Giáo dục có mục tiêu tối thượng là dạy 'làm người'

Thứ hai - 12/12/2016 12:29
Đây là một trong những ý kiến về giáo dục nhân cách người học được nêu ra tại Hội thảo khoa học quốc gia về hệ giá trị - mục tiêu phát triển nhân cách người học của hệ thống giáo dục.

Hội thảo này do Quỹ hòa bình và phát triển VN, Hiệp hội các trường ĐH-CĐ VN, Sở GD-ĐT TP.HCM và Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức sáng 10.12.

Trong bài phát biểu khai mạc hội thảo, bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó chủ tịch nước, Chủ tịch Quỹ hòa bình và phát triển VN nói: “Nhiều nghị quyết của Trung ương đã nêu ra quan điểm: giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển. Nhưng rất tiếc, những quan điểm đúng đắn trong các văn kiện chưa được các cấp, các ngành, ngay từ lãnh đạo cấp cao quán triệt và thực hiện tốt”.
 
Cũng theo bà Bình, giáo dục của chúng ta tuy có những cố gắng nhất định nhưng chất lượng đào tạo còn thấp. Nhiều người cho rằng đấy là một trong những nguyên nhân rất cơ bản làm cho kinh tế chúng ta phát triển chậm, văn hóa xã hội ta xuống cấp.

Giáo dục có mục tiêu tối thượng là dạy 'làm người' - ảnh 1
Quang cảnh hội thảo - Ảnh: Hà Ánh
Cũng trong bài phát biểu này, bà Nguyễn Thị Bình cho biết Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục chính là nhằm khắc phục tình trạng nhà trường chưa đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và xã hội. Nhưng đến nay việc triển khai nghị quyết còn rất chậm, nhiều vấn đề còn cần phải tiếp tục nghiên cứu, thảo luận và làm rõ. Điều quan trọng và khó nhất là thay đổi nhận thức về một số vấn đề cơ bản của giáo dục, trước hết là mục tiêu giáo dục.

Cũng tại đây, bà Nguyễn Thị Bình cho rằng, đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo cần nắm vững mục tiêu dạy và học làm người, tức hình thành nhân cách người học. Ngành giáo dục đang xây dựng chương trình và viết sách giáo khoa mới thì cần có sự quán triệt quan điểm cốt lõi này. Cũng theo bà Bình, ngành sư phạm có nhiệm vụ đào tạo những người thầy giỏi chuyên môn nhưng đồng thời là nhà giáo dục, còn nhà trường phải là một môi trường văn hóa tiêu biểu.

“Giáo dục đào tạo coi mục đích tối thượng của mình là phát triển con người - dạy và học làm người chứ không chỉ đơn thuần cung cấp nhân lực, dù nhân lực chất lượng cao đang là vấn đề bức bách”, bà Nguyễn Thị Bình nhấn mạnh.

PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cũng nhận định, nhiệm vụ giáo dục chính trị rất quan trọng và ngày càng trở nên cấp thiết. Đặc biệt là trong tình hình hiện nay khi tình trạng suy thoái đạo đức, lối sống trong xã hội có chiều hướng gia tăng và những biểu hiện tiêu cực của thế hệ trẻ, trong đó có học sinh, sinh viên.

Hà Ánh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây