Từng bị… “bóng đè” vì cất nhà trên hài cốt
Cuối tháng 11/2015, ông Nguyễn Dũng Thanh (53 tuổi, ngụ ấp Trường Thắng, xã Trường Thành, huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ) bỗng thấy hàng chục cán bộ Huyện đội Thới Lai, Phòng Chính sách xã hội và dân quân xã, ấp… kéo đến.
Họ yêu cầu được đào nền nhà của ông để tìm hài cốt liệt sĩ. Mấy miếng gạch tàu được lật tung lên, rồi mọi người thi nhau đào bới…
Ông Thanh nói: “Trước đây, có vài lần, bên Huyện đội cũng cho người đến đào sau hè, bờ tre… nhà tôi, nhưng tìm không thấy.
Lần này có người chỉ và khẳng định vị trí chính xác, nên hơn 10 ngày trước họ thông báo cho tui dưới nền nhà này có 3 hài cốt liệt sĩ và đề nghị được đào tìm.
Tui cũng từng là bộ đội, nên đồng ý ngay, bởi họ cũng là đồng đội của mình. Mấy ngày nay, tuy cả nhà không… sợ ma, nhưng khi biết chuyện, mỗi lần đi lại trong nhà tui vẫn thấy bàn chân cứ gai gai”.
Ông cho biết, nhiều khả năng cả căn nhà cấp 4 xập xệ của ông sẽ bị xới tung, nên phía Huyện đội Thới Lai thông báo sẽ hỗ trợ bồi thường cho ông khoảng 40 triệu đồng.
Ông Thanh từng là bộ đội, đóng quân ở Campuchia, xuất ngũ vào năm 1987. Sau khi cưới vợ, ông cất nhà trên nền đất này sinh sống đã gần 20 năm nay. Vợ chồng ông sinh được 2 người con.
Gia cảnh ông nghèo khó, hàng ngày ông đi làm thuê, hoặc đặt trúm bắt lươn để nuôi vợ con.
Trước đây, khu đất này để trống. Khi cất nhà, ông Thanh chỉ cho san bằng phẳng, đổ cát rồi lót gạch làm nền cứ không đào xới gì, nên cũng không phát hiện điều bất thường.
“Trong suốt thời gian sinh sống ở đây, vợ con tôi không thấy có biểu hiện gì lạ, ngoại trừ tôi”, ông cho biết. Vợ ông cũng xác nhận, suốt mấy chục năm qua, bà không mơ mộng gì kỳ lạ, hay thấy có hiện tượng gì bất thường…
Ông Thanh kể, mấy năm trước, ông nằm mộng gặp 3 người mặc đồ bộ đội. Họ không nói năng gì, mà hè nhau xúm lại đè ông.
Ông Thanh, người sống trên 3 bộ hài cốt gần 20 năm “Đè khoảng 3 phút, tui tưởng chết đó. Nhưng tui chửi dữ lắm, tui nói: 'Tao cũng từng là bộ đội, tao không sợ ma đâu. Nhưng sao xúm đè tao, chết rồi sao?'. Chừng họ thả ra, tui bừng tỉnh, toát mồ hôi hột”, ông nói.
Hơn 1 tháng trước, ông cũng mơ gặp 3 người này, trong đó có 1 người ra vẻ là chỉ huy, cứ chỉ tay ra lệnh gì đó cho 2 người kia.
Riêng về thông tin có 2 trái lựu đạn được cài chốt sẵn, chôn cùng 3 người bộ đội, ông Thanh khẳng định ông không lo sợ.
“Nếu thực sự có lựu đạn ở bên dưới, huyện đội tin tưởng thì chính tay tui sẽ gỡ. Vì hồi đi bộ đội, tui là lính công binh mà, mấy thứ đó nhằm nhè gì. Lựu đạn chôn dưới đất thì chừng hơn 1 năm đã hỏng, còn để dưới nước thì chỉ chịu được chừng 6 tháng, không có sao hết”, ông Thanh chia sẻ.
Ông Bùi Văn Minh, Chính trị viên Phó, Huyện đội Thới Lai cho hay, thông tin ban đầu thì có 2 quả lựu đạn chôn kèm với thi thể, nhưng sau này, người cung cấp thông tin khẳng định không có.
Tuy nhiên, phía huyện đội vẫn triển khai các biện pháp phòng ngừa sự cố. “Còn 3 liệt sĩ này, nhiều khả năng bị địch bắn và chôn xác vào khoảng năm 1972 - 1973.
Ông Minh khẳng định cả 3 người bị chôn đều là bộ đội Thông tin ban đầu, 3 thi thể lúc đó bị chôn tập thể, chỉ mặc quần đùi, cởi trần, bị xô xuống từng người một và chôn chồng lên nhau, kèm theo 3 cây cột gỗ.
Thời điểm đó, nơi này có Trung đoàn Sông Hương và Sư đoàn 4 đóng quân, nên 3 người này có thể là lính của 1 trong 2 đơn vị này.
Tuy nhiên, đến giờ chưa có thông tin gì khác nên không thể xác định tên tuổi, quê quán, chỉ phán đoán họ là người Bắc”, ông Minh cho biết.
Hơn 13 giờ ngày 27/11, những mảnh xương đầu tiên đã được tìm thấy. Sau khi đào sâu xuống khoảng 1,5m, mọi người tìm thấy những cây cột gỗ.
Đến chiều cùng ngày, những mảnh xương vụn (hầu hết là xương tay chân, đốt sống…) đã gom được đầy chiếc thau, nhưng lẫn lộn và sau này không thể phân biệt là hài cốt của người nào trong 3 người.
Ly kỳ nguyên nhân tìm ra hố chôn tập thể
Theo Huyện đội Thới Lai, thông tin về 3 hài cốt liệt sĩ này đã có từ lâu, nhưng địa điểm thì không chính xác.
Thậm chí, theo thông tin ban đầu, sau khi đẩy xác 3 người xuống hố, lính Ngụy lo bộ đội đến đào lấy xác, nên đã cho chèn theo 2 quả lựu đạn được cài sẵn, để ai động vào thì phát nổ…
“Do người cung cấp tin trước đây là đồn trưởng, lính chế độ cũ, sợ trả thù… nên cứ lập lờ mọi thứ. Mãi đến bây giờ, ông ta mới đồng ý cung cấp cụ thể”, ông Minh cho biết.
Tiếp xúc PV, ông Trần Văn Lễ (78 tuổi, ngụ ấp Trường Thắng) phủ nhận mình từng là đồn trưởng, sĩ quan chế độ cũ. Thậm chí, ông còn khẳng định mình từng là… bộ đội nằm vùng, du kích Trường Lạc.
Ông Lễ, được cho là người đồn trưởng thời chế độ cũ Ông Lễ nói: “Ba tui mất năm 1972, nên tui chỉ nhớ là họ hy sinh sau hay trước đó khoảng 1 năm, chứ khẳng định năm nào thì thua. Lâu quá rồi! Chỉ nhớ bữa đó tui có việc đi 'công tác' ngang, thấy lính Ngụy bắn 3 người 'đàng mình' rồi bắt dân ở đó kéo ghe chở xác về đây chôn, nên mới biết.
Tụi nó đào cái hố dài khoảng 1,8m, rồi xô từng cái xác xuống, lấp đất lên. Tui cũng đâu dám vô nhìn mặt kỹ, sợ lính nó tra khảo mình có thân quen gì không thì… lộ chết. Tui là du kích xã, tham gia cách mạng, phe kia của tụi lính mà. Có lần, tụi nó bắt tui ngâm nước, tra khảo cả đêm luôn đó”.
Nhiều người dân địa phương nghi vấn, nhiều khả năng ông Lễ cũng từng tham vụ chôn 3 người này. Bởi ông biết tường tận vị trí chôn, đầu cả 3 người bị chôn quay về hướng mặt trời mọc, chôn kèm 3 cây cột gỗ, không được che đậy vải bạt gì cả.
Tại buổi khai quật, đích thân ông xác nhận kích cỡ khúc cột được đào lên khá chính xác! Tuy nhiên, sự việc xảy ra quá lâu nên không có bằng chứng xác đáng.
Cũng theo một số người dân địa phương, do ông Lễ biết chính xác 3 hài cốt này vẫn nằm im dưới lòng đất, không ai hay biết suốt mấy chục năm qua, nên lòng áy náy.
Do đó, chính ông đã nhiều lần tung tin về 3 hài cốt này, nhưng không chịu đứng ra cung cấp vị trí cụ thể, mà chỉ nói ở khu vực gần nhà ông Thanh, nên việc dò tìm rất khó khăn. Chỉ đến bây giờ, ông mới chịu chỉ chỗ chính xác.
Ông Minh cho biết, dù sao trước tiên cũng ghi nhận việc hợp tác của ông Lễ. Theo ông Minh, khu vực xã Trường Thành vẫn còn khá nhiều hài cốt liệt sĩ chưa được tìm thấy. Thông tin về việc họ hy sinh, bị chôn xác… thì có, nhưng địa điểm chôn lại mơ hồ.