Dị nhân núi Mã Cú và hành trình tìm kho báu xuyên 2 thế kỷ

Thứ hai - 22/08/2016 20:14
Kỳ 4: Người đàn ông săn vàng xuyên 2 thế kỷ
Dị nhân núi Mã Cú và hành trình tìm kho báu xuyên 2 thế kỷ
Kỳ 1: Hành trình kháng chiến của đạo quân Cần Vương

Kỳ 2: Những câu chuyện có thật về kho báu khủng ở đại ngàn Trường Sơn

Kỳ 3: Phát lộ hàng tạ vàng bên con suối

Gia phả ghi ở xã Hóa Sơn có 3 ngọn núi cao bằng nhau. Ở ngọn núi giữa khi hoàng hôn xuống, điểm tận cùng của bóng núi thì đào xuống mấy mét sẽ phát hiện ra dấu tích của đường hầm dẫn đến kho báu.

Sau vụ phát hiện hàng tạ vàng giấu dưới gốc cây cổ thụ ở xã Hóa Sơn (Minh Hóa, Quảng Bình), vài năm sau, ở Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa, các cụ già thấy có một tốp người về lặn tìm vàng ở khu vực sông đầu làng. Đoạn sông đó có 1 bến đò mà tốp người đó gọi là bến đò Vàng. Họ bảo, Tôn Thất Thuyết và vua Hàm Nghi khi chạy giặc tới đây, trong khi bối rối vì quân Pháp đuổi, có một thuyền chở đầy vàng đã chìm ở đây. Tuy nhiên, lặn lội suốt cả một thời gian dài, tìm được cái gì hay không thì không ai biết, nhưng nhóm người đó lặng lẽ biến mất một cách bí ẩn.

Đầu những năm 1980, đồng bào dân tộc Vân Kiều ở gần cầu Đắkrông, Quảng Trị (cạnh Nghĩa trang Trường Sơn hiện nay), trong khi đi bắt cá khe đã tình cờ phát hiện trong một hốc cây lớn chìm dưới suối rất nhiều vàng, toàn tiền cổ bằng vàng ròng và những thoi vàng nặng 1 lượng.

 

Những năm đầu thế kỷ 21, mấy đứa trẻ chăn trâu ở vùng giáp ranh giữa 2 huyện Tuyên Hóa và Minh Hóa nhặt được một cái tráp sơn son thếp vàng trong một hang nhỏ. Tráp có nhiều lớp, trong lớp thứ hai hình lục lăng là cái tráp có chạm nổi bốn chữ: GIÁP - NGỌ - BÌNH - NAM bằng chữ Hán. Trong đó có một chìa khóa và một bức họa được cho là sơ đồ chôn vàng của vua Hàm Nghi.

Có người thì đào được tiền cổ chôn trong chum, người thì nhặt được những đồng vàng có chữ Hán ghi là: Minh Mạng thông bảo. Những sự kiện đó càng làm tăng thêm nhiều đồn đoán về sự hiện diện của các báu vật vua Hàm Nghi cùng đoàn hộ giá đang được giấu kín trong lòng đất miền tây Quảng Bình.

Tuy nhiên, không có một cuộc hành trình nào dài hơn 31 năm đi tìm kho báu của một người đàn ông thường trú ở TP.HCM. Ông tên Nguyễn Hồng Công, tìm về Hóa Sơn và gắn bó nửa cuộc đời còn lại của mình trên núi Mã Cú. Ông chết trên lán tìm vàng của mình năm 2013, hưởng thọ 61 tuổi, mang theo giấc mơ dang dở về kho báu của vua.

Câu chuyện về dị nhân mòn mỏi tìm vàng này, dân Minh Hóa không ai là không biết. Ông Công vốn là người Thanh Hóa, sau chuyển vào miền nam sinh sống. Mùa hè năm 1982, dân Hóa Sơn bỗng thấy xuất hiện một người đàn ông nói giọng Bắc lơ lớ, cứ đi dọc con suối rồi lần mò lên các đỉnh núi, không biết mệt mỏi. Sau 5 năm ròng rã, ông Công gom hết tài liệu có được, làm tờ trình gửi từ chính quyền cấp cơ sở đến trung ương để xin phép tìm kho báu vua Hàm Nghi ở ngọn núi Mã Cú.

t597599

Dị nhân Nguyễn Hồng Công, ảnh tư liệu

Ông Đinh Minh Đàn (Trung Hóa, Minh Hóa) cho biết, có thông tin cho rằng ông Nguyễn Hồng Công thời còn đi bộ đội, đóng quân bên Camphuchia có lấy một người phụ nữ gốc Việt làm vợ, về sau mới biết vợ mình vốn là dòng dõi của đại thần Tôn Thất Thuyết.

Ông Công tìm thấy một gia phả của bên họ nhà vợ, ghi là ở xã Hóa Sơn có 3 ngọn núi cao bằng nhau. Ở ngọn núi giữa khi hoàng hôn xuống, bóng tối đổ đến đâu thì đi theo đến đó, và điểm tận cùng của bóng núi thì đào xuống mấy mét sẽ phát hiện ra dấu tích của đường hầm dẫn đến kho báu.

Dị nhân này đã bỏ thời gian đi khảo sát và khẳng định đó là ngọn núi Mã Cú. Ông Công cứ theo gia phả chỉ dẫn, miệt mài đào bới cho đến lúc phát hiện ra một phiến đá ghi chữ Vương. Nghĩ mình đã tìm đúng hướng, ông phấn khởi dựng ngay lán sinh hoạt và ở luôn địa điểm ấy, làm đơn gửi lên các cấp và bắt đầu hành trình đi tìm kho báu từ năm 1987.

Có một luồng ý kiến khác lại khẳng định rằng, vào năm 1982, ông Nguyễn Hồng Công được người anh trai là thủy thủ tàu viễn dương cho một tấm bản đồ khi từ Pháp về. Sẵn máu săn tìm kho báu, ông Công bỏ ra 5 năm công sức sưu tầm tư liệu, vẽ một tấm bản đồ về cuộc hành trình của đạo quân kháng chiến Cần Vương từ lúc tập kích thất bại ở đồn Mang Cá cho đến lúc tan rã, và khẳng định kho báu được chôn giấu ở vùng núi non trùng điệp thuộc xã Hóa Sơn, Minh Hóa, Quảng Bình.

t597607
Lối vào "kho báu" được ông Công xác định trước đây, ảnh tư liệu
IMG_5959

Mộ ông Nguyễn Hồng Công - người tìm vàng xuyên 2 thế kỷ dưới chân núi Mã Cú

Thực hư thế nào không biết, nhưng có vẻ những “tài liệu” và tài thuyết phục của ông Công đã tạo được độ tin cậy nhất định. Năm 1987, UBND tỉnh Bình Trị Thiên (lúc bấy giờ) đồng ý cùng với dị nhân tổ chức cuộc tìm kiếm kho báu. Những ngày ấy, đội quân tìm vàng với 1 đống thiết bị máy móc được công an bảo vệ đã làm việc hì hục suốt ngày đêm, náo nhiệt cả một vùng núi Hóa Sơn.

Nhiều thanh niên trai tráng trong vùng được thuê vào khuân vác đất đá, cùng với máy móc khoét núi mở đường. Tuy nhiên cho đến năm 1988, tiền bạc của dị nhân Nguyễn Hồng Công cạn sạch trong khi dấu vết kho vàng vẫn còn mờ mịt. Số người tham gia đào bới lần lượt rơi rụng hết và chỉ còn lại mỗi mình dị nhân trên núi.

Thời gian đó, tỉnh Bình Trị Thiên cũng cử một đoàn đầy đủ các thành phần, các cơ quan chức năng lên Minh Hóa để... tiếp nhận và đưa vàng về. Thế nhưng vàng không có, đoàn trở về Huế tay không cùng với những cái lắc đầu ngao ngán.

Dù máy móc đã phải bán dần để thu hồi lại vốn, dị nhân Nguyễn Hồng Công vẫn không nản chí, với những trang thiết bị đơn sơ vẫn lặng lẽ miệt mài đào bới. Dân Hóa Sơn thấy lâu lâu ông  mới xuất hiện, chủ yếu mua lương thực, sau đó lại biến mất sau những rặng núi.

10 năm sau, vào năm 1997, dị nhân tiếp tục gửi đơn lên các cơ quan chức năng lần thứ 2. Lần này, ông khẳng định chắc nịch đã tìm thấy kho báu, và mạnh dạn đề nghị mức độ ăn chia. Cụ thể, ông Công bảo rằng suốt 15 năm tìm kiếm, chi phí hết khoảng 240 triệu đồng (vào thời điểm trước năm 90). Số tiền đó do chính tay ông vay mượn nên vào thời điểm gửi đơn lần 2, tính ra ông phải trả nợ số tiền tương đương 5 tỷ đồng. Ông Công xin được hưởng 25% cả thuế trên tổng giá trị tài sản tìm thấy, một nửa thanh toán bằng hiện vật, một nửa thanh toán bằng tiền mặt và thời hạn thanh toán chậm nhất 50 ngày kể từ khi chuyển kho báu đào được trong núi Mã Cú về địa điểm tập kết.

Thế nhưng, một lần nữa, đoàn cán bộ liên ngành của tỉnh được cử lên “mở cửa kho báu” theo yêu cầu của dị nhân, lại lắc đầu ngán ngẩm và trở về với 2 bàn tay trắng.

Còn tiếp…

Nguồn tin: VTC News

 Từ khóa: đàn ông

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây