Bước chân vào thế giới bùa ngải của tộc người sống ven dòng Đắk Bla mà theo tiếng thổ ngữ có nghĩa “dòng sông ăn thịt người” này, chúng tôi ghi nhận nhiều sự lạ, đặc biệt là ánh mắt thất thần, lời kể vẫn còn ám ảnh sự sợ hãi của những người già Bahnar nơi núi cao rừng thẳm!
Đường vào làng Kon Jơ Dri.
1. Nơi chúng tôi đến là địa phận xã Đắk-rơ-wa, cách trung tâm thành phố Kon Tum khoảng 10km. Nơi đây, có các ngôi làng cổ xưa là nơi cư trú lâu đời của tộc người Bahnar như làng Kon Jơ Dri, Kon K’tu... Sau bao biến chuyển của thời cuộc, những ngôi làng cổ ở đây vẫn giữ được những dáng xưa trăm năm, thể hiện qua những ngôi nhà dài với mái cong hình lưỡi rìu và những chuyện thư ếm trăm năm huyền hoặc!
“Thế giới tâm linh của người Bahnar bí ẩn và kỳ lạ lắm. Người Bahnar cổ xưa nắm giữ nhiều thứ ngải huyền bí như tơbơm, gơm hay deng... Nếu như tơbơm là thứ ngải được người ta thư ếm vào cây cối hay thú vật thì gơm là loại bùa ngải tai quái. Những người Bahnar cao tuổi tin ai đó một khi nắm giữ tà thuật gơm thì lời khen của người đó sẽ khiến người khác gặp tai ương khủng khiếp” - lương y Thanh Bình, 62 tuổi, hiện sống tại quận 12, TP HCM, người từng nhiều năm luồn rừng nghiên cứu các loại thảo dược trên đất Kon Tum tiết lộ.
Theo lương y Bình, ngải tơbơm có hình dáng của một loại dây leo, được phân thành nhiều loại, mỗi loại có “công năng” truyền bệnh khác nhau. Ví như tơbơm ken với dáng hình là loại dây leo quăn queo truyền bệnh đau nhức gân cốt cho những ai chẳng may đụng phải. Ngải tơbơm cơdreng có lá uôm sát đất gây chứng bệnh khòm lưng: “Ngoài ra còn có ngải tơbơm sô với nhiều đoạn u nần truyền bệnh u mụt. Ngải tơbơm tơnang với nhiều lỗ thủng tiết ra thứ nhựa có màu đỏ quạch như máu người gây bệnh chảy máu cam... Ghê gớm nhất là ngải tơbơm tơpu h’môch gây chứng bệnh phù mình, sưng lá lách với ai chẳng may đụng phải”(?).
Tại làng Kon Jơ Dri, khi được hỏi thăm về những loại ngải tơbơm kể trên, ông Y Che, ngoài 60 tuổi, xác nhận từ nhỏ đã nghe những người già vào những đêm lạnh bên bếp lửa nói về cơn ác mộng quanh những loại cây cối truyền bệnh cho người. Ông Che cũng tiết lộ, ngải gơm mà lương y Bình nhắc đến được người bản địa gọi đầy đủ là pưigang gơm, là thứ cây ngải quái ác, khiến người có nó có năng lực độc địa, khen ai là người đó gặp tai ương thảm khốc.
“Người có gơm khen mình giàu có thì mình làm ăn sa sút, nghèo khổ nhanh thôi. Người có gơm khen mình khỏe mạnh sớm muộn gì mình cũng đau yếu. Người gơm khen cây cối, thú nuôi thì nó cũng bị héo bệnh, đau yếu như người. Sợ lắm!” - ông Che, dè dặt trò chuyện.
Loại ngải tơbơm có năng lực truyền bệnh cho người khác mà lương y Bình đề cập đến, và người có gơm khen ai thì người ấy gặp tai ương ở người Bahnar tương tự thuật bùa ngải của người M’nông sống trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk mà người viết có dịp tiếp cận. Hơn 1 năm trước, khi được hỏi thăm về những người có “ngải ma”, cụ bà H’rung sống ven hồ Lắk (huyện Lắk) tiết lộ, ai bị người có “ngải ma” hại bằng việc thư ếm thì đang làm ăn khấm khá bỗng sa sút nghèo nàn, rồi đổ bệnh với bụng phình to, ăn không được, ngủ không được, không ai chữa trị được và sau cùng thì chết trong đau đớn.
2. Trong tâm khảm Bahnar, so với ngải tơbơm và ngải gơm, Deng - một loại bùa ngải có quyền năng ghê rợn và đáng sợ hơn cả. Người ta tin, người có Deng là có năng lực huyền bí, có thể bắn những vật vô hình vào bất kỳ ai, khiến người đó đang khỏe mạnh bỗng dưng chịu cảnh đau đớn không rõ nguyên do rồi chết trong thê thảm.
Để phân biệt người bình thường và người có Deng, dân làng Bahnar trông cậy vào tơm pơlei (trưởng làng - PV). Ông này có một loại ngải là lang krai, khi ông trộn ngải này làm mồi hút thuốc rồi phà khói vào những người bị nghi là có Deng, nếu người nào không hề hấn gì thì là người bình thường: “Ông tơm pơlei hà hơi vào người nào mà người đó chảy máu mũi miệng, đó là người có Deng. Để tránh bị người có Deng làm hại, làng đuổi người đó đi, rồi buộc vào cổ tay vỏ cây tơnung để Deng không bắn vật vô hình hại mình được”.
Sợ người có Deng một, người Bahnar xưa sợ người được gọi là tai bơlai đến mười. Theo giải thích của người bản xứ, hiểu theo nghĩa Việt, tai bơlai chính là ma lai. Đây là một dạng quỷ ma đội lốt người, đêm khuya chúng rút đầu ra khỏi thân xác lén lút tìm ăn nội tạng của người xấu số, khiến người đó về sau bị thổ huyết mà chết.
Cụ bà Y Meo.
Trò chuyện với những người già Bahnar sống bên dòng sông ăn thịt người Đắk Bla, mới biết từ ngàn xưa, tổ tiên họ truyền miệng qua bao đời truyền thuyết về ma lai khá rùng rợn. Chuyện kể rằng có 2 vợ chồng nọ sinh được nhiều đứa con, nhưng không hiểu sao những đứa trẻ lần lượt đau bệnh, chết dần mòn. Nghi kẻ tôi tớ trong nhà là tai bơlai, hai vợ chồng đã giết kẻ ấy, lấy gan tế thần cầu mong cho đứa con cuối cùng đuợc sống, nhưng đứa trẻ cũng chết. Sau bận tế thần ấy, vì quen mùi gan người nên vợ chồng nọ cứ đi ăn gan ruột người làng, và những người bị hại ấy sau đó cũng trở thành ma lai đi hại người khác(!?).
Đâu riêng gì người Bahnar, người Mạ sống ở xã Tà Lài (huyện Vĩnh Cữu, tỉnh Đồng Nai) cũng sợ ma lai đến kinh khiếp. Năm 2013, tại nhà văn hóa xã Tà Lài, khi trò chuyện với bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết - Chủ nhiệm nhà văn hóa Tà Lào (nay là Trưởng ban VH-TT xã Tà lài) và ông K’Yếu (nguyên cán bộ nhà văn hóa), chúng tôi đuợc nghe chính từ ông này nhiều chuyện về ma lai rùng rợn. Ông K’Yếu bật mí rằng nhiều người già ở làng tin ma lai là thứ ác ma có thật, được gọi là Chạ, có năng lực bắn vật vô hình hại chết người ta...?
Trở lại những thuật bùa ngải huyền hoặc của người Bahnar. Trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi được những người già bản xứ tiết lộ một dạng bùa ngải khác đó là những kẻ dùng tà thuật để cầu khấn những hung thần bắt hồn ai đó mà mình thù ghét. Ghê sợ hơn, có kẻ còn dùng tà thuật, hại người bằng cách dùng phép yểm hồn: “Muốn yểm hồn người mình thù ghét, kẻ có ngải lấy tóc ở phần xoáy tóc người mình muốn hại, cho vào hòm nhỏ, đem chôn rồi đọc lời khấn. Ai bị như vậy sớm muộn gì cũng chết”(?).
Đó là câu chuyện của cụ bà Y Meo, bà đỡ của các sản phụ làng (làng Kon K’tu). Nay ở tuổi 90 tuổi, cụ Y Meo được xem là bơjâu (phù thủy - PV) cuối cùng ở làng này. Theo giải thích của cụ, trong thân xác của người Bahnar có nhiều linh hồn, có hồn chính, hồn phụ và hồn chính cư ngụ ở chỗ xoáy tóc. Khi bị kẻ có ngải dùng tà thuật bắt hồn chính đem giam cầm, người bị hại khó thoát khỏi bi kịch tàn khốc: Cái chết(?).
3. Thuở hồng hoang ngu muội, khi trong gia đình hoặc trong làng có ai đó bị đau bệnh, bao giờ người ta cũng tìm cách xác định người đó bị tai bơlai (ma lai) bắt hồn, hay bị người có Deng hãm hại, hoặc bị đầu độc bởi người có ngải gơm... Xác định rõ nguyên nhân gây bệnh rồi, tùy tình trạng sức khỏe của người bị đau bệnh mà bơjâu (thầy phù thủy - PV) thực hiện nghi thức trừ tà giải hạn thích hợp.
Nhân thể, xin đuợc nói rõ hơn về các phù thủy mà người Bahnar gọi là bơjâu. Gọi là phù thủy nhưng phần lớn các bơjâu không hại người, mà trái lại, tùy vào thiên chức của mình mà cứu người. Như cụ Y Meo là phù thủy chuyên giúp đỡ các sản phụ vượt cạn mà không đòi hỏi bất kỳ thù lao nào. Cụ bà Y Meo nhẩm tính các dạng bơjâu của tộc người mình: Có Bơjâu soi đèn (phù thủy soi đèn), bơjâu hơda (phù thủy đo gang), bơ-jâu plaih (phù thủy đo sải)... Người Bahnar tin, các thầy phù thủy này được thần thánh ứng vào mình, ban cho năng lực đặc biệt để giúp người đau bệnh.
Chuyện bùa ngải giờ đây chỉ còn là bóng hình thời quá vãng ở các buôn làng Bahnar
Cụ bà Y Meo lời rằng, để cứu chữa cho người bị yểm hồn, đặng giải phóng hồn về với xác, bơjâu sẽ đem lễ vật là rượu và trứng gà đặt để cạnh một mả ma mới (mộ chôn người mới chết), tay cầm lưỡi mác, miệng quát to với đại ý rằng cho ma ăn trứng uống rượu rồi, giờ phải trả lại hồn cho xác, không nhà ma ở sẽ bị đánh phá: “Chữa bệnh cho người bị Deng hại bằng cách bắn vật vô hình gây đau bệnh, thầy phù thủy đặt miệng vào chỗ đau hút mạnh... “Nếu bơjâu hút ra những vật như lông, tóc, xương cá... là những vật mà người có Deng thư ếm người bị hại thì người đó hết bệnh” - cụ bà Y K’lai, ngoài 80 tuổi, tin tưởng.
“Chữa cho người bị đau bệnh do ngải tơbơm, phù thủy chặt một miếng cây được xác định là cây ngải người bệnh lỡ va chạm rồi cà lên chỗ đau. Vừa cà, phù thủy vừa đọc lời khấn chỉ mình mới hiểu” - những người già Bahnar, giải thích.
Tùy tình trạng và nguyên nhân gây bệnh được các phù thủy xác định mà quá trình làm phép thuật giải trừ của các phù thủy có khác, nhưng điểm chung là khi làng có người bị đau bệnh, bao giờ dân làng cũng thực hiện lệnh giới nghiêm, cho đóng cửa làng, trước cửa làng cắm cành lá - thông điệp báo cho mọi người, nhất là người ở làng khác biết ở làng mình có người bị thư ếm kiêng cữ không vào được. Cụ bà Y Meo còn cho biết, có khi để trừ tà ma, dân làng còn làm các bù nhìn hung dữ để trước cổng làng để dù họa các hung thần... “Nếu bơjâu làm phép rồi mà người bệnh không hết bệnh, có khi phải đốt bỏ làng đi nơi khác” - cụ Y Meo, tiết lộ.
Tìm đến xứ sở của người Bahnar để vén bức màn bí ẩn về bùa ngải của tộc người này, mới biết qua bao dâu bể, những chuyện bắt hồn, yểm hồn, thư ếm như trên giờ đây chỉ còn trong tâm khảm của người già. Lớp trẻ Bahnar bây giờ xem đó là sản phẩm của một thời mông muội nên chẳng sợ gì. Cụ Y Meo nói, bây giờ, khi đau bệnh, người Bahnar chẳng còn ai tin bị thư ếm nữa, nên chẳng ai phó thác số phận, sinh mạng của mình hay người thân cho các bơjâu mà đã biết vào trạm xá, bệnh viện. Thế nên, như đã nói, chuyện bùa ngải, thư ếm nay chỉ còn là bóng hình của một thời quá vãng mà thôi.
Nguyễn Thành Dũng
(Công an nhân dân)
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự