Huyền thoại khó tin bên giếng cổ Chăm - pa

Thứ sáu - 25/08/2017 14:20
Trong khuôn viên chùa Thập Tháp (ở thôn Vạn Thuận, phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) tồn tại một giếng cổ được cho là có từ thời vua Chế Mân (vương quốc Chăm-pa), xây bằng đá ong, mùa nào nước cũng nhiều, trong vắt và ngọt. Đặc biệt, từ bao đời nay, người dân vẫn truyền tai nhau kể về chuyện hạt lúa lạ thường và cọp trắng đêm đêm nằm nghe tụng kinh bên cạnh giếng nước này.
Giếng của vua Chăm

Theo đại đức Thích Viên Kiên (chùa Thập Tháp), vào nửa sau thế kỷ thứ 17, thiền sư Nguyên Thiều đến Bình Định, chấn tích tại khu đồi Long Bích và lập ngôi chùa đầu tiên để làm cơ sở truyền bá Phật pháp, đặt tên là chùa Thập Tháp Di Đà. Sở dĩ ngôi chùa có tên là Thập Tháp bởi nguyên trước đây trên đồi có 10 ngôi tháp Chăm đã sụp đổ và thiền sư Nguyên Thiều sử dụng gạch từ những ngôi tháp đổ sụp này để xây chùa.

Trong chùa hiện có một giếng cổ được đào theo hình vuông, miệng giếng cao hơn mặt đất khoảng 50cm. Lòng giếng được xây bằng những viên đá ong lớn, giống với những viên đá được đào lên từ nền móng của những ngôi tháp Chăm sụp đổ.

“Xưa kia, khu vực đồi Long Bích này là khu vườn Lãng Uyển của các vua Chăm. Vì vậy cái giếng mà nhà chùa sử dụng lấy nước từ xưa đến nay là di tích còn lại của vườn Lãng Uyển”, đại đức Thích Viên Kiên cho biết.

Tương truyền, vườn Lãng Uyển là nơi vua Chế Mân cùng hoàng hậu là Huyền Trân công chúa thưởng lãm cây cảnh, chim muông, hoa lá. Cái giếng trong vườn dùng để lấy nước tưới cây. Giếng lúc nào cũng trong và ngọt.

“Giếng được bảo dưỡng và cảo (làm vệ sinh) mỗi năm một lần. Nhờ nguồn nước trong và ngọt này mà chùa không lo thiếu nước mỗi mùa hạn hán, dù hạn gay gắt tới đâu giếng vẫn có đủ nước cho nhà chùa dùng”, đại đức Kiên cho biết.

Ngoài ra, hồ sen trước mặt chùa cũng hình vuông và thành hồ được xây bằng những viên đá ong lớn như vậy. Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, khảo cổ đến chùa Thập Tháp tìm hiểu, đều nhất trí rằng hồ sen, giếng nước là vết tích của vườn hoa Lãng Uyển là từ thời vua Chế Mân sót lại.

Theo truyền thuyết của người dân trong vùng kể lại, sau vua Chế Mân, vua Chế Bồng Nga (vị vua thứ 3 thuộc vương triều thứ 12 Chiêm Thành) thấy người dân cực khổ khi phải gánh nước ở xa về nhà đã cho đào nhiều giếng tương tự như giếng trên đồi Long Bích. Những cái giếng này giờ vẫn còn rải rác và được người dân coi như “báu vật” cha ông để lại vì nguồn nước trong, ngọt, mát lành. 

Ông Đinh Bá Hòa, nguyên Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Bình Định cho biết: “Nhiều công trình nghiên cứu về giếng Chăm cổ đã khẳng định rằng cư dân Chăm pa cổ là bậc thầy về chọn mạch nước ngầm để xây dựng giếng. Ngay cả những địa điểm khô cằn rất khó để xác định mạch nước ngầm như ở đồi Long Bích nhưng họ vẫn xác định đúng địa điểm có mạch nước ngầm tốt nhất để xây dựng giếng”.


Giếng nước của vua Chăm ở chùa Thập Tháp.

Hạt lúa lạ thường

Tại chùa Thập Tháp này, có truyền thuyết kỳ lạ về hạt lúa khổng lồ liên quan đến giếng nước. Theo đó, sau khi xây dựng chùa, thiền sư Nguyên Thiều thu nhận nhiều đệ tử quy y cửa Phật. Công việc thì nhiều, đệ tử thì đông, mà lương thực khan hiếm, nên thiền sư Nguyên Thiều đã mang từ phương xa về hạt lúa khổng lồ, to bằng chiếc trống cái đặt ngay cạnh giếng nước. Ngày ngày hạt lúa được đệ tử trong chùa múc nước ở giếng tưới đều đặn.

Mùa xuân, khi các đệ tử đang cày ruộng thì hạt lúa khổng lồ từ trong chùa bỗng tự lăn ra đồng. Không cần bón phân, thời gian trôi qua, hạt giống tự nẩy mầm rồi lớn lên. Đến mùa thu hoạch, các nhà sư không phải vất vả gặt hái, mà chỉ cần quét dọn sân chùa, xung quanh giếng nước sạch sẽ, những hạt lúa sẽ tự động lăn về. 

Điều đáng ngạc nhiên là những hạt lúa to như hạt giống ban đầu, nhưng năng suất thấp, chỉ đủ cho nhà chùa dùng và bố thí một ít ra ngoài. Mỗi nhà sư chỉ cần 1 hạt lúa là ăn cả tháng. Hạt lúa trắng tinh, dẻo, thơm như gạo nếp.

Nhiều kẻ tham lam, đã ăn trộm hạt lúa ấy về, nhưng hạt lúa đều mất đi tính tự lăn ra đồng, tự sinh trưởng. Nhiều kẻ khênh hạt lúa ra gieo, nhưng hạt lúa trơ như đá, không chịu nảy mầm.

Đục hạt lúa ra, thì thấy gạo bên trong đã thối rữa. Có kẻ, vừa mang hạt lúa về, thì hạt lúa bỗng tan thành khói bụi. Vì thế, hạt lúa này chỉ trồng được ở trong chùa, không phổ biến ra ngoài được.

Vào một vụ lúa có một nhà sư trẻ tắc trách, quét sân chùa không sạch. Khi các hạt lúa lăn về, thấy sân chùa bẩn, đã dỗi hờn tan biến hết. Thiền sư Nguyên Thiều không một lời quở trách nhà sư trẻ mà nhẹ nhàng thuyết giảng với nụ cười độ lượng về lẽ sinh diệt. 

“Không phải lỗi tại con. Vạn vật hễ duyên mãn thì sanh, duyên tán thì diệt. Những gì mình thấy ở trước mặt không phải là thực thể mà là giả tướng. Thấy đó không phải là thật có, không còn thấy đó không phải là thật không”. 

Từ ấy giống lúa mất. Nhà chùa giữ lại một số vỏ lúa để làm kỷ niệm. Lâu dần, các vỏ lúa ấy mục hết, chỉ còn một vỏ to như chiếc trống chầu, vàng óng. Nhà chùa lưu giữ vỏ lúa này rất trân trọng. Tuy nhiên, khi Pháp chiếm đóng Bình Định, nghe dân gian truyền tụng tại chùa Thập Tháp có một vỏ lúa to lớn lạ thường liền rủ nhau đến xem. 

Không tin vào mắt mình, các quan Pháp ngỡ ngàng thán phục rồi nảy sinh ý định chiếm đoạt. Nhưng khi các quan Pháp lấy tay đụng đến, vỏ lúa lập tức tan tành thành bụi trấu bay vung vãi. Từ đó, hạt lúa khổng lồ ở chùa Thập Tháp chỉ còn trong những chuyện kể.


Hồ sen trước chùa Thập Tháp.

Cọp trắng nghe tụng kinh

Tương truyền, thời hòa thượng Thuật Kiến Liễu Triệt làm trụ trì (trước đó ông làm trụ trì chùa Thiên Mụ ở Huế), vào một đêm mưa gió, có người mẹ ôm con nằm trước cửa chùa. Người mẹ bị câm nên không nói được. Hòa thượng Liễu Triệt thương tình cho xây một cái am nhỏ gần giếng nước để mẹ con tá túc. 

Cũng vì thế, người dân trong vùng đồn đại rằng, trong thời gian làm trụ trì ở Huế, hòa thượng Liễu Triệt thường được vua mời vào cung, ông đã tơ tình với một cung nữ. Kết quả của mối tình ấy là có một đứa con. Hòa thượng Liễu Triệt không biết phải giải thích thế nào.

Điều kỳ lạ là từ khi xây am nhỏ cho mẹ con người lạ tá túc, đêm nào cũng có một con cọp trắng đến nằm bên cạnh giếng nghe tụng kinh, khiến ai nấy đều sợ hãi.

Một đêm, hòa thượng nằm mộng thấy một ông già râu tóc trắng phơ thưa với hòa thượng rằng tuổi thọ của con đã mãn và vừa qua đời, xin nhờ hòa thượng và tăng chúng tụng kinh cầu siêu giúp.

Sáng hôm sau, mọi người thấy xác con cọp trắng nằm chết bên cạnh giếng bèn đem xác chôn ngay trên đồi Long Bích rồi xây một ngôi tháp nhỏ, gọi là tháp Bạch Hổ.

Đại đức Thích Viên Kiên cho biết: “Ban đầu, tháp Bạch Hổ được xây dựng bằng gạch Chăm nhưng đã bị sụp đổ, hiện đã được xây dựng lại, còn bộ xương hổ thì bị kẻ gian lấy mất trong những năm kháng chiến chống Pháp”. 

Lại nói về hòa thượng Liễu Triệt, trước khi viên tịch, ông gọi đệ tử tập trung lại và bảo: “Người đời nói oan cho ta dính án tình với phụ nữ. Ta một đời tu hành thanh tịnh, sau khi xả bỏ báo thân này, tháp của ta cũng sẽ luôn luôn tinh bạch”.

Quả nhiên, cho đến ngày nay, trong khuôn viên chùa có 20 tháp mộ rất lớn, nhưng có một tháp luôn giữ màu trắng, mà mọi người quen gọi là Tháp Trắng. Người nằm bên trong ngôi mộ này không ai khác chính là hòa thượng Liễu Triệt.

Nguồn tin: Baophapluat.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây