Hàng triệu người tưởng niệm tướng Giáp nghĩ đến việc đền ơn trong đạo Phật

Thứ bảy - 12/10/2013 20:25
Từ khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, đến nay đã có hàng triệu triệu người trong và ngoài nước đều đau xót và thành tâm tưởng niêm Đại tướng bằng nhiều hình thức khác nhau. Nhưng tất cả đều thể hiện tình cảm thiêng liêng đến Đại tướng.
Trong tuần qua ở Hà Nội đã có hàng trăm ngàn người đến trước số nhà 30 Hoàng Diệu - Đây là ngôi nhà của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Họ đến từ khắp nơi trên mọi miền của đất nước. Mỗi người về đây để thế hiện lòng thành kính trước sự ra đi của Đại tướng. Tất cả đều bày tỏ lòng biết ơn và tri ân sâu sắc tới những gì mà Đại tướng đã cống hiến cho dân tộc Việt Nam!
 
Đã có rất nhiều người thể hiện lòng biết ơn đến Đại tướng bằng những hành động cụ thể như có hàng chục đội sinh viên tình nguyện đã lấy quạt giấy, luôn tay quạt mát cho hàng vạn đồng bào đang xếp hàng vào tiễn biệt Đại tướng, các đồng chí cảnh sát đã phân luồng giao thông, hay những cá nhân đã mang bánh mỳ, nước uống đến phát miễn phí cho đồng bào...
 
Những hành động đó làm cho chúng ta cảm động biết bao!
 

Một điểm bánh mỳ, nước uống miễn phí được đặt ở đường Hoàng Diệu

Những việc đó khiến người viết nghĩ đến việc đền ơn trong đạo Phật. Như chúng ta đã biết, đạo Phật có đề cập đến "Tứ trọng ân", tức là bốn ân nghĩa sâu nặng mà mỗi người chúng ta phải thọ nhận và phải có nghĩa vụ ghi nhớ, đền đáp lại. Bao gồm:
 
Đối với ơn cha mẹ: Những người đã sinh thành ra mình, đức Phật dạy: “Ta trải qua nhiều kiếp tinh tấn nay mới thành Phật, toàn là công ơn của cha mẹ ta. Vậy nên, người muốn học đạo không thể không tinh tấn Hiếu với cha mẹ.” (trích Kinh Phân biệt). Vì thế báo đền ơn cha mẹ, ngoài cải vật chất, tiền bạc và lòng thương kính, người con còn có bổn phận đem lại cho cha mẹ chính kiến, chính tín, giới thiệu con đường giải thoát giới định tuệ hầu giúp mẹc ha loại trừ các ác nghiệp, tăng trưởng các thiện nghiệp, đi dần về giải thoát sinh tử khổ đau. Sự đáp đền này gọi là sự đáp đền của người phật tử, hay của người trí tuệ.
 
Đối với ơn sư trưởng: Những người có công dạy dỗ, giáo dục ta, ngoài việc hầu hạ và kính trọng sư trưởng, người phật tử còn lấy sự cống hiến về tâm linh giải thoát cho chính mình và giải thoát cho mọi người mới chính là báo ân Sư trưởng một cách đúng đắn nhất.
 
Đối với ơn quốc gia: Đất nước, người con Phật ngoài việc tu hành, học Phật còn có trách nhiệm góp phần hộ quốc an dân, bảo vệ non sống gấm vóc, phát huy tài năng của mình để xây dựng xã hội, xóm làng.
 
Đối với ơn đàn na tín thí, đồng bào… Người phật tử chẳng những không quên ơn mà còn tự nguyện cống hiến tài năng của mình một cách vô tư, giúp người khi hoạn nạn (BI), đem lại niềm vui cho người khác (TỪ), vui với niềm vui của người khác (HỶ) và tha thứ, bao dung với lỗi lầm của người khác (XẢ).

Tại sao đạo Phật lại đề cập đến những ân đức này?
 
Đó là bởi vì con người không thể tồn tại chỉ như là một cá nhân đơn lẻ, mà ngược lại con người sống cần có cộng đồng xã hội, cần có sự gắn kết giữa các cá nhân, trong các mối quan hệ xã hội. Chúng ta biết và chịu ơn tất cả mọi người, từ người nông dân trồng lúa để cho ta có cái ăn, người nuôi tằm dệt vải để ta có cái mặc và biết bao ngành nghề khác để phục vụ ta trong cuộc sống đời thường. Chúng ta cũng chịu ơn cỏ cây hoa lá, chim muông đã cho ta môi trường thanh sạch….Đó là vì thảy chúng sinh đều có quan hệ thân thuộc lẫn nhau. Vậy nên đức Phật đã dạy chúng ta hãy mở rộng lòng thương đến khắp chúng sinh, không sát hại sinh vật để thoả mãn nhu cầu của riêng mình.
 
Thứ nữa, cũng trong giáo lý của đạo Phât, Ngài dạy có hai dạng người: người biết ơn và người tìm cách trả ơn. Ai cũng biết trong cuộc sống  người thọ ơn nhiều hơn người tìm cách trả ơn. Khi mở mắt chào đời là chúng ta đã thọ ơn cha mẹ, anh em, quyến thuộc, thầy cô, bạn bè, quê hương, đất nước. Nếu nói trong Phật pháp thì chúng ta thọ ơn Tam bảo, ơn Thầy Tổ.

Do vậy tri ơn và báo ơn phải xem như là bổn phận cần làm. Nếu chúng ta quên những ân nghĩa mà mình đã thọ thì khó tiến hóa trên con đường tu tập. Nếu biết ơn và báo ơn, chúng ta sẽ thành tựu trên con đường đạo mà kinh Phật nói là ‘’ thành tựu mỹ mãn ‘’ những nguyện vọng của chúng ta.
 
Và chúng ta cũng nên biết rằng mọi sự trên đời không đi ra ngoài lý nhân duyên. Ta sống trên đời này là nghiệp duyên của riêng ta mà ra. Chúng sinh vì nghiệp lực mà từ những cảnh giới khác nhau, tìm đến nhau mà cộng nghiệp với nhau để sanh ra làm bà con, thân quyến, cha mẹ, con cái, vợ chồng của nhau. Cũng do ơn ơn, oán oán mà tìm nhau để trả ơn hoặc báo oán nhau mà thôi. Cho nên, tin nhân quả, nghiệp báo, chúng ta không ngừng tu tập thân giáo, khẩu giáo thiện lành để bớt đi nghiệp xấu ác do tham, sân, si gây ra.

Tác giả bài viết: Từ Hậu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây