Đau xót nhìn mộ tiền nhân bị san phẳng
Đến giờ, tôi vẫn nhớ dáng hình tong teo của ông Nguyễn Phước Vĩnh Khánh (người trong Nguyễn Phước tộc) nhiệt tình dẫn chúng tôi lên vị trí được cho là lăng mộ của một bà vợ của vua Tự Đức đang bị san phẳng để phục vụ dự án: “Bãi đỗ xe khách tham quan lăng Tự Đức – lăng Đồng Khánh”.
Hôm ấy, tôi đang ngồi uống cà phê cùng một số đồng nghiệp tại đường Đống Đa (TP. Huế) thì ông Nguyễn Phước Vĩnh Khánh báo tin, một lăng mộ cổ nghi là của vợ vua Tự Đức đã bị một doanh nghiệp dùng máy xúc, máy ủi san phẳng.
Thấy thế, chúng tôi đã hẹn ông khánh ở đường Điện Biên Phủ (TP. Huế) và nhờ ông dẫn lên hiện trường vụ việc. Tới nơi, cảnh tượng đập vào mắt chúng tôi là một phần quả đồi nằm ven con đường vào lăng Tự Đức (thuộc khu vực 3, phường Thủy Xuân, thành phố Huế) đang được một doanh nghiệp dùng máy xúc san phẳng.
Ông Nguyễn Phước Vĩnh Khánh khẳng định, những năm 2009 ông đến vùng đất kể trên, ông có thấy sự xuất hiện của ngôi mộ cổ nghi là vợ của vua Tự Đức. Khi ấy ông có chụp ảnh lại mộ và tấm bia trong mô. Tuy nhiên, hiện tại ông Khánh không nhớ đã lưu số ảnh đó ở đâu.
Video: Hiện trường nơi lăng mộ nghi của vợ vua triều Nguyễn bị san phẳng làm bãi đậu xe
Người dân sống tại khu vực 3 (phường Thủy Xuân, thành phố Huế) cũng một mực khẳng định, tại vị trí đã bị doanh nghiệp san phẳng làm bãi đậu xe từng tồn tại một lăng mộ cổ có kiến trúc giống với lăng bà Học Phi (một vợ khác của vua Tự Đức) nằm cách đó không xa. Tuy nhiên, lăng mộ này có quy mô nhỏ hơn, chỉ bằng nửa lăng mộ của bà Học Phi.
Những dấu tích tại hiện trường cho thấy tại vùng đất này từng có sự tồn tại của một ngôi mộ cổ. (Ảnh: Nguyễn Vương).
Ông Trần Duy Quy (tổ 11, khu vực 3, phường Thủy Xuân) cho biết, nhằm thực hiện Dự án Bãi đỗ xe khách tham quan lăng Tự Đức và lăng Đồng Khánh, chính quyền TP.Huế thu hồi của gia đình ông khoảng 4.000m2 đất nằm ở khu vực đồi Vọng Cảnh. Trên diện tích đất này có nhiều lăng mộ, trong đó có lăng mộ cổ nghi là lăng mộ của vợ vua Tự Đức.
Ngày 19/6 đơn vị thi công đã đưa máy móc san ủi ngôi mộ nghi của vợ vua Tự Đức nêu trên. Dù đã được dân địa phương can ngăn, cảnh báo nhưng lăng mộ này vẫn tiếp tục bị san ủi. Đến sáng nay 20/6, toàn bộ lăng mộ này đã bị san ủi hoàn toàn.
Kẻ nói xuôi, người thổi ngược
Mặc dù người dân và bà con trong Nguyễn Phước tộc một mực khẳng định, tại vị trí bị san ủi có phần mộ nghi là của vợ vua Tự Đức nhưng chủ đầu tư lại một mực khẳng định, trên phần đất này ngoài lăng mộ của bà Học Phi thì không còn lăng mộ nào khác là của vợ vua cả.
Trước khi tìm ra dấu tích của ngôi mộ cổ bị san phẳng, chủ đầu tư một mực khẳng định, theo bản vẽ khảo sát hiện trạng thì trên diện tích đất dự án chỉ có lăng bà Học Phi (một vợ khác của vua Tự Đức, hiện lăng này vẫn được giữ nguyên - PV). (Ảnh: Nguyễn Vương)
Cụ thể, đại diện lãnh đạo Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Chuỗi Giá Trị (đơn vị chủ đầu tư) khi trả lời báo chí lại một mực khẳng định, trước khi đền bù giải phóng mặt bằng, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Huế đã tiến hành kiểm kê lăng mộ trên diện tích đất dự án.
“Theo bản vẽ khảo sát hiện trạng thì trên diện tích đất dự án chỉ có lăng bà Học Phi (một vợ khác của vua Tự Đức, hiện lăng này vẫn được giữ nguyên - PV), vị lãnh đạo Công ty TNHH Chuỗi Giá Trị khẳng định.
Bà Lê Thị An Hòa - Trưởng phòng nghiên cứu khoa học cũng cho biết, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã yêu cầu đơn vị thi công cào xới lại khu vực kể trên để xem có dấu tích lăng vợ vua Tự Đức như người dân nói hay không.
"Chúng tôi đã tìm hết tất cả tư liệu nhưng vẫn không tìm thấy lăng mộ nào của vợ vua Tự Đức như địa điểm người dân chỉ. Nếu ở đây có lăng mộ cổ như dân phản ánh thì chúng tôi đã làm hồ sơ đầy đủ rồi", bà An Hòa khẳng định.
Trong khi đó, đứng từ đằng xa, một người dân có nhà sát cạnh khu vực bị đào bới chỉ tay về phía gần đỉnh đồi mép rừng cây nói, ở đó (vị trí nghi có ngôi mộ cổ) trước đây có một cái lăng mộ nhỏ rất cổ. Lăng mộ có đầy đủ cổng vòm, bình phong và mộ tấm bia đá.
Tuy nhiên, một người dân sống cạnh hiện trường sự việc khẳng định trên phần đất bị san phẳng làm bãi đậu xe có một ngôi mộ cổ. Thậm chí, người dân này còn nhớ từng kiến trúc, vị trí cây cối trong khu lăng mộ bị san lấp. (Ảnh: Nguyễn Vương).
Theo lời kể của người này, khu lăng mộ bị cây cối bao phủ um tùm, hoang phế. Trong lăng có cây cổ thụ lớn và ở phần đất chôn cất người chết xuất hiện lỗ lớn nghi do người dân đào trộm để lấy vàng bạc, châu báu. Đây là việc chỉ xảy ra ở những lăng mộ của những người thuộc dòng dõi hoàng tộc, vua chúa ngày xưa.
"Trước đây tôi thấy lăng này bị bỏ hoang, không ai trông coi nên tôi thường đến phát dọn cây cối và hương khói. Tôi không biết đây có phải lăng của vợ vua hay không nhưng chỉ mong là mọi người sớm tìm được chứng tích", người dân kể trên nói.
Sự vỡ òa của hậu duệ nhà Nguyễn
Dù đứng trước cơn bão thông tin xoay quanh câu chuyện có hay không việc lăng mộ vợ vua Tự Đức bị xới tung làm bãi đậu xe? nhưng một số bà con trong Nguyễn Phước tộc vẫn tin vào thông tin của dân địa phương và phối hợp Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế miệt mài tìm kiếm dấu tích lăng mộ cổ.
Có lẽ tiền nhân đã không phụ lòng người, sau hơn ngày tìm kiếm, đội ngũ tìm kiếm đã phát hiện nhiều dấu tích khẳng định rằng tại vị trí bị san phẳng làm bãi đậu xe từng có một ngôi mộ cổ. Theo đó, trong quá trình tìm kiếm bà con trong Nguyễn Phước tộc đã phát hiện dấu tích của móng thành dày khoảng 40 cm, xây bằng gạch lớn, vôi vữa và một số viên đá xanh.
Ông Tôn Thất Tam Kỳ (người trong Nguyễn Phước tộc) chỉ vị trí phát hiện nền móng tường thành có bề dày 40cm của ngôi mộ cổ. (Ảnh: Nguyễn Vương).
Theo ông Tôn Thất Giáp - người được Ban trị sự Nguyễn Phước tộc giao tham gia việc đào xới, những vật liệu này chứng tỏ nơi đây có lăng mộ lớn, chỉ người quyền quý mới có thể xây dựng được. "Tuy nhiên, chúng tôi chưa biết là lăng mộ của ai. Xưa kia các vua triều Nguyễn có rất nhiều vợ và được chia thành 9 cấp bậc khác nhau nên nhiều người cấp bậc thấp không được ghi vào gia phả dòng họ.
Ngoài ra, trong quá trình khảo sát lăng mộ tổ tiên, dòng tộc chỉ chú ý đến mộ nam giới và những bà có danh tiếng như Từ Cung, Tiên Cung..., nên có thể nhiều lăng mộ của các bà vợ vua ngày xưa bị bỏ sót hoặc không biết vị trí", ông Giáp thông tin.
Dù đã có thể khẳng định tại vị trí đang bị san phẳng làm bãi đậu xe có một ngôi mộ cổ nhưng thông tin về người nằm dưới mộ vẫn là con số 0.
Với quyết tâm tìm đến cùng sự việc, bà con Nguyễn Phước tộc lại tiếp tục lật từng vùng đất đá để tìm tấm bia đá được cho là của ngôi mộ nói trên đã bị đơn vị thi công ủi sâu dưới chỗ nào đó của lòng đất.
Bà con trong Nguyễn Phước tộc thuê máy xúc bới tung nhiều vùng đất để tìm tấm bia của ngôi mộ cổ. (Ảnh: Nguyễn Vương)
14h10 ngày 24/6 người trong Nguyễn Phước tộc như vỡ òa khi đã tìm được tấm bịa mộ kể trên. Tấm bia được xe múc của đội tìm kiếm phát hiện nằm cách mặt đất khoảng 5 – 7cm, cách vị trí được xác định là khu lăng mộ cổ khoảng 50m. Tấm bia được làm bằng đá nguyên khối còn khá nguyên vẹn với chiều dài 67 cm, rộng 32 cm và dày 10 cm.
Trên bia có khắc dòng chữ Hán: 前 朝 才 人 九 階 黎 氏 謚 菽 順 之 墓 (“Tiền triều tài nhân cửu giai Lê Thị thụy Thục Thuận chi mộ"). Tạm dịch: “Mộ của bà Tài Nhân họ Lê, thụy là Thục Thuận”.
Ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết, với những gì ghi trên tấm bia mộ tìm thấy thì có thể khẳng định bước đầu, đây là tấm bia mộ của một bà vợ vua dưới triều đại nhà Nguyễn. Tuy nhiên, bà này có phải vợ vua Tự Đức hay không thì cần phải xác minh thêm.
Căn cứ vào nội dung bia đá tìm được tại hiện trường thì người nằm dưới ngôi mộ cổ bị san lấp làm bãi đậu xe là vợ của một vị vua triều Nguyễn. (Ảnh: Nguyễn Vương)
Cũng theo ông Hải, người nằm dưới mộ có thứ bậc thấp nhất (cửu giai) trong cách sắp xếp thứ bậc của các bà vợ của vua.
Ông Tôn Thất Giáp (Hội đồng trị sự Nguyễn Phước Tộc nghẹn ngào): "Là một người con trong dòng dõi Tôn Thất (con cháu vua chúa), tôi gần như khóc òa vì đã tìm thấy được chứng tích chứng minh lăng mộ cổ là của tổ tiên chúng tôi".
Nguồn tin: VTC News
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự