có ngày còn không bán được gói nào".
Cụ Vịnh bên ngôi nhà đất của mình.
Theo cụ Vịnh, thời nào thì việc làm ăn buôn bán cũng khó khăn. Ngày xưa thì nghèo đói, bây giờ hàng hóa nhiều thì phải cạnh tranh. Thế nhưng, dù thời nào thì với cụ con người luôn phải thật thà, ăn ở làm sao cho nó có đức, có tình cảm
Các cụ có câu "Khôn ngoan không đặng thật thà", thật thà là chính, đừng nên làm ăn gian dối với ai bao giờ.
Cụ hay khuyên dạy con cháu: "Các cụ có câu "khôn ngoan không đặng thật thà", thật thà là chính, đừng nên làm ăn gian dối với ai bao giờ. Bởi vậy, lắm bận tôi mua chịu của ai cái gì chắc là trả rồi nhưng vẫn hỏi lại. Người thật thà họ bảo trả rồi nhưng những người gian giảo, tham lam họ tưởng tôi già, tôi lẫn, tôi quên chưa trả thì tôi vẫn trả. Sống thật thà để đức phúc cho con cháu".
"Bây giờ, ví dụ đi chợ bán bó rau họ trả mình một nghìn mình không bán, đến người thứ hai họ đến mua tiếp mình bảo, đấy họ trả tôi một nghìn tôi không bán, hơn tôi bán. Chớ có nói là, họ đã trả nghìn hai. Đấy cũng là cái tội con ạ!", cụ Vịnh đưa lời khuyên bảo.
Có lẽ cũng vì cách sống chân chất, thật thà của cụ mà dù buôn bán hơn nửa đời người cụ chưa bao giờ cãi nhau với ai. Mặc dù đã bước vào cái tuổi xưa nay hiếm nhưng cụ vẫn còn khá minh mẫn và khỏe mạnh.
Cận cảnh chiếc hộp đựng tiền của cụ bà 90 tuổi.
Cụ Vịnh chia sẻ bí quyết chăm sóc sức khỏe cho bản thân mình: "Tôi hay nghe đài để học theo lắm. Buổi sáng đậy, làm gì thì làm tôi cũng phải uống một nắp phích nước đun sôi trước. Cứ uống nước càng nhiều càng tốt, nó rửa đường ruột, không bao giờ đau bụng hay có giun dế gì trong bụng.
Nếu nhà có lá trầu không, đun lá trầu ngâm chân sẽ tránh được nhiều bệnh tật, nhất là chứng đau mình nhức xương. Bởi vậy, tôi không bị đau khớp chân, khớp tay bao giờ".
Cách ăn uống của cụ Vịnh cũng rất khoa học. "Tôi không ăn nhiều, ngày chỉ 3 bát cơm. Sáng ăn no, trưa ăn no nhưng tối ăn rất ít. Ăn ít dạ dày nó được nghỉ ngơi thì người mới không mệt mỏi", cụ Vịnh nói.
Ngoài chế độ ăn uống khoa học, sáng nào cụ Vịnh cũng dậy sớm để tập thể dục. Một số động tác học được từ câu lạc bộ dưỡng sinh trong xã được cụ áp dụng triệt để vào việc nâng cao sức khỏe cho bản thân.
Tết nhất với cụ vô cùng đơn giản. "Tôi chỉ sắm đúng hai cái lễ tết hai bên ông bà tổ tiên nội ngoại. Có cần gì nhiều nhặn đâu, chỉ mong có sức khỏe để mỗi dịp Tết đến xuân về còn được quây quần bên con cháu".
Cuộc trò chuyện với cụ già trong cửa hàng tạp hóa kéo dài cả vài tiếng đồng hồ. Nhìn qua khe nứa, cửa hàng tạp hóa lọt thỏm giữa nhưng ngôi nhà cao tầng xung quanh. Ánh nắng giờ chính ngọ soi thẳng chiếu xuống căn nhà mái rơm nhỏ bé và ấm áp.
Nhìn kĩ căn nhà mới thấy nguyên liệu chủ yếu xây dựng chỉ bằng tre nứa, đất... Có chỗ đã nứt nẻ, vài tấm liếp chắn mưa nắng cũng đã thủng và được vá chằng chịt.
Phía bên ngoài đường, những chiếc ô tô, xe máy rầm rập qua lại. Bên trong căn nhà nhỏ, tiếng radio vọng ra rõ mồn một vì được chỉnh âm lượng lớn. Cụ Vịnh kéo chiếc võng nằm đung đưa và nghe đài.
Trước khi rời đi, tôi nhớ lại mấy câu thơ cụ Vịnh lẩm nhẩm trong miệng lúc trò chuyện: "Đừng thấy áo rách mà khinh/ Tuy rằng áo rách trong mình rích xu".
Nguồn tin: VTC News
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự