Ngồi bên đồi cây ăn trái bạt ngàn, Giang "đại ca" - trùm buôn lậu khét tiếng một thời kể lại câu chuyện nghiện ngập, hành trình tự cai nghiện của cuộc đời mình một cách tự nhiên và chân thực nhất.
Bi kịch của đại gia buôn gỗ lậu
Là người lính từng vào sinh ra tử trong chiến tranh, ông Giang đã từng sống một cuộc đời với nhiều khát khao và hoài bão lớn. Sau khi rời quân ngũ, chàng thanh niên Lương Văn Giang vẫn chất chứa trong mình khát vọng làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Tuổi trẻ, lăn lộn kiếm sống bằng đủ nghề lương thiện, nhưng mãi mà khát vọng đổi đời của chàng thanh niên vẫn chưa thành hiện thực. Trong lúc chán nản vì gia cảnh nghèo, ông theo chúng bạn ngược dòng sông Đà đi chơi. Lên tới Sơn La, thấy nơi đây rất nhiều lâm sản quý hiếm, gỗ rừng bạt ngàn, lại thấy ở hạ lưu sông Đà, giá gỗ cao ngất ngưởng, ông đã liều mình làm lâm tặc buôn gỗ về xuôi.
Ngay bè gỗ "lậu" đầu tiên, ông Giang đã thu lãi gấp 10 lần vốn mua. Sau vài ba chuyến hàng có tiền, ông Giang thuê nhân công đi khắp các bản ở Sơn La, Lai Châu thu mua gỗ rồi đưa về xuôi bán kiếm lời. Vài năm làm lâm tặc, từ một kẻ nghèo kiết xác, ông Giang thành đại gia gỗ lậu có tiếng trên sông Đà.
Kiếm tiền dễ như trở bàn tay, thanh niên Lương Văn Giang nhiều hoài bão ngày nào bỗng chốc trở thành tay ăn chơi khét tiếng. Có vài năm kinh nghiệm phiêu bạt nơi rừng thiêng nước độc, sống đúng chất giang hồ trên sông Đà, Lương Văn Giang đi vào nghiện ma túy từ khi nào không hay.
Chỉ dăm năm sau, nhà nước ngăn sông Đà xây dựng nhà máy Thủy điện Hòa Bình, con đường buôn gỗ lậu vì vậy cũng bị cơ quan quản lý xiết chặt hơn. Mất đường làm ăn, Lương Văn Giang lại rơi vào cảnh thất nghiệp. Thế nhưng, lần này có tiền trong tay, ông Giang quên luôn con đường trở về quê hương. Ông cùng đám giang hồ tứ chiếng lang thang khắp các bến sông để tiếp tục được tận hưởng những giây phút "mặn nồng" bên "nàng tiên nâu".
Cả bao tải tiền ông Giang ôm theo rồi cũng nướng vào nàng tiên nâu hết. Khi còn tiền, đám bạn bè, đệ tử vây quanh nhiều vô kể. Thế nhưng, đến khi hết tiền bạn bè anh em cũng lật mặt ngay. Chỉ vài năm nghiện ngập ông Giang đã vét đến đồng tiền cuối cùng trong tay nải.
Trong hình hài một tên nghiện ngập, ông thân tàn ma dại, dặt dẹo khắp nơi với cơn đói thuốc. Từ một tay giang hồ có tiếng, ông Giang đành phải về quê lang thang cùng đám dân nghiện làm thuê kiếm từng điếu "cơm đen".
Đêm đêm, trong ánh đèn dầu leo lắt, chục con nghiện nằm gối đầu lên nhau tận hưởng làn khói trắng. Chúng sống thành từng bầy đàn và chui lủi như con thú hoang trong rừng. Lúc phê thuốc thì tưởng mình anh hùng lắm, tưởng mình là số một. Nhưng khi tỉnh thuốc, chúng mới thấy hiện thực phũ phàng.
Ông Lương Văn Giang kể về hành trình tự cai nghiện của mình. Ảnh Kim Thược
Bạn bè của ông Giang có gia đình nghiện đến 3 người, cha và cả hai đứa con trai đều nghiện ma túy. Mỗi lần lên cơn, chúng cũng không còn tình nghĩa cha con. Bởi vậy, chúng bị mọi người xa lánh, ngay đến chính cha mẹ, vợ con cũng phải khiếp sợ.
Đa số nghiện vào rồi thì không bỏ nổi. Mỗi khi lên cơn vật vã, thèm thuốc mà không có để hút thì cơ thể cảm giác như hàng nghìn hàng vạn còn dòi đang bò, cắn nhúc nhích trong xương, tủy. Sau mỗi lần vật thuốc, ông Giang nhìn lại bản thân mình, một cảm giác đau đớn, chua chát và sống còn không bằng chết.
Khát vọng hoàn lương của Giang "đại ca"
Đã nhiều lần ông Giang có ý định tự kết liễu cuộc đời mình. Thế nhưng, khát vọng muốn làm một con người tử tế vẫn còn nên ông Giang chưa dám làm liều. Cùng lúc đó, dự án phủ xanh đất trống đồi trọc đến với Hòa Bình (Chương trình 135 của Chính phủ) khiến ông nảy một ý nghĩ "làm lại cuộc đời" trên chính nơi mình đã lầm lỡ. Ông Giang chọn được một ốc đảo xung quanh toàn núi đá, cây dại và mênh mông sóng nước để làm lại cuộc đời.
Đến vùng kinh tế mới, ông Giang dựng lều bên mép nước, thức khuya dậy sớm phát cỏ dại, trồng ngô, xua đuổi thú rừng, chống chọi với vô số rắn độc. Nhiều đêm giật mình tỉnh giấc, thấy con rắn hổ chúa to cỡ cổ chân nằm ngoe nguẩy dưới chân giường.
Thời gian đầu, dù lao động quần quật suốt ngày, nhưng cơn thèm ma túy vẫn bao vây tâm trí ông. Cứ mỗi lần vợ hắn đi vắng thì ông lại ra bến, vẫy thuyền để nhờ người quen lấy thuốc cho mình. Thế nhưng, nhìn lũ bạn lần lượt chết vì ma túy, ông lại có động lực cai nghiện hơn.
Mô hình VAC ông Giang gây dựng sau khi cai nghiện. Ảnh Kim Thược
Sợ mỗi lần lên cơn vật vã hành hạ, không kiềm chế được hành động của mình, ông ngay lập tức dặn vợ con bỏ trốn. Ông tự tìm chiếc xích sắt bằng ngón tay cái và để tự xích mình lại. Suốt mấy tháng trời, ông tự mình chống chọi với cơn nghiện hút bằng cách đó.
Chờ cho những tiếng thét, gào khóc man dại của chồng lắng hẳn, người vợ mới dắt díu hai đứa con thơ
trở về nhà. Mỗi lần sau cơn vật thuốc, ông nằm bẹp trong bụi cây sau hốc đá rên ư ử như một con thú dại.
Sau một thời gian dài tự hành xác "sống không bằng chết", ông bắt đầu dám tắm rửa trở lại và tạm quên được ma túy. Ban đầu, không ai tin ông có thể tự cai nghiện thành công. Bạn nghiện của ông không tin còn trực tiếp kéo tới xem. Thấy ông bỏ được thuốc phiện, nhiều người từng nghiện nặng cũng theo gương ông để tự cai nghiện cho bản thân mình.
Cai nghiện xong, ông tiếp tục lao động miệt mài để quên cảm giác nhớ nhung bàn đèn. Đêm đến, ông Giang chất lửa đốt dưới chân ngọn núi đá. Sáng ra, khi lửa tắt, ông vác búa tạ ra quai cho quên hẳn cơm thèm. Suốt 3 năm ròng như thế, ông đập tan ngọn núi đá sừng sững trước mặt, xây trên nền đá cũ một ngôi nhà kiên cố để quyết cột chặt đời mình ở bản Tháu hoang vắng.
Bây giờ đến bản Tháu, hỏi ông Giang chẳng ai là không biết. Họ nhắc đến cái tên Lương Văn Giang bởi một con người có chí làm giàu từ mô hình VAC chứ không phải là một người đàn ông đã từng nghiện ngập. Căn nhà vẫn còn khá nhỏ nhưng khu vườn thì mênh mông với hàng nghìn gốc bưởi, cam quýt, cùng hệ thống ao cá... Mỗi năm, ông thu hàng trăm triệu đồng từ nơi hoang vu, hẻo lánh thực sự khiến người dân xung quanh phải nể phục.
Sau những gì đã trải qua, không một chút ngại ngần về quá khứ, ông vẫn là một kẻ ngông nghênh sống giữa sông nước nhưng biết tìm ra đâu là chính con đường đi của mình. Không còn mơ màng về "nàng tiên nâu", không còn những đêm sống chui sống lủi như con thú mà giờ đây chỉ còn lại một con người đang miệt mài, cố gắng làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Nguồn tin: VTC News
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự