Chị T., một người bán hàng rong ở chùa Phước Kiển (xã Hoà Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp), cho biết: “Tôi chẳng biết hai cụ rùa đã sống được bao nhiêu năm nhưng hai cụ rùa khôn lắm. Mỗi khi nghe tiếng gõ của sư thầy, hai cụ bò ra chánh điện và nằm im nghe kinh Phật hoặc để du khách vuốt, cho tiền…”.
Chị M. bán xoài kế bên nói thêm: “Tui thấy ai đến chùa sau khi viếng Phật xong cũng đến hai cụ vuốt ve rồi đặt tiền trên mai rùa và cầu nguyện. Bởi thế suốt ngày hai cụ không được xuống nước mà chỉ ở chánh điện cùng với sư thầy. Có lúc do “tiếp khách” nhiều quá, hai cụ cũng mệt lử, nhất là những ngày thứ bảy, chủ nhật”.
Trao đổi với PV Dân trí, sư Thích Huệ Từ - chủ chùa Phước Kiển - cho biết: “Tính đến nay cụ lớn đã thọ 101 tuổi, cụ nhỏ hơn cũng 97 tuổi. Ngay từ nhỏ, hai cụ được sư ông cho ăn chay và hai cụ chỉ ăn mỗi thứ rau muống. Hàng ngày sau khi 2 cụ được vệ sinh là tự động bò lên chánh điện nằm nghe kinh”.
Trên lưng hai cụ rùa và hai ông rùa được nhà chùa buộc sẵn sợi dây chun để phật tử nhét tiền vào. Giải thích về việc nhiều người đến cúng bái, bỏ tiền trên mai rùa, sư Huệ Từ cho biết: “Về việc người ta đến vuốt ve cụ là có ý xin cụ phù hộ được sống thọ như hai cụ. Còn việc du khách, phật tử đặt tiền trên mai rùa là vì họ quan niệm “cứu vật, vật trả ơn” nên họ bỏ tiền để nhà chùa mua rau muống cho hai cụ ăn hàng ngày”.
Về lời đồn thổi “hai cụ rùa đang “hái” ra tiền cho nhà chùa”, sư Huệ Từ cho biết: “Ở một ngôi chùa nhỏ và chùa ở vùng sâu, xa thế này thì có bao nhiêu du khách, phật tử đến viếng chùa? Vả lại du khách, phật tử có đặt tiền lên mai rùa chỉ là số tiền nhỏ để nhà chùa mua rau cho hai cụ ăn. Nếu có dư nhà chùa đã dùng vào việc nhang đèn”.
Theo sư Huệ Từ, cũng chính vì những lời đồn thổi này thời gian qua nhà chùa rất vất vả bảo vệ cho hai cụ rùa. “Hai cụ rùa không dưới 4 - 5 lần bị kẻ gian bắt trộm; sau 2 - 3 ngày họ điện thoại đến nhà chùa đòi tiền chuộc. Mỗi lần như vậy nhà chùa lại phải bỏ ra từ 2 - 3 triệu đồng mới đưa được hai cụ rùa về chùa”.
Nhiều du khách đến vuốt cụ rùa để cầu được khoẻ mạnh Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Hoàng Việt - nguyên Bí thư xã Hoà Tân - cho biết, đây là chùa nhà của sư Huệ Từ, do gia đình sư Thích Huệ Từ lập từ rất lâu, đến nay đã trải qua 3 đời. Trước đây vùng này là vùng kháng chiến và khoảng 1969 -1970, khi gia đình sư Huệ Từ bỏ chùa, du kích ở địa phương đến ở, sau đó cách mạng dùng nơi này làm kho quân khí cho hậu cần tỉnh Vĩnh Long. Đến năm 1975, gia đình sư Huệ Từ tiếp quản lại chùa và gìn giữ cho đến nay. Thời gian qua, UBMTTQ huyện kết hợp với địa phương nhiều lần đến vận động sư Huệ Từ gia nhập Giáo hội Phật giáo để có chức sắc, chức vụ,… nhưng sư Huệ Từ vẫn chưa đồng ý.
Ông Việt cũng cho biết thêm, sở dĩ khách đến chùa mỗi ngày một đông như hiện nay là vì giống sen lạ và những câu chuyện ly kỳ giữa đôi bạn Hạc và Rùa mà người ta đồn thổi. Vào ngày thứ bảy, chủ nhật có khoảng 100 lượt khách từ nhiều tỉnh đến viếng chùa. Đông nhất là từ sau Tết Nguyên đán, người dân đi viếng Miếu Bà Chúa Xứ ở An Giang sẵn tiện ghé chùa nên có ngày lên mấy trăm lượt người đến viếng chùa, thăm sen, thăm hai cụ rùa.
Theo ghi nhận của PV Dân trí, ngoài những cảnh mua bán lộn xộn trong khuôn viên chùa, đội ngũ xe ôm ở đây cũng rất biết “chặt chém” du khách. Anh Minh - một du khách đến từ TP Cần Thơ - cho biết: “Từ UBND xã Hoà Tân (do đường nhỏ nên du khách đi ô tô phải đỗ xe cạnh UBND xã Hoà Tân rồi đi xe ôm đến chùa - PV) đến chùa chỉ khoảng 1km nhưng mấy anh xe ôm chở mỗi chuyến 15.000 đồng là quá đắt, địa phương nên quản lý để người dân đến viếng chùa nhiều hơn”.