Cây đa có tác dụng cho bóng mát và bầu khí trong lành; giếng nước cung cấp nước sạch cho mọi người mọi nhà; sân đình là nơi sinh hoạt văn hóa, lễ nghi, thờ tự tín ngưỡng của người dân. Bộ ba "cây đa, giếng nước, sân đình" thường ở vị trí đầu làng, thuận tiện cho việc quy tụ mọi người dân để dễ gặp gỡ nhau hơn.
Vì giếng làng thân thiết như thế, nên đôi khi người ta gán cho nó một tính chất linh thiêng, giống như một vị thần. Không ít nơi, nhiều người thường đến lễ bái nơi bờ giếng để cầu may và xin phúc lộc. Nhiều giếng còn mang vẻ huyền bí, kèm theo biết bao giai thoại được thêu dệt, đến mức hoang đường.
"Sỉ nhục giếng" cả làng phải chịu tội
Nguời ta đồn đại về một giếng thần ở làng Tà Pa, xã Sơn Thượng, huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi rằng nếu giếng nước Tà Pa bị "sỉ nhục" thì cả làng phải chịu tội, phải bệnh tật, hoặc phải dọn đi nơi khác.
Điều đặc biệt nhất về giếng của làng Tà Pa này là giếng luôn luôn có nước. Dù mùa mưa hay mùa khô, dù những năm hạn hán nước giếng của người dân trong làng đều cạn khô hay nước sông hồ quanh vùng đều trơ đáy thì giếng làng này vẫn có một nguồn nước róc rách chảy ra trong vắt, ngọt lành đến kỳ lạ.
Sự linh thiêng của giếng Tà Pa còn được biết đến qua những câu chuyện truyền miệng của người dân nơi đây. Một người dân kể rằng: "Những ai đến thành tâm xin nước giếng uống thì về sẽ gặp may mắn, còn những người tới giếng mà buông lời tục tĩu hoặc làm việc bậy bạ ở giếng thì sẽ bị trừng phạt.
Trước đây có người đàn ông trong làng cởi hết quần áo vào múc nước giếng tắm, khi về thì bị ngứa ngáy khắp người, da nổi những nốt lạ chạy chữa khắp nơi mà không khỏi phải tới khi làm lễ cầu khấn, tạ lỗi tại miếu thờ giếng thì mới đỡ".
Người làng cho rằng ông này đã bị thần giếng phạt vì dám làm việc thô tục ở chốn linh thiêng. Khu vực xung quanh giếng cũng được cho là vùng đất thiêng, những người sống trong khu vực này đều rất khó ở. Trước đây cũng có một gia đình làm nhà sinh sống trong mảnh đất có giếng và sử dụng nguồn nước giếng để ăn uống. Tuy nhiên, khi sống ở đây họ luôn cảm thấy lo sợ, không làm được việc gì thành công.
Trong công việc nhà, người phụ nữ H'rê có thể giặt giũ bên "giếng thiêng", nhưng họ không được giặt đồ lót sẽ ô uế, và nhất là không được lấy đá đập, hay vỗ tay gây ra tiếng động vì họ sợ con quạ nghe thấy sẽ bắt gà, con cọp bắt mất trâu… Người ở làng này không được sang lấy nước giếng của làng khác vì sợ năm đó nuôi con trâu, con bò không được, dân làng không khỏe mạnh.
Một điều đặc biệt là với người dân nơi đây, mỗi khi có người đau ốm hoặc trong gia đình xảy ra lục đục sẽ được giải quyết ở... giếng nước. Nơi đây, biết bao câu chuyện huyền bí của một tộc người diễn ra chỉ quanh… cái giếng.
lục đục sẽ được giải quyết ở... giếng nước. Nơi đây, biết bao câu chuyện huyền bí của một tộc người diễn ra chỉ quanh… cái giếng.
Từ những câu chuyện tưởng chừng như truyền thuyết xung quanh cái giếng thiêng Tà Pa kỳ lạ này đã khiến người ta tâm linh rằng, đó chính là một phần lịch sử có thật của huyền thoại nơi đây. Giếng Tà Pa với dòng nước ngầm vô tận, chảy suốt quanh năm giúp cho người dân vượt qua từng cơn hạn hán, đảm bảo nguồn nước ăn uống và sinh hoạt cho cả dân làng, chở che cho người dân mỗi khi thiên tai hoạn nạn.
Rửa mặt ở Giếng Tiên sẽ trắng...như Tiên
Nằm ngay cửa ngõ của huyện đảo Vân Đồn, cách khu di tích đền Cửa Ông không xa là ngôi đền Cặp Tiên (hay còn gọi là đền Cô bé Cửa Suốt) thuộc địa bàn xã Đông Xá, huyện đảo Vân Đồn. Đền toạ lạc ở một vị trí đắc địa, giữa một vùng sơn thuỷ hữu tình,"đầu tựa sơn, chân đạp thuỷ" cảnh đẹp thơ mộng, yên tĩnh...
Chùa Tiên
Đền Cặp Tiên là một công trình tín ngưỡng dân gian. Trải qua thời gian, ngôi đền đã bị hư hỏng khá nhiều nhưng hiện nay được trùng tu tôn tạo lại nên khá khang trang. Đến với khu di tích, ngoài tham quan, vãng cảnh hành lễ tại khu vực Đền chính và động Sơn trang, một địa điểm mà du khách không thể bỏ qua, đó là giếng Tiên, nằm trong khuôn viên của đền. Đây là một giếng nước ngọt nằm ngay bên bờ biển. Khi nước thuỷ triều lên, dù giếng có bị ngập nước mặn nhưng ngay sau đó lại ngọt trở lại. Quanh năm giếng không bao giờ hết nước. Bởi vậy, không chỉ nhân dân trong vùng mà cả những người đi biển đều rất quý giếng nước này.
Giếng Tiên còn liên quan đến câu chuyện truyền thuyết về hai vị tiên ông thường hay lui tới ngắm "non xanh nước biếc" phong cảnh bồng lai và chơi cờ giải trí. Đi theo phục vụ hai vị tiên ông là hai tiên nữ xinh đẹp. Hàng ngày hai vị tiên ông chơi cờ thì hai nàng tiên xuống giếng này lấy nước về đun uống cho hai vị tiên ông... Tương truyền nếu ai dùng nước giếng Tiên, da sẽ trắng như các vị tiên và gặp nhiều may mắn trong cuộc sống. Chính vì thế, khi đến tham quan khu di tích này, du khách là nữ thường không bỏ qua cơ hội dừng chân ghé vào giếng Tiên...
Giếng kỵ đàn bà
Người Ma Coong ở xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) đang lưu giữ một báu vật trời cho, ấy là giếng nước thần bí ở lưng chừng đỉnh Trường Sơn. "Thần giếng" lại chẳng ưa những người phụ nữ đến tháng, hoặc vừa nở nhụy khai hoa...
Ông Đinh Toại - một người dân địa phương khẳng định chuyện này là hoàn toàn có thật, ông đã từng được nhiều lần chứng kiến. Và, cũng bởi sự thật này mà mấy chục năm nay, không chỉ phụ nữ đến tháng, phụ nữ mới sinh nở mà tất thảy đàn bà, con gái ở đất này đã không dám mon men đến cạnh "giếng thần".
Ông Đinh Toại kể, đồng bào dân tộc ông phát hiện ra chuyện lạ lùng này cũng chính từ đợt đi trú bom Mỹ mấy chục năm về trước. Khi ấy, giữa khu rừng vắng, khi đàn ông ra múc nước tắm giặt ào ào thì chẳng sao, thế nhưng cứ đám đàn bà con gái rủ nhau ra giếng thì giếng lại sôi lên ùng ục.
Không chỉ có vậy, những lúc ấy, bọ gậy, rồi các đám vẩn đục không biết từ đâu tuôn lên mặt giếng. Tuy nhiên, khi những phụ nữ này đi khỏi thì sự cố lạ kỳ trên cũng biến mất, nước trong giếng lại trong xanh, đám cung quăng đen kịt cũng từ từ lặn mất.
Trước sự kiện lạ lùng đó, khi ấy, dân bản cho rằng, trong số những phụ nữ đến giếng có người đã bị "con ma rừng" nó ám nên mới khiến thần giếng nổi giận. Tuy nhiên, sau vài lần kiểm tra dân bản đã đi đến kết luận: Chỉ những phụ nữ mới sinh, đang ở cữ cùng những người đàn bà đến tháng mới khiến "thần giếng" nổi cơn tam bành.
Giếng …cho sữa
"Giếng sữa" hay còn gọi là giếng Chuông Sa, bởi nó nằm trên mảnh đất có tên Chuông Sa thuộc thôn Cam Lâm, xã Đường Lâm, TX. Sơn Tây, Hà Nội. Đó là một giếng nước rất nhỏ, xung quanh được xây bằng đá ong - một "đặc sản" của xứ Đoài. Xung quanh "giếng sữa" là một vùng đất bạt ngàn, rộng lớn. Tương truyền, vùng đất này trước đây là đất của vua Ngô Quyền.
Từ đời vua Ngô Quyền lập đất, người ta có truyền tai nhau câu chuyện về sự hình thành "giếng sữa".
Chuyện rằng, hồi đó loạn lạc, dân chúng đói khổ mưu sinh, có nhà bỏ con để chạy loạn. Một bà lão hành khất chống gậy lang thang qua đất này mới thấy đứa bé còn đỏ hỏn bị bỏ ngang đường. Thương tình, bà bế đứa nhỏ theo. Đến địa phận đất Chuông Sa thì đứa bé đói quá nên khóc ngằn ngặt không sao dỗ được.
Không có nhà dân nào xung quanh để xin cho đứa bé miếng nước, bà phải cố dỗ dành. Bỗng đâu chiếc gậy của bà cắm xuống mảnh đất mềm thì một dòng nước trào lên. Bà mừng quá lấy nước cho đứa bé uống thì đứa bé nín khóc và ngủ ngon lành. Sau này người ta kè đá ong ở xung quanh nơi bà lão chống gậy để làm thành giếng nước".
Trải qua thời gian, lòng giếng có những sợi rễ cây đâm ngang rủ xuống trắng phau như những sợi vải. Giếng nằm bên cạnh sườn đồi và một tòa cổ miếu. Không biết từ bao đời nay, đây vẫn là nơi tìm đến của các người mẹ đang cho con bú. Người dân Đường Lâm cho rằng, nước giếng có công dụng mang dòng sữa trở lại cho những người bị tắc sữa hoặc mất sữa. Tiếng thơm của "giếng sữa" ngày một vang xa, nhiều người ở ngoại tỉnh nghe tin cũng đến để "xin sữa" về cho con. Với chút lễ mọn và lòng thành tâm, ai đến cũng đều được như ý cả.
Lễ vật phải để lại miếu không được mang về. Sau khi xin âm dương, được phép rồi thì người xin sẽ đến bên giếng múc nước bằng cái gáo dừa rồi uống mấy ngụm. Người xin có thể dùng can lấy nước mang về nấu cơm hoặc đun lên làm nước uống. Như vậy là lời cầu nguyện sẽ được linh ứng".
Những người già hơn thì bảo, nếu là người đi xin nước thay thì đàn ông phải để lại 9 đồng tiền lẻ, đàn bà 7 đồng tương đương với vía của mỗi người. Ngày trước người ta dùng tiền xu ném xuống giếng, còn bây giờ dùng tiền giấy để trên thành giếng. Sau khi người làm lễ đi khỏi, lũ trẻ chăn trâu gần đó sẽ mò đến miếu và đem lễ vật chia nhau. Các cụ già bảo, chỉ sau khi lũ trẻ chia lộc thì lời xin sữa của các cô mới hiệu nghiệm.
Hay như cổ ở xã Bá Hiến (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) chưa bao giờ biết cạn nước. Một người dân ở đây là ông Nguyễn Viết Bồng đã kể lại rất nhiều điều lạ lùng liên quan đến giếng này, đến nỗi gia đình Ông phải lập một miếu thờ ngay tại giếng để cầu may tránh họa.
Dù được thêu dệt bởi nhiều câu chuyện hoang đường nhưng giếng làng đã trở nên thân thiết gần gũi với dân làng, như một thành viên của cộng đồng xã hội, như chứng nhân lịch sử về những biến cố vui buồn của người dân.