Dời chùa tới bao giờ, sạch chùa trong những dự án đô thị mới

Thứ bảy - 16/07/2016 20:03
Đến nay, tổng diện tích đất thu hồi để xây dựng dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2, TP.HCM) đã đạt trên 99%.
Thầy Thích Chúc Đạo tại ngôi chùa Đông Hưng mới xây dựng khang trang ở P.An Phú, Q.2, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Thầy Thích Chúc Đạo tại ngôi chùa Đông Hưng mới xây dựng khang trang ở P.An Phú, Q.2, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Bên cạnh hàng chục ngàn hộ dân đồng thuận di dời còn có nhiều cơ sở tôn giáo, cơ sở thờ tự, tín ngưỡng đã thuận lòng giao đất để thực hiện dự án, góp phần vào sự phát triển chung của TP.

Vừa dẫn khách vào tham quan khuôn viên ngôi chùa mới xây khang trang, mát mẻ, thầy Thích Chúc Đạo, trụ trì chùa Đông Hưng (P.An Phú, Q.2) không quên nhắc chuyện ngày xưa...


Xa rồi quá khứ nước ngập, chùa xuống cấp

“Ngày xưa” mà thầy Thích Chúc Đạo nhắc cách đây không lâu, khi nhà chùa còn tọa lạc tại P.An Khánh, Q.2. Khi đó, năm nào chùa cũng bị ngập nước. Mỗi con nước lên gây ngập kéo dài cả tuần. Không có chỗ nào trong chùa là chưa bị ngập nên chùa xuống cấp dần. Nhà chùa đã nghĩ đến việc phải sửa sang lại.

Giữa lúc đó thì có chủ trương di dời chùa để giao đất xây dựng dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm. Thầy Thích Chúc Đạo nhớ lại: “Thật tình lúc đó các thành viên nhà chùa rất băn khoăn. Trước giờ phật tử đã quen thuộc với nơi này, dời sang nơi khác liệu có tốt hơn không? Rồi kinh phí xây dựng mới phải tính toán sao? Bao nhiêu chuyện phải nghĩ”.

Lúc đầu làm việc với chính quyền Q.2, thầy Thích Chúc Đạo được biết quận bố trí cho chùa dời ra khu Nam Rạch Chiếc. Khi đó, cơ sở hạ tầng ở khu này còn chưa có gì, nhưng nhà chùa cũng đồng thuận vì xét thấy chỗ mới tuy xa Q.1 nhưng lại gần đường cao tốc, gần cầu Phú Mỹ, tương lai sẽ rất thuận tiện cho việc đi lại của phật tử thập phương.

sau, do khu vực này hạ tầng hoàn thiện chậm nên Q.2 bố trí cho chùa một khu đất khác thuận lợi hơn ở P.An Phú. Hiện nay khuôn viên của ngôi chùa mới rộng hơn 400m2 so với trước. Kinh phí xây dựng mới cũng được TP hỗ trợ một phần.

Công trình xây dựng khang trang với 1 trệt, 3 lầu. Khu chánh điện trang trọng, uy nghiêm. Trong suốt quá trình thiết kế, xây dựng, nhà chùa được chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục cấp phép xây dựng, hỗ trợ kéo điện, nước... để công trình sớm hoàn thành.

Đến nay, chùa Đông Hưng là nơi lui tới của rất nhiều phật tử.


Tốt đạo, đẹp đời

Tại sảnh tiếp khách của thánh thất liên phường Thủ Thiêm - An Phú là chiếc thuyền bát nhã nhiều màu sắc được đặt trang trọng.

Hiền huynh giáo hữu cai quản Ngọc Hay Thanh (Trương Văn Hay) cho biết từ lúc mới di dời từ ấp Cây Bàng, P.Thủ Thiêm về địa điểm này (P.An Phú, Q.2), dù còn nhiều khó khăn nhưng họ đạo vẫn thu vén, gói ghém các khoản để mua chiếc thuyền bát nhã này nhằm hỗ trợ bà con trong vùng khi có tang ma.

Sau quá trình xây dựng, đến nay thánh thất gần như đã hoàn thiện với tổng diện tích xây dựng gần 1.300m2. Theo ông Hay, thánh thất hiện tại khang trang gấp nhiều lần nơi cũ - vốn chỉ là một gian nhà cấp 4 cũ kỹ.

Ông Hay kể năm 2011, khi chấp hành chủ trương di dời thánh thất, bàn giao 220m2 mặt bằng cho dự án khu đô thị Thủ Thiêm, họ đạo nhận được mặt bằng mới rộng khoảng 300m2.

Tiền đền bù kiến trúc cộng với tiền tích lũy từ trước tổng cộng được chừng 500 triệu đồng. Số tiền này chỉ đủ để kêu thợ về đóng cọc, mua sắt thép dựng lên phần khung, nhưng nhờ có các cán bộ ở quận, phường đi vận động tài trợ, xin cây, ván về xây dựng được tầng trệt thánh thất. Thời gian sau, TP có chính sách hỗ trợ bổ sung, cộng thêm sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân đã giúp hoàn thiện khâu xây dựng thánh thất với sảnh tiếp khách và các gian thờ.

Nếu như ở địa điểm cũ thánh thất đón khoảng 600 tín đồ thường xuyên thì đến nay, dù dời về vị trí còn mới mẻ nhưng số tín đồ tìm đến cũng đạt tầm 400 người. Tương lai khi khu đô thị mới đã hình thành, cư dân về ở ổn định, thánh thất sẽ thu hút được nhiều tín đồ hơn.

Ông Trần Đoàn Trung, trưởng Ban tuyên giáo Q.2, chia sẻ khi tiến hành các bước di dời các cơ sở tôn giáo, cơ sở thờ tự, cơ sở tín ngưỡng dân gian nằm trong khu đô thị mới Thủ Thiêm, Q.2 luôn quan tâm lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của các cơ sở.

“Từ nhận thức việc di dời cơ sở tôn giáo là phải tái bố trí địa điểm khác phù hợp, thuận tiện cho các hoạt động sinh hoạt tôn giáo ngay tại địa bàn quận nên chúng tôi coi trọng việc trao đổi, thỏa thuận với các cơ sở để đạt đồng thuận cao nhất. Diện tích bố trí mới đảm bảo rộng hơn nơi cũ ít nhất 10%. Ngoài ra, quận còn tạo mọi thuận lợi trong thực hiện các thủ tục hành chính để cơ sở nhanh chóng đi vào ổn định hoạt 
động” - ông Trung nói.

22 cơ sở tôn giáo, thờ tự, tín ngưỡng 
đã di dời

Theo thống kê mới nhất, trong khu đô thị mới Thủ Thiêm đã có 22 cơ sở tôn giáo, thờ tự, tín ngưỡng đồng thuận di dời, bàn giao mặt bằng (trong đó có 10 chùa).

Tất cả các cơ sở này đã xây dựng lại nơi thờ tự mới, được bố trí ở các khu dân cư thuộc các phường trên địa bàn Q.2 với cơ sở khang trang hơn và đang sinh hoạt tôn giáo ổn định.

Đến nay, còn khoảng 6,8ha đất chưa giải phóng mặt bằng, trong đó có cơ sở thờ tự chùa Liên Trì.

Cơ sở thờ tự chùa Liên Trì được tái bố trí khu đất diện tích 698,1m2, thuộc khu dân cư 50ha P.Cát Lái, Q.2, đã có đầy đủ cơ sở hạ tầng (diện tích được tái bố trí lớn hơn diện tích đang sử dụng phải giải tỏa là 88m2).

Tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ khi chấp hành di dời giải tỏa là hơn 9 tỉ đồng. Tuy nhiên, phía Q.2 đã vận động, thuyết phục nhiều năm nhưng nhà chùa chưa đồng thuận. Mới đây, UBND Q.2 đã ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất cơ sở thờ tự chùa Liên Trì.

Thời gian thu hồi dự kiến trong tháng 7-2016.

Nguồn tin: Vedepphatphap.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây