Hoang lạnh mộ cổ 200 năm của công thần triều Nguyễn

Thứ hai - 18/12/2017 11:01
Ngôi mộ cổ nằm ven con hẻm 102 Lý Thường Kiệt (phường 7, quận Gò Vấp, TP.HCM). Người dân ở đây không ai biết chính xác người nằm trong mộ là ai. Họ chỉ biết, ngôi mộ này có liên quan đến một dòng họ đang được thờ tự tại đền thờ Trương gia từ cách đó vài chục mét...
Mộ Bình Thành bá Thượng thư bộ Hộ Trương Minh Giảng
Mộ Bình Thành bá Thượng thư bộ Hộ Trương Minh Giảng
Mộ của công thần triều Nguyễn

Chúng tôi tìm đến Trương gia từ. Người giữ từ đường là cụ Trương Văn Tư (83 tuổi), cháu đời thứ 7 của Bình Thành bá Thượng thư bộ Hộ Trương Minh Giảng - một danh thần triều Nguyễn.

Cụ Tư cho biết thêm, bên trong khuôn viên Trương gia từ được xây tường cao, cổng kín có 2 ngôi mộ nằm kề nhau là của Trương Minh Giảng, một công thần bậc nhất triều Nguyễn và phu nhân.

2 mộ bên ngoài dọc theo con hẻm là của cha và mẹ Trương Minh Giảng, Thành Tín hầu Thượng thư bộ Lễ Trương Minh Thành.

Theo Việt Nam sử lược (nhà sử học Trần Trọng Kim biên soạn) và nhiều tài liệu, Trương Minh Giảng (? - 1841) là người làng Hạnh Thông, huyện Bình Dương, trấn Gia Định.

Ông văn võ song toàn, vừa là một võ tướng vừa là một sử gia. Năm 1832, ông từng giữ chức Tổng tài Quốc sử quán chủ trì việc biên soạn bộ Đại Nam thực lục chính biên.

Năm 1833, Trương Minh Giảng được sung chức Tham tán quân vụ, đem quân vào dẹp loạn khi Lê Văn Khôi, con nuôi Lê Văn Duyệt, nổi loạn chiếm thành Phiên An (tức thành Gia Định). Phải mất 2 năm, Trương Minh Giảng mới dập tắt được cuộc nổi loạn.

Sau đó, Trương Minh Giảng đẩy lui quân Xiêm xâm phạm lãnh thổ Đại Nam và tiếp tục đánh đuổi quân Xiêm ra khỏi lãnh thổ Chân Lạp, thu phục lại thành Nam Vang.

Ông được phong hàm Đông các đại học sĩ, lãnh chức Tổng đốc An Giang, kiêm chức Bảo hộ Cao Miên. Năm 1935, vua Minh Mạng đổi đất Chân Lạp thành Trấn Tây Thành sáp nhập vào Đại Nam, phong cho Trương Minh Giảng trấn giữ.

Suốt thời gian làm Đại tướng quân trấn thủ Trấn Tây, Trương Minh Giảng gặp rất nhiều sự chống đối của người Chân Lạp. Đến lúc vua Minh Mạng băng hà, Thiệu Trị nối ngôi ra lệnh rút quân trả đất Trấn Tây để người Chân Lạp khôi phục lại quốc gia.

Cũng vì không giữ được Trấn Tây Thành, Trương Minh Giảng bị vua Thiệu Trị trách phạt và tịch thu toàn bộ bổng lộc của con cháu. Sau khi ông mất, mộ phần Trương Minh Giảng không được chăm sóc tốt như các quan khác, dù rằng tước vị của ông lúc mất là Bình Thành bá.

Được biết, cha ông được phong là Thành Tín hầu, cao hơn Trương Minh Giảng một bậc.

Phế tích giữa lòng thành phố

Ông cụ Tư đưa chúng tôi đến ngôi mộ song táng của ông bà Trương Minh Giảng. Mộ ông được xây bằng hợp chất ô dước. Một bờ thành hình chữ nhật có kích thước khoảng 6x10m và cao 0,6m bao quanh mộ. Ngay cổng mộ, hai trụ đá vuông trên đầu trụ có búp sen lớn...

Toàn bộ ngôi mộ hiện rêu phong phủ dày, cỏ và cây dại mọc khắp nơi. Mộ không có bia và không còn một dòng chữ nào để xác định tên, tuổi người nằm trong mộ.

Ngôi mộ kế bên là của phu nhân ông Trương Minh Giảng, được xây bằng đá ong xung quanh và cũng không có một tấm bia, một dòng chữ nào.


Ông Trương Văn Tư, 83 tuổi, người được dòng họ Trương ủy nhiệm trông coi từ đường và lăng mộ.

Cả 2 ngôi mộ được vây quanh bởi 3 bức tường, bên trong khu đất từ đường rộng hơn 1.000m2 bao bọc bởi tường rào cao trên 2m. Được bảo vệ rất tốt, cách ly được với những tác động xấu nhưng cả hai ngôi mộ ngày càng xuống cấp.

Ngôi mộ nằm ven hẻm cách Trương gia từ vài chục mét được ông Tư xác nhận là của cha mẹ ông Trương Minh Giảng, tức Thành Tín hầu Thượng thư Bộ Lễ Trương Minh Thành.

Nhìn bên ngoài không ai có thể nghĩ đây là ngôi mộ cổ. Ngoài bờ tường xây xung quanh bằng hợp chất ô dước phủ rêu xanh, bên trong cây cối mọc um tùm. Chúng tôi đạp cây để vào bên trong. Ở những khoảng trống, cây cối được trồng lên rất cao. Gạt đám rau lang, chúng tôi mới nhận ra được 2 nấm mồ. Trên bình phong tiền và hậu, nhiều vết trầy tróc không còn nhận ra dấu vết. Cả hai mộ đều không có bia.

Bà Tư Lan, một người dân gần đó, cho biết, trước đây khu mộ này là nơi tập kết rác (cửa kính vỡ, khung nhôm sắt, gỗ tạp, chậu kiểng…). Bà phải dọn và trồng lên đó những cây cao để ngăn không cho mọi người vứt rác vào, cũng nhờ vậy mới giữ được vệ sinh và bảo tồn được ngôi mộ.

Cả hai ngôi mộ song táng này tính đến nay đã gần 200 năm vẫn chưa được công nhận là di tích, đang dần trở thành phế tích. Một người là Thành tín hầu Thượng thư bộ Lễ, một người là Bình Thành bá Thượng thư bộ Hộ đều có công lớn. Vậy mà khi nằm xuống, mộ phần của họ lại hoang phế...

Nguồn tin: Kienthuc.net.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây