Đến chùa Đại Hạnh gặp các Xơ đạo Thiên Chúa cùng đến học Tâm Thư Pháp

Thứ hai - 13/01/2014 16:16
Tôi nhớ rằng trên bàn thờ Phật ở chùa Đại Hạnh có mấy từ rất ấn tượng: "Thành tâm, tha thiết, chí thành, chí kính, đê đầu đảnh lễ". Ra khỏi chùa tôi cứ nghĩ rằng làm cái gì cũng cần những đức tính này.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Ngày cuối tuần mỗi người có một công việc khác nhau và thường là rất bổ ích. Chúng tôi là phật tử nên rủ nhau vào chùa. Chỉ cần một buổi sáng thôi nhưng thật ý nghĩa vô cùng. Tôi mạo muội mạnh tay viết ra những chia sẻ của mình của buổi sáng nay để gửi ngay đến trang nhà.
 
Ngôi chùa chúng tôi lựa chọn lần này là một ngôi chùa nhỏ tại đại chỉ 107/4, Ngô Đức Kế, P.12, Q.Bình Thạnh. Ngôi chùa có tên rất đẹp và ý nghĩa: Đại Hạnh. Tôi rất thích tên của ngôi chùa này bởi nhớ đến ba việc làm quan trọng mà mỗi phật tử chúng ta đang quyết tâm: tín, hạnh, nguyện. Nếu có hạnh lớn thì chắc chắn sớm được giác ngộ như đức Phật.
 
Tuy nhiên khi đến nơi, chúng tôi khá bất ngờ bởi ngôi chùa khá nhỏ, được xây cao tầng. Nhìn bên ngoài vào có cảm giác như một ngôi nhà riêng – tôi vẫn hay nghĩ chùa là phải có sân, vườn, cây xanh, bóng mát…
 
Đến nơi, chúng tôi mới biết đây là ngôi chùa ni và rằng bên trong rất ấm cúng và thanh tịnh. Vừa bước vào tôi đã thấy ngay sự trang nghiêm và ấm cúng nơi đây. Thật đúng như tên của ngôi chùa - Đại Hạnh.

Tôi nghĩ trong bụng: Chắc các quý Ni sư đang tu tập nơi đây phải có đức hạnh lớn lắm, phải có hạnh nguyện lớn lắm, phải thực hành những lời dạy của đức Phật tốt lắm đây. Nếu không, khó có thể có một năng lượng tỏa ra tuyệt kỳ như vậy.
 
Chúng tôi lễ Phật trên tầng 2 và phát hiện ra rằng nơi đây thờ khá nhiều ngọc xá lợi kim thân đức Phật Thích Ca Mâu Ni và các Chư hiền Thánh tăng. Tôi lại nghĩ trong bụng: sao mình may mắn thế, cần gì phải đi tận Ấn Độ, Nepal hay Miến Điện mà chỉ cần đến chùa Đại Hạnh ngay tại Sài Gòn là đã có thể đảnh lễ và chiêm bái xá lợi Phật được rồi. Phước của mình thật lớn.
 
Trên tầng 3 chúng tôi được thầy Chính Trung, một nhà tâm thư pháp nổi tiếng tiếp đón. Ở đây cũng có khá nhiều học trò của thầy đang học tâm thư pháp. Từ trước đến nay tôi chỉ biết rằng thư pháp là viết chữ thật đẹp, có ý nghĩa. Nay lại được biết thêm tâm thư pháp nữa. Hay quá. Vậy là nếu như người đời có thư pháp thì người con Phật chúng ta đã có tâm thư pháp.
 
Chúng tôi được biết đây là CLB tâm thư pháp tại Tp.HCM. Các cô chú và anh chị sinh hoạt tại đây gồm nhiều thành phần khác nhau: cô giáo, luật sư, nghệ sỹ, doanh nhân, kỹ sư, bác sỹ,… Có cả việt kiều nước ngoài. Rồi tôi gặp cả hai xơ từ bên đạo Thiên Chúa giáo cũng đến học tâm thư pháp và sinh hoạt.
 
Thầy Chính Trung giảng cho chúng tôi khá nhiều về tâm thư pháp nhưng nói thật tôi không nhớ hết. Tôi chỉ nhớ rằng viết tâm thư pháp cũng như quét nhà. Hóa ra tâm thư pháp cũng là một công phu thiền. Tôi chủ yếu ngắm những bức thư pháp có tại đây và thả hồn mình để cảm nhận cách làm việc như thiền của mọi học viên. Hình như đây là lần đầu tiên tôi được thưởng thức trọn vẹn thư pháp viết bằng tiếng Việt đẹp đến vậy.
 
Các học trò của thầy Chính Trung đang tập viết. Các tác phẩm họ sáng tác đã khá đẹp, tôi thích lắm. Ấy thế mà các chị bảo thầy mới cho điểm 3, cao nhất là điểm 5. Chị Thanh Hương bảo, thầy khó lắm, khắt khe lắm. Thế mới có được trò “đắc” chứ, làm gì có chuyện dễ dàng.
 
Đến đây tôi mới biết viết thư pháp chính là thiền. Ngay khâu mài mực cũng là thiền. Rồi lên khung cũng thiền. Khi mới tập thì viết, thì vẽ, nhưng khi học được rồi thi sáng tác. 
 
Có câu chuyên thú vị rằng em Bé là Việt kiều Nhật Bản về Việt Nam chơi. Bé làm việc về thiết kế động cơ cho ô tô Toyota. Bé theo người chị đến lớp tâm thư pháp và quyết định ở lại học luôn, bỏ cả vé máy bay đi Tokyo. Bây giờ nghe Bé nói tiếng việt khá tốt nhưng khi chúng tôi nói, Bé lại nói không hiểu gì cả.
 
Chúng tôi ngắm nhìn công việc của từng thành viên mà thấy họ lam việc rất chánh niệm. Hóa ra viết tâm thư pháp luyện tập trung rất tốt. Tôi cũng ngắm nhìn họ và thấy ai cũng an lạc, thư giãn, cứ như sự bình an ngấm rất sâu vào tâm họ rồi. Tôi thấy những nụ của mọi thành viên đều rất an lạc và thảnh thơi. 
 
Tôi nhớ rằng trên bàn thờ Phật ở chùa Đại Hạnh có mấy từ rất ấn tượng – Thành tâm, tha thiết, chí thành, chí kính, đê đầu đảnh lễ. Ra khỏi chùa tôi cứ nghĩ rằng làm cái gì cũng cần những đức tính này. Đâu chỉ có khi học hay sáng tác tâm thư Pháp. Tôi cứ nghĩ, mình đôi khi vẫn chưa chí thành chí kính. Và tôi tự nhắc mình cần học những hạnh quý này.
 
Dù đã trưa nhưng bởi chúng tôi là người Hà Nội, người Huế, người Nhật,... nên thầy Chính Trung vẫn mời chúng tôi đi uống café tại quán “Một ngày mới” gần đó. Thực ra ngồi đó chủ yếu để thầy trò đàm đạo và để lũ trẻ chúng tôi được học hỏi. Đúng là ngày mới thật, mới cho ngày, cho năm và cho mỗi chúng tôi. 
 
Tôi ngồi và nghĩ, nếu Tết Âm lịch Giáp Ngọ này những bức tâm thư pháp đẹp tuyệt của thầy được triển lãm ở đâu đó, tại một ngôi chùa lớn nào đó ở Sài Gòn này thì thật là tuyệt vời. Tôi còn mơ ằng triển lãm tâm thư pháp của thầy Chính Trung sẽ diễn ra cả ở Huế, Đà Nẵng và Hà Nội, thậm chí nước ngoài nứa cơ. Tâm ơi lan tỏa đi, tâm thư pháp ơi, bay đi khắp 4 phương trời đi để tâm ai cũng thành tâm Phật.
 
Chúng tôi lễ Phật và lễ cung nghinh Ngọc xá lợi kim thân đức Phật Thích Ca Mâu Ni và ngọc xá lợi Chư hiền Thánh tăng chùa Đại Hạnh!

Tác giả bài viết: Nguyên Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây