Linh thiêng chùa Đại Bi
Đại Bi tự (người dân vẫn quen gọi là chùa Bi) thuộc thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định được Bộ Văn hóa xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa từ năm 1964.
Căn cứ vào văn bia còn lại, chùa được xây dựng vào thời vua Lý Nhân Tông (1072-1127), từng là nơi tu hành của Thiền sư Giác Hải và Từ Đạo Hạnh thời Lý. Đối với Phật giáo, các vị thiền sư này được coi là những Thánh tăng, nhưng với các làng ở thị trấn Nam Giang thì đây là hai vị Thành hoàng làng, vì có công lao truyền dạy nghề cho dân.
Đại Bi tọa lạc trên một khu đất rộng bằng phẳng. Tam quan không nằm chính giữa mà được xây chếch về phía Đông, tuy đã trải qua nhiều lần trùng tu, đến nay vẫn còn giữ lại nhiều nét chạm khắc thời Hậu Lê (thế kỷ XVII). Trên thượng lương tam quan còn ghi: “Thiên tử vạn niên, tuế thứ Ất Sửu trọng đông nguyệt cốc nhất lương thời thụ trụ thượng lương đại cát”. Vì kèo tam quan được đỡ bởi 3hàng chân cột, từ những cột cái này mọc ra hệ thống các xà nách rường cụt giá chiêng liên kết các cột quân kết hợp với các cột trốn để tạo ra bộ khung.
Với hệ thống bẩy góc, bẩy hiên và tàu đao mái lá, người ta đã tạo nên độ cong rất đẹp mắt của bốn góc tam quan tạo vẻ nhẹ nhàng thanh thoát. Phía trên của các bộ, bộ vì được ghép ván để tạo ra những bức chạm giữa xà thượng và xà hạ được chạm lộng cả hai bên để khi bước qua tam quan, có thể nhìn được cả mặt trước và mặt sau. Trên ván xà, xà nách và các đầu dư hiện diện những hình rồng, phượng mang phong cách Hậu Lê.
Cạnh đó là những hình khắc mang dấu ấn nghệ thuật Nguyễn, như: rồng ngậm chữ thọ, hổ phù, chim phượng, hoa lá cách điệu… Có thể thấy tam quan chùa Đại Bi là một công trình kiến trúc đặc sắc trong tổng thể di tích.
Qua khoảng sân rộng, ta được chứng kiến một ngôi chùa có kiến trúc đẹp, theo kiểu nội công ngoại quốc, cả thảy 60 gian đều làm bằng gỗ lim. Hai dãy hành lang thấp dần, mộc mạc. Mái chùa trải rộng nhưng hơi thấp, những đao góc cân xứng vút lên tạo cho kiến trúc chùa nhẹ nhàng, thanh thoát.
Trung tâm chùa là điện Phật, thoạt nhìn thấy dạng mặt bằng hình chữ công, nhưng quan sát kỹ, thì dạng chữ công ở đây dường như khác hoàn toàn với cách kết cấu của các ngôi chùa truyền thống, đó là sự ghép nối của 3 tòa nhà hoàn toàn độc lập. Để khắc phục tính chất độc lập của các ngôi nhà không nối mái, giữa các gian tiền đường, thiêu hương thượng điện, người xưa đã thiết kế một hệ thống ống máng để thoát nước ở điểm nối liền giữa các tòa nhà. Điểm kết của kiến trúc “nội công ngoại quốc” này là gác chuông được dựng theo lối chồng diêm hai tầng tám mái cong vút lên thanh thoát. Đây là công trình có giá trị nhất của chùa Đại Bi.
Qua bao thăng trầm của lịch sử, sự tàn phá của thiên nhiên và giặc giã, nhưng ngày nay chùa vẫn giữ được khá nhiều di vật có giá trị. Đó là một số chân cột đá tảng, những bức chạm rồng, lá, mây tản…mang đậm phong cách thời Hậu Lê; 10 tấm bia đá (trong đó bia cổ nhất được khắc vào năm Vĩnh Trị thứ 4 đời vua Lê Hy Tông - 1697) và một quả chuông đồng nặng trên hai tấn đúc vào đời vua Minh Mệnh năm thứ 28 (1847).
Nghề rèn của làng Vân Chàng (Nam Giang) cũng đóng góp vào chùa một số di vật như cây đèn sắt, mặt hổ phù, một số đầu rối bằng gỗ được tiện khá độc đáo giúp cho phần lễ hội của chùa thêm phong phú và đặc sắc.
Bia đá tại chùa Đại Bi, tạo dựng năm 1697
Viềng Chùa “bán rủi, mua may”
Từ bao đời nay, chùa Đại Bi đã trở thành nơi du xuân cầu may của khách thập phương. Đêm mồng bảy Tết Giáp Ngọ (tức mồng 6-2-2014), hàng vạn người đã đổ về chùa Đại Bi ở thị trấn Nam Giang (huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) để “bán rủi, mua may” trong phiên chợ Viềng, còn gọi là chợ Âm Phủ. Bãi đất rộng nhiều héc-ta trước cổng chùa và những ngõ xóm xung quang đã biến thành chợ khổng lồ.
Đây là phiên chợ độc đáo, mỗi năm chỉ họp một phiên duy nhất vào đêm mồng bảy, rạng sáng mồng tám tháng Giêng (âm lịch) thu hút khách từ khắp nơi tới du xuân, vui hội, việc mua bán ở đây mang nặng ý thức tâm linh để cầu may.
Xưa kia, người mua lẫn người bán phải cầm đèn pin soi vào mặt nhau, vào món đồ để tiện việc mua bán, nên chợ Viềng còn được dân gian gọi là chợ Âm Phủ. Ngày nay đèn điện sáng trưng nên người mua không phải cầm đèn đi chợ nữa, nhưng ai cũng tin rằng nếu mua bán vào khoảng thời gian từ 12 giờ đêm trở đi thì mới linh diệu.
Sản phẩm bày bán ở chợ Viềng có đủ chủng loại, từ thượng vàng hạ cám, cả đồ mới, đồ cổ và đồ cũ, đặc sản của nhiều địa phương. Với nông dân, đến chợ Viềng mua được một công cụ lao động cũng mang lại một năm thuận buồm xuôi gió, gặt hái thành quả lao động, còn cây cảnh là mua lộc đầu xuân, gieo lộc cho cả năm được nhiều tài lộc. Chung quy lại, đến chợ Viềng mua được bất cứ vật dụng gì thì cả người mua và người bán sẽ được hưởng may mắn trong năm.
Theo phong tục cổ truyền khi đến chợ Viềng, người bán không thách giá, người mua không mặc cả, bởi người bán không phải vì mục đích lợi nhuận nên bao giờ họ cũng đưa ra giá rất rẻ. Rất nhiều người bán hàng vốn không phải là người kinh doanh, họ đem đến đây những thứ đồ cũ của gia đình, trong đó có cả đồ cổ, hoặc những đồ “chổi cùn rế rách”, những chiếc ấm sứt vòi… với niềm tin bán rẻ những thứ đồ ấy cũng là bán đi điều xui rủi của gia đình.
Còn người mua, họ không quan tâm đến đồ vật có hữu ích hay không, giá cả đắt hay rẻ, vì mua một món đồ cũng là mua lấy những điều may mắn trong năm mới. Ông Bùi Xuân Cánh, Chủ tịch UBND thị trấn Nam Giang cho biết, chữ “Viềng” có nghĩa “về”, là “vầy”, sum vầy, hội tụ nhân dân khắp mọi nơi về chung vui.
Đặc sắc tục múa rối và vật chầu Thánh
Đi lễ chùa Đại Bi và mua bán cầu may ở phiên chợ Viềng vào đầu xuân, khách thập phương còn được thưởng thức rất nhiều hoạt động văn hóa dân gian độc đáo như: Lễ rước, kéo chữ, đấu vật, cờ người, tổ tôm điếm…
Đặc biệt trò hát rối trong lễ hội chùa Đại Bi được xếp hạng độc đáo bậc nhất trong các trò rối cạn ở Việt Nam, cũng là trò kịch nghệ dân gian có nguồn gốc nhiều bí ẩn chưa được giải thích, tên chữ gọi là trò Ổi lỗi.
Một tiết mục múa rối hầu Thánh
Hiện ở Việt Nam, trò diễn Ổi lỗi chỉ còn duy nhất có ở chùa Đại Bi Nam Giang. Trước khi lấy tượng ra để biểu diễn, các cụ bô lão trong làng phải mặc trang phục áo the, khăn xếp, thắp hương cúng lễ. Khi biểu diễn, các cụ mắc tấm màn che vào hai cây cột giữa tiền đường trong lòng chùa, người cầm rối múa, hát, gõ nhạc cụ đứng sau tấm màn đó, mặt quay về phía ban thờ Phật và ban thờ Đức Thánh sư Từ Đạo Hạnh và Thánh sư Giác Hải. Bởi vậy, mới gọi là múa rối hầu Thánh, mục đích là để “thánh xem” chứ không phải chỉ cho “người xem”.
Hội chùa Đại Bi diễn ra từ ngày 20 đến 22 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Vào đêm 21, hát rối được trình diễn trước bàn thờ Tam bảo. Tương truyền, nghệ thuật hát rối Ổi lỗi chùa Đại Bi có niên đại trên 900 năm, do Thiền sư Từ Đạo Hạnh truyền dạy cho người dân nơi đây là một nghi lễ thờ cúng với những lời hát, múa ca ngợi triều đại thanh bình, thịnh trị, đời sống ấm no, yêu lao động của nhân dân.
“Nhân vật” biểu diễn là sáu đầu tượng bằng gỗ được gọi là “Thánh tượng”, đều cùng cỡ làm bằng gỗ phủ sơn ta, vẽ mặt rất đẹp, có cán cầm tay ở gáy tượng, dài khoảng 40cm. Sáu đầu tượng gồm hai đầu tượng “chúa Lộng” có mặt đỏ, miệng rộng có râu ria (thôn Vân Chàng cầm múa); hai tượng “cóc vàng” mặt màu hồng nhạt và hai pho tượng “Tùy trắng” mặt trắng, có mũi rất to, miệng rất rộng (do người của thôn Giáp Tư cầm múa).
Sáu đầu tượng nhỏ hơn làm bằng gỗ đặc, dài khoảng 30cm, nặng khoảng 1kg mỗi tượng, gồm: 2 pho tượng Tiên, tượng Chàng, tượng Hậu (tượng Nàng Ruông), tượng ông Mách (nhân vật dẫn chuyện) và tượng ông Chớp. Những tượng này đội mũ hoặc vấn tóc theo lối cổ, mỗi một loại tượng đều có bài múa và hát kèm theo.
Nhạc cụ phụ trợ có bộ gõ, gồm 2 cái mõ làm bằng gốc tre; 1 trống bảng (đường kính mặt khoảng 40cm, gõ bằng mảnh nứa chứ không phải bằng dùi); 2 trống cơm; 2 thanh la; 1 trống cái để gõ cầm canh chuyển làn điệu; 1 chuông đẩu và 1 trống nhỏ để gõ theo trống cái. Tuy chỉ có một bộ gõ như vậy, nhưng có tới 26 bài ca, 32 làn điệu rất phong phú được hát theo các trích đoạn giáo trò, hát dâng chàng, dâng và múa tiên, hát giáo về luân lý…
Tác giả bài viết: Chu Minh Khôi
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự