Mới đây, ở huyện Chợ Lách, Bến Tre, các ngành chức năng đã khai quật một ngôi mộ cổ nằm ở khu phố 2. Qua đó, phần nào giải đáp những thắc mắc, đồn đoán của người dân về những bí ẩn của ngôi mộ có cấu trúc chưa bao giờ thấy ở Việt Nam.
Hằng chục năm qua, nhiều người dân ở huyện Chợ Lách đặt câu hỏi không biết tại sao lại có nhiều ngôi mộ cổ nằm rải rác ở các địa phương và không ai biết nó có tự bao giờ, chủ ngôi mộ là ai. Nhìn bên trên khu mộ, phần lớn là có trụ cổng hình búp sen hay ngọn đuốc, bên cạnh mộ lớn có mộ nhỏ, cách trang trí kiểu người xưa...
Bí ẩn xoay quanh những ngôi mộ cổ
Bà Trương Thị Thi, ấp Long Vinh (xã Long Thới, huyện Chợ Lách) có nhà nằm sát ngôi mộ cổ được cho là lớn nhất ở huyện Chợ Lách cho biết: “Có thể đây là ngôi mộ của những người trong dòng tộc vua chúa vì xung quanh ngôi mộ cổ lớn này có 4 ngôi mộ nhỏ dùng để chôn theo 4 nô tỳ. Nghe đâu những nô tỳ này sẽ đi theo phục vụ chủ ở ngôi mộ chính giữa”.
Nhiều người dân hiếu kỳ đặt câu hỏi liệu có vàng chôn theo trong những ngôi mộ cổ xưa này không. Bởi cách bố trí, kiểu dáng mộ rất giống những ngôi mộ cổ dùng để chôn những bậc vua chúa, những người có công lớn với đất nước được sủng ái trong thời đại lúc bấy giờ. Hơn nữa, tương truyền rằng, các tầng lớp quý tộc thời xưa thường chọn nơi có gò đất cát phù sa được bồi đắp như ở huyện Chợ Lách để làm nghĩa trang gia đình.
“Nó rất cũ và có từ rất lâu đời, kể cả đời ông bà tôi cũng chưa biết là mộ của ai. Những ngôi mộ mà tôi biết đều có chữ trên bia nhưng mờ lắm không thể nào hình dung ra được chữ gì. Thế nhưng, tôi có nghe nhiều người lớn tuổi nói có thể là chữ Hán. Chúng tôi còn đặt nghi vấn dưới ngôi mộ có thể sẽ có vàng vì người xưa thường chôn vàng theo người chết mà” – ông Trần Vinh Sa, một người dân ở xã Long Thới, huyện Chợ Lách kể.
Bà Lê Hải Vân, ngụ ở thị trấn Chợ Lách nói: “Có thời gian, vào ban đêm, một số người lén lút đến đào bới lên tìm. Tuy nhiên, do là mộ cổ, phía dưới nền đất được xây dựng bằng các loại đá, gạch rất vững chắc nên đành bỏ cuộc, về tay không”.
Ông Ngô Văn Trang - Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Chợ Lách nói: “Để giải phóng mặt bằng xây dựng Trung tâm thương mại huyện Chợ Lách, UBND huyện này đã đề xuất Trường Đại học Khoa học xã hội – nhân văn TP.Hồ Chí Minh phối hợp với Sở VHTTDL tỉnh Bến Tre tiến hành khai quật ngôi mộ cổ duy nhất nằm tại khu phố 2, thị trấn Chợ Lách. Đúng như những lời người dân kể, trong lúc khai quật, người ta phát hiện các dấu vết tác động của việc đào bới trước đó nhiều năm. Có thể do người dân hiếu kỳ, tìm kiếm gì đó trong mộ nhưng không thành công do kết cấu vật thể bên dưới rất lớn, nặng”.
Theo người dân địa phương, ban đầu, lực lượng khai quật sử dụng 3 xe cẩu với tải trọng 5 tấn/xe để di chuyển phần kết cấu bên trên ra khỏi vị trí ban đầu để xử lý đến phần kim tĩnh nhưng không cẩu lên được. Sau đó phải huy động thêm chiếc xe cẩu 20 tấn phối hợp mới thành công.
Những phát hiện độc đáo chưa từng có ở Việt Nam
Theo báo cáo sơ bộ của lực lượng khai quật, ngôi mộ được khai quật không phải là một mộ duy nhất mà là có đến 2 mộ nằm trong cùng một quần thể. Trong đó, có một mộ lớn và một mộ nhỏ (bị đất lấp gần như toàn bộ) nằm vuông góc vào thân bên trái của mộ lớn. Sở dĩ phải sử dụng phương tiện máy móc để đem phần vật chất cứng phía trên kim tĩnh lên là vì nó được tạo từ các hợp chất (nhiều chất hợp lại như vôi tôi, san hô, than hoạt tính, cát pha, đất sét,…) rất nặng, cứng rắn.
Phần hợp chất trên không chỉ có ở ngôi mộ lớn mà có cả ở ngôi mộ nhỏ, phần dưới của 2 mộ là gạch và đá ong dùng để đỡ cho kiến trúc bên trên. Riêng mộ lớn có cặp nhà bia hướng Nam được chôn rất sâu, huyệt mộ là huyệt đất, không xây thành kim tĩnh, không có quách gỗ và di cốt người chỉ còn một mảnh sọ người trưởng thành.
Còn nhiều ngôi mộ cổ có quy mô lớn hơn ngôi mộ đã được khai quật. Còn mộ nhỏ nằm kế cạnh mộ lớn, có hình thức mai táng hiếm gặp, được đắp đậy bằng nấm mồ hợp chất vững chắc, huyệt đất không sâu, có chiếc quan tài còn nguyên hình hài. Có thể đoán đây là di cốt trẻ em khoảng 3 tuổi và có khả năng là nam. Bên cạnh đó, lực lượng khai quật còn tìm thấy ở mộ nhỏ nút áo được làm bằng đồng thau, bi đồng (chưa rõ công dụng), xơ dừa và các tàn tích thực vật khác nằm trong quan tài.
“Nghe kể, có lần ông bà tôi thấy có tia lửa dài phát sáng trong đêm rồi nhanh chóng biến mất. Sau đó, ông bà của tôi có làm cơm cúng. Về sau này không thấy nên không cúng nữa. Sống gần ngôi mộ quen rồi, chứ nhiều người ở xa đến thấy rất ớn lạnh bởi cảnh vật khu vực này trông rất ảm đạm, vắng vẻ, nhất là lúc mưa gió” - Bà Trương Thị Thi (ấp Long Vinh xã Long Thới, huyện Chợ Lách)
Lực lượng khai quật phân tích, mộ lớn được chôn sâu và bị ngập nước trong thời gian quá lâu nên nhiều thứ đã bị hủy hoại gần hết. Thế nhưng, ngoài vết tích còn sót lại là mảnh sọ người trưởng thành còn có không ít tàn tích khác rất thú vị, lần đầu tiên được biết ở Việt Nam như xơ dừa, 1 vỏ trái dừa nước, 1 khúc vỏ cây bần cổ thụ, 4 cọng lá cây ráng…
Còn trong khối hợp chất cứng rắn phía trên còn có thêm một mẫu lá thực vật giống lá cây bời lời hay ô dước (2 loại cây này đều nằm trong Sách đỏ Việt Nam). Hiện các mẫu thực vật này đang được nhóm khai quật tham thảo ý kiến của các nhà nghiên cứu thực vật học và dược liệu cổ truyền Việt Nam để “giải mã” những bí ẩn về công dụng cũng như kỹ thuật tẩm liệm của tiền nhân vùng Nam Bộ.
Theo thống kê đến năm 2014, mộ hợp chất phần lớn có ở vùng đất Nam Bộ, qua vài chục mộ hợp chất đã khai quật, lần đầu tiên ở Nam Bộ và cả ở Việt Nam chỉ ghi nhận được loại hình lăng tẩm có nhà mồ hợp chất lại chỉ có huyệt đất và đào sâu tới 275 cm (mộ lớn) ở huyện Chợ Lách.
Đây cũng là lần đầu tiên đoàn khai quật được biết có dạng nhà mồ được thiết kế dành riêng cho trẻ em cỡ nhỏ nhất. Vì vậy, đoàn khai quật rất hoài nghi về thân phận “cụ trẻ” đương thời là “quý tử” vì chết yểu nên được ưu ái nằm bên cha mẹ.
Tuy nhiên, điểm độc đáo và mới lạ nhất ở đây là ở Việt Nam, trường hợp người chết trẻ được ưu ái như trường hợp mộ cổ ở huyện Chợ Lách chỉ thấy trong quần thể Di tích Lịch sử - Văn hóa Quốc gia Bình San (Hà Tiên - Kiên Giang) với sự hiện diện mộ hợp chất của Tiểu thư Mạc Mi Cô - người con gái còn rất nhỏ tuổi của Đô đốc Tổng trấn Mạc Thiên Tứ và chánh thất Hiếu Túc Nguyễn. Thế nhưng, mộ Mạc Mi Cô nằm rất xa mộ của cha mẹ.
Mộ cổ được khai quật ở Chợ Lách có cấu trúc nhà bia gắn với nhà mồ kiến tạo mang đặc trưng chung kiến trúc dạng lăng quý tộc Nam Bộ. Tuy nhiên, kiểu thiết kế lăng kiểu nhà Việt truyền thống này chỉ phổ biến ở miệt cao Sài Gòn, Biên Hòa, hiếm thấy ở Tây Nam Bộ.
Đến nay, ngoài mộ được khai quật ở Chợ Lách chỉ thấy ở lăng Thoại Ngọc Hầu và chánh thất Châu Thị Tế ở núi Sam (Châu Đốc, An Giang).
Thế nhưng, lăng ở Chợ Lách có quy mô lớn hơn. Dù bia ẩn tên và vết tích còn ít nhưng với những phát hiện trên, các chuyên gia khảo cổ học đoán định chủ ngôi mộ là giới quý tộc triều Nguyễn được triều đình cho phép chôn theo hình thức trên. Tầm cỡ ngôi mộ chỉ có thể gắn với các nhân vật lịch sử có tài lực và danh tiếng, ảnh hưởng đến tiến trình lịch sử hình thành vùng đất Bến Tre.