Điều kỳ lạ ở ngôi chùa cầu con xứ Thanh

Thứ hai - 22/09/2014 10:04
Sư thầy Thích Đàm Hưng trụ trì chùa Đô Mỹ (xã Hà Tân, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa) cho hay, nơi đây nhiều điều kỳ lạ nhưng có thật.
Điều kỳ lạ ở ngôi chùa cầu con xứ Thanh
Nhiều người hiếm muộn đi chữa nhiều nơi không được, khi đến chùa làm lễ thời gian sau đã có con.

Cách đây 2 năm tôi đã về chùa, được nghe kể về những người hiếm muộn đến làm lễ sau này có con. Lần này, chúng tôi vui mừng khi thầy trụ trì chùa nói, nhờ bài viết đăng tải trên báo mà nhiều gia đình hiếm muộn tìm về chùa làm lễ. Sau này họ được làm cha, làm mẹ.

Có con nhờ tâm an
Theo thống kê của thầy Hưng thì có rất nhiều vợ chồng hiếm muộn đến nhờ thầy làm lễ, sau đó có con. “Nhiều lắm, tôi chưa thể thống kê hết trong lúc này. Trong tỉnh, ngoài tỉnh đều có cả. Có gia đình không có con do chồng hoặc vợ bị bệnh. Có vợ chồng khỏe mạnh bình thường, nhưng cưới nhau nhiều năm vẫn không có con. Vì thế, họ đã tìm về chùa, nhờ tôi làm lễ để cầu kiếm mụn con”, thầy Hưng cho biết.

Thầy Hưng kể, cách đây mấy năm có một ông giám đốc trên TP Thanh Hóa tìm về chùa nhờ thầy làm lễ cầu con. Người vợ bị bệnh về đường sinh sản, nên không có con. Trước đó, mấy lần vợ chồng họ vào Bệnh viện Từ Dũ TPHCM để cấy ghép thai, nhưng vẫn bị hỏng. Lần này, về chùa nhờ thầy Hưng làm lễ cũng là cách cuối cùng để mong có con. Thầy Hưng thương cảm nhận lời, nhưng nói trước là nhà chùa không khẳng định cầu là có con. Hằng tháng, vợ chồng ông giám đốc đều về để thầy Hưng làm lễ và hướng dẫn ăn chay niệm Phật. Thật kỳ diệu, sau 1 năm, vợ chồng họ thông báo với thầy Hưng có em bé.  

Theo thầy Hưng, không phải ai đến cầu cũng có con. Quan trọng họ đến cầu phải chân thành. Những gia đình cầu được con nhờ họ có đức tin lớn. Đặc biệt, họ phải là người có duyên với chùa thì cầu mới được như ý muốn.


Lầu Quan Âm được một gia đình cung tiến cho chùa.
Theo danh sách những người được thầy Hưng làm lễ, chúng tôi đã tìm gặp anh Tống Ngọc Long thôn Tân Ninh (xã Hà Ninh, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa). Anh Long kể: “Trước đây vợ chồng anh cưới nhau 8 năm trời nhưng không có con. Đi khám ở nhiều bệnh viện khác nhau, các bác sĩ đều khẳng định vợ chồng tôi không có bệnh gì về đường sinh sản. Nhưng không hiểu vì sao mà vẫn hiếm muộn. Chúng tôi lo lắng quá, nhưng không biết làm thế nào. Tình cờ tôi gặp được thầy Hưng, sau đó nhờ thầy làm lễ. Cứ đến ngày rằm, ngày lễ thầy Hưng lại gọi vợ chồng tôi đến chùa làm lễ. Vợ chồng tôi kiên trì theo thầy lễ Phật trong 3 năm thì có con. Vui mừng hơn, đó lại là cháu trai kháu khỉnh đầu lòng. Hiện cháu trai của vợ chồng tôi được 16 tháng tuổi. Vợ chồng tôi cảm ơn thầy Hưng nhiều lắm, nhờ thầy mà vợ chồng tôi mới có con”.

Anh Long cho hay, anh cũng không hiểu thầy Hưng làm lễ như thế nào, mỗi lần đến lễ anh chỉ mang theo chút vàng hương để lễ Phật. Lễ xong về nhà vợ chồng anh thấy tâm an, vững tin hơn trong việc có con.

Trao đổi với chúng tôi anh Nguyễn Văn Hà (phố Lò Đúc, phường Đống Mác, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) cho biết: Trước đây, vợ chồng anh lấy nhau mấy năm mà không có con. Khi đi khám mới biết cả hai gặp vấn đề về sinh lý. “Trước khi vào chùa Đô Mỹ nhờ thầy Hưng làm lễ xin con, vợ chồng tôi đã đi chữa trị, nhưng chưa có con. Chúng tôi làm lễ trong hai tháng thì vợ tôi mang thai. Hiện vợ chồng tôi có cháu gái được 1 tuổi. Tôi cho rằng việc vợ chồng tôi có con nhờ một phần do thầy Hưng làm lễ. Phần còn lại cũng có sự can thiệp của Tây y”, anh Hà kể.


Thời gian qua, nhiều vợ chồng nhờ thầy Hưng làm lễ đã có con.
Nhà chùa không làm kinh tế
Theo thầy Hưng, thầy không kể giàu nghèo, ai lâm vào cảnh hiếm muộn đến nhờ thầy cũng giúp đỡ. Thầy không cần mâm cao cỗ đầy khi hành lễ, mà cần lòng thành của họ. Khi đến lễ, chỉ cần mang theo hoa quả, vàng hương là được. Gia đình nào cầu được con, đến tạ ơn thế nào thì tùy vào mỗi người. Thầy muốn mọi cái phải tự nhiên, xuất phát từ đáy lòng của mỗi người.

Thế nhưng, năm ngoái có một gia đình ở xa đến cầu con, họ nói chuyện khiến thầy phật ý. “Người đàn ông đi cùng phụ nữ, nhìn ngó xung quanh chùa và nói: Con thấy ngôi chùa của thầy nổi tiếng cầu con. Nhưng sao, chùa nghèo vậy thầy. Ở chùa khác, khi người dân đến lễ phải trả tiền cho nhà chùa. Có khi nhà chùa còn ra giá. Chùa mình mà làm thế mới có tiền. Tôi trả lời thẳng, chùa chúng tôi chỉ làm phúc cho người dân, chùa chứ không phải nơi làm kinh tế”, thầy Hưng kể.

Bao nhiêu năm qua, thầy làm lễ cầu có con cho nhiều gia đình, nhưng thầy Hưng chưa đặt điều kiện bất cứ ai. Nhiều người, cảm phục tấm lòng Bồ Tát của thầy, đã đem cung tiến hiện vật cho chùa. Mấy năm trước, một gia đình ở TP Thanh Hóa nhờ cầu được con đã cho người về xây dựng lầu Quan Âm đặt trong khuôn viên chùa để tạ ơn thầy Hưng.

 

Hướng dẫn các em nhỏ học bài.

Cưu mang những số phận
Không chỉ “mát tay” trong việc làm lễ cho các gia đình hiếm muộn, hơn chục năm qua thầy Hưng đón nhiều cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về chùa nuôi dưỡng. “Cuộc sống này, nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn lắm. Có cháu gia đình quá nghèo khó, có cháu mồ côi cha mẹ. Tôi đều đón các cháu vào chùa nuôi dưỡng và cho học hành”, thầy Hưng cho biết.

Thầy Hưng kể: Mấy năm trước, có một bà cụ (xã Quảng Trạch, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) dẫn một cháu bé đến chùa, khóc lóc nói: Bố cháu mất từ khi cháu lên 3 tuổi, vài năm sau mẹ cháu đi lấy chồng. Mấy năm nay, cháu sống với bà. Nhưng hiện nay, sức khỏe của bà yếu, không làm nuôi cháu được nữa. Vì thế, bà đến mong nhà chùa nhận cháu ở lại sinh sống. Cảm thông hoàn cảnh của cháu bé, thầy Hưng đã nhận cháu ở lại chùa và cho đi học.

Theo thầy Hưng, nhờ nhà chùa cưu mang mà nhiều cháu thay đổi cuộc sống. Có em đã thành đạt như: Em Nguyễn Thị Hạnh (xã Hoằng Ngọc, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) nhờ nhà chùa nuôi dưỡng, cho ăn học. Hạnh đã học lên đến bậc đại học, sau đó xin được công việc ổn định và đã lập gia đình.


Nói về sự việc lùm xùm liên quan tới chùa Bồ Đề (phường Bồ Đề, quận Long Biên, TP Hà Nội) trong thời gian qua, thầy Hưng cho rằng, không có chuyện nhà chùa buôn bán trẻ nhỏ lấy tiền. Chỉ có thể là, có người đến xin trẻ sống trong chùa về làm con nuôi và sau đó họ cảm ơn nhà chùa một số tiền nhất định.
 
Thời gian qua, có nhiều người hiếm muộn đến chùa Đô Mỹ cầu con. Do chưa tìm hiểu thực tế, nên xã chưa biết hiệu quả thế nào. Nhà chùa hiện nuôi 4 cháu nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Khi các cháu về đây, nhà chùa lên báo cáo với UBND xã Hà Tân. Chi phí ăn ở, học hành của các cháu đều do nhà chùa lo liệu. Ông Đỗ Thanh Phong (Phó Chủ tịch UBND xã Hà Tân).

Tác giả bài viết: Đức Lợi

 Từ khóa: trụ trì, sư thầy

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây