Đừng làm tổn thương thêm những đứa trẻ ở chùa Bồ Đề

Thứ sáu - 15/08/2014 07:47
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin về việc 11 cháu nhỏ sinh sống tại chùa Bồ Đề nghi mất tích, cơ quan công an đã vào cuộc xác minh rõ tên tuổi, nơi cư trú và danh tính người thân từng em. Kết quả cho thấy, không mất một cháu nhỏ nào… Đó là những gì mà lãnh đạo Công an quận Long Biên (Hà Nội) khẳng định với PetroTimes vào chiều ngày 11/8.

Chùa Bồ Đề: Hóa ra chẳng mất cháu nhỏ nào!

Trước đó, dư luận đồn thổi về việc, trong khoảng thời gian từ năm 2007 đến 2009, 11 cháu bé mồ côi sinh sống tại chùa Bồ Đề bỗng dưng mất tích một cách bí ẩn. Vào cuộc điều, cơ quan công an làm rõ, toàn bộ các cháu do nhà chùa tiếp nhận không thiếu một người nào. Những trường hợp này vắng mặt tại chùa vì bố mẹ các cháu đón về nuôi, hoặc đi điều trị bệnh, đến chùa khác ở.

“Nhiều cháu nhỏ ngay sau khi được sinh ra, chúng bị bố mẹ mang đến chùa nhờ nuôi dưỡng do hoàn cảnh gia đình éo le hoặc không đủ năng lực chăm sóc. Sau một thời gian, khi cuộc sống của họ khấm khá, họ chủ động đến chùa xin lại và đưa về nhà nuôi” – lãnh đạo Công an quận Long Biên nói.

Theo cơ quan công an, hiện trong chùa có tất cả 215 người đang sinh sống và công tác tại chùa. Trẻ em mồ côi do nhà chùa nhận nuôi gần 200 em. Một số trẻ đang sống tại chùa không thuộc diện trẻ mồ côi, cơ nhỡ. Những trường hợp này do một số người phụ nữ không có công ăn việc làm, cuộc sống khó khăn nên đến chùa xin giúp việc chăm sóc trẻ. Nhiều người khi đến mang theo cả con nhỏ.

Đừng làm tổn thương thêm những đứa trẻ ở chùa Bồ Đề

Nhà chùa tiếp nhận và nuôi dưỡng những đứa trẻ cơ nhỡ, mồ côi là việc làm xuất phát từ cái tâm, cái thiện. Mấy chục năm qua, nhà chùa vượt qua biết bao gian truân, vất vả nuôi dưỡng những mảnh đời bất hành thành người. Tuy nhiên, do nhà sư thiếu kiến thức chuyên môn, không có kinh nghiệm quản lý, lại tin người nên bị kẻ xấu lợi dụng để trục lợi cá nhân.

Những ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm đến số phận của gần 200 cháu nhỏ đang nương nhờ chùa Bồ Đề sẽ ra sao, sau hành vi mất nhân tính của một số đối tượng đang tâm mang cháu bé 4 tuổi đi bán. Đưa các cháu đến trung tâm bảo trợ xã hội ư? Cuộc sống của những đứa trẻ mồ côi sẽ như thế nào, khi mà chúng coi cửa chùa là gia đình, nơi nượng tựa từ khi mới đỏ hỏn.

Chúng tôi đã “gõ cửa” các cơ quan chức năng để tìm hiểu rõ vụ việc. Theo một lãnh đạo Công an quận Long Biên, Hà Nội, việc nuôi dưỡng trẻ tại chùa Bồ Đề có từ mấy chục năm qua. Manh nha của việc này xuất phát từ một số người phụ nữ sinh con, nhưng hoàn cảnh éo le không thể nuôi dưỡng nên họ mang đến cửa chùa.

Xuất phát từ cái tâm, cái thiện, lòng nhân ái của người xuất gia nên nhà chùa giữ lại nuôi dưỡng. Và cũng nơi đây, không biết bao nhiều mảnh đời đã lớn lên và trưởng thành từ những miếng cơm chay cửa phật. Nhiều người được nhà chùa nuôi dưỡng và lớn lên có công ăn việc làm ổn định. Nhưng họ vẫn quay về sống với các sư trong chùa.

 

Sự việc do Nguyễn Thị Thanh Trang và Phạm Thị Nguyệt gây ra là một vết nhơ cho một ngôi chùa cổ kính, bề thế có lịch sử hàng trăm năm. Sau khi Cơ quan điều tra làm rõ vụ mua bán trẻ em xảy ra tại chùa Bồ Đề, các cấp chính quyền đã vào cuộc để giải quyền và ổn định cuộc sống các cháu nhỏ đang được nhà chùa nuôi dưỡng.

Chiều ngày 11/8, Ủy ban Nhân dân quận Long Biên đã họp bàn với các cơ quan chức năng để thống nhất “số phận” những mảnh đời cơ nhỡ tại chùa Bồ Đề. Tại buổi họp, đại diện các ban ngành tham dự cuộc họp đã nêu ra hai phương án.

Thứ nhất, nếu tiếp tục xuất hiện các trường hợp trẻ bị bỏ rơi trên địa bàn thì đề nghị nhà chùa thông báo với chính quyền địa phương để làm thủ tục tìm kiếm tổ chức chăm sóc thay thế theo quy định của pháp luật.

Đối với những trẻ đang nương nhờ cửa chùa Bồ Đề thì rà soát, lập kế hoạch để tìm kiếm các thông tin gia đình của trẻ, nếu còn người thân thì chuyển trẻ về với gia đình. Trường hợp không còn người thân thì chuyển về các cơ sở bảo trợ xã hội tiếp nhận chăm sóc nuôi dưỡng.

Hai là, thành lập cơ sở nuôi dưỡng trẻ em cơ nhỡ ngay tại chùa Bồ Đề và đề nghị các cấp chính quyền vào cuộc quản lý, chung tay chăm sóc những đứa trẻ này.

Theo một lãnh đạo Công an quận Long Biên, đó là hai phương án đưa ra để xin ý kiến của thành phố. Còn quan điểm của Công an quận, nên duy trì cơ sở nuôi dưỡng trẻ em ngay tại chùa, nhưng phải đưa vào quy chế và quản lý chặt chẽ theo quy định của pháp luật.

Lý giải về vấn đề này, vị lãnh đạo Công an quận khẳng định: Không chỉ riêng chùa Bồ Đề tiếp nhận và nuôi dưỡng trẻ cơ nhỡ. Các cháu nhỏ đã quen sống với nhà chùa, nếu đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần của trẻ. Bên cạnh đó, hiện trong chùa có 22 em nhỏ đang đi học văn hóa và đầu năm học mới này có thêm gần chục cháu nữa đến trường. Nếu đưa chúng vào các trung tâm bảo trợ xã hội thì cuộc sống, học tập sẽ bị đảo lộn. Các em sẽ phải gánh chịu rất nhiều thiệt thòi, đã một lần đau khi chính những người thân yêu nhất bỏ rơi, giờ bắt chúng phải xa chùa thì không biết sẽ ra sao.

"Không nên làm lũ trẻ bị tổn thương thêm...!" - vị này nhấn mạnh.

Đúng như lời vị lãnh đạo Công an quận Long Biên nói, chẳng riêng gì chùa Bồ Đề tiếp nhận, nuôi dưỡng trẻ em cơ nhỡ. Những người đã rũ bỏ bụi trần, quy y cửa phật để tĩnh tâm, nhưng không đành lòng trước những sinh linh bé nhỏ bị chính người thân yêu nhất bỏ rơi, họ không đành lòng khi phải đối diện nên giang rộng vòng tay đón nhận sự gian truân, vất vả.

"Và tôi chỉ tin rằng, những người có tâm, những nhà sư chân chính hãy vẫn vững tin với việc thiện mà mình đang làm. Khi xã hội còn có những đứa trẻ bị bỏ rơi, còn có những người bố người mẹ vô trách nhiệm đang tâm vứt bỏ con mình thì những nơi như chùa Bồ Đề vẫn sẽ là chốn bình yên cần trân trọng" - lãnh đạo công an quận Long Biên chia sẻ.

Tác giả bài viết: Thiên Minh

Nguồn tin: www.petrotimes.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây