Bàn tay anh Củng Phủ Xuẩn ghì chặt cái dây thừng, kéo con dê sừng chắc, râu dài trèo qua bậc cổng. Nóc nhà anh ở đầu xóm đã thấy khói bếp chùng chình. Lửa đã bập bùng. Mọi người đang chờ đợi để bắt đầu lễ cúng quan trọng nhất trong năm với người Pu Péo. Con dê mới được mua về, những gần 4 triệu bạc, sẽ là vật tế thần. Thần rừng thiêng...
Rừng thiêng
Người Pu Péo thờ ba mươi vị thần, trong đời sống tâm linh. Ông Củng Thủ Vần - một người con Pu Péo Phố Là, nguyên là cán bộ Mặt trận tổ quốc huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang - bảo rằng, mỗi khoảnh rừng, mỗi ngọn núi, mỗi xóm bản đều có một vị thần cai quản. Nhưng vị thần ở khu rừng thiêng là quan trọng nhất. Mười hai dòng họ Pu Péo đều phải cúng rừng thiêng. Mỗi gia đình chọn một ngày. Cứ từ mồng một tới mồng sáu tháng sáu âm lịch, trừ ngày con dê, trừ ngày con gà, đều được. Ngày tổ chức lễ cúng không khác gì ngày tết. Bọn con trai đi làm xa cũng phải về. Bọn con gái lấy chồng xa cũng phải về. Anh Xuẩn vui ra mặt: “Nhà mình đã phải họp bàn thống nhất từ hai tháng trước. Rồi mỗi gia đình góp một thứ cho ngày lễ cúng chung”.
Sương vừa chùng xuống lũng núi Gá Quan thì bếp đã dậy mùi cơm mới. Những người phụ nữ đươm đả chia các phần cơm dâng thần rừng thiêng. Cơm chia phần trên lá chuối. Cứ tuần tự hàng tám, hàng bảy rồi cho tới hàng bốn. Đủ ba mươi phần, định rõ cho ba mươi vị thần. Rồi lại tiếp tục chia thịt. Bên dưới tán rừng thiêng ở đầu xóm, chín cành phan đã được thầy cúng Tráng Mìn Hồ dựng sẵn. Con dê bị giết, lấy máu tế thần. Cúng rừng thiêng không thể thiếu dê. Theo lý giải của ông Củng Sa Pao (87 tuổi), các cụ ngày xưa khấn hỏi thần, muốn dâng vật gì. Thần báo dâng dê thì cứ thế mà làm theo. Nhưng ông Củng Dìu Lèng (90 tuổi) lại khác: “Con dê chết không bao giờ nhắm mắt. Thế nên dâng lên thần rồi, nó lúc nào cũng dõi theo để bảo vệ người Pu Péo”. Không ai biết cái lý thực sự thế nào. Nhưng cúng thần rừng thiêng không thể thiếu con dê. Con dê này được lựa chọn kỹ lưỡng, không được có khuyết tật gì.
Vòm cổng đá của dinh thự Củng ngày xưa.
Thẳm từ xa, tiếng chim lảnh lót. Vài con sóc xòe chân bay chuyền qua những cành cây, vẻ như tò mò. Dưới bóng rừng thiêng, tiếng lầm rầm khấn vọng. Mong thần rừng tiếp tục chở che cho người Pu Péo. Mong thần xua đi dịch hại, để cái bồ người Pu Péo đầy thóc, đầy ngô. Để cái bụng người Pu Péo được no. Ý là thế. Nhưng thực ra thì trong số hơn 600 người Pu Péo sinh sống trên đất Việt bây giờ, chỉ độ mươi người biết các bài khấn. Ở xóm Củng Trá thì còn có 7 người. Đó là các thầy cúng. Những bài khấn cha truyền con nối. Và “lớp học” truyền dạy chỉ thực hiện ở các đám ma. Cũng theo cái lý Pu Péo thì không được phép đọc các bài khấn trong nhà. Anh Củng Phủ Sơn - người đã theo cha học khấn trong gần 20 năm - cho biết, để thuộc được ở trong đầu, anh thường phải ra ngoài góc vườn nhẩm đọc một mình. Những gì cần nhớ được ghi chép trong một cuốn sổ đã cũ nhàu. Những thứ ghi chép là bí mật!
Người Pu Péo tin rằng, những bài khấn có thể giúp họ giao cảm với cõi vô hình. Và thần linh đã nghe được lời khấn. Trong chuyện kể của những người già, rừng thiêng đã giúp họ vượt qua một trận đại hồng thủy kinh hoàng. Vì thế mà đời sau cứ nối tiếp đời trước, việc bảo vệ rừng thiêng như là một quy ước. Vì thế mà hàng chục hécta rừng trên dãy Gá Quan từ đời các cụ được định biên bằng máu dê, là bất khả xâm phạm. Duy chỉ có một vụ đốt rừng vi phạm quy ước cách đây gần ba thập kỷ đã bị phạt vạ bằng dê. Cứ thế, giữa đại ngàn cao nguyên đá Đồng Văn, thẳm xanh một huyền tích…
Gia phả của người Pu Péo nay đã được chép lại, vào sổ bằng tiếng phổ thông.
Bếp thiêng
Những ngôi nhà chình đất, lặng lẽ dưới bóng rừng thiêng, cũng có những bí mật của nó. Khuôn mặt ông Củng Phủ Sán (63 tuổi) cứ lúc ẩn, lúc hiện trong ánh lửa bập bùng. Phả phất một điếu thuốc lào, ông lim dim đôi mắt, kể về dân tộc mình. Ông chắc nịch: “Trước trận đại hồng thủy, chúng tôi đã phải vượt nghìn trùng biển khơi đến đây. Đó là một cuộc trốn chạy giặc dã. Những người già vẫn kể thế. Sau này, có người còn bảo, gốc gác chúng tôi là từ đất nước mặt trời mọc nữa cơ”. Chả ai còn biết chính xác, người Pu Péo tới từ đâu? Lại chính ông Sán chắc nịch: “Truyền thuyết này trước đây được chép lại bằng chữ Pu Péo đấy. Nhưng sách nhà họ Củng bị con trâu ăn mất, sau trận đại hồng thủy. Từ đó, chữ viết cũng mất theo, các cụ còn nhớ thì truyền lại cho con cháu thôi”.
Lửa vẫn bập bùng. Ông Sán vẫn ẩn hiện trong ánh lửa, như một người luôn sống trong hoài niệm. Thêm một điếu thuốc lào phả phất. Ông chỉ tay bảo: “Trong nhà, cái bếp che chở chúng tôi. Lửa bếp không bao giờ được tắt”. Thực ra, chuyện cái bếp cho thấy, một gia đình người Pu Péo được tổ chức như thế nào. Cái bếp nơi ông Sán ngồi là bếp cái hay bếp thiêng. Thiêng vì nó gắn với nơi thờ tự, tâm linh. Trong mọi ngôi nhà truyền thống, nó luôn nằm ở gian phía bên trái. Những chiếc lọ đựng linh hồn người đã khuất đặt trên ban thờ phải nhờ hơi ấm bếp thiêng để không lạnh lẽo. Gian bếp thiêng cũng là nơi chỉ dành riêng cho những người đàn ông trong nhà. Con gái đã đi lấy chồng thì tuyệt nhiên không được bước chân vào gian bếp thiêng của bố mẹ đẻ nữa. Ông Sán vẫn miên man kể, trong khi bà vợ cứ lúi húi nấu xoong mèn mén ở bếp, gian bên phải ngôi nhà. Từ đời các cụ, ngô vẫn là lương thực chính, giờ mới có lúa gạo. Giữa hai cái bếp là không gian sinh hoạt chung của cả gia đình.
Cũng vì bị “con trâu ăn mất sách” mà gia phả người Pu Péo cũng chỉ còn truyền miệng. Thứ bậc trong dòng họ được phân biệt bằng những tên đệm. Dòng họ Củng nhà ông Sán định ra 18 chữ đệm trong tên họ. Cứ mỗi đời thì bắt đầu bằng một tên đệm giống nhau. Bắt đầu bằng chữ Chiêng (phiên âm theo tiếng bản địa), rồi San, rồi Cao… Tới ông Sán là đời thứ 9, đệm tên Phủ. Con cháu ông đã có tên đệm là Phà, đời thứ 12. Cho đến tên đệm cuối cùng là chữ Sín thì bắt đầu vòng trở lại chữ Chiêng. Mười một dòng họ còn lại sẽ có cách định tên khác đi. “Không có chữ viết thì mình phải định thế cho dễ nhớ. Để ngày cúng thần rừng thiêng gặp nhau còn biết cách mà xưng hô”. Ông Sán lại phả phất thuốc lào. Và lại hoài niệm. Dòng họ nhà ông ăn đời ở kiếp ở Phố Là, đã 12 đời rồi. Mộ tổ nhà ông vẫn nằm đây. Giờ ông vẫn sống ở đây cùng con cháu. Nhưng thời gian đã đổi thay nhiều thứ…
Thầy cúng Tráng Mìn Hồ đọc bài khấn cúng rừng thiêng, cầu mong bình yên, may mắn
Phế tích
Tiếng lục lạc vang đều như thanh âm của một chiếc đồng hồ. Ngày nào, ông Sán cũng dắt con bò đực đi thả, chui qua hai vòm cổng đá, sát bên nhà. Những viên đá kết vòm cong chỉ được xếp lại nghiêm ngắn, chứ không có một chất kết dính nào. Rêu phong đã kịp phủ dày. Vòm đá vẫn uy nghiêm. Một dải sân bằng đá giữa hai bờ cổng cũng còn nguyên. “Anh có biết nhà Vương ở Phìn Hồ không?”, ông Sán hỏi. Rồi tiếp: “Giữa hai vòm cổng đá này, trước đây nhà Củng chúng tôi cũng đẹp như thế. Chỉ khác nhà Vương gọi là nhà trắng, vì nó quét màu trắng. Còn nhà Củng chúng tôi thì không. Nhưng kiến trúc thì như nhau”. Ông Sán kể, vừa như tiếc hùi hụi. Vì đó là một thời vàng son của dòng họ nhà ông, thể hiện vai vế với các dòng họ khác, với các dân tộc khác ở miền núi đá biên thùy này. Và chính ông cũng từng sống trong dinh thự đó.
Theo ông Sán thì nhà Củng được xây dựng cách ông 3 đời. “Ngày trước, nhà cụ tôi ở chỗ khác, cũng chỉ chình đất thôi. Nhưng sau này bị sập, vì nhà chất nhiều ngô quá! Thế là cụ mời thầy phong thủy về xem, mới chọn Củng Trá bây giờ. Rồi hai con ngựa thồ bốn sọt bạc trắng Đông Dương ngày xưa sang bên kia biên giới mua đá, thuê thợ về để dựng nhà Củng”, ông Sán kể. Cứ một phiến đá có giá một đồng bạc trắng. Bạc mua đá, rồi cũng chính bạc được dùng để đánh bóng đá. Ròng rã hơn ba năm trời, dinh thự nhà Củng mới xây xong. Một bức thành đá được dựng bao quanh, vì giặc dã nhiều. Phía bên trong thành, những thế hệ con cháu họ Củng cứ sinh sôi thêm. “Rồi cho tới đận chiến tranh biên giới, con cháu chúng tôi phải tự dỡ dinh thự di tản. Phần nữa bị chiến tranh tàn phá”. Đó là những gì mà ông Sán vẫn nhớ như in trong đầu. Và giờ, nó đã là một phế tích.
Cụ Củng Ly Sử - người cao tuổi nhất ở Củng Trá, cũng là người sống nhiều năm nhất trong dinh thự Nhà Củng - đã vừa sang bên kia lưng núi. Những chiếc cối xay đá lừng lững giờ rêu hoen trong đất. Những trống đồng, những sư tử đá, những cột kèo hoa văn quả thuốc phiện giờ cũng tứ tán. “Có cái gì tồn tại được mãi đâu, anh nhỉ. Nhưng con cháu chúng tôi vẫn sẽ ăn đời ở kiếp với mảnh đất này. Chuyện của những người già sẽ tiếp tục được kể lại cho bọn trẻ con”. Nói rồi, ông Sán lặng lẽ đi qua vòm cổng đá. Bóng nắng lịm dần, khuất thẳm rừng thiêng…
"Dân tộc Pu Péo tập trung chủ yếu ở huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, nhiều nhất là ở xã Phố Là, trung tâm là xóm Củng Trá. Đây là một trong những dân tộc ít người nhất Việt Nam, số lượng chỉ khoảng 700 người. Trong năm, người Pu Péo có hai ngày lễ cúng quan trọng là lễ khai xuân (từ ngày mồng một đến mười lăm tháng Giêng) và lễ cúng rừng thiêng (từ mồng một đến mồng sáu tháng sáu)".
Nguồn tin: Báo Lao Động
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự