Bà Thu phụ việc ở quán phở gần nhà. Từ rạng sáng, bà chạy chiếc xe máy cà tàng đến dựng trước quán phở rồi lao vào công việc, từ nhặt, rửa rau, xắt ớt, chanh, xé sợi phở, lau bàn ghế đến bưng bê, quét dọn... Bà cho biết, mỗi ngày, ngoài tiền công phụ bán phở được 70 nghìn đồng, bà còn kiếm được chừng 30 ngàn đồng từ việc chạy xe ôm.
Bà trải lòng về cuộc đời đầy cơ cực. Bươn chải từ nhỏ, lớn lên và về già cuộc sống vẫn không khá hơn. Theo chồng đi buôn bán và sinh sống lênh đênh trên ghe nhiều năm trời, chưa có công việc gì mà bà chưa làm. Từ bán rau, bún, cá, chè, bánh đến mua bán ve chai và bây giờ là làm mướn.
Cứ thế, đến khoảng 8 giờ, quán vắng khách, bà Thu nhanh chân chạy về chuẩn bị “đồ nghề” đi vá đường. Dẫn vào nhà bà là con hẻm nhỏ hướng ra sông Sa Đéc gió thổi mát rượi. Căn nhà bà thuê trọ ở cùng đứa cháu ngoại suốt 15 năm qua cũ nát, lụp xụp. Những miếng ngói âm dương vỡ sấp ngửa trên mái nhà, vách ván nhiều tấm cũng mục nát.
Theo báo GiaLai Online, khi nói về lý do đến với nghề vá lộ, bà Thu chia sẻ: “Có lần tôi tận mắt chứng kiến người ta vấp ổ gà ngã chết tại chỗ, lần khác thấy té bị thương nặng rồi cũng tử vong sau đó khiến tôi bị ám ảnh nên muốn làm gì đó giúp mọi người khi đi trên những tuyến đường xuống cấp”.
Giúp người giúp đời
Thường thì bà Thu vá đường ở Sa Đéc, trong một lần đi ngang qua tuyến đường ở xã An Hiệp, huyện Châu Thành; bà thấy đường xuống cấp nên chạnh lòng. Về nhà đắn đo suy nghĩ, rồi bà quyết định đem số tiền 40 triệu đồng dành dụm để cất nhà mang ra… vá đường.
Ban đầu bà Thu lượm than đá và gạch vụn lấp những ổ gà. Sau một thời gian, thấy cách làm của mình không mang lại hiệu quả cao nên bà chuyển sang vá những điểm hư hỏng bằng xi-măng, cát đá. Tính ra bà làm công việc này đã được hơn chục năm nay. Bà Thu chia sẻ trên báo Gia Lai Online - “Lúc đầu đi ngang thấy mấy ông thợ hồ dội nước vào chỗ bị hư, rồi trộn cát đá đắp vào đó nên về bắt chước làm theo."
Nhiều lúc, vì lo vá đường mà bà Thu quên cả việc ăn cơm. Có khi buổi sáng bà chỉ uống một cốc trà đá tại quán phở của chủ rồi mua ổ bánh mì không lót dạ, vì nghĩ ăn cơm sẽ không còn tiền để mua xi-măng. Nhiều người đi ngang ghé đóng góp tiền nhưng bà đều từ chối.
Bất kể nắng mưa và bất kể ổ gà được vá bao nhiêu lần, chỉ cần con đường bằng phẳng cho bà con đi lại dễ dàng là sẵn lòng làm.Theo thông tin trên báo Giao Thông, bà Thu chia sẻ - “Có lần tôi đang trộn hồ, xe hơi cán ngang bắn cả cát, đất và xi măng vào mặt. Lúc đó tôi cũng giận, nhưng nghĩ lại đây là việc mình tự nguyện, không ai bắt mình làm nên tự nhủ phải nhẫn, nếu không rất dễ bỏ cuộc”.
Mỗi ngày bà Thu vá cả chục ổ gà, ổ voi, hôm nào mệt vá ít nhất cũng dăm ba cái nhưng không nghỉ ngày nào. Nhìn tuyến giao thông chính nối từ cù lao An Hiệp với TP Sa Đéc chi chít những vết xi măng mới được vá ai đi ngang qua cũng trầm trồ, thán phục trước hành động của người phụ nữ này.
Thấy việc làm của bà Thu, lãnh đạo địa phương nhiều lần ngỏ ý cho dân quân tự vệ phụ bà vá đường hoặc có những nhà hảo tâm muốn góp tiền cho bà mua vật liệu nhưng bà đều từ chối vì sợ sức mình làm không nổi rồi lại mang tiếng nên có bao nhiêu tiền bà làm bấy nhiêu.
Thu Hằng tổng hợp
Nguồn tin: Phununews
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự