Tranh luận ý nghĩa “hòn đá lạ”
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện (Viện Hán Nôm) chính là người phát hiện ra sự có mặt của hòn đá lạ tại Đền Hùng. Ông Diện cho biết: “Hòn đá được đặt ở Đền Hùng từ năm 2009 nhưng không ai biết. Trước Tết Nguyên Đán vừa rồi, vợ tôi là Trang Thanh Hiền chuyên nghiên cứu về Phật giáo, hiện công tác ở trường Đại học Mỹ thuật lên Đền Hùng trong chuyến công tác và phát hiện. Trong không khí mùa xuân đó, chúng tôi chưa vội đưa, cho tới khi diễn ra lễ hội đền Hùng mới đưa ra cảnh báo sự việc này”.
Ngoài việc khẳng định, theo nguyên tắc “hòn đá lạ” không được phép xuất hiện ở Đền Hùng, theo TS.Nguyễn Xuân Diện, việc đặt hòn đá lạ vào Đền Hùng còn liên quan tới những sự việc khác xảy ra thời gian gần đây. Thứ nhất là liên quan tới hòn đá thề bị đánh tráo, thay bằng hòn đá mã não.
Thứ hai là liên quan tới tượng quốc tổ Lạc Long Quân. “Tôi có xem băng video của Đại tá Nguyễn Minh Thông và thấy không biết bao nhiêu là hình nhân thế mạng, ngôi sao, nến tràn ngập… và những thứ nước đen để trong chai nhựa. Tôi cho rằng đó là lễ cúng phù thủy, khác xa với lễ cúng thuần Việt. Theo lệ thường, khi làm tượng thì mỗi bức tượng được để một lỗ ở lưng, để khi an vị, làm lễ an thần nhập tượng, người ta sẽ đưa thất bảo (bảy vật quý) để tượng có linh. Tuy nhiên, tượng Lạc Long Quân lại bị đóng một cái đinh ở trán, sau đó đặt vào đó một viên ngọc để che đi".
Thứ ba là liên quan cả đến vấn đề ấn Đền Hùng viết sai chữ Tổ Vương Đức Phúc. Chữ sai phạm quá nhiều, có tới 3 cái ấn hiện giờ ở Đền Hùng đều sai nhưng vẫn được in lên vải định bán cho người dân 70.000 – 100.000 đồng/cái. “Nói chung tôi thấy… bậy bạ vô cùng”, TS.Diện bày tỏ.
Cư sĩ Lương Gia Tĩnh: “Hòn đá đó không có ý nghĩa gì cả, là một thứ tạp pí lù..."
Cư sĩ Lương Gia Tĩnh - Phó viện trưởng phụ trách nghiên cứu khoa học và thế học Viện Phật giáo Việt Nam cho rằng khi đặt hòn đá trong Đền Hùng cần phải xem xét khía cạnh có phù hợp hay không. Có thể xét về hàng hóa đây là đá quý, nhưng xét về mặt văn hóa tâm linh liệu nó có ý nghĩa tốt lành hay không. Cư sĩ Lương Gia Tĩnh cho rằng: “Hòn đá đó không có ý nghĩa gì cả, là một thứ tạp pí lù, tôi cũng không nghĩ rằng đây là lá bùa”.
Đại tá Quân đội về hưu Lê Thanh Diệu, người có nhiều năm nghiên cứu cảm xạ, tâm linh lại đề cập tới việc “trấn yểm quốc gia”. “Chúng ta nên đối xử như thế nào với cuộc chiến tranh tâm linh? Với tư cách của nhà ngoại cảm, tôi lấy thông tin theo cách ngoại cảm. Tôi từng thấy những bức tượng mang từ Đài Loan, Hồng Kông… về mang năng lượng rất xấu. Bên ngoài tượng Phật có thể mang ý nghĩa tốt đẹp nhưng màu sắc và bản chất bức tượng mang năng lượng xấu”, ông phân tích. Để dễ hiểu hơn, Đại tá gợi ý mọi người liên tưởng tới câu chuyện những bức thư tuy gửi những lời lẽ tốt đẹp nhưng mang chất độc, năng lượng xấu hại người nhận.
Đồng ý với những phân tích của nhà nghiên cứu Phạm Thức về những chữ viết, hình vẽ trên bề mặt hòn đá, tuy nhiên nhà nghiên cứu Lê Thanh Diệu cũng có một số ý kiến khác: “Tôi cho rằng bùa này không cầu cho cá nhân. Hòn đá có hai mặt, một mặt mang tà âm xấu cho người dân Việt Nam, những người hành hương sẽ nhận năng lượng xấu. Dùng ngoại cảm tôi nhận thấy mặt thứ hai hút năng lượng xương cốt của các vị thần linh, các vị tiền bối của ta ở Đền Hùng”.
Ông Trần Tuấn Sinh, nguyên Phó Viện trưởng Viện y học dân tộc bằng con lắc chứng minh viên đá độc hại. Ông Sinh giải thích: “Tất cả mọi thứ đều bắt nguồn từ khí, ai cũng có năng lượng, năng lượng phát ra sóng. Nếu không độc hại, con lắc đứng yên, nếu quẻ tốt, con lắc quay theo chiều kim đồng hồ, còn nếu con lắc quay ngược chiều kim đồng hồ là không tốt”.
Ông Trần Tuấn Sinh dùng con lắc chứng minh hòn đá có năng lượng xấu.
Thừa nhận trên hòn đá là hai lá bùa nhưng ông Sinh có quan điểm: “Bùa chỉ có tác động trong phạm vi, không gian nhất định chứ không đến mức ảnh hưởng đến đất nước, dân tộc”.
Nói về ý nghĩa của đá trong đời sống, ông Dương Đắc Dũng dẫn chứng một câu nói: “Vườn không có đá thì không đẹp, nhà không có đá thì không sang trọng, người không có đá không khỏe mạnh, núi không có đá thiếu kỳ vĩ, nước không có đá thiếu âm thanh, đường không có đá thì thiếu chắc chắn”. Ông Dũng cũng khẳng định đây không phải đá ngọc, đá quý và cũng dựa trên dao động của quả lắc, ông cho rằng hòn đá mang năng lượng xấu.
Giải pháp nào?
Xung quanh “hòn đá lạ”, việc gợi mở giải pháp nào cho vấn đề này được nhiều người quan tâm. “Muốn làm rõ năng lượng hòn đá tốt hay xấu, để hòn đá và con thỏ ở cùng một nơi nhất là để phía năng lượng âm, chỉ không lâu con thỏ sẽ chết. Năng lượng xấu sẽ có ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của con người”, đó là gợi ý của Đại tá Lê Thanh Diệu. Ông cho rằng, Đền Hùng là địa linh, sẽ phát ra năng lượng tốt, giúp đỡ cho toàn dân Việt Nam, cho những người gần và sát Đền Hùng. Theo ông, việc cần làm là tiếp tục mời các nhà ngoại cảm để bàn luận thêm, phân xem thực sự năng lượng phát ra từ hòn đá là tốt hay xấu. Hơn nữa, Đại tá Lê Thanh Diệu cũng cho rằng việc giải quyết vấn đề “dù được mang đi nhưng năng lượng xấu của hòn đá vẫn còn tồn tại” là hết sức cần thiết.
Khẳng định hai lá bùa trên hòn đá lạ yểm ở Đền Hùng là bùa có xuất xứ từ Trung Quốc, cực kỳ độc hại, nhà nghiên cứu văn hóa phương Đông - Phạm Thức cho rằng: "Cần phải giải mã bí mật của nó, di dời và phá hủy nó ngay. Tuy nhiên, đặt nó vào thì dễ, bỏ nó ra thì không dễ chút nào, nếu không khéo thì tác hại của nó khó lường".
Ở góc độ của người nghiên cứu địa chất, ông Nguyễn Ngọc Trường (Tổng cục địa chất Việt Nam) cho rằng, việc tìm hiểu tên của loại đá, bản chất, thành phần vật chất, hóa học, thành phần khoáng vật, tính chất vật lý và đặc biệt là tính chất năng lượng của viên đá… rất quan trọng. Từ đó sẽ biết được nguồn gốc xuất xứ của viên đá từ đâu, có tác động như thế nào tới con người, tới đất nước.
Ông Nguyễn Ngọc Trường cho rằng, nếu được tiếp cận, nghiên cứu hòn đá, ông sẽ trả lời được nhiều câu hỏi dư luận quan tâm.
Là một trong những người đầu tiên xây dựng ngành đá quý Việt Nam, ông Trường cho rằng, nếu được tiếp cận viên đá để nghiên cứu, ông hoàn toàn trả lời được các câu hỏi mà dư luận hiện quan tâm. Ông Ngọc Trường bày tỏ sự băn khoăn về việc các nhà nghiên cứu tâm linh dùng con lắc để xác định năng lượng tốt xấu những bức ảnh in, chụp lại nói trên.
Tiến sĩ Lê Xuân Diện, đề nghị báo chí, các cơ quan trung ương, các Bộ ngành… nhanh chóng ngăn chặn tình trạng lộn xộn này, ngăn chặn việc tùy tiện xâm hại di tích để bảo vệ tâm linh dân tộc.
Cư sĩ Lương Gia Tĩnh đưa ra giải pháp: “Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, chính quyền Phú Thọ, những người liên quan phải công khai vấn đề này. Những người mang đến phải giải thích ý nghĩa, nội dung tránh gây hoang mang cho người dân”.